TÂM SỰ CỦA MỘT HIỆU TRƯỞNG

Chuyện phong bì ngày 20/11

Chuyện phong bì ngày 20/11
TPO- Ngày 20/11, dường như đã thành một thói quen "văn hóa", nhiều phụ huynh ở Hà Nội lại chọn chiếc phong bì "nhẹ nhàng mà hiệu quả" để tri ân thầy cô. Tuy nhiên, vẫn có không ít nhà giáo dị ứng với món quà "tôn sư trọng đạo này"...

>> Bài toán…phong bì

Chạy đua phong bì để thể hiện... đẳng cấp

Vẫn biết mua quà hay mang phong bì đến nhà thầy cô là tự nguyện nhưng xem ra đa số phụ huynh không dám lơ là và ngốn không ít tiền của của phụ huynh và học sinh.

Bác T có cháu học ở trường Đoàn Thị Điểm- Hà Nội. Cứ đến dịp 20/11 là dịp để gia đình bác T có cơ may gây sự chú ý với cô giáo bằng cách vác phong bì đến biếu.

Nghĩ mà buồn !

Chuyện phong bì ngày 20/11 ảnh 1 Tình cảm thầy trò ngày nay hình như không còn thiêng liêng như trước được nữa. Ngày xưa, học sinh đến nhà thầy cô chơi hết năm này qua năm khác. Ngày nay, cứ hết khóa là nhiều học sinh cũng “khóa sổ” với thầy cô của mình luôn. Nghĩ mà thấy buồn. Chuyện phong bì ngày 20/11 ảnh 2

Cô giáo Nguyễn Ngọc Dung- Hiệu trưởng trường THCS Dương Liễu- Hà Nội

“Cháu tôi đang học lớp 8, tôi từ Hải Phòng lên trông cháu ở Hà Nội đã có thâm niên nhiều năm mang phong bì đến nhà thầy cô. Cháu nó nghịch, học thì không giỏi nên 20/11 hay các dịp lễ tết phong bì phải lên tới cả triệu”, bác T than.

Chính vì những chiếc phong bì biết nói mang "sứ mệnh cao cả" là muốn làm thay đổi thái độ và tình cảm thầy trò nên các phụ huynh “chạy đua” nhau phong bì trong dịp 20/11. Câu chuyện cửa miệng của các vị phụ huynh là đề cập đến phong bì, quà cáp cho thầy cô, phong bì “nặng” hay "nhẹ" thường nói lên đẳng cấp giàu sang hay không của các bậc phụ huynh.

Lo ngại mình và con cái bị lạc lõng giữa dòng thời cuộc nếu không có phong bì như mọi người, nhiều vị phụ huynh nghèo cũng đành cắn răng để có phong bì cho con được bằng bạn bằng bè, dẫu đó cũng là một khoản không nhỏ với nhiều gia đình làm công ăn lương ở Hà Nội.

Chị Nguyễn Dung (Hà Nội) sau khi tính đi tính lại đành vừa mua quà, vừa để mỗi phong bì 300 nghìn đồng: “Vị chi 2 phong bì và quà cho hai cô cũng gần 1 triệu đồng. Mất gần đứt cả tháng lương của mình”- chị Dung tâm sự.

Nhiều vị phụ huynh học được những bài học đau thương về phong bì: “Trước tôi cũng đi chọn mua cho cô giáo một lọ dầu gội đầu. Hôm sau cháu về lo lắng bảo rằng các bạn con nói bố mẹ bạn ý đều có phong bì. Lần sau tôi không dám tặng quà nữa” - một vị phụ hunh có con ở trường NTC cho biết.

"Thầy cô không nên nhận phong bì của học sinh"

- Cô Chu Phong Lan- Giảng viên trường ĐH Hà Nội: Tôi đã từng trả lại phong bì cho sinh viên

Biếu xén quà cáp, tặng phong bì... cho thầy cô của sinh viên bây giờ không xuất phát từ tình cảm tôn sư trọng đạo như trước mà thay vào đó những “nhờ cậy” về thi cử, điểm chác. Tôi đã từng trả lại phong bì cho một sinh viên hệ tại chức.

