Lũ dữ uy hiếp hai tỉnh Thanh Hóa , Nghệ An

Lũ dữ uy hiếp hai tỉnh Thanh Hóa , Nghệ An
TP - Khoảng 1giờ sáng ngày 5/10, khi mực nước sông dâng nhanh chia cắt hoàn toàn lối vào đê, hàng vạn người dân sinh sống ở hai  bên khu vực ngoài đê sông Chu, sông Mã, sông Lèn (Thanh Hóa) mới choàng tỉnh để chạy lũ…

Tại công trường thi công hồ chứa nước Cửa Đạt đã xảy ra sự cố bị sạt lở nghiêm trọng đập chính. 

Lũ đầu nguồn sông Chu đổ về đã làm đứt cáp quang liên lạc với khu vực thi công hồ chứa nước Cửa Đạt lúc 16 giờ ngày 4/10. Địa điểm xảy ra sạt lở tại công trình này bị nước lũ cô lập hoàn toàn.

Ngay từ trưa ngày 4/10 tỉnh Thanh Hóa đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội về các địa bàn xung yếu ở các xã thuộc hai huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa để vận động và giúp dân di dời khẩn cấp. Tuy nhiên công tác di dời đã gặp nhiều khó khăn do người dân quá chủ quan.

Sáng 5/10, gần 10 xã của Thọ Xuân có hàng nghìn hộ dân định cư ở phía ngoài đê bị ngập nước hoàn toàn. Trong phạm vi bán kính gần 1 km, toàn xã Xuân Yên bị cô lập trong biển nước. Xã Phú Yên bị nước tràn ngập hoàn toàn. Lúc này, còn hàng nghìn dân chủ quan trong vũng lũ, chưa kịp di dời.

Ông Đỗ Thanh Hà, Bí thư xã Phú Yên cho biết: Tại xã  có 3 thôn ở ngoài đê. Từ trưa ngày 4/10, mặc dù chính quyền vừa vào tận từng thôn, gia định vận động, thông báo di dời khẩn cấp nhưng do chủ quan đêm qua (4/10) nhiều người vẫn bình thản.

Đã có 35 người chết và mất tích

Như vậy, tính đến tối qua, theo thông tin mà Tiền phong có được, cơn bão số 5 và lũ lớn tại Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An đã khiến ít nhất 34 người chết và mất tích.

Cụ thể: cơn bão số 5 có 4 người; Sơn La có 7 người; Thanh Hóa có 3 người và tại Nghệ An có 21 người chết và mất tích.

Đến khoảng 21h tối cùng ngày, mực nước sông Chu bắt đầu dâng nhanh. Sáng sớm 5/10, khi người dân đóng gói xong những bì lúa để di dời thì không còn đường vào đê.

Nhiều gia đình chỉ kịp đưa người già, trẻ nhỏ vào các thôn trong đê, trường học để tránh lũ. Hiện còn khoảng gần 1.000 dân của 3 thôn này vẫn đang trú lũ ở gác mái, tầng 2 ở một số nhà tại thôn.

Tại xã Thọ Lâm, nhiều người dân đang tập trung ở gia đình ông Lưu Đình Hải, chia buồn với gia đình vì em Lưu Đình Hà (con ông Hải), học sinh lớp 11B5, trường THPT Lam Kinh (Thọ Xuân) vừa bị mất chiều 4/10 vì cố gắng cứu em Nguyễn Văn Tuấn, thôn 4 (Thọ Lâm) khỏi chết đuối khi mực nước sông Chu dâng cao. 

Cũng trong chiều 4/10, một thanh niên chưa rõ họ, tên ở thôn 5 xã Xuân Bái đã bị nước cuốn trôi không tìm thấy xác trong khi đi vớt củi.

Công tác cứu hộ cũng đang diễn ra tại huyện Thiệu Hoá, tập trung ở các xã Thiệu Khánh, Thiệu Dương, Thiệu Nguyên… Được biết, một tai nạn đáng tiếc đã xảy ra vào chiều ngày 5/10 ở thôn 4 (xã Thiệu Dương), một cháu bé 4 tuổi đã tuột khỏi vòng tay mẹ bị nước cuốn trôi mất tích, khi hai mẹ con đang tránh nước dâng ngập nhà.

