Tay trầy xước đừng cầm thịt lợn sống

Tay trầy xước đừng cầm thịt lợn sống
Người bị nhiễm liên cầu lợn là do tiếp xúc trực tiếp với lợn  đã nhiễm bệnh, cầm nắm thịt sống, kể cả thịt sống đông lạnh. Vi trùng sẽ xâm nhập qua các vết thương trên da, kể cả các vết trầy xước nhỏ... Ngoài ra ăn thịt lợn chưa nấu chín cũng là 1 nguyên nhân.
Tay trầy xước đừng cầm thịt lợn sống ảnh 1

Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn với các vết xuất huyết trên da - Ảnh tư liệu bệnh viện

Dịch lợn tai xanh đang tiếp tục lây lan ở một số địa phương. Cùng với dịch bệnh ở heo, số ca nhiễm và nghi ngờ nhiễm liên cầu lợn trên người cũng nhiều hơn.

Bệnh liên cầu lợn ở người có lây lan thành dịch không? Th.S Lê Văn Tuân - chuyên viên quốc gia về giám sát và phòng chống các bệnh truyền nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới tại VN - cho biết:

- Liên cầu khuẩn (Streptococcus suis) là một loại vi trùng thường hiện diện ở vùng mũi họng của heo nhà mà không gây bệnh. Tuy nhiên, khi gặp một số điều kiện thuận lợi chúng có thể gây bệnh cho đàn heo. Liên cầu khuẩn suis cũng được tìm thấy ở heo rừng, ngựa, dê, trâu, bò, chó, mèo và cả ở các loài chim.

Bệnh này có gây thành dịch trên người và lây từ người sang người không?

- Người nhiễm liên cầu lợn đầu tiên được phát hiện vào những năm 1960 và ngày càng nhiều hơn. Cũng chưa rõ sự gia tăng số ca mắc đã phản ánh sự gia tăng thật sự số ca mắc mới, hay là bệnh được bác sĩ biết đến và chẩn đoán nhiều hơn.

Trước đây, bệnh xảy ra lẻ tẻ ở người (không thành dịch) tại vài nơi thuộc khu vực châu Á. Cho đến nay chưa có trường hợp nào nhiễm liên cầu lợn do lây từ người sang người.

Ai có nguy cơ dễ bị mắc bệnh này, thưa bác sĩ?

- Người có nguy cơ mắc là người tiếp xúc trực tiếp với heo, thịt heo hoặc các sản phẩm chưa chín từ heo, như những người chăn nuôi heo, nhân viên thú y, người giết mổ, vận chuyển, buôn bán heo, thịt heo; người suy giảm miễn dịch, gồm cả những người đã mổ cắt bỏ lách hay suy giảm, mất chức năng lách; người có bệnh về gan, loét dạ dày tá tràng cũng làm tăng nguy cơ bị nhiễm.

Các bà nội trợ làm và chế biến thức ăn từ thịt heo không thuộc nhóm nguy cơ bị nhiễm, nếu thực hành làm và chế biến thức ăn đúng cách.

Đường lây truyền bệnh từ heo sang người thế nào?

- Người bị nhiễm liên cầu lợn là do tiếp xúc trực tiếp với heo đã nhiễm bệnh; hoặc tiếp xúc trực tiếp (cầm nắm) thịt sống, kể cả thịt sống đông lạnh của những con heo đã bị nhiễm. Vi trùng sẽ xâm nhập cơ thể qua các vết thương trên da, kể cả các vết trầy xước nhỏ như vết đứt tay, trầy xước trên ngón tay, bàn tay, bàn chân...

Ngoài ra, người ta cũng có thể bị nhiễm qua đường ăn uống hoặc qua niêm mạc (kết mạc); qua tiếp xúc với các dụng cụ, đồ dùng đã bị vấy nhiễm vi trùng như khăn tay, áo quần... Ngay cả ăn các thức ăn làm từ thịt heo bệnh mà chưa nấu chín kỹ, thịt sống, thịt tái, tiết canh... cũng rất dễ bị mắc bệnh.

Biểu hiện bệnh ở người thế nào, có biến chứng nguy hiểm? Làm sao biết bị nhiễm liên cầu lợn?

- Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến ba ngày. Người nhiễm có biểu hiện sốt, có các dấu hiệu viêm màng não như đau đầu, nhức đầu, ói mửa, cứng gáy, sợ ánh sáng và giảm ý thức, giảm thính lực (xảy ra ở khoảng 50% các ca bệnh); viêm khớp, viêm phổi, nhiễm trùng huyết... cũng là các biến chứng có thể xảy ra. Biến chứng nặng của nhiễm liên cầu lợn là bệnh nhân bị hội chứng sốc nhiễm độc, có thể dẫn đến tổn hại nặng nề gan, thận, hệ tuần hoàn. Khi hội chứng sốc nhiễm độc xảy ra, tiên lượng bệnh nhân rất xấu.

Thầy thuốc dựa vào các biểu hiện kể trên, cùng với các yếu tố về dịch tễ như có tiếp xúc với heo bệnh hoặc chết và xét nghiệm tìm vi trùng trong dịch não tủy, máu hoặc dịch khớp (nếu có viêm khớp) để chẩn đoán. Nếu được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, người bệnh sẽ bình phục. Còn nếu chậm trễ dễ dẫn đến tử vong.

Xin bác sĩ cho lời khuyên khi làm và chế biến thịt heo an toàn?

- Tuyệt đối không giết mổ heo bệnh, chết; không được làm, chế biến và ăn thịt heo bệnh, chết; heo bệnh, chết phải được tiêu hủy đảm bảo an toàn; mang các dụng cụ bảo hộ (găng tay, tạp dề...) để bảo đảm các vết thương, vết trầy xước được bảo vệ kỹ; luôn giữ sạch sẽ nơi giết mổ và nơi giết mổ phải tách biệt với nơi chế biến, nấu thức ăn; cởi bỏ các dụng cụ bảo hộ đã dùng, rồi tắm rửa bằng xà phòng thật sạch phần cơ thể đã tiếp xúc với heo, thịt heo ngay sau khi giết mổ xong.

Trong khi làm, chế biến thức ăn: không cầm nắm thịt heo sống nếu trên tay có các vết trầy xước (trừ khi đã băng và mang găng tay không thấm nước); luôn giữ nơi chế biến thức ăn thật sạch sẽ và rửa tay bằng xà phòng sau mỗi khi cầm nắm thịt sống; không dùng chung dao, thớt để tránh bị lây nhiễm chéo giữa thịt sống và thịt chín hoặc thức ăn đã chế biến. Không để thịt đã nấu chín vào tô, đĩa đã chứa thịt sống; nấu chín kỹ thịt từ bên trong (không còn màu hồng) sẽ tiêu diệt được vi trùng gây bệnh.

Theo Tuổi trẻ

Muốn phòng bệnh phải làm sao?

Phòng bệnh cho người phụ thuộc sự kiểm soát dịch bệnh ở đàn heo. Đây là một thách thức lớn đối với ngành thú y và công nghiệp về heo. Trong tình hình xảy ra dịch lớn ở heo, cần thiết phải kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và giết mổ heo.

Ngoài ra, cần nâng cao hiểu biết về bệnh dịch cho người dân trong vùng bị dịch: báo ngay cho chính quyền, thú y biết khi heo nhà mắc bệnh hoặc chết để có biện pháp xử lý đúng cách. Hướng dẫn người dân biết cách làm, chế biến thịt heo an toàn.

MỚI - NÓNG