TPO tường thuật trực tuyến : Thanh niên đối thoại với Thường trực Chính phủ

Chính phủ tạo mọi điều kiện để thanh niên phát triển

Chính phủ tạo mọi điều kiện để thanh niên phát triển
(TPO) Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cùng lãnh đạo nhiều Bộ, Ngành cùng tham dự diễn đàn đối thoại. Hàng loạt các vấn đề của thanh niên đã được đặt lên bàn của Thường trực Chính phủ thể hiện trách nhiệm và hoài bão của họ trước đất nước.

Tiền phong Online bắt đầu tường thuật trực tuyến buổi đối thoại quan trọng của thanh niên Việt Nam với Thường trực Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng cùng đại diện các Bộ, Ngành sẽ trực tiếp trả lời các câu hỏi. Chủ đề cuộc đối thoại là: "Chăm lo, xây dựng nguồn nhân lực trẻ".

Mời các bạn tiếp tục đặt câu hỏi và theo dõi qua hệ thống của Tiền phong Online.

Đúng 15 giờ chiều nay (26/2), đồng chí Hoàng Bình Quân - Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn đã đưa Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các đồng chí lãnh đạo các Bộ đến dự diễn đàn đối thoại với đại biểu Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ V vào hội trường.

Trong không khí náo nức, 800 đại biểu có mặt tại hội trường đứng dậy nồng nhiệt vỗ tay chào đón các vị khách quý. Đông đảo bạn đọc của Tiền phong Online cũng đang ngồi trước màn hình máy vi tính theo dõi buổi tường thuật của nhóm phóng viên TPO đang có mặt trong Hội trường.

Chủ đề cuộc đối thoại là: "Chăm lo, xây dựng nguồn nhân lực trẻ". Hàng trăm câu hỏi của bạn đọc đã liên tục được gửi tới Ban tổ chức qua hệ thống của Tiền phong Online.

Tự hào về thành tựu đạt được, trăn trở, bức xúc vì nước ta còn nghèo

Chính phủ tạo mọi điều kiện để thanh niên phát triển ảnh 1
Phó Thủ Tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng đang đọc câu hỏi qua mạng. Ảnh : Hồng Vĩnh

Mở đầu buổi đối thoại, đồng chí Hoàng Bình Quân - Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn - nói : Thế hệ trẻ Việt Nam luôn ý thức được rằng, Đảng và Chính phủ luôn xác định thế hệ trẻ là nguồn lực quan trọng của đất nước. Chính phủ luôn suy nghĩ tạo điều kiện để thanh niên có thể đóng góp tài sức của mình trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến tham dự Diễn đàn trực tuyến hôm nay, một lần nữa Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm của mình với thanh niên.

Cung cấp tầm nhìn rộng hơn cho thanh niên, bài phát biểu của Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Năm 2005, Chính phủ cùng toàn dân đang nỗ lực phấn đấu để đạt tốc độ tăng trưởng 8,5%, hoàn thành kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 với mức tăng trưởng bình quân 7,5%/năm. Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong GDP ngày càng tăng cao.

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, trong 4 năm qua chúng ta đã hội nhập kinh tế khá hiệu quả.  Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng khá. Vốn đầu tư nước ngoài đạt 16 tỷ đô la. Tổng mức đầu tư toàn xã hội trên GDP ngày càng tăng cao. Năm 2005 ước đạt 37% GDP, điều đó chứng tỏ quyết tâm cao của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện, tạo ra thế và lực mới cho đất nước, trong đó có sự đóng góp tích cực của thanh niên. 

Đồng chí nhấn mạnh : Dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng nội lực chúng ta đã vượt qua thách thức và đạt được những thành quả rất quan trọng. Điều này đảm bảo cho nước ta đạt được các mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2001 - 2005 và các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cũng nêu rõ: Chúng ta cần thẳng thắn nhìn lại những yếu kém, tồn tại, còn nhiều vấn đề chưa đáp ứng được đòi hỏi trước tình hình mới. Về cơ bản Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo; GDP bình quân đầu người còn thua kém nhiều so với các nước trong khu vực; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; khoa học công nghệ chưa có tác động mạnh đến phát triển kinh tế; văn hoá xã hội cũng còn nhiều vấn đề bức xúc.

Ngân hàng Thế giới đánh giá nước ta đang nằm trong số 58 nước có thu nhập thấp nhất thế giới. Một điều đáng mừng là năm 2005, cả nước chỉ còn 7% hộ nghèo. Song theo chuẩn quốc tế thì chúng ta vẫn còn tới 25% hộ nghèo.

