Chất lượng các trường đại học mới: S.O.S!

Chất lượng các trường đại học mới: S.O.S!
Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, đã có 25 trường đại học (ĐH) mới được thành lập. Số lượng các trường ĐH mới được thành lập là rất khả quan, nhưng chất lượng thì thật đáng lo ngại.

Đa phần các trường ĐH mới được nâng cấp từ một trường CĐ hoặc sáp nhập nhiều trường CĐ.

Chất lượng các trường đại học mới: S.O.S! ảnh 1
Ảnh minh họa: Lao Động

Trình độ giáo viên hạn chế

Bài học của nhiều trường ngoài công lập: Dành 5 - 10 năm để xây dựng một cơ ngơi đầy đủ phòng học, phòng thí nghiệm, trang thiết bị dạy học và cả KTX... là một điều rất khó, nhưng vẫn có thể làm được.

Bằng chứng là những trường ngoài công lập có tuổi đời sau 10 năm hiện nay đã bắt đầu có được cơ ngơi "cho ra dáng trường ĐH".

Nhưng cũng với 5 - 10 năm đó, để xây dựng một đội ngũ giáo viên tốt, có thể gánh vác được trách nhiệm đào tạo nhân lực ở bậc học cao là việc không phải trường nào cũng làm được.

Ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng - đã từng tự hào vì trường đã làm được một việc khó mà không phải trường ngoài công lập nào trong khoảng 5 năm đầu tiên có thể làm được. Đó là xin đất, kêu gọi đầu tư xây trường, xây "khách sạn sinh viên"...

Tuy nhiên, về vấn đề con người thì ông lại rất thận trọng: Chủ yếu vẫn trông đợi vào đội ngũ giáo viên thỉnh giảng. Mặt khác phải gửi người đi đào tạo để tạo nguồn giáo viên sau này. Để có được một đội ngũ giáo viên của mình, nếu nỗ lực ngay từ buổi đầu lập trường cũng phải mất nhiều năm...".

Nhiều trường ĐH ngoài công lập thành lập cuối những năm 1990 đều phải vận dụng cách "lấy giáo viên thỉnh giảng bù đắp cho khoảng trống về đội ngũ giáo viên".

Cũng trong thời gian ấy, lãnh đạo nhiều trường ĐH công lập đau đầu vì tình trạng giáo viên của trường, trong đó có những giáo viên đầu ngành lao vào dạy cho trường ngoài công lập.

Thay vào việc đầu tư đổi mới cách dạy học, nghiên cứu khoa học, giáo viên nhiều trường trở thành "thợ giảng". Tình trạng này đến nay chưa cải thiện là bao thì lại bắt đầu có hàng loạt trường ĐH mới ra đời tiếp tục phương châm "trông cậy vào giáo viên thỉnh giảng".

Trong số 25 trường ĐH mới thành lập có trường hiện nay chưa hề có một giáo viên nào là giáo sư, phó giáo sư hay có trình độ tiến sĩ. Một số trường trong báo cáo với Vụ Đại học & Sau Đại học, Bộ GD&ĐT cũng chỉ có 1 - 2 giáo viên là tiến sĩ, không có giáo sư, phó giáo sư.

Theo bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ Đại học& Sau Đại học - thì có một vài trường gửi con số báo cáo số giáo viên là giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ, nhưng thực tế không có như thế. Khi kiểm tra lại thì các trường giải thích "đó là con số trường đang phấn đấu!".

Đội ngũ giáo viên có thể coi là yếu tố quan trọng số 1 để tạo nên chất lượng đào tạo ở trường ĐH. Nhưng nhìn vào các trường mới thì thấy trình độ giáo viên đang là bất cập rõ nhất.

Giống trường phổ thông

Tình trạng trường "ĐH giống trường THPT"  là phổ biến, nhất là khi có hàng loạt trường mới được thành lập. Nhiều trường ĐH mới hiện nay chưa có  các phòng thí nghiệm chuyên ngành. Sinh viên chủ yếu học chay, chưa có giáo trình, tài liệu tham khảo, trang thiết bị hỗ trợ dạy học... Lịch học thay đổi do lệ thuộc vào giáo viên thỉnh giảng...

Với những trường ĐH kiểu này, không thu hút được sinh viên là đương nhiên. Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua, nhiều trường ĐH, trong đó chủ yếu là các trường ĐH ngoài công lập và ĐH công lập mới thành lập đã phải có công văn xin Bộ GDĐT cho hạ điểm sàn.

Một bất cập nữa tồn tại từ nhiều năm là nhiều trường ĐH mới cố gắng tìm cách tuyển đủ chỉ tiêu, kể cả việc chấp nhận chất lượng thấp. Mặc dù năm nay, Bộ GDĐT đã đổi mới việc giao chỉ tiêu, nhưng việc này chưa được thực hiện quyết liệt. Nhìn từ điều kiện hoạt động của những trường mới mở, chỉ tiêu được giao năm nay vẫn là "quá sức". 

Với  áp lực thực hiện mục tiêu đạt 200 sinh viên/một vạn dân vào năm 2010 và 450 sinh viên/một vạn dân vào năm 2020, sẽ còn có nhiều trường ĐH mới được mở. Nhưng rõ ràng quy trình mở trường ĐH và cho phép trường hoạt động đang cần xem xét lại, nhất là khi ở VN, việc kiểm định chất lượng đào tạo ĐH chưa được làm tốt.

GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hội Liên hiệp Các trường ĐH ngoài công lập: "Thành lập trường ĐH nên tuân thủ hai bước"

Muốn chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho một trường ĐH hoạt động thì trước tiên phải  có tư cách pháp nhân. Chỉ khi các trường có tư cách pháp nhân mới có thể đi xin đất xây trường, kêu gọi đầu tư cho trang thiết bị dạy học, tuyển người, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế...

Nhưng thực tế hiện nay, trong hồ sơ xin mở trường đã yêu cầu phải có địa điểm xây trường và những điều kiện khác, đó là yêu cầu cực kỳ khó. Tuy nhiên, vượt qua được khó khăn của việc xin phép, có giấy phép thành lập là các trường ĐH lập tức tuyển sinh ngay.

Việc đánh đồng hai bước thành lập trường ĐH làm một (cấp phép thành lập và cho tuyển sinh) như trên đã gây nên nhiều bất cập. Lẽ ra bước 1 nên đơn giản hơn để cho người ta có tư cách pháp nhân để đi lo các điều kiện cho trường hoạt động. Nhưng trước khi cho trường tuyển sinh, phải kiểm tra khắt khe và kiên quyết không cho những trường không đủ điều kiện tuyển sinh.

Chúng ta nên tách bạch hai bước của việc thành lập trường ĐH: Cho  phép thành lập và cho phép tuyển sinh thì mới hạn chế được tình trạng trường ĐH thiếu nguồn tuyển vì không có sức hút với người học.

Theo Kỳ Thanh
Lao Động

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.