Xung quanh cơn sốt nhà đất:

Phải kéo giá bất động sản từ 'trên trời' xuống 'mặt đất'!

Phải kéo giá bất động sản từ 'trên trời' xuống 'mặt đất'!
TP - "Giá bất động sản hiện nay đang ở trên trời, cần phải đưa xuống mặt đất”-Tiến sĩ Trần Du Lịch (Viện trưởng Viện kinh tế TP.HCM) nói.
Phải kéo giá bất động sản từ 'trên trời' xuống 'mặt đất'! ảnh 1
Từ đầu cơ đất, chuyển sang đầu cơ về nhà chung cư cao cấp

Cơn “sốt” nhà đất vào thời điểm hiện tại đã “hâm nóng” phiên thảo luận ở tổ về kinh tế - xã hội của Đoàn đại biểu Quốc hội (QH) TPHCM, diễn ra sáng 23/10.

Ngay sau khi tiến sĩ Trần Du Lịch (Viện trưởng Viện kinh tế TP.HCM) “mổ xẻ” những bất cập của nền kinh tế, đặc biệt là hiện trạng giá cả nhà đất leo thang chóng mặt và vấn đề đầu cơ bất động sản, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đề nghị phải lưu ý đối với những phân tích của ông Trần Du Lịch.

“Cần tập hợp những ý kiến của tiến sĩ Trần Du Lịch vào trong biên bản thảo luận của Đoàn đại biểu TPHCM để gửi đến QH” - Chủ tịch nước nói.

Người nghèo khó có điều kiện tạo lập nhà ở

Nhiều vị trong Đoàn đại biểu QH TP.HCM đã đề cập đến “cơn điên mang tên The Vista” mà báo chí vừa mới phản ánh để dẫn chứng cho tình trạng “sốt” nhà đất.

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng: “Một chung cư được xây lên, dù sao cũng chỉ là cái hộp bê tông được chia thành các căn hộ, vậy mà giá tới trên 30 triệu đồng/m2 thì đúng là không hiểu nổi.

Tôi cho rằng trong các loại thị trường, tệ nhất hiện nay là thị trường bất động sản! Chưa thể nói là cầu đã quá mức so với cung, vậy mà giá đất ở các đô thị lớn của Việt Nam còn đắt hơn ở Tokyo (Nhật Bản), có lẽ chỉ thua London (Anh) là trung tâm tài chính của thế giới, như vậy rõ ràng nguyên nhân nằm ở hai chữ đầu cơ”.

Theo Ủy ban Kinh tế của QH, sau khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản được ban hành, cùng với việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất đã phát huy hiệu lực, và cơ chế chính sách xây dựng, khuyến khích sử dụng nhà chung cư được người dân chấp nhận, thị trường bất động sản trong năm 2007 đã có khởi sắc, chỉ số giao dịch nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 9,2%.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Đoàn đại biểu QH TPHCM đã lo ngại về tình trạng đầu cơ căn hộ chung cư, bởi vì trước đây đầu cơ tập trung vào đất, thì bây giờ khi người dân đã quen sử dụng chung cư, hướng đầu cơ lại chuyển sang dạng căn hộ này.

“Hiện tượng đầu tư vào nhà chung cư bây giờ giống với “sốt” chứng khoán hồi đầu năm, nghĩa là theo phong trào, rất nguy hiểm. Một số người lúc đầu sẽ hưởng lợi nhưng những người sau đó sẽ lãnh hậu quả.

Đầu năm, với thị trường chứng khoán, Nhà nước ra Chỉ thị 03 để điều chỉnh. Đến nay, cần một cảnh báo tương tự cho những người đang tham gia vào phong trào đầu tư mua chung cư” - Tiến sĩ Trần Du Lịch nói.

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, việc các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản chậm được ban hành và sửa đổi; sự chuyển dịch vốn từ thị trường chứng khoán sang kinh doanh nhà ở; giá nhà ở, đất ở chưa phản ánh đúng thực tế đã góp phần làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI); người lao động có thu nhập thấp, người nghèo càng khó có điều kiện tạo lập nhà ở. Điều đó đã ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bất động sản và cả nền kinh tế nói chung.

Kéo giá nhà đất trở về “mặt đất”

Phải kéo giá bất động sản từ 'trên trời' xuống 'mặt đất'! ảnh 2
Tiến sĩ Trần Du Lịch trả lời phỏng vấn của báo chí

Làm gì để “hạ sốt” và đi đến lập lại trật tự trên thị trường bất động sản, là câu hỏi được các đại biểu QH quan tâm, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp.

Nhận định của nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ về thị trường bất động sản, đã được các đại biểu QH dẫn lại, theo đó nguyên nhân quan trọng khiến giá đất ở các đô thị lớn luôn luôn ở mức cao, vì thuế sử dụng đất đến nay đã quá lạc hậu, không điều tiết được các trường hợp đầu cơ đất, thuế đất “áp” cho người có cả trăm căn nhà cũng như người chỉ có một căn hộ nhỏ bé.