Ngay từ hồi sinh viên, lớp tôi cũng “huy động” làm phong bì cho thầy nhưng tôi phản đối không được. Dù phong bì mang đến với tình cảm chân thành thế nào cũng không nên. Có rất nhiều cách cảm ơn thầy cô mà không phải là mang phong bì đến nhà thầy. Bất luận thế nào thầy cô không nên nhận phong bì của học sinh. Dù người này có thể nhận, có thể không trong ngày 20/11, nhưng tôi thì không. Với tôi, chiếc phong bì làm thành những cuộc đổi chác điểm giả.

Hôm nay tôi vẫn đến nhà thầy mang bó hoa tươi thắm. Chẳng bao giờ thầy giáo cũ của tôi nhận phong bì của học sinh. Có hoa mà không có quà cũng được, thầy vẫn quý học sinh, không có gì thay đổi tình cảm thầy trò. Đó mới là món quà vô giá tôi nhận được từ thầy.

- Cô Nguyễn Ngọc Dung- Hiệu trưởng trường THCS Dương Liễu- Hà Nội: Nhiều lần tôi phải “trốn” phong bì

Học sinh ngày nay thực dụng hơn nên món quà cũng trở nên thực dụng, “tàn nhẫn” hơn với chúng tôi. Tình cảm thầy trò ngày nay hình như không còn thiêng liêng như trước được nữa. Ngày xưa, học sinh đến nhà thầy cô chơi hết năm này qua năm khác. Ngày nay, cứ hết khóa là nhiều học sinh cũng “khóa sổ” với thầy cô của mình luôn. Điều này nghĩ mà thấy buồn.

Nhiều lúc tôi phải trốn các vị phụ huynh mang phong bì đến nhân ngày 20/11. Nhiều vị phụ huynh nghĩ rằng tiền có thể mua được điểm và đạo đức của người thầy. Cuộc sống giờ nhiều thầy cô nghĩ không thể “nói xuông”, uống nước lã mãi được. Nhưng tôi cho rằng phong bì không là tất cả. Nhiều vị phụ huynh cứ nghĩ mang phong bì là giải quyết được mọi chuyện, nhưng chắc chắn không phải như vậy.

Trong gần 20 năm làm nghề giáo, tôi nhận được khá nhiều món quà của học sinh và phụ huynh. Cũng có những món quà đáng yêu và cũng có những món quà làm tôi phải lăn tăn, do dự.

Nhiều lần phong bì được kẹp vào bưu thiếp và sau mấy tháng lật giở xem lại tôi mới biết đành mang phong bì đến trả phụ huynh hoặc lấy tiền đó mua lại sách cho con cái họ.

Đến chúc mừng thầy cô nhân ngày 20/11, quan trọng không phải là phong bì, món quà  to hay nhỏ mà vấn đề tình cảm chân thành của học sinh dành cho thầy cô. Có lần, học sinh lớp tôi chủ nhiệm tặng tôi món quà bất ngờ khi tôi bước vào lớp có hàng vạn những miếng giấy bóng kính cắt nhỏ được gài trên cánh quạt trần. Sau màn chúc mừng, lớp trưởng mang bó hoa tươi thắm và hàng tràng pháo tay không ngớt. Nhận được món quà này, tôi rưng rưng nước mắt và cảm thấy xúc động, thấy yêu nghề, gắn bó với nghề biết bao.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Một độc giả, Email: ...baomi@yahoo.com

Phong bì dịp 20/11 : Bài toán khó giải

Tôi đã đọc rất nhiều về những ý kiến xung quanh cái chuyện phong bì. Là người trong ngành tôi hiểu đôi chút về chuyện phong bì. Cứ vào dịp lễ, tết thật là tội cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Còn Giáo viên? Có những giáo viên thật sự không quan tâm lắm đến chuyện quà cáp hay phong bì, mà thầy cô này chỉ quan tâm đến sự học hành của học sinh có tiến bộ hay không?

