Mọi cuộc "sống thử" đều khó đem lại tương lai tốt đẹp

Mọi cuộc "sống thử" đều khó đem lại tương lai tốt đẹp
(TPO) "Không nên có cái nhìn quá khắt khe về vấn đề này. Nhưng tôi phản đối sống thử khi tình yêu chưa sâu đậm, có thể gây hậu quả, nhất là các bạn nữ. Thật sự, chuyện này xảy ra nhiều với các bạn SV hiện nay". Đó là ý kiến của một SV nữ.

Khách mời của chúng tôi :

- TS Tâm lý học Trương Thị Bích Hà - Giám đốc Trung tâm tư vấn truyền thông sức khỏe và phát triển cộng đồng.

- Nhà báo, nhà thơ Trần Hòa Bình, giảng viên Phân viện BCTT Hà Nội.

- Chuyên gia tư vấn Nguyễn Thu Giang - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khoẻ vị thành niên.

- Nhóm tác giả Phan Thu

- 30 SV Phân viện BCTT Hà Nội

Mở đầu cuộc bàn tròn, nhà báo Nguyễn Ngọc Nam - Phó Tổng biên tập báo Tiền phong đề nghị nhóm tác giả Phan Thu và các bạn sinh viên Phân viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết quá trình tìm hiểu để viết bài và cung cấp thêm những ví dụ về "SỐNG THỬ".

Thay mặt nhóm tác  giả Phan Thu, anh Nhạc Phan Linh - Cán bộ Phân viện Báo chí và Tuyên truyền nói: Bài viết của chúng tôi nhằm mục đích đưa ra là để thảo luận về một thực trạng đang tồn tại ngày càng phổ biến trong sinh viên. 

Chúng ta hãy cùng trao đổi để đưa ra định hướng để có hành vi, cư xử hợp lý. Tôi theo sát ý kiến trên Tiền phong Online sau khi bài báo được đăng. Mới đầu có nhiều ý kiến kịch liệt phản đối, sau đó dần dần có thêm nhiều ý kiến tranh luận lại làm vấn đề ngày một rõ ràng hơn.

Mọi cuộc "sống thử" đều khó đem lại tương lai tốt đẹp ảnh 1
Linh (đứng) phát biểu về quan niệm của mình
Anh Linh tâm sự : Đầu năm 2005,  tôi có đọc một bài viết trên báo Tiền phong về chủ đề “Sống thử”. Sau khi đọc xong tôi thấy đây là một vấn đề có thực và tôi đã trao đổi với Hà về nội dung bài báo. Chúng tôi cùng suy nghĩ đây có phải là một thứ “mốt” đối với các bạn sinh viên hiện nay? Trong thời gian công tác ở trường và có nhiều dịp tiếp cận với chủ đề về sức khỏe sinh sản, tôi thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan đến sức khỏe sinh sản.

Chúng tôi thường trao đổi với nhau về những chủ đề nói trên và nhận được tham gia rất hào hứng của bè bạn. Đó là một điều thôi thúc chúng tôi cảm thấy mình phải quan tâm đến chủ đề và cũng là nguyên nhân để có bài viết đăng trên Tiền phong Online vừa rồi. 

Mọi cuộc "sống thử" đều khó đem lại tương lai tốt đẹp ảnh 2
Quỳnh Châu
Bạn Nguyễn Quỳnh Châu (Sinh viên năm thứ 2, Phân viện BC&TT) nói: Vấn đề sống thử không còn là chuyện mới, nhưng bài viết của tác giả Phan Thu có 1 cách tiếp cận mới. Theo tôi, không nên có cái nhìn khắt khe quá khắt khe về vấn đề này. Các bạn sinh viên thường có hoàn cảnh xa nhà, nhiều khi sống thử có liên quan đến vấn đề cô đơn.

Nhưng tôi phản đối sống thử khi tình yêu chưa sâu đậm, có thể gây hậu quả, nhất là các bạn nữ. Thật sự, chuyện này xảy ra nhiều với các bạn sinh viên hiện nay.

