Giao thông chen lấn kiểu 'hạt vừng cài hạt lạc'

Giao thông chen lấn kiểu 'hạt vừng cài hạt lạc'
TPO - Thực ra, cũng nên nói đến trách nhiệm quản lý giao thông. Vì không phân làn rõ ràng, nên trên đường hình thành đám đông theo nguyên lý "lạc - vừng". Hạt lạc là ô tô, hạt vừng là xe máy, xe đạp... Xe máy chen lẫn ô tô, chen đến khi không thể chen được nữa mới thôi.

>> Ùn tắc là do nền 'giao thông xe máy'
>> Thiếu văn hóa trong tham gia giao thông

Giao thông chen lấn kiểu 'hạt vừng cài hạt lạc' ảnh 1
Giao thông theo nguyên lý "Lạc - Vừng". Ảnh : TP

Ô tô lấn làn đường của xe máy, xe đạp.... nên xe máy, xe đạp phải trèo lên vỉa hè cũng là vạn bất đắc dĩ! Cứ thử quan sát đường Nguyễn Thái Học, Hà Nội vào giờ đi làm buổi sáng, sẽ thấy một hình ảnh sinh động của mô hình "lạc-vừng": 4 xe ô tô giăng ngang hết đường, còn xe máy, xe đạp chen chúc, luồn lách xung quanh như nêm cối...., là cảnh thường thấy.

Đôi khi, trong số 4 xe ấy, lại có 1 xe bus lớn, và 1 xe du lịch (màu hồng, đề chữ ABC) thì... hỏi biết đi đường nào nữa đây? Ách tắc, đôi khi, là do hạt lạc, hạt vừng "cài nhau": hạt lạc muốn rẽ (được phép), nhưng vướng hạt vừng trước mũi, mà nó lại chả có chỗ để tránh dù có muốn...

Tại sao, trên những tuyến đường 1 chiều, đủ độ rộng cho 2-3 làn xe chạy, nhà quản lý không tổ chức thành làn riêng bắt buộc cho từng loại: xe đạp-xe máy-ôtô ? (TB, Email: tranbo@hn.vnn.vn).

Bùi Quang Vinh, Email: Quangvinhtrang@Yahoo.com

Không thể tránh được ùn tắc khi phương tiện cá nhân tăng nhanh

Tôi rất tán đồng với ý kiến của tác giả bài viết Ùn tắc là do nền 'giao thông xe máy' . Khi cơ sở hạ tầng không thể tăng được, ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân chưa cao, tốc độ gia tăng các loại phương tiện, nhất là xe máy ở Hà nội và TP Hồ Chí Minh thì việc ùn tắc giao thông là việc tất yếu.

Không thể đổ lỗi cho cảnh sát giao thông được vì CSGT có làm gì thì cũng chẳng có đường mà đi. Người ta tránh tắc đường nếu đi xe buýt, đi ô tô bằng cách mua xe máy. Cứ tưởng xe máy dễ lách, không sợ tắc đường.

Nhưng hỡi ôi, điều kỳ lạ là khi tắc đường, người ta cứ lách xe máy vào bất cứ chỗ nào có thể lách được. Kết quả là xe máy xuôi, người chiều nhau cùng với ô tô nêm như nêm cối, cả đường lẫn vỉa hè, không ai chịu ai. Có CSGT cũng phải mất nhiều thời gian mới giải toả được. Cái xe máy chứ có phải cái đồ chơi đâu mà vác lên đi được.

Và với tốc độ tăng phương tiện như hiện nay, mỗi tháng Hà nội có thêm 15.000 xe máy, 2.500 ô tô thì chắc là chúng ta sẽ thường xuyên nghe nói đến 2 từ: Tắc đường.

Tôi nghĩ rằng đến một lúc nào đó, người dân Hà nội có xe máy những không dám đi ra đường. Còn xe ô tô cũng vậy: Không có chỗ đỗ xe. Đã đến lúc phải nghĩ đến việc hạn chế các loại phương tiện cá nhân bằng việc thu phí điểm đỗ, lưu hành hàng tháng chứ không phải thu như bây giờ, sao cho mua xe thì nhiều người có thể nhưng nuôi xe thì rất ít( Cả ô tô và xe máy).

Kể cả xe máy cũng cần có phương án hoạch định việc hạn chế dần xe máy như đấu thầu biển số hàng tháng: Mỗi tháng chỉ xuất 500 biển số. Kiểm tra xử lý xe máy lưu hành trái phép ( Không sang tên đổi chủ, nhất là xe khác tỉnh ). Làm sao cho mọi người tập thói quen đi phương tiện công cộng và đi bộ. Tăng cường xử lý vi phạm để nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông.