Song song đó có những giáo viên rất quan tâm đến chuyện quà cáp và phong bì, nếu như được phân công đứng lớp có nhiều học sinh nghèo thì than trời trách đất, và nhận được ít quà trong dịp lễ thì họ " không được vui ". Đối với họ nhận được càng nhiều thì vị trí của mình càng được nâng cao trong mắt những người xung quanh.

Thật là tội nghiệp cho những người làm việc tại các phòng ban, giáo viên dạy bộ môn phụ trong nhà trường, cứ đến dịp lễ, tết những người này sẽ nhận được đặc ân từ những giáo viên đứng lớp chia sẻ cho một ít gọi là tình cảm.

Nếu nói giáo viên với đồng lương không đủ sống, thì các bạn hãy tới những trường điểm sẽ có rất nhiều thầy cô thay đổi xe máy như đi chợ. Họ luôn đi những chiếc xe đời mới. Đây là bài toán khó giải, tại sao cùng là giáo viên như nhau tại sao có người có cuộc sống thật sung túc, có người thì đạm bạc. Xin nhường lời lại cho những ai quan tâm đến Giáo Dục.

Ngọc Mai, Email: ...lan987@gmail.com

Thấy tội cho chiếc phong bì!

Tôi thấy việc thấy cô nhận phong bì ngày 20-11 là đáng bị lên án. Nhưng những người đi phong bì cũng thật đáng trách.

Tất nhiên chúng ta cũng phải thông cảm cho tâm lí những học sinh, những phụ huynh. Đôi khi chính họ không hiểu mình đang làm tội những chiếc phong bì. Nhà này đua nhà kia, đâm ra đến lễ 20-11, ai không đi phong bì cũng thấy không bằng người khác.

Hồi sinh viên, tôi đã từng chứng kiến nhiều bạn bè của mình đi phong bì thầy cô vào dịp này dịp nọ. Tôi hồi đó không có tiền để mua những bó hoa to, đẹp, lịch sự để tặng thầy cô, nhiều khi thấy xấu hổ không dám mang đến tặng. Mặc dù tôi biết thầy cô mình quý tình cảm của học sinh chứ không phải đặt quà cáp lên trên...

Tôi nghĩ để thay đổi đựoc việc đi phong bì cho thầy cô vào dịp 20-11 hay các dịp lễ khác ở chính tư tưởng mỗi học sinh và phụ huynh. Chúng ta hãy nghĩ tình cảm thầy trò thật trong sáng và đáng trân trọng chứ không phải đo đếm bằng những chiếc phong bì dày hay mỏng!

Nguyễn Trong Trường, Email: trongtruong123@...

Chính các bậc phụ huynh mới đáng trách...

Tôi biết nhiều nơi bây giờ phụ huynh hay đi mừng phong bì nhân ngày 20-11, nhưng cũng đừng vin vào đó mà cho rằng các nhà giáo đã biến chất. Tôi cho rằng chính các bậc phụ huynh mới đáng trách, ngày 20-11 là để tỏ lòng biết ơn với các nhà giáo. Có nơi, ngày 20-11 học sinh chỉ tặng các thầy cô giáo bằng những nhánh hoa rừng, cao hơn là hoa đắt tiền, điều đó thể hiện sự biết ơn đối với thầy cô giáo.

Hiện nay, ở những nơi khá giả, những gia đình giàu có, con em họ thường là ham chơi, nhác học nên tìm đến thầy, cô giáo để nhờ bảo ban, dạy thêm kiến thức, họ không từ thủ đoạn đưa phong bì. Tôi cho rằng họ mới là những người đáng lên án.

Tôi đã từng buộc phải nhận cái phong bì tiền triệu mà không sao ngủ được. Sự việc là, vào ngày 20-11 năm nay có một nữ phụ huynh có con không chịu nghe lời bố mẹ và thầy cô, đến nhờ tôi bảo ban cho cháu, chị ta tặng tôi một bó hoá, nhận xong tôi không ngờ trong đó có phong bì cả triệu bạc, tôi chạy theo trả lại, chi ta bỏ đi, tôi năn nỉ mà chị không thèm quay lại.

Mấy đêm liền tôi không ngủ được. Một hôm tôi đem phong bì đến nhà trả lại, chị ta một mực không nhận và bảo là sắp đi làm, tôi để phong bì ở bàn nhà chị rồi ra về. Hôm sau chị đến làm om sòm và để lại phong bì trong cặp tôi lúc nào không biết, vậy đó, các bạn xem xét nên trách ai ???

LÊ MINH, Email: ...van18@yahoo.com

TÂM SỰ CỦA MỘT HIỆU TRƯỞNG

TÔI KỊCH LIỆT PHẢN ĐỐI CHUYỆN NHẬN PHONG BÌ. TÔI ĐANG LÀ HIỆU TRƯỞNG MỘT TRƯỜNG THPT Ở MIÊN BẮC, TÔI THẤY RẰNG VIỆC HỌC SINH TẶNG PHONG BÌ CHO MÌNH CHO MÌNH ĐÃ LÀ MỘT SỰ COI THƯỜNG BẢN THÂN MÌNH, CÒN NHẬN PHONG BÌ CỦA HỌC SINH NHƯ VẬY LÀ HÀNH ĐỘNG VÔ LIÊM SỈ CỦA NGƯỜI THẦY.

BẢN THÂN TÔI ĐÃ NHIỀU NĂM LÀM HIỆU TRƯỞNG, MỖI DỊP LỄ TẾT,THƯỜNG ĐỒNG NGHIỆP CẤP DƯỚI HOẶC PHỤ HUYNH HỌC SINH ,HỌC SINH THƯỜNG MANG PHONG BÌ ĐẾN NHÀ TÔI, TÔI ĐỀU TRẢ LẠI VÀ NÓI RẰNG: LÀM NHƯ VẬY LÀ XÚC PHẠM TÔI ĐÓ, TÔI LÀ HIỆU TRƯỞNG MÀ CÒN LÀM VẬY THÌ CÒN NÓI ĐƯỢC AI, XÃ HỘI CÒN COI TÔI RA GÌ KHÔNG.

Nguyen Van Ty, Email: ...tyhpqt@gmail.com

Phong bì ở trường tôi còn rất xa lạ...

Chuyện về chiếc phong bì thì có lẽ chúng ta đã được nghe rất nhiều, không chỉ nó được ứng dụng trong ngày Nhà giáo mà nó còn là một phương tiện để giải quyết tất cả mọi công việc trong cuộc sống theo nhịp sống của thời đại. Tôi không bàn sâu về chiếc phong bì vì bản thân tôi là một nhà giáo nhưng chưa từng được nhận một phong bì trong ngày nhà giáo từ các bậc phụ huynh nên tôi không có nhiều cảm xúc khi thấy một cái phong bì.

Trường tôi công tác là một trường thuộc xã vùng sâu của huyện Hướng Hoá - tỉnh Quảng Trị, cơ bản là một xã nghèo nên việc tặng phong bì còn rất xa lạ đối với phụ huynh học sinh cũng như đối với giáo viên, không giống như ở các thành phố hay thị xã, bởi ở đó người ta phú quý quá thì sinh ra lễ nghĩa, mà cuộc sống giáo viên thì cũng không phải dư giả gì nên...

Nhưng sự ấm cúng, sự tôn vinh nghề dạy học cũng như tình cảm dành cho giáo viên nhân ngày 20/11 ở trường tôi thì không thua kém bất kì một trường nào trong cả nước này. Khó có một trường nào như trường tôi mà ngày 20 tháng 11 lại có đông học sinh và phụ huynh đến thăm như vậy.

