Iran dọa tấn công các mục tiêu của Mỹ khắp Trung Đông

Iran dọa tấn công các mục tiêu của Mỹ khắp Trung Đông
TP - "Ngày nay nước Mỹ ở quanh chúng tôi, nhưng điều này không có nghĩa họ đang bao vây chúng tôi. Họ đang tự bao vây họ. Nếu Mỹ đang nói rằng họ đã xác định 2.000 mục tiêu ở Iran, chắc chắn tất cả công dân Mỹ ở quanh Iran cũng trở thành mục tiêu của chúng tôi”.

>> Tổng thống Iran chuẩn bị tới Mỹ?

Tướng Mohammed H.Koussechi - Tư lệnh cao cấp lực lượng Phòng vệ Cách mạng của Iran - tuyên bố như vậy vào ngày 18/9.

Iran dọa tấn công các mục tiêu của Mỹ khắp Trung Đông ảnh 1 Iran dọa tấn công các mục tiêu của Mỹ khắp Trung Đông ảnh 2
Tổng thống Iran Ahmadinejad và Tổng thống Mỹ Bush

Tuyên bố trên được đưa ra trong thời điểm nóng bỏng khi các tờ báo của Anh (Telegraph, Guardian) dẫn nguồn tin Lầu Năm Góc và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cho biết, Nhà Trắng đang chuẩn bị kế hoạch tấn công bằng không quân và pháo tầm xa nhằm vào khoảng 2.000 mục tiêu quân sự trên khắp Iran.

Tướng Koussechi còn nói thêm: “Chúng tôi có khả năng tấn công kẻ địch ở tầm xa 2.000 km”. Trên thực tế, thế hệ tên lửa Shahab – 3 của Iran đạt tầm bắn 2.000 km và có khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào của phương Tây trên khắp khu vực Trung Đông.

Dubai, nơi có nhiều Cty, khách du lịch và công dân phương Tây trú ngụ, chỉ cách Iran hơn 160 km. Quân đội Iran đã chiếm đảo Abu Musa, cách Dubai 60 km.

Các mục tiêu khác có khả năng bị tấn công bao gồm những giếng dầu ở tỉnh miền Tây Arập Xê-út; Sở chỉ huy trung tâm của quân đội Mỹ ở Doha (Qatar) và cảng lớn ở Bahrain, nơi Hạm đội 5 của Mỹ neo đậu. Căn cứ RAF Akrotiri ở đảo Síp cũng nằm trong tầm bắn của tên lửa Iran…

Căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Iran đang leo thang. Tehran tiếp tục bác bỏ 3 nghị quyết của Liên Hợp Quốc (LHQ) yêu cầu ngừng làm giàu uranium.

Cuối tháng này, Mỹ có thể sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an LHQ để áp đặt nghị quyết trừng phạt mới, cứng rắn hơn đối với Iran. Không chỉ Mỹ, cuối tuần qua, vấn đề Iran càng trở nên nóng bỏng khi Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner cảnh báo rằng thế giới nên chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất là chiến tranh với Iran.

Ngay lập tức, chính quyền và các phương tiện truyền thông Iran đã lên tiếng phản đối kịch liệt tuyên bố của Ngoại trưởng Pháp. Thủ tướng Pháp F. Fillon sau đó đã phải xoa dịu rằng mọi thứ cần phải làm là tránh cuộc chiến tranh với Iran.

Chính phủ của Tổng thống Nicolas Sarkozy kêu gọi áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Iran và không loại trừ khả năng sử dụng hành động quân sự. Chính quyền Anh quốc cũng muốn áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Iran, trong khi Nga và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục phản đối.

Giữa lúc báo chí và quan chức Mỹ, phương Tây đưa ra những thông tin nhạy cảm về Iran, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) El Baradei tuyên bố sẽ chống lại việc sử dụng vũ lực nhằm vào Iran.

“Có những điều luật về việc sử dụng lực lượng và tôi cũng hy vọng mọi người vẫn chưa quên bài học của Iraq, nơi 700.000 thường dân bị thiệt mạng trong một đất nước bị nghi ngờ có vũ khí hạt nhân” - ông El Baradei tuyên bố trước báo giới.

IAEA vẫn kiên trì theo đuổi con đường ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran. Tuy nhiên, Mỹ, Anh, Pháp và Đức than phiền rằng thỏa thuận mà IAEA đạt được với Iran chưa đủ mạnh để buộc nước này ngừng làm giàu uranium.

Các ông lớn của châu Âu còn cho rằng nếu Hội đồng Bảo an LHQ chưa thể áp đặt nghị quyết mới chống lại Iran, Liên minh châu Âu (EU) nên làm điều này. Ngoại trưởng Hà Lan Maxime Verhagen sau khi thảo luận với Ngoại trưởng Pháp đã tuyên bố rằng nước này sẽ ủng hộ EU cấm vận Iran.

T.Đ
Tổng hợp

MỚI - NÓNG