NGoài ra là các giải pháp khác như: Tăng cường hệ thống giao thông tĩnh, chuyển các điểm vui chơi giải trí, các trường đại học ra khu vực ngoại thành, các tỉnh phụ cận... thay đổi giờ làm việc, xây dựng nhanh các tuyến đường vành đai, các cầu qua sông để hạn chế phương tiện, người vào nội thành. Tôi mong rằng những ý kiến, suy nghĩ của độc giả được các cấp có thẩm quyền quan tâm nghiên cứu.

Trung, Email: ba_che_lor@yahoo.com

Không thể đổ lỗi cho xe gắn máy

Theo tôi, không thể đổ lỗi cho xe máy về việc ùn tắc giao thông được. Một bạn đọc biết đi so sánh việc ở các nước tỷ lệ người đi xe máy là thấp nhưng lại không biết so sánh về cách thức tổ chức giao thông ở các nước đó.

Thứ nhất, ở Việt Nam tắc đường là do hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông quá yếu kém. Nhà nước vẫn chưa chịu đổi mới tư duy, hay nói đúng hơn là đã đổi mới quá chậm, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Nếu nhìn vào các nước phát triển, hay thậm chí chỉ là những nước lân cận như Thái Lan, việc xây dựng các đường giao thông không đồng cấp đã trở nên phổ biến. Chính việc đó đã làm giảm thiểu các nút giao và làm giảm vấn đề ách tắc giao thông.

Trong khi đó, ở Hà Nội mấy năm gần đây mới đang tiến hành xây dựng một số cầu vượt, hầm đường bộ. Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh thì hình như chính quyền địa phương không hề quan tâm tới vấn đề này. Điển hình là ở Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều vòng xoay tại các ngã năm, ngã sáu, thậm chí là ngã bảy làm cho việc tổ chức giao thông trở nên khó khăn nên việc ách tắc giao thông là điều đương nhiên sẽ phải xảy ra với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông như hiện nay.

Thứ hai, việc tổ chức các phương tiện giao thông công cộng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân nên họ bắt buộc phải sử dụng phương tiện đi lại là xe máy.

Thứ ba là cách thức điều hành giao thông chưa hợp lý của các Sở GTCC và CSGT làm cho đường xá đã tắc nay lại càng trở nên dễ tắc hơn. Ngoài ra, việc xử lý không nghiêm của CSGT trước các hiện tượng vi phạm luật GT cũng là một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng "Nhờn thuốc" và người vi phạm không hề cảm thấy có lỗi khi mình vi phạm luật GT (vì họ nghĩ họ không vi phạm "lệ" giao thông do họ tự đặt ra).

Nói chung, ùn tắc giao thông như một hệ quả tất yếu của tổng thể nhiều vấn đề đã tồn tại từ lâu nay mà không được chính quyền quan tâm giải quyết đúng mức. Vì vậy, để giảm bớt ùn tắc giao thông, chúng ta cần phải tiến hành tổng thể, giải quyết mọi vấn đề đang tồn tại chứ không thể đổ lỗi cho lượng xe gắn máy quá lớn hay bất kỳ một nguyên nhân đơn lẻ nào.

Nguyễn Hoàng Sinh, Email: namsing_573@yahoo.com .vn

Tắc đường do xe máy chỉ đúng một phần

Hãy thử đứng hồi lâu nhìn rừng xe máy đang rùng rùng chuyển động trên các phố , bạn có thể nào đếm xuể có bao nhiêu xe chạy sai quy định của luật giao thông , tôi chắc không ai tài nào đếm nổi , thôi thì đủ kiểu sai : chèn người bên trái lấn người bên phái , dừng xe sai làn , rẽ vô tội vạ , cắt qua đầu ô tô , vượt đèn đỏ , cướp đèn xanh , đi ngược chiều , đèo 3 đèo 4 , nghe điện thoại di động chưa đủ còn vừa đi XM vừa viết gửi tin nhắn .

Thôi thì đủ kiểu ( có đến hơn nghìn lẻ một kiểu ) , đủ mọi lứa tuổi , đủ mọi thành phần đua nhau đi kiểu " bố láo ".  Nguyên nhân thì đã nhiều người nêu , đủ mọi kiểu . . . Nhưng theo tôi nguyên nhân chính vẫn là con người , các cụ xưa có câu : " khéo ăn thì no , khéo co thì ấm " .

Mà đã là con người thì cốt yếu là nhận thức và ý thức . Nhưng nói đến ý thức trong điều kiện xã hội hiện tại thì cả là một chuyện quá ư nan giải. Bởi theo tôi trong nhiều chục năm qua đã tồn tại một thực tế ai cũng biết thậm chí nhiều người đã là nạn nhân của một lối sống chỉ biết lợi cho mình, không quan tâm đến ai cả.

