Chuyện về cậu bé nghèo giành HCV Vật lý Quốc tế

Chuyện về cậu bé nghèo giành HCV Vật lý Quốc tế
TP - Tại sao Nguyễn Tất Nghĩa mới học 11 nhưng lại đại diện cho cả ngành giáo dục, đào tạo dự chương trình Vinh quang Việt Nam được tổ chức vào ngày 1/9/2007? 
Chuyện về cậu bé nghèo giành HCV Vật lý Quốc tế ảnh 1
Nguyễn Tất Nghĩa

Sẽ chẳng có ai đặt câu hỏi như vậy khi đọc vài “trích ngang” về cậu học trò nghèo này: Huy chương Vàng (HCV) Olympic Vật lý Quốc tế 2007, lọt vào tốp 10 học sinh giỏi Vật lý nhất thế giới…

Còn nếu kể về những giải thưởng trong nước thì rất mất thời gian vì …quá nhiều. Nghĩa học giỏi đến mức người ta nghĩ cậu có “phép lạ”. Nhưng ít ai biết rằng khi Nghĩa nhận HCV thì người mẹ  nông dân đang phải đi làm thuê…

Cứ đi thi là được giải nhất, nhì

Gầy gò, nước da đen sạm, Nghĩa có dáng vẻ của một cậu bé nông dân lớn lên giữa nắng gió ruộng đồng. Từ nhỏ, Nghĩa đã quen với cảnh rơm rạ đồng áng. Nhà có 3 sào ruộng khoán, mẹ một nắng hai sương cày cuốc nhưng vào những dịp tháng Ba ngày Tám cơm ăn cũng chẳng đủ no.

Ông Nguyễn Tất Điểu - bố Nghĩa - đi bộ đội tình nguyện ở bên Lào, năm 1977  bị thương và giải ngũ về quê. Cuộc sống gia đình khó khăn, mấy sào ruộng khoán trên đất chưa mưa đã lụt chưa nắng đã hạn, mỗi năm chỉ làm được một vụ không đủ nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn học.

Vì thế, ông Điểu  phải đi làm công nhân ở nhà máy cơ khí huyện Nghĩa Đàn cách nhà hơn 100km. Khi bố về hưu mất sức  thì mẹ lại phải đi nấu ăn thuê cho một công trường tận huyện miền núi Tương Dương... Bữa cơm gia đình Nghĩa chẳng mấy khi đủ mặt các thành viên, lúc mẹ ở nhà thì bố đi, lúc bố ở nhà thì mẹ lại lên đường…

Lên cấp II, Nghĩa cũng xa nhà đi học trường huyện Đô Lương, bắt đầu một cuộc sống cơm niêu nước lọ. Mấy ngày đầu, cậu bé lớp 6 nhớ nhà, cứ chiều chiều, nhìn khói lam  bay lên từ mái rạ, nước mắt lại rưng rưng. Nghĩa phải làm quen với những việc còn xa lạ với mình: nấu cơm, giặt quần áo, đi chợ…

Để rồi sau đó, được đắm mình vào thế giới của sách vở, của những con số… Học, học, và học. Cuộc sống của cậu học trò trường huyện này gần như chỉ có thế. Và chẳng phải mất nhiều thời gian, Nghĩa đã khiến các thầy cô và bạn bè phải ngỡ ngàng.

Lớp 5, Nghĩa được giải  nhì của tỉnh môn Toán, lớp 7, 8 giải nhất huyện môn Vật lý. Lớp 9 giải nhất  học sinh giỏi tỉnh môn Vật lý… Thế rồi, nhà trường cũng quen dần với việc Nghĩa cứ đi thi là đạt giải nhất, nhì. Nếu được giải 3 có lẽ nó sẽ được xem như… một thất bại.

Nhưng Nghĩa chưa bao giờ “thất bại” như vậy. Lên cấp 3, Nghĩa vào học trường chuyên Phan Bội Châu như một lẽ tự nhiên phải thế. Và tại ngôi trường chuyên giàu truyền thống này, cậu học trò nghèo đã thăng hoa với năng khiếu thiên phú về môn Vật lý.

Năm lớp 10, Nghĩa lại tiếp tục đứng thứ nhất trong cuộc thi học sinh  tỉnh Nghệ An môn Vật lý và được chọn đi thi  học sinh giỏi toàn quốc môn Vật lý  vốn dành cho học sinh lớp 12.

Trong phòng thi, Nghĩa làm hết các bài chẳng mấy khó khăn. Nhưng khi về nhà nghĩ lại mới  giật mình vì đã tính sai một phép tính. Phép tính sai đó đã khiến cậu học trò này nhiều đêm mất ngủ vì tự trách mình và… tiếc.

