Ông Bộ trưởng 30 năm 'chưa vào Đảng'

Ông Bộ trưởng 30 năm 'chưa vào Đảng'
Có học vấn uyên thâm đỉnh cao Việt Nam đầu thế kỷ XX, lại giữ chức vụ then chốt trong Chính phủ Việt Nam đương thời, suốt gần 30 năm tại nhiệm, ông Bộ trưởng "chưa vào Đảng" vẫn cống hiến tài năng và tâm sức của mình cho ngành giáo dục tới tận khi trút hơi thở cuối cùng.

>> Nỗi lòng của "ông Nghè Tây học" làm Bộ trưởng Bộ giáo dục
>> Cái tát trời giáng của ông Bộ trưởng

"Bộ trưởng chỉ có hai bắp ngô thôi!"

Năm 1950, quân Pháp đổ bộ đánh chiếm các tỉnh tả ngạn sông Hồng. Lúc này, Giáo sư Hoàng Như Mai đang là Hiệu trưởng Trường Phan Thanh ở Thái Bình. Sau đó, ông lên làm việc ở Văn phòng Bộ Quốc gia Giáo dục (tức Bộ Giáo dục hiện nay) tại phòng III - phòng phụ trách các vấn đề chuyên môn. Nhờ đó, ông lại có dịp gặp lại và làm việc với thầy cũ của mình khi đó là Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.

Ông Bộ trưởng 30 năm 'chưa vào Đảng' ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên (thứ hai, từ trái sang) trong phái đoàn Chính phủ Việt Nam đàm phán tại Fontainebleau (Pháp) năm 1946. Ảnh: Tư liệu

Ông trưởng phòng của GS. Mai vốn là một nhà giáo lâu năm, rất coi trọng tôn ti, trật tự. Do vậy, không ít lần ông bất bình mà nói với giáo sư Mai rằng: "Ông N. tự cho phép mình có những thái độ, cử chỉ quá tự do trước mặt Bộ trưởng". Còn GS. Mai lại quan sát thấy: "chính Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên thì lại xem là rất bình thường, tự nhiên, chẳng để ý gì cả".

Vào một buổi trưa theo chân Bộ trưởng đi công tác từ Phú Thọ sang Tuyên Quang, Bộ trưởng bảo với GS Mai: "Ta đến dưới bóng cây kia, ăn trưa, nghỉ một lát rồi đi tiếp". GS. Mai đưa nắm cơm vắt của mình ra, rồi dùng dao cắt từng miếng nhỏ, đặt lên tờ giấy: "Mời Bộ trưởng dùng cơm với tôi".

Bộ trưởng Huyên vui vẻ đáp lại: "Ông cứ ăn tự nhiên, tôi cũng có mang theo thức ăn đây". Nói đoạn, ông Bộ trưởng rút ra từ trong ba lô ra hai ... bắp ngô luộc!

Bữa ăn trưa đó khiến cho GS. Mai không khỏi "ngạc nhiên" rồi "kính phục". Ông Mai tự nhủ: "Nhà trí thức này ở Pháp nhiều năm, về nước làm công chức ngạch cao mà sao thích nghi với kháng chiến dễ dàng thoải mái như vậy!".

Khi kể về bữa trưa đó với các đồng sự trong Bộ, ông Mai "chêm" vào một câu nói vui: "Bộ trưởng không thể quan liêu hách dịch với tôi được, vì tôi còn sang trọng hơn Bộ trưởng, tôi còn có nắm cơm, Bộ trưởng chỉ có hai bắp ngô thôi!".

Làm Bộ trưởng 30 năm, nhưng "chưa vào Đảng"

"Thế nào là Đảng đoàn? Đã có Bộ trưởng, Thứ trưởng tại sao lại cần có Đảng đoàn? Đảng đoàn bao gồm tất cả các Thứ trưởng là Đảng viên, thêm 1 hay 2 thành viên khác phụ trách các Vụ quan trọng. Thế thì Đảng đoàn bàn những việc gì? Tại sao tôi là Bộ trưởng mà lại không được biết những gì Đảng đoàn bàn và quyết định...?" - Trước những câu hỏi dồn dập của Bộ trưởng Huyên, ông Dương Xuân Nghiêm - khi đó là Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ - đã lặng cả người.