Theo như tôi biết thì ngày 20/11 thì hầu hết các giáo viên ở những nơi khác đều ngồi ở nhà để tiếp phụ huynh và học sinh đến thăm nhưng trường tôi thì lại khác. Ngay từ sáng 20/11 tất cả cán bộ, giáo viên trong nhà trường lại tập trung tại văn phòng nhà trường để đón tiếp học sinh, phụ huynh cũng như lãnh đạo địa phương đến thăm và chúc mừng với những bông hoa và bó hoa tươi thắm (cũng có những món quà của học sinh như: một vài quyển sổ, vài cái bút, một vài món quà lưu niệm, chai dầu gội và có khi có cả mảnh vải áo...).

Thầy trò quây quần ăn kẹo, cắn hạt dưa, uống nước và kể cho nhau nghe những câu chuyện thường ngày. Đến chiều thì tất cả kéo nhau đi thăm các trường khác cùng làm công tác giáo dục ở trên địa bàn. Không biết sau này thì như thế nào nhưng trong những năm qua và hiện tại nét đẹp và ý nghĩa của ngày "Tôn sư trọng đạo" ở trường tôi vẫn còn nguyên giá trị như ý nghĩa ban đầu của nó.

Dương Vũ Thái Quỳnh; Email: ...thaiquynh@gmail.com

Cả lớp góp lại mua tặng tôi cái phích, cái áo...

Tôi cũng đang là giáo viên như mọi người, dạy cách trung tâm huyện không xa lắm, cách thành phố khoảng 15m nhưng nơi tôi dạy không hề có chuyện phong bao phong bì ngày 20 /11. Nếu có cũng chỉ là cả lớp góp lại mỗi em 3,4 ngàn mua cho cô cái phích, cái áo,...

Từ ngày ra trường tới nay là năm thứ 6, món quà tôi nhận được dịp này thường là những bông hoa vài quyển sổ, ít cái bút. Phong bì tôi nhận được vào năm đầu tiên là 10 ngàn đồng từ học sinh lớp không chủ nhiệm ở trường cũ.

Đôi lúc bạn tôi dạy ở thành phố có tiền triệu tôi cũng mủi lòng về sự thua kém này. Nhưng tôi nghĩ về thời xa xưa tôi học khá cũng cứ phải theo cái cơ chế thị trường đó tôi tự thấy thời học sinh ở tôi sống rất thật, rất đúng với truyền thống: "Tôn sư trọng đạo" và làm cho tôi yêu quý các em yêu quý nghề hơn.

Nhưng cái tôi cần ở đây rất mong toà soạn 1 lần đặt chân đến và giúp đỡ cho các em ở Trường THCS Hưng Yên huyện Hưng Nguyên Tỉnh Nghệ An có được điều kiện ăn học tốt hơn.

Trịnh Kim Chiến; Email: ...thanhhoa@gmail.com

Ngày xưa ơi...

Ngày 20/11 hàng năm là ngày dành cho cả dân tộc tôn vinh công lao của các thầy cô giáo, một truyền thống rất tốt đẹp nhằm giáo dục ý thức hệ cho dân tộc.

Với thế hệ trước đây khoảng 20-25 năm, ngày 20/11 các học sinh nô nức tổ chức đến thăm thầy cô với những món quà rất nhỏ về giá trị vật chất nhưng với một tấm lòng rất lớn ở sự kính trọng, biết ơn. Tình cảm thầy - trò gắn bó thân thiết và sâu nặng.

Nhưng ngày nay, đến ngày 20/11 thì chỉ có các phụ huynh chăm lo đem phong bì đến các thầy, cô giáo còn các học sinhh rất dửng dưng không cần biết đến nhà thầy cô ở đâu và có vẻ thích thú vì được nghỉ học. Vì thế mà tình thầy - trò rất mờ nhạt, đạo đức xã hội cũng xuống cấp.

Một số người thầy cũng đánh giá cao việc nhận phong bì dầy hay mỏng, nhiều hay ít. Phần lớn phụ huynh thì coi việc đưa phong bì là một nghĩa vụ và đưa xong phong bì coi như nhiệm vụ hoàn thành.

Thiết nghĩ, để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn thì chính các thầy, cô giáo phải tự tìm cách ứng xử tốt nhất đối với mỗi chiếc phong bì hay từng món quà.

Theo tôi, chỉ chính từ các hành động của các thầy, cô giáo mới làm thay đổi được cách nhìn của xã hội đối với các thầy cô và từ đó mới mong thay đổi được hành động, ứng xử của xã hội, các phụ huynh đối với những người làm nghề thầy.

Hoàng Tiến Điệp; Email: ...diep@yahoo.com

Phong bì cũng không sao, miễn là thể hiện đúng tình cảm

Trong cơ chế thị trường, chiếc phong bì cũng có vẻ mang sứ mệnh nặng nề hơn. Tuy nhiên, không chỉ trong giáo dục, chiếc phong bì mới phát huy vai trò của mình mà hầu như ở mọi lĩnh vực của đời sống, chiếc phong bì cũng đều có mặt.

Trước đây, đám cưới cũng chỉ là những món quà mừng như: Chiếc nón, cái chậu, cái xoong nấu bột cho trẻ .... nhưng bây giờ có mấy ai tặng quà bằng hiện vật đâu, mà cũng đều "quy" ra thành những chiếc phong bì.

Tôi cũng đồng ý là trong việc tặng quà và nhận quà ngày 20/11 cũng có những phụ huynh, học sinh thực dụng, nhưng đó chỉ là phần nhỏ hoặc diễn ra ở các thành phố lớn thôi.

Theo tôi, gia đình nào có điều kiện, nếu không chọn được món quà thì cũng nên quy thành chiếc phong bì cũng không sao, miễn là với tình cảm chân thành, thể hiện đúng đạo lý "tôn sư trọng đạo".

Hoàng Long; Email: ...long@yahoo.com.vn

Chỉ các thầy cô giáo mới dẹp được nạn... phong bì

Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, truyền thống ấy phải được phát huy, duy trì... trong những dịp như : 20/11, tết Nguyên đán... học trò đến chúc mừng các thầy cô là truyện rất bình thường, đáng hoan nghênh.

Nhưng vấn đề không bình thường ở chỗ: nhiều người đã dùng những tặng phẩm quá đắt tiền, hay phong bì tiền mặt để thể hiện... làm hoen ố nét đẹp của dân tộc, làm nhiều học trò nghèo khốn khó...

Tôi cho rằng chính các thầy cô giáo mới là người ra tay dẹp cái hoen ố này đi. Các thầy cô kiên quyết không nhận phong bì hay những tặng phẩm mà giá trị của nó quá cao, với thái độ chân tình, đóng góp, thì tôi tin rằng chỉ trong vài năm tới sẽ không còn những cái phong bì đến nhà các thầy cô rầm rộ như bây giờ.

Phạm Nhật Nam

Con tôi học mẫu giáo diễn lại cảnh... cô giáo nhận phong bì

Tôi xin kể cho các bạn nghe câu chuyện của con gái tôi mới 3 tuổi đi học mẫu giáo đựơc 5 tháng.

Tối hôm chủ nhật vừa rồi ( ngày 22/11) tôi đang đứng cháu lấy hai tờ lịch cứ đút vào túi áo khoác của tôi, tôi quay ra bảo cháu, con làm gì vậy? Cháu trả lời giả vờ mẹ là cô giáo con là phụ huynh, cháu rất ngây thơ diễn đúng cảnh phụ huynh và cô giáo ngày 20/11.

