Khoác 'áo mới' cho bán đảo Phương Mai

Khoác 'áo mới' cho bán đảo Phương Mai
TP - Ngày 14/6/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định thành lập Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định). Hơn 2 tuổi là quá trẻ trên hành trình lớn lên của một khu kinh tế, nhưng với “chiếc áo mới” đang khoác lên bán đảo Phương Mai hôm nay.

Buổi trưa tháng 9 nắng như thiêu đốt trên đường Quy Nhơn - Nhơn Hội. Con đường rộng mênh mông dễ khiến người đi liên tưởng đến một đại lộ sầm uất nào đó. “Một cầu, một cầu lại một cầu...”, qua hết 5 cây cầu Hà Thanh, trước mắt chúng tôi hiện ra cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam - cầu vượt đầm Thị Nại.

Cây cầu dài đến 2.501m này được thi công trong đúng 4 năm 1 tháng 9 ngày (2002- 2006), với số tiền 370 tỷ không chỉ khiến cư dân bán đảo Phương Mai “lên đời” mà còn làm cho Bình Định tăng thêm phần kiêu hãnh với các tỉnh bạn.

Từ khi có cầu vượt, gần 40 ngàn cư dân trên bán đảo Phương Mai đã không còn cảnh chờ đò hàng chục tiếng đồng hồ qua đầm Thị Nại. Người dân các xã xa xôi như Nhơn Hải, Nhơn Lý... cũng vì thế mà “siêng” qua lại TP Quy Nhơn, tạo nên mối thông thương giữa đất liền và bán đảo.

Ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, tâm sự: “Có cây cầu, người dân ngoài này bớt khổ, cả vật chất lẫn tinh thần”. Tuy nhiên, thực tế bây giờ còn hơn cả mong đợi của ông Thành hay gần 40 ngàn cư dân khác.

Trên cồn cát trắng xóa Phương Mai, những đại lộ mênh mông tít tắp đã được hình thành, những công xưởng bắt đầu xây dựng. Và trong khói bụi mù mịt, hàng chục chiếc máy ủi, máy xúc vẫn miệt mài san ủi đất để nhanh chóng tạo nên một hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, nhằm đáp ứng đúng thời hạn của các nhà đầu tư.

Ông Dương Ngọc Oanh – phụ trách phòng xúc tiến đầu tư (BQL Khu KT Nhơn Hội) cùng đi với tôi, cho biết: “Có 13 dự án đầu tư đã được UBND tỉnh cấp phép, thời gian tới họ sẽ khởi công nên chúng tôi phải sớm hoàn tất cơ sở hạ tầng”.

Theo tính toán của ông Oanh, chỉ tính riêng con đường trục Khu kinh tế đã ngốn hết 33 tỷ đồng, còn những công trình hạ tầng kỹ thuật, đường sá, điện nước, cống rãnh trị giá hàng trăm tỷ khác chưa được tính đến.

Đầu tư: Cần một “nhạc trưởng”?

Khoác 'áo mới' cho bán đảo Phương Mai ảnh 1
Bán đảo Phương Mai nhìn từ cầu vượt đầm Thị Nại

Theo BQL KKT Nhơn Hội, ngoài những dự án du lịch và khu liên hợp sản xuất nhà xưởng cho thuê thì hiện nay, 2 nhóm nhà đầu tư chính vẫn là Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) và Cty CP Phong Điện miền Trung.

Sáng 12/9, Cty CP Phong Điện miền Trung đã làm lễ khởi công nhà máy Phong Điện Phương Mai 3 có tổng công suất lắp đặt là 21 MW với tổng vốn đầu tư gần 40 triệu USD.

Bà Dương Thị Nga – Phó GĐ Cty CP Phong Điện miền Trung, cho biết: “Với 14 tua – bin phong điện (tạo ra điện nhờ sức gió – PV), mỗi chiếc có công suất 1500 MW, sau khi nhà máy đưa vào sử dụng, sẽ cung cấp khoảng 53 triệu KW điện hằng năm cho KKT Nhơn Hội và bổ sung nguồn cho sự thiếu hụt của nguồn điện quốc gia. Ngoài ra, việc sử dụng năng lượng gió tự nhiên để phát điện sẽ là cách thiết thực để bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhiên liệu hóa thạch”.

Được biết, nhà máy Phong Điện Phương Mai 3 là một trong những dự án lớn nhất đã bắt đầu khởi công ở KKT Nhơn Hội.

Hiện nay, tập đoàn đầu tư vào KKT Nhơn Hội quy mô nhất vẫn là Vinashin. Với dự án Khu liên hợp cảng và nhà máy đóng, sửa chữa tàu biển có giá trị đầu tư 300 triệu USD, Vinashin sẽ hình thành 5 dự án lớn là nhà máy đóng, sửa chữa tàu biển; cảng tổng hợp; cảng tiếp nhận và trung chuyển xăng dầu; khu đô thị mới và đội tàu vận tải biển.

Kỹ sư Lê Bình Minh - GĐ Cty CP Vận tải – Công nghiệp tàu thuỷ Bình Định (Vinashin Bình Định), cho biết: “Hiện Vinashin mới chỉ khởi động dự án đội tàu với 2 chiếc tàu Binh Dinh Star công suất 4.000 tấn, mỗi chiếc trị giá 70 tỷ, đã hoạt động ở Cảng Quy Nhơn được 2 năm”.

Cũng theo kỹ sư Minh, nếu 5 dự án của Vinashin đi vào hoạt động, có thể giải quyết việc làm cho trên 6.000 lao động có tay nghề ở tỉnh Bình Định, nâng doanh thu của Cty lên ít nhất 1.000 tỷ/năm.

Về tình hình đầu tư hiện nay ở KKT Nhơn Hội, kỹ sư Lê Bình Minh cho rằng, tỉnh nên quy hoạch nhà đầu tư chủ lực cho một chiến lược lâu dài. Nhà đầu tư chủ lực đó, dưới sự quản lý của chính quyền, sẽ quyết định địa thế các nhà đầu tư nhỏ khác.

Kỹ sư Minh ví dụ: “Tại Khu KKT Nhơn Hội, nên lựa chọn những tập đoàn lớn như dầu khí, điện lực hay tàu biển. Như vậy, tỉnh sẽ dễ dàng trong việc quản lý chiến lược phát triển sau này”.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.