Hàng nghìn người dân trong vùng lũ của huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa… vẫn chưa di dời. Công tác cứu hộ đưa người trong vùng lũ ra, đưa lương thực vào vẫn đang diễn ra. Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Thanh Hóa cho biết: Đến 18h ngày 5/10, mực nước các sông Chu, sông Mã, sông Bưởi đều đã vượt mức báo động 3.

Mực nước sông Mã, sông Bưởi vẫn đang tiếp tục tăng, nguy cơ vượt mức lũ lịch sử. Ngoài hai khu vực Thiệu Hóa, Thọ Xuân, hàng nghìn hộ dân ở các huyện Thạch Thành, Yên Định, Vĩnh Lộc… ở Thanh Hóa đã bị ngập chìm trong nước. Số hộ đã di dời là 18.478 hộ (54.000 nhân khẩu). Ước tính thiệt hại về tài sản của toàn tỉnh đến thời điểm này là 335 tỉ đồng.

Nghệ An: Huyện Quế Phong bị lũ cô lập

Sáng qua (5/10), lũ từ thượng nguồn đổ về miền Tây Nghệ An. Hàng ngàn căn nhà tại Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương chìm trong biển nước, giao thông trên QL 48 tê liệt khiến huyện Quế Phong (cách Vinh 180km) bị cô lập hoàn toàn.

Tại Quế Phong, lũ dâng cao làm ngập 21 chiếc cầu trên địa bàn, 5 xã trong huyện bị nước bao vây, những xã bị ngập nặng nhất là Tiền Phong, Mường Nọc, Châu Kim. Điện mất, thông tin liên lạc gián đoạn, huyện rẻo cao Quế Phong biến thành “ốc đảo” kể từ 7 giờ sáng hôm qua khi quốc lộ 48 đoạn qua Quỳ Châu- Quế Phong bị nước lũ chia cắt. 

Tại huyện Quỳ Châu, lũ gây ngập úng thị trấn, 1/2 số nhà dân chìm trong nước. Bốn người trong gia đình anh Vi Văn Tuấn (khối 4) bị thương do cây đổ đè sập nhà. Tại huyện Tương Dương, mưa lớn kéo dài làm mực nước Nậm Nơn, Nậm Mộ (hai nhánh chính của sông Lam) dâng cao.

Các xã Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Thắng, Luân Mai, Nhôn Mai, Mai Sơn... bị cô lập hoàn toàn, nhiều xã vùng sâu vùng xa bị mất liên lạc, hàng chục km đường liên xã hư hại, hệ thống thủy lợi ở xã Tam Thái bị vỡ.

Huyện Kỳ Sơn cũng đang bị lũ uy hiếp. Khe Nậm Tôn ở huyện Quỳ Hợp bị ngập sâu 1m dưới mặt nước từ hai ngày nay... Đây là trận lũ lớn nhất tàn phá các huyện miền Tây Nghệ An trong vòng 30 năm qua.

Khoảng 8h sáng ngày 5/10, lực lượng cứu hộ Quế Phong vớt được xác một thiếu niên 15 tuổi bị chết đuối. Tại xã Nghĩa Khánh (huyện Nghĩa Đàn) có thêm 1 người chết do mưa lũ, chưa xác định được tung tích nạn nhân. 1 người phụ nữ 45 tuổi tại xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp bị tử nạn trong lúc trèo lên mái nhà sửa ngói...

Như vậy tính đến hôm qua, toàn tỉnh Nghệ An đã có 7 người chết và mất tích. Tuy nhiên, đêm qua, theo TTXVN, tại xã Nậm Giai, huyện Quế Phong đã có thêm 14 người dân bị lũ quét cuốn trôi. Như vậy, tại Nghệ An, số người chết và mất tích đã lên đến 21.

Ninh Bình: Di dời 14.000 dân  để xả lũ cứu đê Tả sông Hoàng Long

Ông Lê Văn Dung, Bí thư Huyện ủy Nho Quan (Ninh Bình) cho biết: Khả năng trong đêm (5/10), huyện phải di dời 14.000 dân các xã Đức Long và Lạc Vân để phục vụ việc xả lũ nhằm bảo vệ đê Tả sông Hoàng Long.

Do mưa lớn đê Lợi Hà thuộc huyện Nho Quan đã ngập với mực nước cao 4,3m, buộc hàng ngàn hộ dân các xã Gia Lâm, Gia Thủy, Gia Tường, Gia Sơn và Xích Thổ của 2 huyện Gia Viễn và Nho Quan đang phải đi lại bằng thuyền.  TTXVN

MỚI - NÓNG