Cháu lại làm lại động tác đút tờ lịch vào túi áo tôi và bảo "Chị cầm lấy đi em là phụ huynh của cháu Nga, thôi chị cầm lấy đi ..." Tôi sững người quay ra bảo cháu, sao con lại làm như vậy. Cháu trả lời tôi ngày 20/11 các phụ huynh ở lớp con đều làm như thế với cô giáo.

Các bậc phụ huynh nghĩ sao khi những đứa trẻ mới đến lớp mẫu giáo đã phải chứng kiến những cảnh như vậy, thế hệ mầm non tương lai của đất nước sẽ ra sao.

Ngày 20/11 là ngày của nhà giáo Việt Nam, tôi thiết nghĩ chúng ta nên có những món quà có ý nghĩa, tôn trọng giáo viên, thì các thầy cô của con em chúng ta sẽ vui hơn nhiều khi nhận phong bì đó.

Bachduong; Email: ...kn_nk@yahoo.com

Đôi khi muốn đến chơi nhà sếp, nhưng ngại...

Thật quý khi bây giờ vẫn còn những thầy cô không nhận phong bì như bài báo nêu. Các bậc phụ huynh thì đua nhau mang phong bì đến nhà thầy cô. Nhà nào không có thì cảm thấy mình lạc lõng.

Trải qua nhũng năm đi học có một số thầy cô tôi rất quý và kính trọng muốn thăm hỏi thầy cô nhưng đôi khi lại chạnh lòng.

Đến nhà thầy cô chơi mang không có quà thì ngại, mà mua quà thì tiền lương của mình đã eo hẹp lại càng eo hẹp hơn. Thật khó, giá mà biết các thầy cô không coi trọng chuyện quà cáp thì sẽ thoải mái hơn.

Ngay cả bây giờ đi làm, nhiều lúc muốn đến nhà sếp chơi nhưng lại sợ đồng nghiệp nhìn thấy lại nghĩ mình luồn cúi. Còn sếp thì sao có nghĩ gì không khi mình đến chơi mà không có quà hoặc quà nhỏ.

Chả nhẽ tấm lòng của con người thể hiện ở giá trị vật chất của món quà hay sao.

Ta Thi Mai Huong; Email: ...huong@gmall.com

Phong bì : quá phổ biến !

Hiện nay tình trạng nhận phong bì nhân các ngày lễ của giáo viên gần như là quá phổ cập. Trong khi đó, tình cảm dành cho các thầy cô giáo thì cũng gần như là không còn.

Không biết các nhà giáo có nhận ra, mình đã mất đi sự trong sạch quý giá của phẩm chất nhà giáo.

Ali Tang; Email: ...tang@doctor.com

Sự khác nhau giữa hai thời đại : Xin hãy chấp nhận nó !

Cho tiền thầy cô giáo là đúng nhất vì với lương ba cọc ba đồng cuộc sống gia đình khó khăn thì thử hỏi làm sao các thầy cô dạy tốt được chứ lị.

Phong bì phụ huynh cho gộp hết lại cũng hơn cả năm lương vậy có phải phụ huynh góp phần cải thiện đời sống của thầy cô không chứ lị.

Tôi đã từng đứng trên bục giảng và luôn nhắc nhở các em sinh viên của tôi mỗi khi sắp đến ngày 20/11. Tôi nói thẳng tôi có tất cả những thứ cần thiết vì thế các em khỏi phải bận tâm nặn óc suy nghĩ chuyện quà cáp chi cho mệt cứ mỗi em một hai phong bì là xong cả thôi. Vừa không tốn thời giờ vàng bạc dành cho học tập của các em vừa không phải bận tâm mua sắm.

Phong bì là món quà thiết thực nhất trong xã hội kinh tế thị trường vì không tiền là không tất cả. Mọi sinh hoạt ngày nay khác xưa.

Thời tôi là học sinh từ lớp 1 đến đại học không tốn một đồng xu. Trường học miễn phí 100% sách giáo khoa mượn miễn phí không thế chấp suốt năm không hề có bất cứ khoản phụ thu nào, không kéo học sinh về nhà dạy thêm...

