Vì sao con nhà nghèo học giỏi ?

Vì sao con nhà nghèo học giỏi ?
TPO - Trong kỳ thi ĐH năm nay, xuất hiện nhiều thủ khoa 30 điểm có hoàn cảnh khó khăn. Từ 9:30 sáng nay 6/8, bạn đọc đã giao lưu với 3 gương mặt thủ khoa trong số đó.

>> Gửi câu hỏi và theo dõi buổi giao lưu tại đây

Vì sao con nhà nghèo học giỏi ? ảnh 1
Bạn Nguyễn Đăng Chuẩn, bạn Lê Thị Ngọc Anh và bạn Nguyễn Đức Học

Khách mời của Tiền phong Online :

Lê Thị Ngọc Anh – Thủ khoa điểm tuyệt đối 30/30 của Đại học Ngoại thương Hà Nội. 

Bố mẹ Ngọc Anh đều là công nhân nghèo, cả gia đình sống trong một căn hộ chật chội vẻn vẹn có 36 m2 tại khu tập thể Bộ Thương mại (Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội). Bố Ngọc Anh là công nhân Sở Điện lực Hà Nội, còn mẹ là công nhân Cty Giầy Thượng Đình Hà Nội.

Vì sao con nhà nghèo học giỏi ? ảnh 2
Nữ thủ khoa điểm tuyệt đối 30 bên góc học tập  trong căn hộ tập thể 36m2 chật chội tại Thủ đô. Ảnh: XM.

Ngọc Anh là học sinh lớp 12A3, trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) có thành tích học tập rất đáng nể. Năm lớp 10, Ngọc Anh đoạt giải nhì môn Hóa học cấp thành phố. Lớp 11, em “ẵm” về cho trường THPT Chu Văn An giải nhất kỳ thi Hóa học giữa các trường trung học ở Thủ đô, do trường THPT Hà Nội – Amsterdam tổ chức. Lên lớp 12, Ngọc Anh lại một lần nữa tiếp tục đoạt giải nhì môn Hóa học cấp thành phố.

Đấy là những lần “đem chuông đi đấm trường người”, còn tại lớp, “nữ cán bộ” lớp phó học tập Ngọc Anh học rất đều ở các môn. Với Toán, Lý, Hóa, Ngọc Anh luôn đạt điểm tổng kết trên 9. Có năm, em còn được tổng kết 10,0 môn Hóa học.

Vì sao con nhà nghèo học giỏi ? ảnh 3
Nguyễn Đăng Chuẩn

Nguyễn Đăng Chuẩn, HS lớp 12 A1 trường THPT Thuận Thành 1 (Bắc Ninh)  – Thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội ( Toán: 10, Hóa: 10, Lý: 9,75; Tổng số: 29,75 được làm tròn thành 30 điểm).

Chuẩn quê ở xã Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh), do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, anh chị của Chuẩn đã phải dang dở chuyện học hành, dồn tất cả cho Chuẩn. Bản thân Chuẩn cũng từng suýt phải bỏ học vì nhà quá nghèo.

12 năm nuôi con ăn học đèn sách, gần một năm trời chăm chồng ốm yếu, trông vào mấy sào ruộng khoán không đủ trang trải cuộc sống gia đình, những lúc rảnh rỗi, chị Nguyễn Thị Sinh lại đi làm phu hồ kiếm thêm tiền sách bút cho con.

Biết tin con đỗ đại học, chị mừng lắm, nhưng mừng bao nhiêu, gánh nặng kinh tế càng đè nặng lên niềm vui ấy bấy nhiêu. "Gia đình cũng phấn khởi nhưng lo về kinh tế vì gia đình đang rất túng bấn" - Chị tâm sự.

Vì sao con nhà nghèo học giỏi ? ảnh 4
Nguyễn Đức Học

Nguyễn Đức Học – Thủ khoa 30 điểm (Toán và Lý: 10, Hóa  9,75, làm tròn thành 30 điểm) của Học viện Tài chính là con gia đình nông dân nghèo tại Vĩnh Phúc.

Ngoài giờ học trên lớp em chỉ dành 4 tiếng để tự học, không vào lò luyện thi vì sợ tốn tiền, thời gian còn lại em giúp mẹ bán hàng thức ăn gia súc.

Nguyễn Đức Học quê ở xã Đông Tĩnh (Tam Dương, Vĩnh Phúc), bố mẹ em đều làm nông, cả gia đình 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào gần 10 sào ruộng. Để tăng thu nhập, ba Học kiêm thêm nghề “bác sỹ” thú y cho xã còn mẹ mở cửa hàng bán thức ăn gia súc gia cầm.

Nhà có ba chị em, từ khi chị gái lên Hà Nội học Đại học Kinh doanh và Công nghệ, Học đã nuôi mơ ước trở thành sinh viên giống như chị. Từ lớp 7 đến lớp 12, Học đều là học sinh giỏi toàn diện của trường và là niềm tự hào của gia đình.

Ngoài thời gian học trên lớp và tự học, em còn giúp mẹ bán hàng và kiêm luôn “gia sư” cho em gái. Ngoài giờ trên lớp và học thêm tại trường 3 môn: Toán, Lý, Hóa, Học không đến các trung tâm ôn luyện thi đại học để học thêm vì sợ tốn tiền.

Biết con ham học và có năng lực nên ông Nguyễn Đức Huấn – Bố Học - luôn động viên con cố gắng học tập. Ông tâm sự: “Nhà nghèo không có gì cho con ngoài những kiến thức để sau này con tự lập nên dù có phải vay mượn hay bán nhà chúng tôi cũng phải cho con đi học”.

MỚI - NÓNG