Và đau khổ thay người ta mặc nhiên đưa kiểu sống như vậy lên xe máy , lên ô tô và coi như vậy là bình thường và cũng bình thường gieo tai hoạ nặng nhẹ tuỳ mức lên đầu người khác khi cùng tham gia giao thông .

Khi xẩy ra chuyện thì người ta lại giải quyết theo nguyên tắc " tuỳ cơ ứng biến ", chứ không theo kiểu tìm nguyên nhân chính , khách quan để xử lý.

Sự hỗn loạn xe máy đã nhiều chục năm thì tìm đâu ra ý thức đây ?! Chẳng hiểu những điều tôi nói ra đây có trúng chút nào không ? Còn giải pháp thì e phải bệnh nào thuốc ấy.

Tho Khang, Hà Nội

Sự ùn tắc giao thông, các phương tiện đi lại lộn xộn nhất là xe môtô, xe máy, có 2 vấn đề sau ảnh hưởng không nhỏ:

1 - Về giao thông đường xá chưa hoàn toàn đảm bảo thuận tiện cho các phương tiện đi lại, nhất là về mặt đường. Tại sao người tham gia giao thông bằng phương tiện môtô, xe máy, xe đạp lại cứ dàn ra mà đi họ không đi vào sát phần đường bên phải của mình.

Một phần cũng tại đường xá, Phần bên phải thuận chiều thì do một số ngành chức năng đào lên làm công việc của mình xong rồi lấp lại một cách cẩu thả, lổn nhổn, gồ ghề chắp vá, bẩn mất vệ sinh rồi nắp cống thì nổi cao nên khó đi. Không rõ trách nhiệm này thuộc về ai!

2 - Về người tham gia giao thông ta cứ nói mãi về ý thức, xong ai giảng điều này. Trong khi phần lớn biết đi xe máy, đăng ký rồi lưu thông mà chưa thạo luật. Ta thường quan tâm đến xe phân khối trên 70cc phải học luật thi bằng còn hạng dưới thì không, mà đâu phải 100% người có bằng đều học luật đầy đủ. Tại sao ta không tổ chức học luật xong mới cho đăng ký xe?

Tôi nghĩ rằng 2 điều trên đây cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc ùn tắc và tai nạn giao thông.

Trần Bảy, Email: tranbayhq@yahoo.com

Xe máy quá nhiều, chiếm đường và tạo nên thói quen tùy tiện; dây điện chăng như mắc cửi không qui hoạch là nhận xét quá đúng của vị khách nước ngoài nào đó. Xin thưa rằng hệ quả của 2 vấn đề này lại xuất phát từ một cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công nghiệp đấy ạ.

pham nguyen, Email: pham_nguyen@yahoo.com.vn

Vấn nạn ùn tắc giao thông hiện nay do quy họach đô thị của nước ta quá yếu kém, không chú trọng đầu tư cho vận tải công cộng. Khi quy hoạch mới, cải tạo một số hệ thống đường có sẵn cần làm quyết liệt vì lợi ích chung của cộng đồng. Không thể vì một số lợi ích của một số "cá nhân cầm quyền" nào đó mà làm sai lệch đi.

Xe máy cá nhân phát triển chỉ là hệ quả của cơ sở hạ tầng hiện có. Khi hệ thống đường, phương tiện công cộng như vậy buộc người dân phải sắm xe máy cá nhân vì họ không còn lựa chọn nào khác để đi lại. Chỉ có xe máy cá nhân là thích hợp nhất với đường xá ở nước ta hiện nay.

Tuy nhiên ý thức của người điều khiển xe máy nước ta lại quá kém. Người dân chạy xe như "một đàn kiến" thấy kẹt đường là chạy lung tung lên cả lề đường, lấn đường thậm chí chạy trái đường không bao giờ dừng lại chờ đợi đi đúng tuyến nên làm ùn tắc càng nặng hơn. Người điều khiển không tuân thủ quy tắc khi tham gia giao thông dẫn đến tai nạn, ùn tắc là hoàn tòan tất yếu.

NTH, Email: ansyvn@yahoo.com

Không chỉ xe máy là nguyên nhân gây ách tắc giao thông

Chẳng cứ do một mình xe máy gây ra ách tắc. Nếu bạn có mặt ở Bắc kinh hay Matxcova, toàn ôtô thôi mà vẫn cứ tắc đều đều, mặc dù đường của họ rộng hơn, ý thức tham gia giao thông tốt hơn ở VN. Nên công bằng hơn với xe máy.

>> Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG