Giao lưu trực tuyến về an toàn giao thông

Giao lưu trực tuyến về an toàn giao thông
TPO - 9 giờ sáng nay, tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM diễn ra buổi giao lưu trực tuyến về ATGT với chủ đề "An toàn giao thông - Hãy không ngoài cuộc" do Ban TTVH TƯ Đoàn tổ chức với sự phối hợp của báo Thanh Niên và báo Tiền phong.

>> Mỗi đoàn viên hãy là một tuyên truyền viên về ATGT

Mời các bạn tham gia đặt câu hỏi tại đây. F5 để tiếp tục cập nhật.

Tham gia buổi giao lưu trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội có các khách mời:

Anh Lê Mạnh Hùng - Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Thượng tá Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra xử lý tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ - Đường sắt, Bộ Công an); Ông Nguyễn Trọng Thái - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia; PGS.TS Trần Quốc Thành - Chủ nhiệm Khoa Tâm lý Giáo dục (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội); Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THPT Nhân Chính (Hà Nội) cùng đông đảo các em học sinh của trường THPT Nhân Chính.

Giao lưu trực tuyến về an toàn giao thông ảnh 1
Các HS trường THPT Nhân Chính (Hà Nội) tại buổi giao lưu. Ảnh: Hồng Vĩnh

Tại Hà Nội, trong phần phát biểu mở đầu chương trình, anh Lê Mạnh Hùng nói: Hy vọng buổi giao lưu trực tuyến hôm nay sẽ góp phần nâng cao nhận thức về việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông của các bạn trẻ. Mỗi bạn trẻ hãy là một an toàn viên gương mẫu thực hiện nghiêm túc luật lệ an tòan giao thông.

Theo Ban tổ chức, trước khi cuộc thi bắt đầu đã có trên 100 câu hỏi gửi về qua báo Tiền phong Online, báo Thanh Niên Online và Website của Đoàn thanh niên.

Phóng viên TPO đã trò chuyện với một số bạn học sinh của trường THPT Nhân Chính và đoàn viên thanh niên của thủ đô có mặt tại buổi giao lưu.

Bạn Trang Nhung (Lớp 10A1) cho biết: Hiện nay vẫn còn một số bạn trẻ vẫn chưa chấp hành luật lệ ATGT. Trước đây trước cổng trường em sau giờ tan học còn một số học sinh đi xe máy dù nội quy cấm học sinh không đươc đi xe máy.

Để giải quyết vấn đề này, trường đã cử đại diện đứng ở trong phòng bảo vệ quan sát và nhắc nhở qua hệ thống loa của trường những người vi phạm. Nếu ai tái diễn sẽ bị kỷ luật. Em cho rằng đấy là một trong các biện pháp cần thiết nhắc nhở bạn trẻ chưa có ý thức tự giác nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ ATGT.

Chia sẻ quan niệm này bạn Phương Dung cho biết: Nhà em có xe máy nhưng em vẫn đi học bằng xe đạp. Tham gia buổi giao lưu trực tuyến ngày hôm nay, em càng nhận thức được việc làm của mình là đúng. Em nghĩ rằng buổi giao lưu sẽ giúp nâng cao ý thức chấp hành Luật ATGT.

Còn bạn Thu Hương - Đoàn viên của Thủ đô - lại nhấn mạnh đến tình trạng hiện nay có một bộ phận bạn trẻ thích đua xe. Vui đua xe, đội tuyển VN thắng đua xe, thậm chí đua xe chỉ vì khích nhau.

Đây là điều bạn muốn các cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết triệt để tình trạng này vì khi chưa có giấp phép lái xe, chạy xe và lạng lách trong thành phố đông người không chỉ gây nguy hiểm cho mình và còn gây nguy hiểm cho mọi người xung quanh.

Câu hỏi đầu tiên từ đầu cầu Hà Nội: Vai trò của Đoàn trong việc tuyên truyền an toàn giao thông. Đoàn đã và đang làm những gì? Những việc làm đó có thiết thực không? Hay chỉ theo phong trào một thời gian rồi chìm xuống? (Nguyễn Văn Khoa, 22 tuổi).

Giao lưu trực tuyến về an toàn giao thông ảnh 2

Anh Lê Mạnh Hùng: Trước hết cảm ơn bạn Khoa đã hỏi hết sức thiết thực.

Tham gia giữ gìn trật tự ATGT là một trong những nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm của Đoàn và được triển khai nhiều năm qua. Chúng tôi đã có Kế hoạch 06 về hướng dẫn thực hiện đảm bảo ATGT, đặc biệt, các cấp bộ Đoàn đã triển khai nhiều việc, trong đó tập trung vào 4 nội dung:

Nâng cao nhận thức giữ gin trật tự ATGT; Đăng ký cam kết thực hiện tốt quy định ATGT; Tổ chức vận động tuyên truyền trọng điểm; Cùng các địa phương và các ngành xây dựng các mô hình mới: Đội TN tự quản, đội TN giữ đường ngang - đường sắt...

Tuyên truyền và nâng cao nhận thức là một phần nhưng cần có sự tham gia của các cấp, ngành, có lúc có nơi còn thiếu chủ động, mang tính phong trào, chưa thường xuyên nên hiệu quả chưa cao...

Thời gian tới, Ban Bí thư T.Ư Đoàn và Uỷ ban ATGT Quốc gia sẽ có sơ kết. Hoạt động thiết thực hay không chính từ hành động cụ thể của bạn Khoa và các bạn trẻ.

Tại đầu cầu Đà Nẵng, buổi giao lưu trực tuyến đã sẵn sàng với sự tham gia của 60 đoàn viên thanh niên khối quận huyện, khối trường học và một số đơn vị trực thuộc. Cùng tham gia có đại diện Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng và đại diện Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng.

Giao lưu trực tuyến về an toàn giao thông ảnh 3
Hình ảnh cuộc giao lưu lúc 9h sáng nay ở đầu cầu Đà Nẵng. Ảnh: TPO

Lãnh đạo Sở GD- ĐT thành phố Đà Nẵng trả lời câu hỏi giao lưu trực tuyến đầu tiên của PV báo Tiền phong:

Được biết, chủ trương không cho học sinh THPT đi xe máy đến trường đã được thành phố Đà Nẵng thực hiện trước Hà Nội và TPHCM. Vậy, các trường THPT ở Đà Nẵng đã gặp những điều gì bất cập và đã tháo gỡ như thế nào?

Không cho học sinh THPT đi xe máy đến trường đã được TP Đà Nẵng thực hiện từ năm 2003, lúc đầu cũng gặp những khó khăn do khoảng cách từ nhà đến trường của của nhiều học sinh THPT khá xa - nhiều em không còn học trên địa bàn xã, phường như học sinh THCS, Tiểu học - nên một số cha mẹ học sinh chưa đồng tình.

Qua vận động và kiên trì thực hiện, việc không cho học sinh phổ thông đi xe máy đến trường đã trở thành chủ trương của UBND thành phố, được đông đảo cha mẹ học sinh hưởng ứng đồng tình.

Sở GD&Đ và Công an thành phố cũng đã có kế hoạch phối hợp liên ngành về công tác giáo dục pháp luật ATGT và bảo đảm TT ATGT trường học. Có sự phối hợp chặt chẽ của 2 ngành trong việc tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, xử lý tạo nhiều thuận lợi cho cơ sở, trường học thực hiện ATGT.  

Đà Nẵng đã “không còn tình trạng học sinh phổ thông đi xe máy đến trường” vì khu vực để xe bên trong các trường đã không có xe máy của học sinh từ nhiều năm nay.

Tình trạng học sinh đi học bằng xe máy, gửi xe ở ngoài nhà dân, đi bộ vào trường” tuy vẫn còn nhưng tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng học sinh trong độ tuổi. Đó cũng là vấn đề bức xúc, cần được khắc phục để quy định của thành phố “học sinh phổ thông không đi học bằng mô tô, xe máy” được thực hiện nghiêm đối với mọi học sinh trung học phổ thông.

Giao lưu trực tuyến về an toàn giao thông ảnh 4
Không khí buổi giao lưu tại đầu cầu Đà Nẵng. Ảnh: TPO

Trong những năm qua, định kỳ, liên ngành GD&ĐT và CATP đã tổ chức kiểm tra việc học sinh sử dụng xe máy khi đi học (kiểm tra khu vực để xe của học sinh bên trong trường, kiểm tra các hộ bên ngoài trường giữ xe cho học sinh thực hiện cam kết không giữ xe máy khi học sinh gửi, kiểm tra học sinh tham gia giao thông trên đường phố lúc tan học) để nhắc nhở, xử lý theo các mức: kiểm điểm, cảnh cáo, hạ bậc hạnh kiểm; đồng thời, thông báo danh sách học sinh vi phạm quy định ATGT cho gia đình và tổ dân phố nơi học sinh cư trú.

Những em vi phạm quy định ATGT trên đường phố bị công an giao thông xử phạt và thông báo danh sách về Sở GD&ĐT. Sở đã yêu cầu các trường xử lý nghiêm theo quy định trên. Có em đã khai báo không đúng tên trường đang học, nhận được phản ánh của trường, Sở đã rà soát danh sách tuyển sinh, xác định trường, lớp mà học sinh vi phạm ATGT đang học để xử lý.

Nhờ có kế hoạch phối hợp chặt chẽ của 2 ngành trong công tác kiểm tra, xử lý, số lượng học sinh vi phạm quy định ATGT bị công an giao thông xử phạt và thông báo danh sách về Sở giảm dần (năm học 2004 - 2005 có 21 trường hợp học sinh bị xử phạt vì vi phạm ATGT đến năm 2006 - 2007 còn 4 trường hợp).

Giao lưu trực tuyến về an toàn giao thông ảnh 5
Đông đảo ĐVTN tới tham dự buổi giao lưu tại đầu cầu Đà Nẵng. Ảnh : TPO

Việc bất cập của nhà trường trong chủ trương không cho học sinh THPT đi xe máy đến trường cần tháo gỡ là việc kiểm tra bên ngoài trường (kiểm tra các hộ giữ xe của học sinh, kiểm tra việc tham gia giao thông của học sinh trên đường phố, kiểm tra học sinh sử dụng mô-tô, xe máy khi đi học).

Tuy công việc kiểm tra này đã quy định rõ trách nhiệm trong kế hoạch phối hợp của Sở GD&ĐT và Công an thành phố nhưng không thể thực hiện một cách thường xuyên.  

Hiện nay, ngoài kế hoạch phối hợp của Sở GD&ĐT và CATP đã thực hiện có nền nếp từ thành phố đến cơ sở xã, phường, trường học; Nghị định 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Chỉ thị 11/2007/CT-UBND ngày 15/5/2007 của UBND TP Đà Nẵng về việc đẩy mạnh công tác bảo đảm ATGT và trật tự đô thị trên địa bàn sẽ chắp cánh, tạo sự đồng bộ, chặt chẽ và quyết liệt của nhiều ngành, nhiều lực lượng xã hội và gia đình học sinh để xây dựng nền nếp, thói quen chấp hành pháp luật ATGT trong lớp trẻ.    

Thống kê sơ bộ của Phòng CSGT TP Đà Nẵng: 8 tháng đầu năm 2007, TP Đà Nẵng xảy ra 129 vụ TNGT, làm 108 người chết, bị thương 132 người, tăng 25 vụ so với năm 2006.

Nguyên nhân tai nạn theo Thượng tá Lê Quốc Dân, hầu như là do ý thức tôn trọng luật giao thông đường bộ của người tham gia giao thông.

Trao đổi nhanh với PV Tiền phong, Thượng tá Lê Quốc Dân – Phó trưởng Phòng CSGT TP Đà Nẵng cho biết: “Mặc dù vấn đề TNGT ở Đà Nẵng không nóng hổi như Hà Nội hay TPHCM do sự ùn tắc giao thông ở Đà Nẵng hầu như không có. Nhưng chúng tội không vì thế mà chúng ta lơ là đối với tai nạn giao thông.

Trên thực tế tai nạn giao thông ở Đà Nẵng vẫn tăng. Mà nguyên nhân là ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt là lớp trẻ. Đó cũng là mục đích của cuộc giao lưu hôm nay”.

Giao lưu trực tuyến về an toàn giao thông ảnh 6
PV báo Tiền phong tác nghiệp tại buổi giao lưu trực tuyến ở Đà Nẵng. Ảnh: TPO

Hiện nay có nhiều học sinh, sinh viên sử dụng xe đạp điện. Vậy đi xe đạp điện có phải đội mũ bảo hiểm như xe máy không? (Ngọc Hương – Đà Nẵng )

Giao lưu trực tuyến về an toàn giao thông ảnh 7

Thượng tá Nguyễn Ngọc Tuấn: Theo nghị quyết 32 của Chính phủ, từ ngày 15/12/2007, mọi người đi môtô, xe máy khi tham gia giao thông đều phải đội mũ bảo hiểm.