Thế rồi, kết quả: Nghĩa đạt giải nhì.  Và sau nhiều lần thi khắt khe nữa, Nghĩa được chọn vào đội tuyển gồm 5 người đi thi Olympic Vật lý Quốc tế  năm 2007 tổ chức tại Nam Phi.

“Thầy không còn gì để… dạy em nữa”

Nguyễn Tất Nghĩa tạm xa căn nhà trọ nhỏ xíu của mình ở thành phố Vinh  để ra Hà Nội ôn luyện cho kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế. Lần này cậu được  ở khách sạn, không phải tự  đi chợ nấu cơm nhưng toàn bộ thời gian đều dành cho việc học. Học tất cả các ngày, chỉ được nghỉ mỗi chiều Chủ nhật.

Được học với nhiều thầy giáo giỏi, giàu kinh nhiệm luyện thi và tiếp cận với các loại bài tập khác nhau, Nghĩa cảm thấy mình “giàu có” lên vì thu nhận rất nhiều kiến thức. Đặc biệt, nếu như khi ở trường vì chưa có điều kiện nên chủ yếu vẫn học “chay”, thì khi ra Hà Nội,  Nghĩa được thực hành nhiều.

Và cậu học trò đen sạm, gầy gò này cứ  mỗi lần đến với một lớp học mới lại luôn khiến bạn bè và thầy cô phải ngạc nhiên  vì  cậu luôn thể hiện một trí thông minh tuyệt vời.

Một thầy giáo giỏi sau thời gian dạy Nghĩa ở đội tuyển Olympic Vật lý đã nói thật mà như đùa với cậu học trò quê ở Nghệ An này: “Các bài thầy ra em đều làm được hết. Thầy không còn gì để dạy cho em”.

Trước khi đi thi, các thầy dạy Nguyễn Tất Nghĩa đưa ra một dự đoán mà không hề cảm thấy đã mạo hiểm: “Em đi thi lần này chắc  chắn sẽ đạt giải”.

Điều đó khiến Nghĩa tự tin hơn khi vượt quãng đường dài dằng dặc sang đất nước Nam Phi. Đến nơi đã 2 giờ sáng, đến địa điểm thi mất 4 tiếng nữa, chỉ được nghỉ một ngày, Nghĩa bước vào phòng thi quan trọng nhất kể từ ngày đi học.

Nghĩa nhận thấy đề thi Olympic Vật lý Quốc tế không khó nhưng dài. Thời gian làm bài từ 8 giờ sáng đến 1 giờ chiều cũng chỉ đủ cho cậu học trò xứ Nghệ vừa kịp hoàn thành bài làm. Nhưng về đến khách sạn Nghĩa lại tiếc và tự trách mình khi phát hiện ra một lỗi nhỏ trong bài làm.

Khí hậu Nam Phi nóng và khô, bữa ăn chỉ toàn thịt, không có rau “điều kiện thi đấu” khắc nghiệt  như vậy, nhưng ngày thi thứ 2, Nguyễn Tất Nghĩa đã làm bài tốt.

Kết quả: ngày thi thứ nhất, Nghĩa đạt 28,5/30 điểm. Ngày thi thứ hai: 18,5/20 điểm. Tổng hai ngày thi:47/50 điểm. Cậu học trò  nhà quê đã trở thành 1 trong 10 học sinh giỏi Vật lý nhất thế giới trong tổng số 350 học sinh đến từ 70 nước. Nhận được tin, cả đoàn Việt Nam vỡ òa trong niềm vui.

Trong lễ trao huy chương, Nghĩa thấp bé, gầy nhất, nhỏ tuổi nhất trong những bạn đạt giải, nhưng có ai đó đã nói vui: “Tuy bạn không cao nhưng người khác phải ngước nhìn”.

Nghĩa không sao diễn tả được cảm giác của mình lúc ấy. Có cái  gì đó còn hơn cả niềm vui sướng, có cái gì đó còn bay bổng hơn cả trong mơ, và có cái gì đó còn mặn hơn cả muối khi nghĩ về người mẹ đang xa nhà đi làm thuê. Nước mắt Nghĩa cứ ứa ra…

Gần 50 triệu đồng tiền thưởng Nghĩa đã đưa hết cho cha mẹ. Từng ấy cũng chỉ đủ để trang trải nợ nần vì những năm tháng nuôi 4 đứa con ăn học, cha mẹ Nghĩa đã phải vay mượn rất nhiều.

Và ít ngày nữa mẹ của nhà vô địch Olympic Vật lý Quốc tế lại lên đường đi làm thuê. Nhưng chắc hẳn, một ngày nào đó, người mẹ này sẽ lại nhận được điện thoại báo tin: Con trai mình vừa giành HCV Vật lý thứ hai.

MỚI - NÓNG