Quảng Bình:

Việc tuyển 'lậu' giáo viên, nhân viên : Bao giờ xử lý?

Việc tuyển 'lậu' giáo viên, nhân viên : Bao giờ xử lý?
TP - Tiền phong từng có loạt bài phản ánh về tuyển “lậu” hơn 800 giáo viên, nhân viên của ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Quảng Bình. Tuy nhiên, đến nay việc xử lý hậu quả từ việc tuyển “lậu” này như thế nào, ai là người phải chịu trách nhiệm vẫn chưa ngã ngũ.
Việc tuyển 'lậu' giáo viên, nhân viên : Bao giờ xử lý? ảnh 1
Bà Hà Thị Thanh Nam, Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh đang chất vấn trước HĐND về số phận của các giáo viên tự tuyển

Tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa 15 vừa qua, vấn đề này đã được nhiều đại biểu chất vấn. Các đại biểu HĐND bức xúc cho rằng, vụ việc này tồn tại đã quá lâu.

Nó như là một khối u làm rệu rã ngành GD-ĐT, nên hơn lúc nào hết cần phải giải quyết một cách dứt điểm và từ diễn đàn này phải đưa ra lộ trình giải quyết để người lao động yên tâm công tác.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Giám đốc Sở GD-ĐT cũng thừa nhận việc tự tuyển như vậy là không đúng quy định. Chính vì thế mà Sở đã 2 lần có công văn đề xuất UBND tỉnh cho hợp thức hóa các đối tượng này.

Tuy nhiên, ông Lê Quang Đều, Giám đốc Sở Nội vụ, cơ quan vừa giúp tỉnh “giải phẫu khối u” tuyển “lậu” trong ngành GD-ĐT, lại cho rằng: Nếu căn cứ vào các quy định của Nhà nước và giữ nghiêm kỷ cương phép nước thì tất cả các đối tượng tự tuyển sai trên, họ chưa là công chức Nhà nước, muốn là công chức Nhà nước họ buộc phải xét tuyển và thi tuyển lại.

Chủ tịch HĐND né trách nhiệm

Trong tổng số 831 người tự tuyển trái quy định, vượt thẩm quyền và chưa xác định được người ký tuyển dụng, thì lãnh đạo Sở GD-ĐT qua các thời kỳ đã đặt bút ký sai cho 483 trường hợp.

Trong 483 trường hợp đó ông Lương Ngọc Bính, Giám đốc Sở GD-ĐT (nay là Chủ tịch HĐND tỉnh) đã tự tuyển trái các quy định của Nhà nước 244 người.

Tuy nhiên, phát biểu tại kỳ họp với vai trò chủ tọa, ông Lương Ngọc Bính nói như người “ngoài cuộc”.  Ông Bính cho rằng, thực trạng trên cũng có nguyên nhân của nó.

Có năm tăng hàng chục ngàn học sinh, hàng trăm trường, lớp nên Sở GD-ĐT đã tham mưu nhiều biện pháp quyết liệt trong đó xin hợp đồng giáo viên đứng lớp.

Vì thế, hàng ngàn học sinh không bị thất học và là một trong những tỉnh đi đầu trong phổ cập xóa mù chữ. Cũng theo ông Bính thì số tự tuyển này hàng năm vẫn được thẩm định, báo cáo quỹ lương, nâng lương định kỳ, đề bạt bổ nhiệm.

Nhưng hiện thời họ chưa có quyết định tuyển dụng của Sở Nội vụ. Sở dĩ có chuyện đó, theo ông Bính là vì Sở GD thiếu kịp thời, thường xuyên trong việc rà soát, kiểm tra xem xét.

Về hướng giải quyết hậu quả nghiêm trọng này, ông Bính nói: Sau khi có kết luận chính thức của Sở Nội vụ thì HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh xem xét giải quyết trên quan điểm bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người lao động.

Khi có kết luận chính thức thì căn cứ vào mức độ sai phạm của tập thể cá nhân liên quan để kiểm điểm nghiêm túc theo quy định của Nhà nước...

Chủ tịch UBND: Dù khó cũng phải xử lý

Theo ông Phan Lâm Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, việc UBND tỉnh chỉ đạo Thanh tra vụ việc này là hoàn toàn đúng quy trình. Xuất phát từ yêu cầu khách quan. Nó là đòi hỏi của cử tri và yêu cầu của HĐND.

Qua vụ việc này thấy sự yếu kém và quan liêu của các cơ quan hành chính. Theo tôi, đề nghị nhìn thẳng vào sự thật. Không đổ lỗi cho nhau, không đổ lỗi cho khách quan.

Như thế dân mới đặt niềm tin vào chúng ta. Việc làm sai không đúng thẩm quyền này, trách nhiệm trước hết là ngành GD-ĐT. Vì ngành GD được Nhà nước giao trực tiếp quản lý, sử dụng lao động và trực tiếp đề xuất việc này.

“Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật này để có một thái độ kiểm điểm nghiêm khắc. Ai, cơ quan nào, sai đến đâu phải kiểm điểm nghiêm túc đến đó. Chúng ta có nghiêm túc và cầu thị thì dân mới tin.

Quan điểm của UBND tỉnh: Đây là vấn đề nghiêm trọng, liên quan đến số phận của gần ngàn con người, nên cần phải có sự thống nhất chỉ đạo xử lý từ Tỉnh ủy, HĐND và UBND. Dù có khó đến đâu cũng phải chung lưng xử lý dứt điểm. Vướng ở khâu nào thì tập trung tháo gỡ khâu đó...

Tất cả phải xuất phát từ quyền lợi chính đáng của người lao động và đảm bảo sự công bằng giữa người lao động với người lao động”- Ông Phương nói.

Sau kỳ họp, dư luận rất đồng tình với quan điểm của UBND tỉnh trong việc xử lý vụ việc phức tạp này. Nhưng lộ trình xử lý vụ việc sẽ như thế nào? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.