Đừng nên có những đề án 'to tát' như kiểu 112 nữa

Đừng nên có những đề án 'to tát' như kiểu 112 nữa
Trước đây chúng ta có BCĐ quốc gia về CNTT (1995) với kinh phí hàng trăm tỷ, rồi đến Đề án 112 (2001) hàng nghìn tỷ. Chúng ta có nên đi theo hướng này nữa hay không. Tôi chỉ mong có đề án mới, nhỏ hơn và ít ầm ĩ nhưng hiệu quả lớn so với đề án “vài nghìn tỷ” kiểu 112.
Đừng nên có những đề án 'to tát' như kiểu 112 nữa ảnh 1
Nguyên trưởng ban điều hành Đề án 112 Vũ Đình Thuần - người vừa bị bắt ngày 13/9/2007 vì tiêu cực liên quan tới đề án này - tại lễ giới thiệu về "thành quả bước đầu đạt được" của Đề án 112, ngày 9/9/2005. Ảnh : VietnamNet

Vài ba năm về trước, một lần tôi theo đoàn chuyên gia quốc tế đi thăm một số tỉnh và thành phố  ứng dụng công nghệ  thông tin (CNTT) của Việt Nam. Vào một buổi chiều hè oi ả tại một biệt thự gần Quảng trường Ba Đình, chúng tôi gặp Ban Chủ trì Đề án 112 và được đọc một báo cáo viết sẵn rất lạc quan, với những số liệu bao nhiêu máy chủ đã cài, bao nhiêu máy tính nối mạng.

Người tiếp chuyện thỉnh thoảng lại bấm điện thoại di động gọi đi đâu đó với những câu chuyện lạc đề. Khi được hỏi những ứng dụng nào được chạy trên đó và ai là người dùng, thì được những câu trả lời không rõ ràng. Một chuyên gia hỏi đây là G2G, G2B hay là G2C thì người tiếp chuyện không hiểu gì dù tôi đã cố giải thích bằng tiếng Việt. 

Đi thực tế, tôi thấy rất nhiều nơi có máy tính được nối mạng đàng hoàng. Theo cán bộ phụ trách báo cáo, đó là các máy tính của Đề án 112 hoặc do kinh phí của địa phương theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT. Nhiều phòng được trang bị mấy chục máy tính nhưng bàn phím bụi bám như lâu ngày không ai đụng đến.

Vào một số cơ quan đang làm việc, đôi người đang dùng Excel hay Word, còn lại phần đông các cửa sổ đang mở để chơi trò chơi hoặc chat Yahoo Messenger với các nick mà tôi đoán không liên quan gì đến hoạt động của văn phòng. Việt Nam một ngày không có Yahoo Messenger như động đất, đủ biết máy tính dùng có tác dụng như thế nào.

70% dự án CNTT thất bại

Một trong những thống kê khắc nghiệt chỉ ra rằng 70% các dự án CNTT trên thế giới bị thất bại. Như vậy, Đề án 112 nằm trong số đông lại được “hân hạnh” dự báo thất bại từ khi phôi thai. Điều đó giúp người hạ bút ký duyệt Đề án 112 và những  người vào trại giam mới đây, có thể tự an ủi đôi chút là “ta có khác người đâu”.

Nếu thực sự, số tiền hàng nghìn tỷ chi cho các máy tính “nằm đắp chăn, phần mềm tậm tịt” và cách đào tạo tin học như đi dạy bổ túc những năm 60 của thế kỷ trước thì chua xót biết bao đối với một nước nghèo như nước ta.

Lý do các dự án CNTT thất bại là do trình độ và tầm nhìn vĩ mô của người thiết kế dự án chưa đủ để thấu suốt một dự án từ đầu đến cuối. Người thiết kế dự án hầu hết là các nhà hàn lâm khoa học chuyên về CNTT nhưng không hiểu biết thấu đáo về hoạt động giao dịch của các dịch vụ cần được tin học hóa. Phía khách hàng không muốn bỏ thời gian để tìm hiểu kỹ tin học sẽ làm được gì và có những hạn chế nào.

Anh kỹ sư tin học chỉ nhìn thấy tiền khi anh ta bán được máy tính, máy in, phần mềm và các dịch vụ hậu mãi. Khách hàng thì hy vọng máy tính sẽ giúp họ làm hết mọi việc vì “máy tính điện tử cơ mà” nên phó mặc cho “anh tin học muốn làm gì thì làm”. Thế là mục đích không gặp nhau, dự án thất bại là đương nhiên. 

Mặt khác, dự án CNTT dễ thất bại do chính những người trong bộ máy cần được tự động hóa chống đối, vì họ không thích thay đổi, phải học thêm hay sợ bị mất việc. Đó chính là thách thức lớn nhất khi chuyển sang tự động hóa. Dự án Chính phủ Điện tử ( CPĐT) lại càng khó thực hiện hơn do bộ máy của những người có quyền lực không muốn thay đổi.

Hoạt động của Chính phủ đã có hàng nhiều thập kỷ. Cán bộ Nhà nước đã quen tiếp dân kiểu “quan - dân” nên khó thay đổi thành quan hệ “dịch vụ - khách hàng” trong khi  mục đích của CPĐT nhằm biến quan hệ giữa Chính phủ và nhân dân thành quan hệ “Chính phủ = dịch vụ - nhân dân = khách hàng”.

Để biến Chính phủ là “của dân, do dân và vì dân” hãy bắt đầu từ quan hệ Chính phủ coi nhân dân là khách hàng. Đó phải là cuộc cách mạng trong ý thức cán bộ Nhà nước kể từ cấp cao nhất đến cơ sở. Các nước ứng dụng CPĐT thành công như Hoa Kỳ, Đan Mạch, Singapore hay Hàn Quốc đều theo tiêu chí này. 

Ví dụ thành công về Chính phủ Điện tử: Hiện nay, bảy triệu nông dân nghèo vùng Karnataka, Ấn Độ, có thể nhận bản sao giấy “Quyền sử dụng đất” trên mạng trong vòng 10 phút ở 177 cửa hàng giao dịch Internet trong bang. Mỗi năm vài ba lần, họ cần bản sao điện tử “Quyền sử dụng đất” nhưng lại có giá trị pháp lý để dùng vay tiền Ngân hàng. Giá mỗi bản in trên mạng tương đương với khoảng 5.000 VN đồng. Nếu theo hệ thống cũ thì cần 10-15 ngày và phải trả tiền phí và đút lót khoảng từ 100.000 - 500.000 VN đồng.

Nếu đem hệ thống này áp dụng cho các văn phòng cấp quyền sử dụng đất của Việt Nam chắc sẽ bị hầu hết các cán bộ trong ngành phản đối vì còn “ăn cái đinh gì nữa?”.

Chìa khóa cho Chính phủ Điện tử thành công 

Chúng ta xây dựng Đề án 112 với ước mong tốt đẹp nhằm mở đầu cho một CPĐT vì muốn coi đó là tiêu chí đánh giá tính minh bạch của bộ máy Nhà nước, tiết kiệm thời gian cho các giao dịch, khả năng thu hẹp khoảng cách giữa người dân và Chính phủ. Đó chính là một trong những động lực giúp cho sự tiến bộ kinh tế và xã hội.

Phải hiểu Chính phủ Điện tử là đề án liên quan đến hành chính công (public administration) chứ không phải là đề án Công nghệ Thông tin (Information and Communications Technologies - ICT). Để cho đề án tầm cỡ hàng nghìn tỷ như Đề án 112 thành công thì điểm xuất phát không phải là mua bao nhiêu máy tính, cài bao nhiêu máy chủ hay phần mềm thông minh và tiêu bao nhiêu tỷ mà điều cốt tử là việc cải cách hành chính công của các cơ quan Nhà nước phải được nghĩ đến đầu tiên. 

Bộ máy công quyền có thực sự coi người dân là khách hàng, là Thượng đế hay không? Khi họ thực sự coi trọng tính minh bạch trong Chính phủ, có nhu cầu cao trong việc cung cấp các dịch vụ đến người dân (G2C – Government to Citizen), gửi các chính sách tới các nhà đầu tư, sản xuất kịp thời (G2B – Government to Business), cần trao đổi thông tin nhanh chóng và chính xác giữa các bộ ngành để giúp cho bộ máy chính phủ hoạt động (G2G – Government to Government) thì lúc đó mới tính đến việc thiết kế CPĐT.