Riêng về học sinh, sinh viên sử dụng xe đạp điện, theo tôi, khi tham gia giao thông, các bạn nên đội mũ bảo hiểm để bảo vệ cho chính bản thân mình vì nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông tuy không cao nhưng có thể đề phòng các sự cố bất ngờ.

Là những sinh viên học tập xa nhà, các dịp nghĩ hè, nghỉ Tết, các đợt thi tuyển sinh chúng tôi thường phải chịu cảnh nhồi nhét trên các chuyến xe Bắc - Nam, gây rất nhiều trở ngại, đặc biệt là sự an toàn. Các cơ quan chức năng cũng đã thấy rõ được thực trạng này nhưng tại sao không có các giải pháp chủ động khắc phục, để cung không đủ cầu, để chủ phương tiện liên tục cố ý sai phạm? (Trần Vân Tân – SV ĐH Duy Tân, Đà Nẵng)

Ông Nguyễn Trọng Thái: Cám ơn bạn vì câu hỏi rất lý thú này. Bộ GTVT, Uỷ ban ATGT đều biết và đều có chỉ đạo, nhất là tăng cường công tác thanh tra - kiểm tra nhưng thời điểm đó, người tham gia giao thông tăng lên đột biến dẫn đến tình trạng quá tải, chất lượng phục vụ việc đi lại bị ảnh hưởng.

Tham gia có nhiều doanh nghiệp, nhiều loại hình và cũng không tránh khỏi có đơn vị tham gia kinh doanh vận tải vi phạm... Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 146 về xử lý vi phạm hành chính với hành vi vi phạm chở quá người trên phương tiện... Hy vọng với Nghị định này, tình trạng vi phạm sẽ giảm đi.

Phong trào “Tình nguyện giữ gìn trật tự an toàn giao thông” với việc ĐVTN tham gia điều khiển giao thông tại các cụm đèn giao thông trong thời gian qua đã có hiệu quả thiết thực, để lại rất nhiều ấn tượng trong nhân dân. Vậy các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng đánh giá như thế nào về hoạt động này của Đoàn? Có những biện pháp, chính sách nào hỗ trợ cho hoạt động này được diễn ra thường xuyên và tiếp tục phát huy hiệu quả? (Lâm Nguyên – Đà Nẵng)

Giao lưu trực tuyến về an toàn giao thông ảnh 8
Buổi giao lưu trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh : Hồng Vĩnh

Anh Lê Mạnh Hùng: Thời gian qua, một trong các nội dung, hoạt động của Đoàn trong việc tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông là phong trào “Tình nguyện giữ gìn trật tự an toàn giao thông”.

Tác dụng to lớn của phong trào này, theo tôi đánh giá là góp phần nâng cao nhận thức về an toàn giao thông trong thanh niên và làm lan tỏa phong trào này, cũng qua đó, làm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn.

Về chính sách cho thanh niên tình nguyện tham gia giữ gìn trật tự ATGT: Đây là hoạt động mang mục đích tự thân, thể hiện vai trò và trách nhiệm của tuổi trẻ, khẳng định sự đóng góp của thế hệ trẻ và nâng cao chân giá trị của thanh niên.

Tuy nhiên, Ban Bí thư TƯ Đoàn đã trình Chính phủ các chính sách phù hợp để động viên sức trẻ. UB ANGT Quốc gia và các cấp uỷ Đảng đã xây dựng các cơ chế phù hợp để hỗ trợ các bạn ĐVTN tham gia chương trinh tình nguyện này.

Tôi nghĩ, ở các trường Đại học, khi dạy về văn hoá, tại sao không có thêm những chuyên đề về văn hoá giao thông, ví dụ như về khía cạnh "văn hoá khi tham gia giao thông"? Có thể phối hợp với các trung tâm nghiệp vụ về lái xe sử dụng những hình ảnh minh hoạ cụ thể để gióng lên tiếng chuông cho giới trẻ. (Lê Thị Hương - 24 tuổi - TP Huế)

Giao lưu trực tuyến về an toàn giao thông ảnh 9
Ông Nguyễn Quốc Bình (bên trái)

Ông Nguyễn Quốc Bình: câu hỏi của bạn cũng là trăn trở của những người làm công tác giáo dục. Trong nhà trường chúng tôi cũng đã có những chương trình tuyên truyền giáo dục văn hóa tham gia giao thông cho các em học sinh, các ĐVTN.

Tuy nhiên với thời lượng han chế nên việc tuyên truyền và dạy về văn hóa tham gia giao thông vẫn chưa thực đạt hiệu quả.

Khi tham gia giao thông các bạn trẻ với đặc điểm tâm lý của mình sẽ chịu tác động ảnh hưởng tương đối nhiều đặc biệt là văn hóa giao thông.

Đầu tháng 9 Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Thiện Nhân đã phát động phong trào học sinh sinh viên gương mẫu thực hiện và tham gia an toàn giao thông... Nếu mỗi học sinh, sinh viên nâng cao ý thức và hiểu được văn hóa  tham gia giao thông thì việc thực hiện ATGT sẽ hiệu quả hơn.

Chúng tôi mong văn hóa giao thông sẽ trở thành thường trực trong cuộc sống. Chúng tôi những người làm giáo dục sẽ cố gắng đưa văn hóa giao thông vào trong nhà trường một cách thiết thực hơn.

Giao lưu trực tuyến về an toàn giao thông ảnh 10
Toàn cảnh buổi giao lưu tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh : Hồng Vĩnh

Đầu cầu Hà Nội vẫn sôi động với những câu hỏi mà các ĐVTN đặt ra trực tiếp với các vị khách. Bạn Nguyễn Thị Phương Thúy thẳng thắn đặt vấn đề: Một số học sinh là con em của các vị chức sắc hoặc là cảnh sát giao thông khi vi phạm luật giao thông thì có bị xử lý như mọi trường hợp khác không? Câu hỏi của bạn Thúy đã được nhiều bạn trẻ đồng tình.

Tiếp đó bạn  Nguyễn Duy Trung xung phong đặt câu hỏi cho anh Lê Mạnh Hùng: Phong trào an toàn giao thông gồm những chủ đề gì và học sinh phải làm gì để thực hiện đúng và đủ những quy định đó...

Tại đầu cầu TPHCM: Ngay từ đầu giờ sáng, không khí tại Nhà Văn hóa thanh niên đã khá nhộn nhịp. Mặc dù vào sáng Chủ nhật nơi đây thường xuyên có nhiều hoạt động nhưng buổi giao lưu trực tuyến về ATGT  vẫn thu hút khá đông bạn trẻ.