Ông Bộ trưởng 30 năm 'chưa vào Đảng' ảnh 2

Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Quốc khánh Mông Cổ năm 1971. Ảnh: Tư liệu

Khi giữ chức Tổng Giám đốc Đại học vụ, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên còn rất trẻ, mới có 37 tuổi. Một năm sau, ông được Chính phủ giao giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục). Với sự hăng hái của tuổi trẻ, sự nhiệt tình và tài năng của một trí thức có tư tưởng mới, vị lãnh đạo trẻ tuổi đó đã dẫn đắt phong trào bình dân học vụ ngày càng phát triển. Trước tác phong làm việc của ông Bộ trưởng năng nổ đó, Bác Hồ rất hài lòng và đã có lần nêu tên ông như một tấm gương cho mọi người noi theo.

Dẫu vậy, cái tiếng chưa phải là đảng viên của ông Bộ trưởng cũng không tránh khỏi lời "ì xèo" rằng: phải là đảng viên với có thể lãnh đạo được quần chúng. Nghe được những điều này, ông đã rất trăn trở và đi đến quyết định... xin thôi giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Lý do của ông là vì ... chưa phải là đảng viên nên có thể gặp khó khăn trong công tác chỉ đạo ngành, nên xin để người khác giữ chức vụ quan trọng này!

Biết chuyện, ngay lập tức, Bác Hồ đến gặp trực tiếp Bộ trưởng Huyên và ôn tồn nói: "Chú đã làm việc rất tốt, điều đó chứng tỏ không phải cứ phải là đảng viên thì mới làm việc hiệu quả. Vấn đề cốt yếu là có tư tưởng yêu nước thương dân, có phương pháp làm việc đúng, nhiệt tình và công tác tích cực thì sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chú có đủ những yếu tố đó, vì vậy Bác khuyên chú cứ tiếp tục giữ trọng trách mà Chính phủ giao. Đây cũng là chú làm việc vì dân vì nước".

Tới năm 1960, chi bộ văn phòng Bộ Giáo dục nhất trí giới thiệu và kết nạp ông Nguyễn Văn Huyên vào Đảng. Đề nghị kết nạp đã được Đảng uỷ cơ quan Bộ giáo dục và Đảng uỷ Văn phòng Trung ương đồng ý. Nhưng khi thông qua Ban Bí thư thì chính Bác Hồ đã góp ý: "Để chú Huyên ngoài Đảng sẽ có lợi hơn là trong Đảng”. Ý kiến của Bác mọi người đều hiểu và nhất trí, vì vậy việc kết nạp ông Huyên đã không tiến hành. Và theo chỉ thị của Trung ương, nhất thiết trong mọi quan hệ với Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Đảng đoàn và Đảng ủy Bộ giáo dục phải nhìn nhận ông như "một đảng viên chưa vào Đảng".

Và, suốt gần 30 năm tại nhiệm, ông Bộ trưởng "chưa vào Đảng" đó vẫn cống hiến tài năng và tâm sức của mình cho ngành giáo dục tới tận khi trút hơi thở cuối cùng...  Một Bộ trưởng "bác học uyên thâm" như vậy, nhưng tiếc thay, ông đã không bao giờ trả lời được câu hỏi của ông Hoàng Xuân Hãn: “Khi nào anh nghỉ hưu? Bao giờ nối lại công tác khảo cứu?”...

nhưng tiếc thay, ông đã không bao giờ trả lời được câu hỏi của ông Hoàng Xuân Hãn: “Khi nào anh nghỉ hưu? Bao giờ nối lại công tác khảo cứu?”... 

Theo Tùng Anh
VietnamNet
(Tổng hợp từ "Nguyễn Văn Huyên - Một tấm gương đáng quý và cao đẹp" và "Tiếp bước chân cha - Hồi ký về Giáo sư Nguyễn Văn Huyên")

MỚI - NÓNG