Hơn nữa, khi bán đi thì lãi rất nhiều so với mức thuế không đáng kể phải đóng. Từ thực tế đó, nhiều vị trong Đoàn đại biểu QH TPHCM cho rằng, cần áp dụng việc đánh thuế luỹ tiến đối với bất động sản.

Cả luật sư Nguyễn Đăng Trừng (Chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM) và ông Huỳnh Thành Lập (Phó Chủ tịch HĐND TPHCM) đều ủng hộ hình thức đánh thuế lũy tiến để chống đầu cơ bất động sản, “nếu không hiện nay đầu cơ đã lan sang cả các căn hộ tái định cư” - Luật sư Nguyễn Đăng Trừng nói.

Trao đổi với Tiền phong về vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu ra, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A nói: “Phải dùng biện pháp kinh tế, tài chính, tức là đánh thuế tài sản, ông có nhiều nhà đất phải đóng thuế nhiều, ông có nhà đất mà không sử dụng thì đánh thuế nặng hơn nữa. Chừng nào còn chưa có thuế thì không tránh khỏi đầu cơ, thậm chí các nguồn tiền bẩn cũng sẽ được chuyển thành bất động sản”.

Theo nhiều vị đại biểu QH, một bất cập lớn hiện nay là Pháp lệnh về thuế nhà đất ban hành năm 1992 và sửa đổi năm 1994, có quy định “đánh” vào đất nhưng chưa “đánh” vào nhà, chưa tính vào diện tích cũng như vào giá trị. Cụ thể, với quy định hiện hành thì biệt thự diện tích 1.000m2, giá trị 2 - 3 triệu USD mà đóng thuế mỗi m2 chỉ bằng 2kg lúa mỗi năm.

Tiến sĩ Trần Du Lịch phân tích: “Đáng lý căn nhà giá trị 1 tỷ đồng thì đánh thuế khác, nhà 2 tỷ đồng đánh thuế khác, nhà 3 triệu USD đánh thuế khác. Một vấn đề quan trọng khác là, dự án được giao nhưng không có quy định thời hạn hoàn thành, nên nền nhà bỏ hoang. Người ta làm hạ tầng, rồi cứ mua đi bán lại nền nhà và cứ bỏ hoang, chờ tăng giá, chờ Nhà nước đầu tư hạ tầng các công trình để nâng giá.

Tôi kiến nghị cái này phải đóng thuế, làm sao người mua nền nhà đó nhận thấy chờ giá lên cũng chưa bằng tiền thuế phải đóng. Khi hạn chế đầu cơ trên thị trường thì cung - cầu mới trở lại bình thường”.

Các đại biểu QH cũng cho rằng, một trong những biện pháp để chống đầu cơ bất động sản hiện nay là, cần phải sửa quy định hiện hành để Nhà nước không giao dự án bất động sản cho doanh nghiệp. Nhà nước chỉ quy hoạch, đầu tư hạ tầng, còn dự án thì Nhà nước đấu thầu cả về giá và về thời gian xây dựng.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, Ủy ban Kinh tế đã đề nghị Chính phủ bổ sung chỉ tiêu diện tích nhà ở được xây dựng, vì trong hệ thống chỉ tiêu để đánh giá tốc độ phát triển kinh tế có sử dụng các yếu tố về nhà ở, Chính phủ cũng có quyền xác định chỉ tiêu phát triển nhà ở hàng năm.

“Giá bất động sản hiện nay đang ở trên trời, cần phải đưa xuống mặt đất. Tôi cho rằng tình trạng đầu cơ đất đai đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước, bởi vì với giá đất ngất ngưởng như vậy thì làm sao giải phóng mặt bằng để xây dựng khu công nghiệp, làm đường giao thông, làm sao có đất để xây dựng các công trình du lịch, thương mại...

Đặc biệt, làm sao hàng triệu người hiện đang không có nhà, không có đất, có thể mua được nhà đất?”-Tiến sĩ Trần Du Lịch nói.

Kiến nghị Quốc hội đưa vấn đề thuế đất vào chương trình kỳ họp

Trước sự cấp bách của những vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản, nhiều vị trong Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã kiến nghị đưa vấn đề thuế đất vào chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XII. “Các luật thuế liên quan đến sử dụng đất cần được quan tâm và ưu tiên đưa ra bàn luận tại Quốc hội” - Ông Huỳnh Thành Lập nói.

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho biết: “Tôi không dám bình luận vì sao Chính phủ chậm đưa ra các chính sách tài chính để điều chỉnh thị trường bất động sản, tuy nhiên thực tế cho thấy không có trở ngại gì ở đây cả, trên thế giới người ta đều sử dụng các sắc thuế đối với bất động sản, ví dụ thuế luỹ tiến, mà tôi đã từng kiến nghị nhiều năm nay.

Theo tôi, giữa Thuế thu nhập cá nhân (một dự án luật có trong chương trình kỳ họp này) và các vấn đề liên quan đến thuế bất động sản, thì Quốc hội cần quan tâm đến thuế bất động sản hơn, nhất là thuế lũy tiến”.

MỚI - NÓNG