Giao lưu trực tuyến về an toàn giao thông ảnh 11
Bạn đọc tham gia đặt câu hỏi giao lưu  tại đầu cầu TPHCM. Ảnh: Trọng Thịnh

Ban tổ chức giao lưu trực tuyến tại Nhà Văn hóa TN đã chuẩn bị gần 10 máy nối mạng trực tiếp để cho các bạn trẻ đặt câu hỏi và theo dõi buổi giao lưu. Rất nhiều bạn trẻ tới sớm đã tranh thủ vào mạng đặt câu hỏi.

Giao lưu trực tuyến về an toàn giao thông ảnh 12
Khánh Dương

Bạn Khánh Dươoanh nghiệp - Sinh viên năm 2 Đại học Ngoại thương TPHCM là người mở màn chương trình tại Thành phố Hồ Chí Minh khi nêu vấn đề kẹt xe đang là nỗi lo nhất cho các bạn sinh viên của trường, các bạn thường xuyên bị trễ học vì kẹt xe, đặc biệt trong những ngày gần đây.

Điều bức xúc  của bạn là lực lượng cảnh sát giao thông đã thường không có mặt trong những khi kẹt xe, tại sao không tăng cường thêm cảnh sát giao thông tại những nơi đó. Việc không có người điều khiển giao thông làm tình trạng thêm hỗn loạn.

Bạn Nguyễn Thị Huyền - Sinh viên Đại học Hùng Vương - cũng đồng tình ý kiến này và cho rằng: Bên cạnh sự có mặt của lực lượng CSGT còn cần phải có quy định rõ ràng về việc phân luồng, phân tuyến cụ thể cho các loại xe.

Giao lưu trực tuyến về an toàn giao thông ảnh 13
Nguyễn thị Huyền

Theo bạn Huyền, tình trạng lưu thông lộn xộn với nhiều loại xe hiện là vấn đề nghiêm trọng nhất.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Trưởng ban tuyên truyền An toàn giao thông của Hội Luật gia TP HCM ã đưa ra nhiều con số thú vị: Nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông là do ý thức của người tham gia giao thông. Trong một khảo sát tại TPHCM thì đã có 47% người không chấp hành luật an toàn giao thông vì cho tiện.

Ngoài ra việc nhiều đơn vị đã đào đường gây ra nhiều hậu quả dẫn tới không chỉ kẹt xe mà còn gây tai nạn giao thông.  

Nhóm hài "Quảng Chuông Vàng" tiếp tục với cuộc giao lưu giao với tình huống về học sinh phổ thông đi xe gắn máy. Cũng qua tình huống này, BTC đã nêu tình huống ứng xử cho các bạn trẻ về việc giải quyết vấn nạn học sinh đi xe gắn máy.

Giao lưu trực tuyến về an toàn giao thông ảnh 14
Lê Văn Tân

Lê Văn Tân - Đại học Hùng Vương cho rằng cấn phải tuyên truyền giao thông cho không chỉ học sinh mà còn phải đến tận nhà, tận gia đình. Sau đó Tân đã lên tham gia nhóm hài với vai người chồng khá nghiêm khắc với con cái.

Bạn Lê Thị Xuân Hương - Sinh viên khoa Quản trị hành chính (Đại học Hoa Sen) nêu câu hỏi: "Tại sao ở thành phố lớn không đủ các phương tiện giao thông công cộng dành cho người tham gia giao thông?"

Bạn Nguyễn Hải Long - Công nhân - cho rằng: Nếu hạn chế xe gắn máy thì từ nhà bạn tới Cty phải đi bộ 30 phút mới tới trạm xe buýt, đi tiếp 2 chặng xe buýt rồi lại phải đi bộ thêm gần 1 km mới tới chỗ làm. Vậy thì việc cấm xe máy sẽ làm bạn vất vả hơn rất nhiều trong việc đi làm hàng ngày. Hải Long cho rằng Nhà nước cần xem xét, giải quyết việc tư nhân hóa hoạt giao thông tại TPHCM.  

Tại đầu cầu Hà Nội: Là một Hiệu trưởng, thầy có giải pháp gì để giải quyết triệt để tình trạng HS chưa đủ điều kiện mà vẫn đi học bằng xe máy và hiện tượng ùn tắc, tụ tập trước cổng trường vào đầu và cuối giờ tan học tại trường mình không? (Nam Cường - Nam - 22 tuổi - Hà Nội)

Thầy Nguyễn Quốc Bình: Trường chúng tôi có các biện pháp: Tuyên truyền giáo dục thuyết phục các em học sinh, kết hợp Hội Cha mẹ học sinh, với chính quyền địa phương - phường sở tại, đặc biệt là các thầy cô giáo chủ nhiệm sâu sát giúp đỡ các em về nhận thức, thực hiện cuộc vận động của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân về việc học sinh gương mẫu chấp hành Luật ATGT.

Tôi xin khẳng định giờ phút  này, trường THPT Nhân Chính  không có học sinh đi xe máy. Về hiện tượng  tắc đường  trước cổng trường, chúng tôi cử giáo viên trực thường xuyên và không có tình trạng ùn tắc, lấn chiếm lòng lề đường. Chúng tôi cũng mong muốn bạn Cường và các phóng viên báo chí trực tiếp đến trường tham quan và kiểm chứng lời tôi nói hôm nay

Bạn trai em rất thích đua xe. Em không muốn bạn em tham gia mấy trò chơi nguy hiểm này. Theo thầy em nên nói với anh ấy như thế nào để anh ấy không tham gia đua xe nữa? (Thu Thủy - Sinh viên, 19 tuổi, Thái Nguyên)

PGS.TS Trần Quốc Thành: Đây là vấn đề hết sức tế nhị trong mối quan hệ của em. Bạn trai em làm như vậy muốn chứng tỏ mình rất sung sức và cả tính "yêng hùng" của tuổi trẻ; đây là điều hay gặp đối với các bạn nam. Em hãy bày tỏ và thể hiện mong muốn của mình về việc bạn trai mình có những hành động và học tập các kỹ năng chuẩn mực của cuộc sống. Em không thích và không muốn bạn em trở thành người khác.

Giao lưu trực tuyến về an toàn giao thông ảnh 15
Nhiều bạn trẻ hăng hái đặt câu hỏi với Ban tổ chức tại đầu cầu Hà Nội.

Hiện tượng đào bới đường và lấp lại không cẩn thận khiến cho nhiều đoạn đường trở nên rất xấu và khó đi, nhưng vẫn luôn được tiếp diễn. Cơ quan chức năng quản lý việc này như thế nào? Có phải việc xin cấp phép đào đường hiện nay là quá dễ dãi? (Nguyễn Tố Nga - 20 tuổi - Đường Khương Đình, Hà Nội).

Ông Nguyễn Trọng Thái: Tôi thừa nhận hiện tượng này xảy ra khá phổ biến không chỉ tại Hà Nội mà tại các đô thị khác.

Trước tiên, tôi xin khẳng định việc đào bới đường phải được các cơ quan chức năng cấp phép mới được thực hiện, với mục đích cải thiện các cơ sở hạ tầng kỹ thuật như: hệ thống điện, dây cáp... Việc này là cần thiết và cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chung của xã hội

Tuy nhiên, tôi cũng hoàn toàn đồng tình với ý kiến của bạn Nga vì đã phản ảnh được thực trạng đang tồn tại trong xã hội, và phản ánh sự bức xúc của người dân. Để hạn chế việc đào bới đường và lấp đường không có tổ chức này, tôi nghĩ phải có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan chức năng với mục đích thực hiện các dự án mang tính tổng thể, đảm bảo chất lượng và hoàn trả lại chất lượng của các con đường sau khi đã hoàn thành các dự án.

Việc cấm học sinh đi xe máy rõ ràng là không hiệu quả, những nhà làm luật chưa chịu hiểu hết tâm lý của các em. Cứ cấm bừa, không quản lý được thì ra lệnh cấm. Mà càng cấm thì học sinh lại càng đi xe máy dữ hơn. Về góc độ tâm lý, xin cho hỏi có biện pháp nào tác động vào tâm lý các em, để các em hiểu và “tâm phục, khẩu phục” việc đi xe máy quá sớm là không tốt? (Một bạn đọc tại TP)

Giao lưu trực tuyến về an toàn giao thông ảnh 16

Ông Nguyễn Trọng Thái:  Trước hết cần phải khẳng định việc cấm học sinh chưa đến tuổi đi xe máy là điều đúng đắn. Nếu việc thực hiện chưa hiểu quả là do nhiều nguyên nhân. chứ không phải như bạn nói là "càng cấm lại càng đi"

Khi đưa ra một chủ trương, chính sách để làm thay đổi cách nhận thức của người thực hiện có rất nhiều biện pháp tác động vào; có tác động nhẹ nhàng và cũng  phải sử dụng những tắc động cưỡng chế, đồng thời cũng tăng cường xử phạt.

Thực tế  khi điều khiển xe máy cần có yếu tố khác ngoài khả năng. Đến tuổi nào đó các em mới có đủ nhận thức sâu sắc trong các việc làm và hành động của mình thì lúc đó các em mới được phép tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy.

Để thực hiện việc cấm các em học sinh đi xe máy một cách hiệu quả thì học tập là con đường ngắn nhất để tác động vào nhận thức của các em về vấn đề này. Đồng thời  thông qua tuyên truyền vào tâm lý nhận thức của các em để các em nhận thức được việc cần thiết và đúng đắn của lệnh cấm này. Đặc biệt, chính người lớn phải thực hiện gương mẫu các luật giao thông thì mới tác động tích cực vào nhận thức của các em.

Các cơ quan chức năng đã có những hình thức xử lý nào đối với các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường, nhất là các xe chở nguyên vật liệu xây dựng như đất, đá gây nên bụi bặm trên các tuyến đường phố ảnh hưởng đến mọi người khi tham gia giao thông? Tại sao các hình thức xử lý chưa đủ sức răn đe, khống chế tệ nạn này? (Trần Đình Thắng - 16 tuổi  – Thanh Xuân, Hà Nội )

Thượng tá Nguyễn Ngọc Tuấn: Đây là vấn đề được đặt ra trong bối cảnh tốc độ đô thị hoá rất nhanh, các phương tiện gây ô nhiễm môi trường cũng tăng và đối với vi phạm tất cả các phương tiện này bị xử lý rất nghiêm.

Hiện Cục Cảnh sát giao thông chỉ đạo CSGT và thanh tra GT địa phương, Cục Đăng kiểm, Cục Bảo vệ môi trường thành lập tổ liên ngành để xử lý phương tiện tham gia giao thông đổ vật liệu ra đường hoặc làm rơi chất chuyên chở trên xe xuống đường.

Thời gian qua, chúng tôi đã triển khai nhiều hoạt động kiềm chề và giảm thiểu hiện tượng trên, và mặc dù trên các tuyến giao thông ở thành phố , thị xã vẫn còn nhưng đã giảm đáng kể.

Công tác quản lý nhà nước cũng đặt ra một vấn đề cấp bách là việc quản lý các phương tiện, quy định về thời gian các phương tiện này được phép đi lại để giảm sự ô nhiễm môi trường hiện nay.

Tôi đề nghị có chiến dịch tuyên truyền việc chấp hành pháp luật giao thông ngay trên đường phố, bằng những thông tin cụ thể. Ví dụ như tại các giao lộ, nên có những băng rôn ghi rõ hành vi vượt đèn đỏ thì bị phạt bao nhiêu; hay tại các điểm thường có đông người trèo qua dải phân cách thì nên có bảng ghi rõ to mức phạt đối với hành vi này. Tôi nghĩ cách này sẽ tác động nhiều hơn là hình thức tuyên truyền theo kiểu "An toàn là bạn, tai nạn là thù" như đã từng thấy trên nhiều tuyến đường. (Kiên - 22 tuổi - kien.hoi@gmail.com)

Ông Nguyễn Trọng Thái: Việc tuyên truyền cụ thể từng hành vi vi phạm để người tham gia giao thông biết rõ hành vi của mình đến mức độ nào quả là rất hay. Chúng tôi xin ghi nhận sáng kiến này của bạn trong nghiên cứu, xem xét để có triển khai trong thời gian tới đây.

Giao lưu trực tuyến về an toàn giao thông ảnh 17

Thưa anh Lê Mạnh Hùng, anh nghĩ sao khi các đoạn đường thanh thiêu niên tự quản được các cấp bộ Đoàn lựa chọn lại là những đoạn đường đẹp nhất, sạch sẽ nhất của các địa phương? Vậy liệu mô hình này của Đoàn có hình thức và mang bệnh thành tích hay không? (Lan Anh - Nữ - 20 tuổi - Quận 11, TP HCM)

Anh Lê Mạnh Hùng: Tôi đánh giá đã là đường thanh niên tự quản trước tiên là đường thanh niên gương mẫu, vì vậy thanh niên phải tham gia vào việc giữ gìn vệ sinh sạch đẹp, góp phần làm giảm ùn tắc giao thông.

Trong đợt tôi đi kiểm tra, các tuyến đuờng thanh niên nhận là các con đường chưa tốt: vẫn còn ùn tắc giao thông, tuyến đường chưa sạch sẽ... Nếu nhận các tuyến đường như bạn đề cập thì làm gì còn tính xung kích của thanh niên nữa. Cảm ơn bạn. 

Tại đầu cầu TPHCM, không khí buổi giao lưu mỗi lúc một thêm "nóng" bởi hàng loạt câu hỏi được các bạn trẻ đặt ra.

Giao lưu trực tuyến về an toàn giao thông ảnh 18
Giao lưu trực tuyến tại đầu cầu TPHCM. Ảnh : TPO

Bạn Nguyễn Anh Tài - Họa sỹ hỏi: Ngành giao thông vận tải phân luồng xe thì liệu có giảm được tai nạn giao thông và kẹt xe hay là vẫn bị luẩn quẩn. Hiện tại dân số nước ta đang gia tăng, tình trạng ùn tắc cũng ngày càng tăng thì cần phải có biện pháp nào cụ thể?

Bạn Ngọc Thúy - Sinh viên - hỏi: Phong trào TNTN gìn giữ an toàn giao thông kéo dài bao lâu? Nhiều bạn tham gia gìn giữ an toàn giao thông nhưng khi tham gia giao thông vẫn vi phạm! Vai trò của Đoàn trong việc này như thế nào để các hoạt động trên không chỉ là hình thức mà đi sâu vào cụ thể, tăng cường đượcý thức khi tham gia giao thông của thanh niên?

Minh Cường - Sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cũng cho rằng: "Hiệu quả của thanh niên xung phong tham gia gìn giữ an toàn giao thông tại TPHCM hiện nay chưa cao vì họ chưa có chế tài để xử lý, răn đe người tham gia giao thông. Đoàn cần tìm những biện pháp nào khác để tại hiệu quả tứ lực lượng này?

Bạn Huỳnh Văn Thương chất vấn: Ban chấp hành T.Ư Đoàn có một văn bản nào nhằm "phạt" những đoàn viên là sinh viên vi phạm Luật An toàn giao thông? Tôi có ý kiến: "Nên có một giải thưởng dành cho sinh viên có những đóng góp ý tưởng cho an toàn giao thông như chống ùn tắc giao thông, những việc làm, những hành động dũng cảm cứu người bị tai nạn giao thông, tham gia những công việc liên quan đến an toàn giao thông".

Bạn Mai Lưu Phúc – TP.HCM băn khoăn: Tôi muốn hỏi Bộ Giáo dục có những biện pháp gì để giáo dục ý thức các bạn về việc tham gia giao thông chưa. Như việc đưa vào chương trình học một chương nhỏ trong Môn Giáo dục công dân là chương Các Luật giao thông cơ bản của người tham gia giao thông ?

Bạn Lữ Thị Hằng - CLB Tuổi trẻ& Pháp luật NVHTN cho rằng: Theo tôi biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu ùn tắc giao thông hiện nay đó là việc hạn chế phương tiện cá nhân đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ của các phương tiện công cộng.

Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến việc nâng cao ý thức chấp hành giao thông của người tham gia thông cũng như lực lượng thanh tra giao thông. Và có lẽ hơn hết đó là việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông. 

Để giảm được TNGT chúng ta có thể thực hiện các biện pháp để giảm tỷ lệ xe máy lưu thông trên trên đường và tăng cường mạng lưới giao thông công cộng. Như hiện nay việc gia tăng tuyến đường của xe buýt là cần thiết, đầu tư trang bị phương tiện công cộng đảm bảo chất lượng và sức khoẻ cho người dân, bên cạnh đó cần nâng cấp các tuyến đường không đảm bảo an toàn lưu thông.

Giao lưu trực tuyến về an toàn giao thông ảnh 19
Những bạn trẻ tham gia tích cực trong buổi giao lưu trực tuyến tại đầu cầu TPHCM nhận nhữung phần quà từ Ban tổ chức. Ảnh: TPO

Hầu hết các bạn trẻ tham gia buổi giao lưu đều cho rằng vấn nạn giao thông đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Với vai trò của mình, các bạn cũng đồng tình rằng trong khi Chính phủ đang có nhiều nỗ lực để giải quyết thì mỗi người, nhất là thanh niên, cần tự mình phải có ý thức hơn trong việc tham gia giao thông như: chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông, quyết tâm cùng mọi người thực hiện việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động mọi người cùng tham gia gìn giữ về an toàn giao thông.

Giao lưu trực tuyến về an toàn giao thông ảnh 20
Tại đầu cầu Đà Nẵng không khí buổi giao lưu vẫn rất sôi động. Ảnh: TPO

Đầu cầu Đà Nẵng: Tính đến thời điểm này, BTC đã nhận được thêm hơn 20 câu hỏi. Ngoài theo dõi trực tuyến, một số câu hỏi gắn với trách nhiệm của thanh niên trên địa bàn thành phố, đã được đại diện Sở GD&ĐT và Phòng CSGT trả lời trực tiếp.

Các câu hỏi mà các bạn trẻ đầu cầu Đà Nẵng quan tâm tập trung vào các vấn đề: Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, vấn đề đi xe máy đến trường của HS THPT... Các câu hỏi chất vấn đang được đặt ra và các vị khách mời tại điểm Đà Nẵng và được trả lời một cách cặn kẽ.

11 giờ, tại đầu cầu Đà Nẵng, nhiều ĐVTN từ các cơ sở, các quận huyện vẫn đang hăng hái tham gia giao lưu, đặt câu hỏi cho Ban tổ chức. PV Tiền phong có cuộc trao đổi với một số ĐVTN về vấn đề bắt buộc thực hiện đội MBH đối với người tham gia giao thông khi ngồi trên xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường.

Giao lưu trực tuyến về an toàn giao thông ảnh 21
Bạn Lê Thị Trúc Linh tại đầu  cầu Đà Nẵng. Ảnh: TPO
Nhà ở tận huyện Hòa Vang nên khi tới Thành Đoàn Đà Nẵng tham gia giao lưu bạn Lê Thị Trúc Linh phải đội mũ bảo hiểm. Tuy thế, Linh vẫn không hề cảm thấy phiền toái vì đã quá quen với “nồi cơm điện” trên đầu.