Một trong những quan điểm nổi bật là cần phải chuyển mạnh, chuyển dứt khoát sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tích cực chủ động đẩy manh hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập WTO trong thời gian sớm nhất. Cần tạo bước chuyển rõ rệt về cải cách hành chính, mở rộng dân chủ để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế.

Chính phủ tạo mọi điều kiện để thanh niên phát triển ảnh 2
Phó Thủ Tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh : Hồng Vĩnh

Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá cao 5 phong trào Thanh niên mà Đại hội V vừa phát động. Đồng chí nói: Tôi cho rằng 5 phong trào này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của Đảng và Nhà nước. Các cấp, các ngành cần tạo mọi điều kiện cho mọi tầng lớp thanh niên phát huy mạnh mẽ 5 phong trào trên.

Đồng chí kết luận: Trong những năm đầu thế kỷ 21 này chúng ta phải quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, thoát khỏi tình trạng kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người vào năm 2010 sẽ đạt 950 - 1.000USD. Đây là nhiệm vụ vẻ vang song cũng là thách thức lớn đối với toàn thể nhân dân ta nói chung và thanh niên nói riêng. Thanh niên Việt Nam cần phát huy tinh thần "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên". Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho TN phát triển.

Những điều Phó Thủ tướng Thường trực nêu ra càng làm cho thanh niên Việt Nam thấy rõ vai trò xung kích, trách nhiệm của mình trước vận hội và thách thức của đất nước và dân tộc. Đồng chí Hoàng Bình Quân thay mặt thanh niên cả nước xin lĩnh hội những ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và xin hứa sẽ thể hiện quyết tâm cống hiến của thanh niên bằng những phong trào hành động cụ thể.

Câu hỏi: Thẳng thắn, trực diện

Chính phủ tạo mọi điều kiện để thanh niên phát triển ảnh 3
Đại biểu thanh niên đặt câu hỏi. Ảnh : Hồng Vĩnh

Một bạn đọc đã gọi đến số điện thoại nóng của Tiền Phong online bày tỏ: "Mong muốn những đề đạt của thanh niên Việt Nam qua diễn đàn này sẽ góp một kênh thông tin quan trọng giúp Chính phủ đề ra những chính sách mới, thiết thực và khả thi cho thanh niên".

Một đại biểu đặt câu hỏi : Trình độ chung của thanh niên hiện nay vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi trước tình hình mới. Xin Chính phủ cho ý kiến về vấn đề này? Tiếp đó, đại biểu Hải Phòng đã nêu vấn đề về tạo việc làm và dạy nghề cho thanh niên, về việc trình độ tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập, trong đó có xuất khẩu lao động.

Một đại biểu khác hỏi: Chính phủ có cho phép các trường ĐH nước ngoài đầu tư vào VN vì trong thực tế nhhiều sinh viên rất muốn du học trong nước? Một đại biểu phản ánh: Chính phủ đã tạo điều kiện cho TN tham gia phát triển KTXH, nhưng cần cụ thể hóa hơn nữa về vấn đề này. Một thanh niên dân tộc Khmer ở tỉnh Trà Vinh hỏi: Xin Chính phủ cho biết có chính sách gì cho TN nông thôn trong việc học nghề ?

Chính phủ tạo mọi điều kiện để thanh niên phát triển ảnh 4
Đại biểu thanh niên đặt câu hỏi. Ảnh : Hồng Vĩnh

Đại biểu đến từ Thủ đô nêu vấn đề chất lượng giáo dục kém, có học sinh lên đến lớp 4, lớp 5 mà chưa biết đọc. Điều đó sẽ rất khó cho việc nâng cao chất lượng thanh niên trong giai đoạn tới. Đại biểu từ TPHCM chất vấn: CP có chủ trương gì trong việc đào tạo và sử dụng trí thức trẻ? Cũng về vấn đề đó, đại biểu Đà Nẵng hỏi: Chính phủ đã có chính sách, chiến lược gì giúp TN phát huy hết vai trò của mình để phát triển ngang tầm với khu vực và thế giới ?

Đại biểu Hội LHTN Hải Phòng đưa ra hàng loạt vấn đề: Trình độ tay nghề thanh niên hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập. Giải pháp? Chính phủ có cho phép đầu tư, mở các trường quốc tế tại VN để thanh niên VN có thể du học ngay tại chỗ? Tình trạng học sinh chất lượng kém, Bộ Giáo dục - Đào tạo có cách giải quyết thế nào? Phổ cập tiểu học và trung học cơ sở chất lượng không tốt, giải quyết ra sao? Vai trò của thanh niên nông thôn trong công cuộc công nghiệp hóa, HĐH đất nước?

Đại biểu đến từ quê hương Bác hỏi: Chủ trương của Chính phủ trong việc phổ cập tin học cho thanh niên? Tương tự, một ĐB từ Nam Định hỏi: Ngoại ngữ, tin học là điều cần phổ cập, nhưng ở nước ta thanh niên còn xa lạ với máy tính và Internet. Vậy Chính phủ sẽ giải quyết vấn đề này thế nào ?

Trả lời: Cụ thể, rõ ràng

Chính phủ tạo mọi điều kiện để thanh niên phát triển ảnh 5
Thường trực Chính phủ đang trả lời. Ảnh : Hồng Vĩnh

Về vấn đề việc làm cho thanh niên, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Lương Trào trả lời: Trong 4 năm qua trình độ đào tạo nghề cũng đã được nâng lên đáng kể. Song về mặt bằng chung còn thấp, trình độ còn chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập, nhất là đối với ngành mũi nhọn như công nghệ thông tin. Mỗi năm phấn đấu đào tạo trên 1 triệu lao động, trong đó có khoảng 200.000 lao động được đào tạo có chất lượng.

Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực giải quyết, tạo cửa mở thông thoáng để tập trung vào dạy nghề, cải cách dạy nghề, khuyến khích TN quan tâm đến học nghề, lập nghiệp. Phấn đấu đến 2010 có 40% lao động qua đào tạo. Thời gian tới, theo ông Trào, giải pháp lớn nhất là hoàn thiện hệ thống luật pháp về dạy nghề.

Chính phủ tạo mọi điều kiện để thanh niên phát triển ảnh 6
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Lương Trào. Ảnh : Hồng Vĩnh

Trong thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp trong đó có sửa Luật Giáo dục liên quan đến dạy nghề. Chính phủ đã giao một số Bộ sửa đổi Pháp lệnh Dạy nghề. Dự kiến có 3 cấp độ dạy nghề là: Sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Hiện Luật dạy nghề đang được dự thảo, trong đó cho phép đào tạo nghề ở bậc cao đẳng.

Lao động Việt Nam yếu nhất là ngoại ngữ, vì thế ông Trào đề nghị Hội LHTN Việt Nam phát động phong trào thanh niên học ngoại ngữ. Hiện các nước đang phát triển có cạnh tranh rất cao về thị trường lao động. Điều đáng lo ngại nhất là tính vô kỷ luật, thiếu tinh thần trách nhiệm của một bộ phận lao động Việt Nam. Đoàn, Hội cần giáo dục cho TN vấn đề này.

Về việc hỗ trợ thanh niên nông thôn, ông Trào nói: Việc chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang ngành nghề khác đã được đề cập trong Chiến lược phát triển thanh niên của Chính phủ. Bộ đã trình Chính phủ 1 đề án về dạy nghề cho lao động nông thôn.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, dạy nghề và việc làm cho thanh niên là vấn đề đại sự, cần được sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân.Ông nói: Nước ta có dân số trẻ, hiện có 43 triệu người đang trong độ tuổi lao động trong 82 triệu dân số. Ông cho rằng, nếu gọi chiến lược trong giai đoạn 2001 - 2010 là chiến lược giải quyết việc làm cho thanh niên cũng đúng. Lao động nông thông chiếm  tới 32 triệu người, thành thị 11 triệu, hiện nhiều lao động nông thôn chưa có việc làm. Trong khi đó số lượng người cần có việc làm tăng thêm hàng năm bằng dân số của một tỉnh.

Chính phủ tạo mọi điều kiện để thanh niên phát triển ảnh 7
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Vũ Luận. Ảnh : Hồng Vĩnh

Trong 4 năm qua, chúng ta đã giải quyết được trên 7 triệu lao động có việc làm, song đây vẫn là vấn đề bức xúc, là sự nghiệp toàn Đảng, toàn dân phải giải quyết. Chính phủ sẽ tạo điều kiện vĩ mô để phát triển kinh tế xã hội, tạo ra việc làm giúp tăng trưởng kinh tế cao, phát triển mọi thành phần kinh tế. Ông cho biết, rất vui mừng trước sự ra đời và thành công của các doanh nghiệp trẻ hiện nay. Tuy nhiên, một đất nước có 82 triệu dân mà mới có 200.000 doanh nghiệp là còn ít so với tỷ lệ chung của quốc tế.

Phó Thủ tướng Thường trực nói: "Tôi rất buồn khi về Trà Vinh thấy cả tỉnh chưa có một trường dậy nghề nào". Việc đào tạo nghề, nâng cao kiến thức cho lao động trẻ có vai trò rất quan trọng. Chính phủ sẽ cố gắng tạo điều kiện về ngân sách và cơ chế để khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này.

Phó Thủ tướng Thường trực mong muốn thanh niên sẽ đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để tạo ra nhiều việc làm mới. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu của thanh niên trong học tập. Đồng chí nhấn mạnh phải phát triển thị trường lao động để vừa khuyến khích học tập vừa tạo tạo ra nhiều việc làm mới.

Tiếp đó, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Vũ Luận trả lời các câu hỏi về Giáo dục - Đào tạo. Ông Luận nói, vệc có nhiều người đi du học là một tín hiệu đáng mừng, nhất là khi đời sống xã hội được nâng lên. Về việc có cho phép các cơ sở đào tạo nước ngoài được mở trường tại Việt Nam không, ông Luận khẳng định, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo, các trường đại học, cao đẳng nước ngoài vào tại Việt Nam.

Về việc ngành Giáo dục đang tồn tại những yếu kém và bất cập, vừa qua Chính phủ đã có chính sách về nâng cao chất lượng giáo viên, ông Luận cho biết. Để giải quyết vấn đề này, trước tiên cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Sẽ thực hiện phân cấp mạnh mẽ, chuyển từ quản lý đầu vào sang quản lý đầu ra. Bên cạnh đó, sẽ tập trung đổi mới phương pháp dạy học, chuyển từ cách dạy thụ động sang phương pháp chủ động, sáng tạo. Sắp tới, Bộ còn cho phép giảng dạy bằng tiếng nước ngoài ở các trường đại học trong nước.

Bộ trưởng Bộ KHCN Hoàng Văn Phong trả lời các câu hỏi liên quan đến

Chính phủ tạo mọi điều kiện để thanh niên phát triển ảnh 8
Bộ trưởng Bộ KHCN Hoàng Văn Phong. Ảnh : Hồng Vĩnh 

chính sách phát triển khoa học - công nghệ trong thanh niên. Ông nói: Chúng ta phải nhận thấy rằng nền kinh tế tri thức phát triển trên nền tảng trí tuệ và các ứng dụng CNTT. Để tiến vào nền kinh tế tri thức, thanh niên cần phải học tập rất vất vả và khổ luyện.

Về phổ cập tin học, ông Phong nói, Chính phủ đã giao cho Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Bưu chính - Viễn thông, Bộ KHCN thực hiện. Trung ương Đoàn cũng đang phối hợp để triển khai chương trình 1 triệu máy tính cho thanh niên nông thôn. Vừa qua, Bộ KHCN đã ký với Hội Nông dân VN dự án đưa CNTT về vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, ông Phong cho rằng, chỉ mình Chính phủ không thể giải quyết được. Nhà nước chỉ là 1 kênh phục vụ cho vấn đề này, một kênh khác rất quan trọng chính là các doanh nghiệp. Vai trò của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực. Ông Phong nói, trong khu vực, không nhiều nước làm được chương trình 1 triệu máy tính. Không lý gì chúng ta chỉ đề nghị Nhà nước hỗ trợ. Chúng tôi hoan nghênh sự đòi hỏi quyết liệt của các đại biểu thanh niên. Song, mỗi người chúng ta ở đây đều phải có trách nhiệm để phát triển nó.

Cần tạo nguồn kinh phí để thực hiện. Chúng tôi kêu gọi các bạn TN có mặt tại đây ngay khi vừa rời ghế nhà trường đã thành lập được các doanh nghiệp đưa tri thức đến cho xã hội. Bộ trưởng Hoàng Văn Phong biết nhiều thanh niên ở Đại hội này đã thực hiện được điều đó.

Các thế hệ thanh niên VN ngày nay có điều kiện để bứt phá không thua kém gì TN trong khu vực và thế giới. Những thắng lợi trong các cuộc thi mấy năm qua như ROBOCON là một minh chứng cụ thể. Đảng và Chính phủ luôn quan tâm tạo mọi điều kiện cho TN phát triển. Phát triển tài năng trẻ là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ.

Về chính sách của Chính phủ trong việc phát triển tài năng trẻ, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong nói: Đảng, Nhà nước không chỉ quan tâm mà luôn có chính sách để tạo điều kiện cho các tài năng trẻ phát triển. Đây là mối quan tâm hàng đầu và là chủ trương nhất quán của Chính phủ.

Từ lâu chúng ta đã có các lớp chuyên, ở đại học có chương trình đào tạo cử nhân tài năng. Các Bộ đều có chương trình lo cho các cán bộ trẻ dù còn nhỏ so với mong muốn của thanh niên. Bộ KH-CN đang hình thành các trung tâm ươm tạo để làm sao phát triển được người có tài, bồi dưỡng họ để họ đững vững trên đôi chân của mình.

Vấn đề sử dụng chất xám của lưu học sinh, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong nói: Hiện tượng chảy máu chất xám đang xảy ra ở nhiều quốc gia. Có 3 nguyên nhân: Bản thân người đó, doanh nghiệp đó không tìm ra hướng phát triển; Không được đánh giá đúng, sử dụng đúng; Hoàn cảnh bắt buộc để giải quyết các khó khăn cá nhân.

Vấn đề là sử dụng lực lượng này ra sao ? Cần dùng người tài để đóng góp cho sự thay đổi của đất nước. Ông kêu gọi, hãy quan tâm đến họ ngay cả những việc nhỏ nhất  như thường xuyên thông tin về tình hình trong nước, thông tin giữa nơi họ đến và nơi họ sẽ tìm về là VN, quan tâm đến đời sống của họ. Tôi tin rằng, với chính sách đúng đúng đắn của Đảng và Nhà nước, số lượng người tài trở về VN sẽ ngày càng nhiều. Vấn đề là cần có thời gian để thực hiện.

Ông Phong khẳng định, Bộ KHCN sẽ dùng một phần kinh phí để tạo điều kiện cho những người tài tiếp tục được nghiên cứu học tập ở mức cao hơn giúp họ trở về nước cống hiến.Cần tạo một mức thu nhập cho người tài xấp xỉ mức thu nhập của họ ở nước ngoài (khoảng 3000 USD/tháng). Vấn đề này Bộ KGHCN đã có chính sách đệ trình Chính phủ, ông Phong nói..

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết: Hiện chúng ta có 2 triệu người đạt trình độ CĐ, ĐH, trong đó có 14.000 thạc sĩ, tiến sĩ. Thái Lan gấp đôi chúng ta về con số này.Tỷ lệ sinh viên trên số dân so với Thái Lan chúng ta cũng chỉ bằng một nửa. Ông nói, nhìn vào con số này chúng ta rất sốt ruột.

Để thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về nước cống hiến, vừa qua Bộ Chính trị đã có nghị quyết 36 về chính sách đối với kiều bào ở nước ngoài với nhiều ưu đãi. Chúng ta sẽ cố gắng hết sức để thực hiện nghị quyết này.Chính phủ luôn coi Việt kiều là bộ phận klhông tách rời của dân tộc.

Về câu hỏi sử dụng chất xám ra sao, Phó Thủ tướng Thường trực nói, hiện chúng ta có 25.000 sinh viên VN đang học ở nước ngoài, trong đó có 5.000 SV đi bằng ngân sách Nhà nước. Để trở thành một trí thức, một nhân tài trong xã hội, Chính phủ phải có chính sách tạo điều kiện cùng sự chăm lo của gia đình, song không thể thay thế được bằng chính nỗ lực của các bạn thanh niên. Thiếu ý chí vươn lên, khổ luyện và nghị lực thì không thể trở thành tài năng.

Những tâm sự đó của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khép lại phần trả lời của Thường trực Chính phủ đối với thanh niên Việt Nam.

Đồng chí Hoàng Bình Quân phát biểu kết thúc diễn đàn và đánh giá cuộc trao đổi diễn ra rất sôi nổi, liên quan đến nhiều vấn đề thiết yếu, bổ ích với TN. Chúng ta đã được nghe rất nhiều những chủ trương chính sách, những lời tâm huyết và tin tưởng của Thường trực Chính phủ vào thế hệ thanh niên ngày nay. Toàn thể thanh niên VN nguyện phấn đấu hết sức mình để đáp lại niềm mong mỏi đó.

Buổi đối thoại kết thúc lúc 17 giờ 10 cùng ngày.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.