Quốc gia nào thực sự coi chống tham nhũng như là quốc sách thì CPĐT là sự cứu cánh cho họ, giúp giảm thiểu tham nhũng và thói hạch sách trong bộ máy công quyền. 

Như vậy, để có đề án CPĐT thành công thì chìa khóa nằm trong tay các nhà lãnh đạo cao nhất của Nhà nước. Họ có thực sự muốn cải tổ hành chính và hệ thống pháp luật, kể cả luật về giao dịch điện tử theo hướng chung của thời đại CNTT không?

Chúng ta không thể dựa vào mấy tiến sỹ tin học hàn lâm mơ mộng hoặc các công ty CNTT chỉ chuyên lo lợi nhuận bán máy tính. Một khi nhà lãnh đạo cao nhất đã quyết tâm thay đổi, đưa ra được chiến lược và lộ trình cải cách hành chính quốc gia thì phần việc còn lại sẽ do khả năng tài chính, cơ sở hạ tầng công nghệ và các bộ ngành, chuyên gia CNTT quyết định sẽ thiết kế CPĐT như thế nào.

Vài suy nghĩ cá nhân

Để đợi sự cải tổ hành chính quốc gia thành công chắc còn lâu lắm. Chúng ta không nên ôm đồm thiết kế những dự án quá lớn vì thất bại sẽ ảnh hưởng khôn lường. Những cảnh báo về thất bại của Đề án 112 ngay từ lúc còn trứng nước như góp ý của Giáo sư Phan Đình Diệu, Tiến sỹ Quang A và sau này là  các góp ý về quản lý dự án của một số chuyên gia cần được người lãnh đạo cao nhất xem xét một cách cẩn trọng.

Nên dừng lại việc xây dựng dự án quốc gia chung chung, chẳng liên quan gì đến chiến lược về cải cách hành chính của Chính phủ. Xin một khoản lớn tiền của Nhà nước đầu tư để rồi “có tiền nên có quyền” sẽ sinh ra chuyện “xin - cho” giữa các địa phương và Trung ương. Lãng phí và tham nhũng cũng từ đó mà ra.

Nhiều thành công c ủa CPĐT trên thế giới lại bắt đầu bằng các ứng dụng thí điểm nhỏ, các bước cải tiến dần dần từ nhiều phía trong một vùng địa lý hẹp để chứng minh tác dụng lớn của việc cải cách hành chính song hành với ứng dụng CNTT. Thành phố Đà Nẵng cỡ vừa, có lãnh đạo quyết tâm cải cách hành chính và đội ngũ tin học khá tin cậy lại đang được dự án ICT của Ngân hàng Thế giới tài trợ đáng được làm thí điểm một e-Government.

Trước đây chúng ta có Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT (năm 1995) với kinh phí hàng trăm tỷ, rồi đến Đề án 112 (năm 2001) hàng nghìn tỷ. Chúng ta có nên đi theo hướng này nữa hay không. Tôi chỉ mong có đề án mới, nhỏ hơn và ít ầm ĩ nhưng hiệu quả lớn so với đề án “vài nghìn tỷ” kiểu Đề án 112.

Thật  lòng, khi đọc những thông tin về Đề án 112, tôi đau xót muốn rơi nước mắt, thương những người nông dân nghèo nai lưng kéo cầy trên đồng, bán lúa đóng thuế và để rồi những đồng tiền mồ hôi nước mắt đó phung phí trong tham nhũng, hối lộ và những “dự án ngàn tỷ nhưng hiệu quả vài tỷ”.

Mấy hôm nay lại rộ lên chuyện tăng học phí hay dự định chi 250 tỷ cho cuộc thi hoa hậu thế giới tại Việt Nam, tôi lại nhói đau vì biết bao em nhỏ con nhà nghèo không được đến trường, bao nhiêu lớp học dột nát không đủ bàn ghế và bao trường học không có nhà vệ sinh.

Tôi sinh ra từ miền đất nghèo lầm than và may mắn được học hành nên rất hiểu giá trị đồng tiền của những miền đất ấy. Người làm tin học như tôi không muốn nước mắt người nghèo rơi thêm nữa vì những máy tính mua về cho cán bộ rỗi việc ngồi chat trên Yahoo Messenger hay đắp chiếu cho phủ bụi thời gian.

Hiệu Minh (Washington DC, 9-2007)
Theo VietnamNet

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.