“Mình đã đội MBH cách đây hơn 1 tháng, lúc đầu cũng thấy hơi phiền toái, nhưng bây giờ quen rồi, lại cảm thấy thoải mái nữa. Thời gian này, mình và các ĐVTN vẫn hay vận động các bạn trẻ trên địa bàn huyện đội mũ bảo hiểm”.

Còn bạn Huỳnh Thành Nhân (Đoàn Dân chính Đảng – Thành Đoàn Đà Nẵng), bộc bạch: “Thỉnh thoảng cũng có phiền hà thật, vì đi dạo biển, đi cà phê cũng kè kè MBH, trong khi đó, chúng ta lại chưa có cơ chế giữ MBH tại bãi giữ xe. Tuy nhiên, bây giờ mình cũng quen rồi nên hễ cứ ra đường là đội MBH”.

TPO tiếp tục tường thuật diễn biến tại đầu cầu Hà Nội: Hiện nay, một số đoạn đường trên các tuyến quốc lộ, nhất là quốc lộ 1A, có hiện tượng đường đẹp, giao thông thuận lợi nhưng lại bị hạn chế tốc độ cộng với việc CSGT "bắn tốc độ” các phương tiện tham gia giao thông. Điều này có vẽ như là một nghịch lý? Có người cho rằng đó là bẫy làm ăn của CSGT? Ông nghĩ gì về ý kiến này? (Trần Phương Anh, 20 tuổi – Hà Nội. Email: yeumautim@yahoo.com)

Giao lưu trực tuyến về an toàn giao thông ảnh 22

Thượng tá Nguyễn Ngọc Tuấn: Câu hỏi của bạn cũng là vấn đề mà tôi thường được nghe nhiều.

Chẳng hạn như việc bắn tốc độ quá nhiều ở những tuyến đường dài khắp đất nước và khu đông dân cư, lưu lượng tham gia giao thông phức tạp và ngành giao thông nghiên cứu khảo sát để có những biển quy định về khu đông dân cư và hạn chế tốc độ, đảm bảo tính an toàn cao, xung đột giao thông lớn và yêu cầu lái xe chủ động tay lái và giảm tốc độ thấp nhất hạn chế TNGT xảy ra.

Ý kiến của bạn cho rằng việc "Bắn tốc độ"  là cái "bẫy" làm ăn của của cảnh sát giao thông chỉ là theo cảm tính của bạn. Việc làm này hoàn toàn xuất phát từ việc đảm bảo an toàn giao thông. Cũng có một vài trường hợp hoặc có  những cá nhân cảnh sát  giao thông lợi dụng việc này để nhũng nhiễu và làm ảnh hưởng tới người tham gia giao thông.

Nếu phát hiện những trường hợp này chúng tôi kiên quyết xử lý thật nghiêm. Các bạn phát hiện cảnh sát giao thông có biểu hiện tiêu cực khi thi hành nhiệm vụ hãy cung cấp thông tin cho chúng tôi. Ngành công an sẽ khẳng định xử lý nghiêm khắc các trường hợp này. 

Tình trạng học sinh đi xe máy điện đến trường hiện nay là khá phổ biến. Nên chăng tổ chức các tuyến xe bus đưa đón học sinh để đảm bảo vấn đề an toàn giao thông. Một số tuyến đường lớn chưa có đèn giao thông, xin hỏi hướng giải quyết cho vấn đề này? (Thúy Linh - 23 tuổi - TP Đà Nẵng)

Thầy Nguyễn Quốc Bình: Nguyện vọng đi xe đạp, xe máy điện cùng với đi xe buýt là rất đúng đắn nhưng học sinh Hà Nội ít đi xe buýt. Học sinh trường tôi phổ biến là đi xe đạp. Tuy nhiên, các địa phương các cơ quan chức năng nên nghiên cứu và sớm tổ chức các tuyến xe buýt thuận lợi các trường học chắc chắn sẽ góp phần giảm thiểu đi xe máy đến trường.

Qua hệ thống của TPO, nhiều bạn đọc đã chia sẻ ý kiến của mình.

Phạm Hoàng; Email: phamhoang@viettel

Tôi là người thường xuyên di chuyển trên đường bằng xe gắn máy. Dĩ nhiên vấn đề an toàn giao thông luôn được đặt lên hàng đầu; tuy nhiên tôi có mấy nhận xét về tình hình giao thông của Việt Nam hiện nay:

1. Người đi xe gắn máy gặp tai nạn giao thông chết nhiều chưa hẳn là vì người đi xe gắn máy mà tại các loại xe khác chạy ẩu. Các cơ quan chức năng cần xem xét lại các bằng lái xe của các tài xế xe tải.

2. Vấn đề kẹt xe tại các đô thị thường do xe tải, xe bus và các loại xe khác lưu thông không đúng tuyến, quay trở đầu tùy tiện dẫn đến kẹt xe là đương nhiên đặt biệt là tại các ngã tư.

3. Phải chia giờ làm việc, giờ học lệch giờ để giảm tải giao thông, tránh được tình trạng mọi người đổ ra đường cùng thời gian (ở TPHCM là vào khoảng từ 7 - 9 giờ).

4. Hàng hóa xuất nhập khẩu thời hội nhập nhiều do đó cần sắp xếp lại các cảng hàng hoá (nhất là các cảng nằm sâu trong TPHCM) để tránh xe container, xe tải ra vào TP nhiều.

5. Cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục giấy tờ, giải quyết thủ tục bằng điện tử có lẽ cũng là một trong nhiều giải pháp vì người dân không phải chạy đôn chạy đáo để chứng thực giấy tờ, trình giấy tờ với các cơ quan ban ngành (có khi chỉ một tờ giấy mà phải chạy cả ngày ngoài đường). Ví dụ như chấp nhận các chứng từ điện tử qua internet, không cấn bắt người dân phải công chứng giấy tờ khi không thực sự cần thiết...

6. Các cơ quan chức năng nên tổ chức lại giao thông, cách điều hành giao thông sao cho hợp lý với tình hình cơ sở hạ tầng hiện có; giống như ông bà ta có câu "Liệu cơm gắp mắm".

Không nên đổ thừa cho cơ sở hạ tầng giao thông, không nên quy hết trách nhiệm cho người dân vì nhà nước đã thu thuế của dân để làm những công việc như vậy và cũng không nên "trăm dâu đổ đầu tằm" vì đâu phải xe gắn máy là nguyên nhân hàng đầu gây ra nạn kẹt xe hạy tai nạn giao thông. Nói chung các cơ quan chức năng nên xem xét lại mọi việc thì may ra tình hình giao thông Việt Nam mới được cải thiện.

