Vụ “hô biến” hơn 700 ha đất công thành của riêng ở Bình Dương:

Quan chức được 'biếu' đất đút túi hàng trăm tỷ đồng

Quan chức được 'biếu' đất đút túi hàng trăm tỷ đồng
TP - Khi vụ “hô biến” hơn 700 ha đất công ở Bình Dương thành “của riêng” đang được làm rõ thì chúng tôi phát hiện địa phương đang tìm cách “phù phép” ném hàng trăm tỷ đồng ngân sách vào túi các cán bộ được “biếu đất” nhằm hợp thức hóa sai phạm.

Tiền phong cũng đã có thông tin về sai phạm của UBND tỉnh Bình Dương và huyện Bến Cát trong việc “hô biến” hơn 700 ha đất công ở xã An Tây (Bến Cát, Bình Dương) thành “của riêng” của một số quan chức ở địa phương.

Đất “biếu quan” biến thành… dự án khu công nghiệp - dịch vụ

Ngày 21/3/2007, UBND tỉnh Bình Dương đã có Công văn 1291 chấp thuận quy hoạch cho Cty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (SXXNKBD) 1.350 ha đất thuộc địa bàn hai xã An Tây và An Điền (huyện Bến Cát) để đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ.

Công văn nói trên của UBND tỉnh Bình Dương đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận địa phương, bởi nếu căn cứ theo họa đồ quy hoạch được chấp thuận thì toàn bộ khu đất công hàng trăm ha mà trước đó địa phương đã “biếu” cho các quan chức nằm trong phạm vi dự án, thuộc diện được đền bù giải tỏa để thu hồi đất.

Đáng nói hơn, việc địa phương “vẽ” ra khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ An Tây có nhiều vấn đề không minh bạch, cần được làm rõ. Cụ thể: Tuy ban hành sau văn bản 1291 đúng 2 ngày nhưng Thông báo 43 của UBND tỉnh truyền đạt ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Sơn xung quanh vụ biếu không hàng trăm ha đất công cho gia đình các quan chức thì lại không đả động gì đến chuyện sẽ làm khu liên hợp công nghiệp- dịch vụ An Tây tại khu vực nói trên.

Và, để mau chóng “hợp thức hóa”, UBND tỉnh thậm chí còn “đốt cháy giai đoạn” bằng cách không yêu cầu các Sở chức năng kiểm tra, xem xét sự phù hợp của dự án để trình UBND tỉnh ban hành như thông lệ mà có văn bản chấp thuận ngay sau khi nhận được văn thư của chủ đầu tư, sau đó mới “ấn” cho các cơ quan tham mưu.

Và, UBND tỉnh Bình Dương càng lộ rõ sự khẩn trương trong việc xóa “dấu tích” hơn 700 ha đất công đã biếu cho cán bộ bằng cách ngay sau đó đã ký hàng loạt quyết định thành lập hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng, ban hành đơn giá bồi thường hỗ trợ về đất và tài sản trên đất để thực hiện dự án xây dựng khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ An Tây...

Các quan chức sẽ tiếp tục được bỏ túi hàng trăm tỷ đồng?

Theo phương án bồi thường giải tỏa và hỗ trợ di dời mà UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt, đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp sẽ được đền bù với giá 50 nghìn đồng/m2 (vị trí tiếp giáp đường giao thông nông thôn được nhân thêm với hệ số 1,2), giá hỗ trợ thêm cho loại đất này là 30 nghìn đồng/m2.

Giá đền bù cây cao su trồng từ 5 – 10 năm tuổi là 95 nghìn đồng/cây, mật độ trồng không quá 555 cây/ha). Ngoài ra, người bị giải tỏa còn được tính thêm khoản tiền thanh lý cây cao su 50 triệu đồng/ha.

Nếu chỉ tính riêng các khoản bồi thường, hỗ trợ nói trên thì với đất cao su trước đó gần như được chính quyền địa phương cho không (mua với giá 22 – 50 triệu đồng/ha cách đây hơn 4 năm) các quan chức sẽ bỏ túi gần 1 tỷ đồng/ha.

Với hơn 700 ha đất cao su bị biến thành “của riêng”, ngân sách Nhà nước sẽ bị thiệt hại hơn 700 tỷ đồng. Đó là chưa kể hàng chục tỷ đồng ngân sách buộc phải “gánh” khi tiến hành giải tỏa, di dời như trợ cấp để ổn định cuộc sống, trợ cấp di dời, hỗ trợ đất thổ cư, hoán đổi nền tái định cư...

Theo nguồn tin của Tiền phong, địa phương đã cho xuất toán trên dưới 100 tỷ đồng để chi trả đền bù, hỗ trợ. Đã có hơn 20 trường hợp bị giải tỏa nhận được tiền bồi thường giải tỏa, trong đó có một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của UBND huyện Bến Cát nhận được 3,8 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG