Thăm vùng đất cổ Sa Huỳnh

Thăm vùng đất cổ Sa Huỳnh
TP - Địa danh Sa Huỳnh gắn với cụm từ “Văn hóa Sa Huỳnh” - nơi hiện diện một nền văn hóa cổ độc đáo không chỉ của Việt Nam mà của cả nhân loại.
Thăm vùng đất cổ Sa Huỳnh ảnh 1 Thăm vùng đất cổ Sa Huỳnh ảnh 2
Nắng và gió trên bãi biển Sa Huỳnh

Nhà thơ Xuân Diệu, sinh thời đã có một lần đến Sa Huỳnh, cảm nhận vẻ đẹp của đất, trời, biển nước ở đây đã viết: Hỏi mình biển đẹp vô ngần/ Sóng xanh như đến dừng chân Sa Huỳnh.

Từ làng chài nghèo nàn và hoang sơ, Sa Huỳnh ngày nay đã trở thành một thị tứ nho nhỏ, xinh xinh nằm ẩn mình dưới hàng dương rủ bóng thướt tha và rừng dừa xanh ngút mắt dưới nắng.

Sa Huỳnh là nơi mà ai đã đến một lần thì không thể quên, không những vì cảnh đẹp ở đây mà còn vì tình cảm con người  mộc mạc.

Đầu thế kỷ 20, người Pháp đã sớm quan tâm đến Sa Huỳnh (thuộc huyện Đức Phổ, cực nam tỉnh Quảng Ngãi, cách thị xã tỉnh lỵ 60 km).

Các nhà khảo cổ học như Vinet, Labare, Colani đã phát hiện ở Sa Huỳnh hàng loạt mộ chum và nhiều hiện vật tiêu biểu cho nền văn hóa cổ xưa bị chìm khuất dưới lòng đất qua thời gian dài lịch sử.

Cho đến nay, những địa danh như gò Ma Vương, gò Điều Gà... là những nơi có nhiều dấu tích của nền văn hóa Chăm pa, vẫn thu hút nhiều du khách đến tham quan và sinh viên đến nghiên cứu. Thời nhà Nguyễn, Sa Huỳnh trở thành căn cứ quan trọng để canh phòng mặt biển.

Sa Huỳnh còn nổi tiếng là vựa muối, người Pháp đã sớm mở tuyến đường sắt bắc - nam, lại cho xây dựng ga xe lửa Sa Huỳnh để vận chuyển muối từ Sa Huỳnh đi các nơi khác.

Diện tích các cánh đồng muối ở đây chiếm gần 500 ha và hàng năm sản xuất hàng trăm ngàn tấn muối có chất lượng tốt. Tuy nhiên, nghề muối nơi đây đang dần mất thế mạnh và du lịch đang là hướng đi mới.

Tuyến Dung Quất- Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đầu tư xây dựng nối các tuyến đường ven biển Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định thành con đường đặc sắc của miền Trung.

Tuyến đường dài khoảng 117km, đi qua các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi.

Tuyến đường này kết nối các vùng biển đẹp ở Quảng Ngãi:  Lệ Thủy, Khe Hai, Nho Na, An Cường, Thanh Thuỷ (Dung Quất)… nối kết với Khu du lịch biển đảo Lý Sơn, Vạn Tường, Mỹ Khê và vùng biển Sa Huỳnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi).

Trong chiến lược phát triển du lịch sinh thái biển, hiện nay Quảng Ngãi đang đầu tư xây dựng khu du lịch Mỹ Khê, Sa Huỳnh như một điểm nhấn trong tổng thể du lịch vùng nói trên.

Nằm sát một nhánh của dãy Trường Sơn hùng vĩ, quanh năm bãi cát biển Sa Huỳnh phẳng lỳ, nước biển xanh ngăn ngắt... Đi thuyền ra ngoài xa nhìn vào những bãi biển sát bờ mới cảm nhận hết vẻ đẹp của bức tranh biển kỳ vĩ mà thân thiện.

Biển Sa Huỳnh thuận lợi đến và đi vì nằm sát quốc lộ 1A, lại có ga xe lửa Sa Huỳnh, cho nên từ Bắc vào hay từ Nam ra đều có thể ghé lại đây. Bãi biển Sa Huỳnh chạy dài đến năm, sáu km, cong cong hình lưỡi liềm.

Đáy biển thoai thoải, không có bãi đá ngầm, để tắm biển rất lý tưởng. Màu cát ở đây không trắng như ở nơi khác mà lại có màu vàng óng ánh thật đẹp.

Sa Huỳnh còn có thắng cảnh ghềnh đá Châu Me, Đảo Khỉ… thu hút du khách vào các tuor ngắn ngày như ngày nghỉ cuối tuần và các ngày lễ tết. Ngành du lịch Quảng Ngãi đã xây dựng tại đây khách sạn Sa Huỳnh để đón khách đến nghỉ ngơi, an dưỡng.

Sa Huỳnh có đủ các món ngon đặc sản biển nhưng hấp dẫn nhất là món mắm nhum và cua huỳnh đế. Người Sa Huỳnh có câu: “Giàu chất của kho, nghèo lo hũ mắm”.

Con nhum (cầu gai) hiếm và chỉ bắt được theo mùa. Mắm nhum làm cũng không dễ nên khá hiếm loại mắm ngon. Mắm nhum Sa Huỳnh nổi tiếng cả nước.

Thời Nguyễn, vua Minh Mạng hạ lệnh hằng năm địa phương phải “tiến” về kinh đô 12 cân mắm. Mắm nhum thời đó trở thành “mắm tiến”. Sau mắm nhum là cua huỳnh đế.

Đây là giống cua to con, cân nặng cả ký, toàn thân có màu đỏ gạch. Đã đặt chân đến Sa Huỳnh, du khách khó quên món cua luộc chấm muối. Vài xâu cua còn tươi rói là món quà khó quên cho người thân.

MỚI - NÓNG