Nguyễn Thị Vân Anh; Email: chienson2006@yahoo.com Cần có chế độ bồi dưỡng cho cảnh sát và thanh tra giao thông

Tôi rất phấn khởi vì khoảng 2 tuần trở lại đây tình hình tắc đường tại Hà Nội đã được hạn chế rất nhiều, trong đó tôi nhận ra sự làm việc rất tích cực, tích cực hơn rất nhiều của cảnh sát và thanh tra giao thông. Tôi là người đang trong tuổi đi làm, nên việc đi lại là hàng ngày và ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả công việc.

Nhân đây tôi xin đề nghị Nhà nước có các chế độ bồi dưỡng thích hợp cho lực lượng cảnh sát và thanh tra giao thông sao cho họ có đủ sức khỏe và sự yên tâm trong công tác để hàng ngày cống hiến sức lực nhằm giải tỏa tắc nghẽn giao thông.

Việc này tôi nghĩ không chỉ là chiến dịch nhất định mà sẽ là công việc suốt đời của các anh, nên sự đãi ngộ là rất quan trọng vì tôi thấy họ rất vất vả để giao thông được thông suốt. Hơn nữa dân số tăng mà đường xá không kịp mở mang thì theo tôi, sự nhiệt tình của cảnh sát và thanh tra giao thông là vô cùng quan trọng trong điều kiện nước ta hiện nay.

NPĐ; Email: bengoeo@yahoo.com  Làn đường ở Việt Nam

 Đường Việt Nam nói chung là giống hệt với các con đường ở mọi nơi trên thế giới. Đường nhỏ thì chia làm hai chiều, mỗi chiều là một làn đường cho hai luồng giao thông ngược chiều nhau. Đường lớn cũng được phân thành hai chiều, những mỗi chiều được phân thành nhiều làn, có thể là hai làn đường, bốn làn đường...

Nhưng điều đáng nói ở đây là độ rộng mỗi làn đường. Như nhiều người thường nhắc đến, hiện đang tồn tại “nền giao thông ôtô” và “nền giao thông xe máy”.

Độ rộng làn đường hiện tại chính là do chúng ta bê nguyên từ “nền giao thông ôtô” của các nước phát triển như Pháp, Mỹ và Liên Xô trước đây. Với cách tổ chức này, một chiếc ôtô nằm trọn trong một làn đường, không thể lạng lách đánh võng, lệch sang phải, đảo sang trái hoặc chen vào giữa hai chiếc ôtô khác.

Thế nên, có lần tôi bị tắc đường ở Tokyo, mặc dù dòng xe bị ùn lại dài đến 25 km nhưng khi chướng ngại được tháo dỡ, chỉ mất ít phút là giao thông trở lại bình thường. Nhưng đem cách tổ chức này áp dụng y nguyên vào Việt Nam ta thì tất yếu nảy sinh nhiều vấn đề. Vấn để rõ ràng nhất là góp phần làm giao thông của chúng ta trở nên lộn xộn và qua thời gian, làm thui chột ý thức giao thông của người dân.

Vì sao lại như vậy? Chiếc xe máy nhỏ bé được tự do đi trên một làn đường rộng thênh thang, đi bên phải, bên trái, chính giữa, hoặc bất cứ chỗ nào, miễn là bên trong cái làn đường ấy là được. Việc đi dẹp vào bên phải hay không hoàn tòan phụ thuộc vào ý thức của mỗi người. Các nhà quản lý chỉ biết kêu gọi và kêu gọi, hoặc tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức...nhưng hiệu quả luôn luôn không như mong muốn.

Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải bắt tay vào cải tạo cách tổ chức giao thông hiện tại. Theo tôi, có một số biện pháp cần làm ngay, có thể bắt đầu từ việc thí điểm tại một số tuyến đường trong thành phố đến áp dụng đại trà trên toàn quốc.

1. Phân nhỏ các làn đường hiện tại thành các làn nhỏ hơn bằng các dải phân cách mềm dành riêng cho xe máy, độ rộng mỗi làn đường nhỏ sẽ chỉ vừa đủ cho một xe máy lưu thông. Như vậy, sẽ tồn tại dải phân cách riêng cho ôtô và xe máy, một làn đường dành cho ô tô sẽ bao gồm cả làn cho xe máy (tùy theo từng tuyến đường).

2. Đưa ra các quy định cụ thể về lưu thông mới cho ôtô và xe máy đồng thời tuyên truyền giáo dục về quy định mới này. Thiết nghĩ, sự xuất hiện của các làn đường mới dành riêng cho xe máy chính là biện pháp tuyên truyền hiệu quả nhất, người dân sẽ tự động chấp hành việc đi đúng làn đường của mình.

Tất nhiên, các nhà quản lý cần nghiên cứu sâu hơn về các quy định cụ thể. Ví dụ như các xe tốc độ thấp sẽ đi vào các làn bên phải, các xe đi vào làn của ô tô sẽ phải đi với tốc độ cao... Thực hiện được hai điều trên, bộ mặt giao thông của Việt Nam, đặc biệt là các đô thị lớn sẽ hoàn toàn thay đổi, đẹp hơn, kỷ luật hơn.

Thêm vào đó, ý thức tham gia giao thông của người dân sẽ tự động được nâng cao hơn, các vấn đề liên quan như tai nạn, ùn tắc sẽ dần dần được cải thiện. Tuy nhiên, việc thực hiện cải tổ hay không hoàn toàn nằm trong tay của các nhà quản lý.

Buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "ATGT - Hãy không ngoài cuộc" đã kết thúc lúc 11 giờ 15 sáng nay với sự tham gia nhiệt tình và đông đảo của ĐVTN trên cả nước, đặc biệt là tại 3 đầu cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Những câu hỏi, những vấn đề mà các bạn trẻ đặt ra một lần nữa chứng tỏ họ đã không hề đứng ngoài cuộc với vấn nạn ATGT đang nhức nhối hiện nay. 

MỚI - NÓNG
Hệ thống giao dịch mới 'lỡ hẹn' tác động sao tới chứng khoán?
Hệ thống giao dịch mới 'lỡ hẹn' tác động sao tới chứng khoán?
TPO - Thanh khoản sụt giảm, nhà đầu tư tiếp tục thận trọng sau kỳ nghỉ lễ. Không còn kỳ vọng giao dịch bùng nổ từ việc vận hành hệ thống mới, thực tế KRX thêm lần lỡ hẹn gây thất vọng với thị trường. Trong khi đó, nhóm ngành điện, bất động sản khu công nghiệp bất ngờ giao dịch tích cực.