Thầy cô thời này có muốn phong bì cũng không có vì họ không hề nghĩ tới và phụ huynh cũng không hề nghĩ đến phong bì cho thầy cô giáo.

Ngày nay, từ mẫu giáo đã phải trả học phí và vài thứ "phí" khác nữa và rồi quỹ này quỹ nọ từ đó sinh ra phong bì biết ơn thầy cô giáo.

Ngày xưa thầy tôi không nhận phong bì (hoặc có lẽ không ai cho thầy phong bì bao giờ), ngày xưa tôi cũng không đưa phong bì cho thầy vì tôi hay cha mẹ tôi không bao giờ nghĩ tới phải biết ơn thầy bằng phong bì...

Rõ ràng có sự khác nhau giữa 2 thời đại và xin hãy chấp nhận nó như quy luật tiến hoá của xã hội.

Phan Văn Hoàn; Email: ...dth@yahoo.com.vn

Phong bì đâu có làm cho con mình học giỏi hơn

Tôi nghĩ một số hành vi tiêu cực (như dùng phong bì để lấy lòng thầy cô giáo) đó cũng chỉ là một số hiện tượng không bình thường trong cuộc sống đời thường mà thôi.

Có lẽ ai cũng hiểu những việc làm tiêu cực đó đều là việc xấu cần phải loại bỏ. Nhưng tại sao chưa bỏ được cũng có nguyên nhân thực tế của nó, khi mà một số phụ huynh cứ nghĩ rằng có tiền là có tất cả?

Mà không thử lại đặt vấn đề để tự vấn mình: Tại sao con cái mình chưa ngoan? Tại sao con cái mình học kém? Lười học? Không biết vâng lời cha mẹ, thầy cô! ...

Phần lớn đều do lỗi ở mình cả. Thiếu quan tâm hay quan tâm không đúng cách đến con cái thì kết cục cũng như nhau. Chỉ biết bắt chước người này, người nọ mà không biết tư duy một cách đúng đắn về cuộc sống, thậm chí không có lòng tự trọng, nhất là trong mối quan hệ học đường thì tác dụng sẽ đi ngược lại.

Tiền thì ai cũng cần nhưng không phải thầy cô nào cũng vì đồng tiền mà xoá đi nhân cách nhà giáo của mình đâu.

Tôi đã chứng kiến rất nhiều gương tốt về thầy cô giáo và tôi đã đặt vấn đề là: Nếu như tất cả phụ huynh có quan tâm tốt đến việc giáo dục con cái, hình thành cho con cái có được một nề nếp trong học tập và sinh hoạt ... tức là hình thành cho con cái mình có được nhân cách cơ bản ban đầu trong cuộc sống thì cần gì phải lo lắng theo kiểu tiêu cực như trên?

Mà có làm theo kiểu tiêu cực đó thì rút cục cũng tiền mất tật mang bởi vì: Tiền không thể mua nhân cách và trí tuệ của mỗi người được! Nhân cách và Trí tuệ của mỗi người chỉ có được khi bản thân người đó thực sự có nỗ lực tự thân vận động trong học tập và rèn luyện.

Sẽ là rất sai lầm khi bắt chước người khác làm điều xấu (phong bì cho thầy cô) mà nghĩ rằng nhờ đó mà con cái mình tốt hơn?

Không! Tất cả chỉ là hư vô. Chính bản thân những người ấy đã làm hoen ố môi trường giáo dục, xúc phạm đến thầy cô và càng làm hư hỏng con cái mình (vì nó sẽ ỷ lại).

Tôi nghĩ rằng: Nếu như tất cả phụ huynh đều có nhận thức đúng đắn về công tác giáo dục, biết quan tâm đúng cách đến con cái (ở trường, ở nhà, ra ngoài xã hội ...), biết tôn trong thầy cô và không ai có hành vi tiêu cực như trên thì môi trường giáo dục của chúng ta lý tưởng biết chừng nào!

>> Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng.