Mẹ liệt sỹ không nhà

 Mẹ liệt sỹ không nhà
TP - Nghĩa trang liệt sỹ huyện Phú Quốc một buổi chiều cuối tháng 7/2007 có bà cụ ôm một xấp đơn đến ngồi bên ngôi mộ có dòng chữ: “Liệt sỹ Phan Văn Hát, du kích xã Dương Tơ, hy sinh ngày 6/5/1978” òa khóc nức nở. Nước mắt chảy dài theo các nếp nhăn dày đặc của tuổi già...
 Mẹ liệt sỹ không nhà ảnh 1
Bà Ân trong căn phòng trọ trống trải

Bà Nguyễn Thị Ân đã hơn 80 tuổi, sinh 12 lần nhưng chỉ nuôi được 6 người con: Là, Giây, Đờn, Ca, Hát, Minh. Hiện tất cả đã bỏ bà mà đi.

Trong đó, anh Phan Văn Hát đã được công nhận liệt sỹ, còn anh Phan Văn Giây tham gia cách mạng từ năm 1961, chiến đấu tại vùng Kiên Lương (Kiên Giang), hy sinh khoảng năm 1973 trong rừng đảo Phú Quốc, hiện chưa tìm được mộ và chưa được công nhận liệt sỹ.

Chồng của bà là ông Phan Văn Thám hoạt động bí mật cho cách mạng trước năm 1954 tại Campuchia, sau 1954 về nước tiếp tục hoạt động tại Hà Tiên, một thời gian bị giặc bắt tra tấn, tù đày.

Năm 1973 trốn giặc chạy ra đảo Phú Quốc, sống tại ngã tư Quốc Tế (nay là khu phố I, TT An Thới). Tháng 2/1978 sau khi anh Phan Văn Hát (SN 1956) hy sinh lúc đang làm nhiệm vụ, gia đình kéo nhau về cây số 10, xã Hàm Ninh sinh sống.

Tại đây gia đình được ông Ba Sức (cán bộ xã đội Hàm Ninh) cho một miếng đất khoảng 4.000 m2 để sinh sống. Năm 1993 ông Phan Văn Thám qua đời. Các con trai còn lại của bà Ân cũng lần lượt chết vì bệnh tật.

Thế rồi xảy ra vụ tranh chấp đất đai của ông Trương Văn Hải. Các nhân chứng như ông Ba Sức, ông Lê Văn Huê (nguyên Chủ tịch UBND xã Dương Tơ) đều khẳng định bà Ân đã sinh sống trên mảnh đất đó từ trước năm 1980, canh tác trước ông Trương Văn Hải.

Ông Chủ tịch UBND xã Dương Tơ còn xác nhận ông Hải lấy súng đe dọa nhiều lần nên bà Ân mới phải đi nơi khác. Huyện Phú Quốc từng họp đề nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép đối với ông Hải.

Đồng thời thừa nhận: “Gia đình bà Ân có công khai phá lô đất nói trên, sau đó ông Hải đến bao chiếm và chuyển nhượng trái phép cho bà Hạnh; Giao cho UBND xã Dương Tơ động viên bà Hạnh giao lại cho bà Ân sử dụng 2.000m2”.

 Mẹ liệt sỹ không nhà ảnh 2
Vườn xoài của bà Ân vừa bị tàn phá, đất bị tước đoạt

Sự việc là rõ ràng nhưng các quyết định của huyện, tỉnh sau đó đều bác đơn xin hợp thức hóa đất của bà Ân. Bà Ân trình bày:

“Ông Ba Hải nhiều lần dùng súng hăm dọa, bắn vào nhà tôi làm hư hại tài sản trong nhà. Vụ nhà tôi bị đốt tuy không bắt được quả tang nhưng tôi khẳng định chỉ có người thâm thù với tôi, muốn chiếm đất của tôi nên mới đốt nhà để đuổi tôi ra đi.

Nhà bị đốt cháy hết tài sản, cháy luôn cả Bằng Tổ quốc ghi công, giấy chứng nhận gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng”. Sự việc xảy ra nghiêm trọng nhưng chính quyền địa phương cũng không làm rõ thủ phạm (?).

Từ khi bị đốt nhà, bà Ân đi lang thang, làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày. Năm 1996 UBND xã Dương Tơ cho mấy cây cột, mấy chục tấm tôn làm nhà tình thương. Ở được một thời gian do bệnh tật nên bà giao lại cho UBND xã, nhận 2 triệu đồng lo thuốc men chữa bệnh. 

Quá trình khiếu kiện đòi đất do không có tiền, bà Ân đã phải thế chấp “sổ lĩnh tiền ưu đãi hàng tháng”, mượn 500 ngàn trong 3 tháng phải trả 400 ngàn tiền lãi. Sổ này lãnh hàng quí, mỗi quí được 1.410.000đ.

Sáng ngày 22/7, PV Tiền phong đến căn phòng bà đang thuê mướn ở ngã ba Hàm Ninh. Căn phòng chưa đầy 10 m2, bà nằm còng queo dưới đất với manh chiếu nhỏ. Gia tài chỉ có vài bộ áo quần nhàu nát, 2 cái nồi, vài cái chén bát để ăn cơm và uống nước.

Bà ngồi dậy nói: “Có ngày tôi chỉ ăn 1 gói mì tôm. Nhiều hôm mưa gió cứ muốn chết cho hết buồn tủi”.

Nhờ sự giúp sức của một người hàng xóm, bà đưa PV Tiền phong đến đám đất đã bị tước đoạt, đó là một vườn xoài cổ thụ, xoài mới bị đốn còn để gốc có đường kính cỡ vài gang tay. Bà lại khóc và nói, mong chính quyền xem xét lại vụ việc cho chính xác, giúp bà có đất xây căn nhà để ở.

MỚI - NÓNG