Tôi có 1 bạn gái đang học năm thứ 3, đã yêu 1 người. Mối quan hệ ấy không sâu đậm, bạn ấy sẵn sàng bỏ học. Chuyện sống thử này liên quan đến vấn đề sức khỏe sinh sản. Nhiều bạn nữ ở nông thôn không được giáo dục nhiều về sức khỏe sinh sản. Các bạn trẻ, đặc biệt là nữ cần trang bị những kiến thức về sức khỏe sinh sản, tránh những hậu quả cho tương lai.

Nguyễn Hồng Nhung (Sinh viên năm thứ 2, Phân viện BC&TT): Em ở ngoại trú, trong một khu nhà trọ. Ở nhà trọ, sinh viên sống thử khá nhiều. Mỗi khi chuyển đến một nơi trọ mới, em đều nhận thấy ở đó đều có những câu chuyện mới về các cặp sinh viên sống thử. Nhiều sinh viên nam có thể đến và ở lại nơi trọ của các bạn nữ. Các bạn nữ cũng có thể đến và ở lại nơi trọ của các bạn nam.

Sống thử, có thể đó là 1 thói quen của các bạn sinh viên sau khi họ đã vượt qua lần đầu tiên, vượt qua được những ngượng ngùng ban đầu. Em nghĩ rằng, vấn đề này hiện nay phần lớn là do quan niệm của mỗi sinh viên chứ chưa hẳn do hoàn cảnh xô đẩy.

Mọi cuộc "sống thử" đều khó đem lại tương lai tốt đẹp ảnh 3
Nhà báo Trần Hòa Bình
Nhà báo Trần Hòa Bình: Theo tôi, có đến 80% các sinh viên đã sống thử, sau khi trừ đi những khuếch khoác của các bạn trai, trừ đi sự rụt rè của các bạn nữ.

Những cặp như thế, họ lấy nhau như thế nào? Chỉ có 10 - 15% trong số đó tiến tới hôn nhân. Vậy thì sống thử sẽ đem đến điều gì? Những con số đó làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Hình như nhiều bạn không biết hay cố tình không nghĩ đến sống thử để làm gì?

Khi một người đã có thể sống thử với 1 người, họ cũng có thể sống thử với một người khác. Khi đã sống thử, cái mất mát lớn nhất chính là sự nhìn nhận về tình yêu không còn đẹp đẽ nữa. Khi mình không có chuẩn mực, không ý thức được, hậu quả sẽ xảy ra.

Nguyễn Mạnh Duy (SV năm thứ 2 Phân viện Báo chí Tuyên truyền): Em có một anh bạn học khóa trên. Anh bạn này từng nói với em rằng mày muốn lấy vợ thì phải chăm sóc một em từ năm lớp 9 đi. Còn khi em đấy lên cấp 3 thì chẳng còn gì nữa đâu.

Người yêu của anh và cả anh cũng xác định sau này chắc chắn sẽ không lấy nhau. Cả 2 đến với nhau do “hợp” về nhu cầu tâm sinh lý. Em nghĩ khi đã yêu thì phải tôn trọng nhau. Còn nếu có làm cho người yêu “bị làm sao” đấy thì sau này sẽ làm khổ nhau.

Bạn Nguyễn Thị Liên, SV K23 Phân viện Báo chí Tuyên truyền): Em có quen 4 người bạn nữ học ở một trường Đại học khá nổi tiếng ở Hà Nội. Các bạn này không ở ký túc xá mà thuê một căn nhà để ở. Cùng thuê ở căn nhà này có 3 bạn trai thuê ở tầng dưới. Một bạn nữ trong nhóm ở cùng một bạn trai trên gác xép cùng ngôi nhà. Chuyện gì diễn ra giữa 2 người đấy thì chắc chúng ta ai cũng biết. Điều đáng chú ý là mỗi khi họ ở cùng nhau thì đã có sự tác động đến những bạn nam sống ở tầng dưới. Các bạn nam này thường trèo lên cầu thang để rình xem chuyện gì xảy ra.

Khi câu chuyện xảy ra một thời gian thì các bạn trai ấy ra đường Giải Phóng để làm cái việc “giải tỏa”.

Về ý kiến cá nhân, em không phản đối việc sống thử. Nhưng chỉ lưu ý một điều là khi đã sống thử thì các bạn đừng để cách sống của mình tác động hay ảnh hưởng đến những người khác. 

Sau phần trao đổi trên hội trường, các vị khách mời và sinh viên đã trả lời câu hỏi của bạn đọc Tiền phong Online.

Tôi cũng đã biết nhiều về tình trạng của SV hiện nay như tác giả viết nêu lên. Xin hỏi 2 tác giả: Bạn bè của bạn có ai ở trong những trường hợp như các bạn viết? Các bạn đã chứng kiến những điều đó chưa? Theo bạn, nếu sống thử, hậu quả lớn nhất là gì? (Châu Tuấn, 22 tuổi, Thành phố Việt Trì, Phú Thọ)

Nhóm tác giả Phan  Thu: Có. Bản thân chúng tôi đã từng tư vấn cho một vài người bạn của mình nên ứng xử ra sao. Có lần, chúng tôi đã trực tiếp dẫn họ tới  một trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên để  xin tư vấn giải quyết trường hợp của bạn đó. Khi trực tiếp chứng kiến những trường hợp đó, chúng tôi nhận  ra rằng, phái nữ luôn là người chịu thiệt thòi nhất.

Xin tran trong duoc hoi Thac si- nha bao TRAN HOA BINH (TAM THU)- giang vien Phan vien bao chi va tuyen truyen Ha Noi, pho Tong bien tap Tap chi gia dinh. Xin thac si cho biet voi cuong vi la mot nha giao, hang ngay tiep xuc voi cac ban sinh vien, vay thi theo thac si co hay khong viec sinh vien song thu nhu la vo chong? Va neu co chuyen do thi ong co suy nghi nhu the nao ve van de nay, va giai phap de ngan chan tinh trang do theo ong la nen nhu the nao? Tren cuong vi la nguoi truc tiep day do sinh vien cua minh, dieu ong khuyen voi ho la gi? Xin chan thanh cam on ong da quan tam den van de nong bong trong doi song sinh vien hien nay o nuoc ta. (Tên: tonguangiang,Email: rutinhdl2000)

Xin cảm ơn sự quan tâm của bạn. Theo tôi, sống thử hiện nay là một thực tế có thật, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Thực tế này có thể do nhiều nguyên nhân dẫn đến: Cách nhìn nhận thoáng đãng hơn của xã hội, không gian được bộc lộ cá tính của mỗi người thuận lợi hơn trước... Nhưng chủ yếu vẫn là do những bạn trẻ không xác định được mục đích trong việc sống thử của họ. Hầu như không ai có thể trả lời được sống thử là như thế nào, có phải nó chỉ là chuyện giới tính hay không và quan trọng nhất, sống thử để làm gì?

Tôi không thể đưa ra một giải pháp vì đây là một vấn đề quá lớn của xã hội. Nó liên quan đến sự phối hợp đồng bộ giữa rất nhiều thành phần khác nhau: Nhà trường, gia đình, các đoàn thể... Nhưng tôi nghĩ rằng, cần phải giúp cho những người trong cuộc ấy có được một khả năng tự ý thức và kiểm soát được các hành vi của mình. Đó mới chính là cái gốc để giải quyết được vấn đề này, trào lưu này.

Gửi bà Trương Thị Bích Hà. Bất cứ một xã hội đang phát triển nào, những xu hướng chạy theo mốt "phương Tây" của thanh niên là điều không tránh khỏi. Bà có nghĩ lối sống thử của sinh viên Việt Nam đang là "mốt"? Trong bài báo có nói đến trường hợp làm chuyện... đó trên giảng đường, nhà thể dục..., theo bà việc đó có còn dừng lại ở thực trạng sống thử, hay nó còn là vấn đề văn minh xã hội, văn minh giảng đường và vấn đề phẩm chất đạo đức của sinh viên? Bà có tin chuyện đó đã xảy ra? (Nghĩa, 22 tuổi, Đông Anh, Hà Nội)

TS Trương Thị Bích Hà: Chúng ta phải thừa nhận việc sống thử trong sinh viên hiện nay là có thực. Nếu nói là "mốt" được du nhập từ phương Tây, tôi e không chính xác.

Chúng ta chỉ coi đây là một trào lưu về một lối sống mới, khác với thế hệ cha ông trước kia. Trào lưu này thừa nhận một lối sống giải phóng, tự do hoàn toàn về hôn nhân và tình dục. Tuy nhiên, lối sống này cũng bị ảnh hưởng rất nhiều từ phương Tây.

Trong bài báo nói đến trường hợp làm "chuyện đó" trên giảng đường và nhà thể dục... tôi nghĩ rằng chuyện đó có, nhưng không nhiều. Vì vậy nó không phản ánh tòan bộ sự thật về lối sống thử của sinh viên mà là những hành vi thiếu văn minh, lịch sự và quá buông thả.

Mọi cuộc "sống thử" đều khó đem lại tương lai tốt đẹp ảnh 4
Nhóm tác giả Phan Thu
Làm thế nào để thay đổi quan niệm của người lớn, nhất là cha mẹ về nhu cầu sinh hoạt tình dục của lứa tuổi sinh viên? Ở nhiều nước phương Tây, khi thanh niên đến đủ 16 tuổi là họ có quyền sinh hoạt tình dục mà người lớn không có quyền can thiệp (có thể đưa bạn về ngủ mà bố mẹ không được ngăn cấm. Có lẽ ở VN, không biết bao giờ mới thay đổi được trong khi nhu cầu sinh hoạt tình dục của lứa tuổi này là thưc tế!?(Nguyễn Lâm Phúc, 44 tuổi, 403 D16 Ph­­­ương Mai, Đống Đa, Hà Nội)

Nhóm tác giả Phan Thu: Giữa phương Đông và phương Tây có hai nền văn hoá khác nhau. Do đó quan niệm về tình dục cũng khác nhau. Chính vì vậy, mong muốn thay đổi quan niệm này ở VN là không phù hợp.

Gửi nhà thơ Trần Hoà Bình: Sống thử thường đi với đời sống tình dục. Điều này được lý giải là để thử xem có hợp nhau trước khi lên xe hoa không. Vậy ý kiến của ông về vấn đề này thế nào? (Ngọc Yến, 22 tuổi, Hà Nội)

Xin trả lời bạn bằng một con số, và tự bạn sẽ rút ra kết luận cho mình: 80% những cặp yêu nhau đều có quan hệ tình dục trước hôn nhân nhưng trên thực tế chỉ có từ 10 - 15% là đi đến hôn nhân. Tình trạng này không chỉ ở nước ta mà còn có ở Nhật, Mỹ, Đức...

Có tình trạng sống thử trong sinh viên nước ta hiện nay, thì giải pháp nào cho thực trạng đó? Phải chăng là chỉ nói cho qua chyện vì theo suy nghĩ của mỗi người đâu có ai ép buộc được phải thế này hay thế kia? Theo tôi đó chỉ là trào lưu sống của một bộ phận sinh viên muốn chứng tỏ mình, đó thực sự là một sai lầm khi dẫn đến hậu quả lại trốn tránh, chúng ta chỉ có thể cảnh báo cho họ thôi chứ thực ra chẳng làm được điều gi` khác cả. (Linh, 21 tuổi, kiss_of_thedragon2002@yahoo.com

Mọi cuộc "sống thử" đều khó đem lại tương lai tốt đẹp ảnh 5
Phó tổng biên tập Nguyễn Ngọc Nam cùng các bạn sinh viên
Nhóm sinh viên Phân viện báo chí: Đây đúng là trào lưu của sinh viên hiện nay, nhưng điều này phụ thuộc vào mỗi cá nhân. Nên đưa ra những định hướng giáo dục để mỗi giới trẻ hiện nay có những nhận thức đúng đắn hơn.

Nên có những giải pháp tuyên truyền về sức khoẻ sinh sản để cho sinh viên có những nhận thức đúng về tác hại cũng như những biện pháp phòng tránh cho bản thân. Không nên tránh né vấn đề này, phải đưa nó sâu rộng vào trong nhà trường để cho những bạn trẻ sớm có những nhận thức về sức khoẻ sinh sản. Ngoài ra, nên có nhiều hơn nữa những trung tâm tư vấn để các bạn trẻ có thêm những thông tin, và được tư vấn trực tiếp ngay khi có những khúc mắc cần giải quyết.

Theo tôi thì số sinh viên "sống thử" là rất ít, phần lớn là các cuộc yêu đương giữa các bạn trẻ, có điều phần lớn các cuộc tình đó không bền vững. Không nên nhầm lẫn. (Nguyễn Lâm Phúc, 44 tuổi, 403 D16 Ph­­­ương Mai, Đống Đa, Hà Nội)

Nhóm tác giả Phan Thu: Chúng tôi đồng ý với ý kiến này. Tuy nhiên, có lẽ do sự cách biệt về tuổi khiến cho bạn có thể chưa hiểu  hết thực  trạng này. Chúng tôi dám khẳng định, "sống thử" diễn ra không hề ít. Bạn có thê đọc lại bài viết của chúng tôi vì trong đó, chúng tôi đã phân ra các dạng "sống thử".

Gửi bà Bích Hà: Việc sinh viên sống thử đa số chỉ xẩy ra với các SV đến từ các tỉnh. Họ giải thích: Sống chung sẽ giảm được chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ tại thành phố. Theo bà liệu chúng ta có thể thông cảm với cách suy nghĩ như vậy? (Ngọc Yến, 22 tuổi, Hà Nội)

Tiến sĩ Trương Thị Bích Hà: Việc sinh viên ngoại tỉnh sống thử chiếm tỷ lệ nhiều hơn so với sinh viên Hà Nội là một thực tế đã được kiểm chứng. Họ thường biện minh cho cách sống đó nhằm giảm chi phí sinh họat, tôi thấy cũng là một lý do được rất nhiều người chấp nhận.

Tuy nhiên, chỉ vì để giảm chi phí sinh hoạt cho cuộc sống hiện tại mà dẫn đến sống thử thì họ hòan toàn sai lầm, bởi vì tình yêu - sống thử dựa trên yếu tố vật chất chỉ tồn tại trong một thời gian khi họ chưa đủ điều kiện để đảm bảo cuộc sống. Khi họ có đủ điều kiện vật chất để độc lập sống thì "hợp đồng" tình yêu này cũng sẽ được chấm dứt, khi đó tòan bộ hậu quả nặng nề về tâm lý, sức khỏe... bạn gái là người phải gánh chịu.

Thưa bà Giang, bà nói, cuộc sống chỉ có một, không nên sống thử! Thực tế tôi nghĩ, chính vì cuộc sống có một, chúng ta nên sống thử! Phải sống thử, thì khi vào cuộc sống vợ chồng thực sự, chúng ta mới có thể chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho nó. Thực sự, mặt hại, tôi chưa thấy, nhưng đó là mặt lợi rõ ràng nhất của cuộc sống thử! 2 bên cùng có lợi. (Nguyễn Minh Thư, 20 tuổi, Hà Nội)

Mọi cuộc "sống thử" đều khó đem lại tương lai tốt đẹp ảnh 6
BS Nguyễn Thu Giang
Bác sĩ Nguyễn Thu Giang: Nếu trong bất cứ việc gì mà bạn chỉ xác định là thử thì khó có thể đạt được những thành công bởi tâm lý chỉ thử thôi sẽ chi phối đến nỗ lực phấn đấu của bạn.

Cá nhân tôi không lên án quan hệ tình dục trước hôn nhân, mà chỉ muốn chia sẻ với các bạn khái niệm về quan hệ tình dục đồng thuận và có trách nhiệm trên cơ sở tình yêu đôi lứa.

Khi hai người yêu nhau, cảm thấy tình cảm đã chín muồi, lường được hết những khó khăn có thể xảy ra, cảm thấy mình có đủ trách nhiệm... thì hoàn toàn có thể tự mình quyết định được có hay là không có quan hệ tình dục.

Điều đáng cảnh báo là hiện nay có nhiều bạn trẻ đã quan hệ tình dục mà không tính đến tất cả những yếu tố trên. Hậu quả đầu tiên là sức khỏe sinh sản. Chưa được chuẩn bị kỹ về tâm, sinh lý, các bạn trẻ dễ bị tổn thương về mặt tình cảm, thể chất...

Thông thường, các bạn chỉ nghĩ đến hậu quả là mang thai và các bạn "tặc lưỡi": Giờ đầy dịch vụ nạo, hút thai, lo gì! Nhưng, có những vấn đề không dễ dàng nhìn thấy được như bệnh lây truyền qua đường tình dục, các viêm nhiễm đường sinh sản, tai biến của nạo hút thai... dẫn đến vô sinh.

Bên cạnh đó, những tổn thương về mặt tinh thần cũng không thể thấy ngay trước mắt. Hậu sống thử, các bạn nữ sẽ cảm thấy mất tự tin trong cuộc sống. Các bạn nam, nếu là người có trách nhiệm, sẽ không khỏi áy náy khi vì nhiều lý do không thể tiến tới hôn nhân. Còn nói chung, những tổn thương về mặt tình cảm sẽ làm cả các bạn nam và các bạn nữ trở nên chai sạn trong tình yêu.

Lieu khi da song thu roi, nguoi con gai co con duoc ton trong trong con mat nguoi ban khac gioi kia khong? (nguyen minh ngoc, 25 tuổi, tx ninh binh)

Nguyên Nhung, SV báo mạng điện tử 23, Phân viện BCTT: Vẫn có thể, nhưng rất hiếm.

Thưa cô, cháu có câu hỏi mong duoc sư giải dap của cô: Sinh viên dã từng nghe nhiều về mối hoạ của việc chưa kết hôn mà sống chung, nhưng khi hai người chấp nhận sống chung với nhau nghia la họ rất yêu nhau muốn chia sẻ cho nhau những khó khăn trong cuộc sống điều này lại mang ý nghĩa thật tốt đẹp, có nên chăng để họ sống chung?  (trần thị hồng thắm, 20 tuổi, lớp SP Anh văn k2003-Trường Đại học Tây Nguyên, Đak lăk)

Mọi cuộc "sống thử" đều khó đem lại tương lai tốt đẹp ảnh 7
Tiến sĩ Trương Thị Bích Hà
Tiến sĩ Trương Thị Bích Hà: Cháu Hồng Thắm thân mến, cháu cho rằng 2 người rất yêu nhau, muốn chia sẻ cho nhau mọi điều và chấp nhận sống chung với nhau có một ý nghĩa tốt đẹp là hòan toàn chính đáng. Bởi vì khi thật lòng yêu nhau, con người có xu hướng được gần gũi nhau, chăm sóc cho nhau, chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn cho nhau, chính vì vậy mới có trào lưu sống thử đang thịnh hành ở tuổi các cháu.

Nhưng thực tế, mọi điều không tốt đẹp như cháu nghĩ, có những cuộc sống thử không xuất phát từ tình yêu đích thực mà chỉ là sự tiết kiệm chi phí sinh hoạt (tiền thuê nhà, tiền điện nước...), lại có những người chỉ vì mọi người sống thử thì mình cũng sống thử, có những người chỉ để thoả mãn bản năng tình dục của cá nhân...

Cho nên không phải mọi cuộc sống thử đều đem lại cuộc sống tốt đẹp trong tương lai mà phần lớn lại là nguyên nhân của sự bất hạnh, đau khổ khi những cuộc tình "gá tạm" bị tan rã.

Giua" song thu" va quan he tinh duc truoc hon nhan co gi khac nhau(hinh thuc va ban chat)? Gui chi Giang (Huy Cuong, 23 tuổi, xhhcuong@yahoo.com)

Nhóm tác giả Phan Thu: Cơ bản là khác nhau. 

Về hình thức, sống thử  nói về hành động quan hệ tình dục với người yêu. Còn quan hệ tình dục trước hôn nhân thì có thể xảy ra với nhiều đối tượng.

Về bản chất, sống thử  được hình thành xuất phát  từ  mong muốn được chia sẻ không chỉ là nhu cầu sinh lý, mà cả tình cảm của cả hai người. Còn quan hệ tình dục trước hôn nhân có thể chỉ xuất phát từ nhu cầu sinh lý.

Theo em sống thử là tập sống như vợ chồng trong khi dang hoc tap o trường khi không có sự giam sat của bố mẹ. Bản thân em chưa bao giơ nghĩ minh sẽ co cuộc sông sai lêch như vậy. Em không muôn yêu ai khi dang theo học thế này, nhưng em không khuyến khich nhưng ban khác nhu minh nếu có đươc người nào đó mình yêu và yêu minh thì hãy yêu và đừng nên chọn biện pháp sông chung đẻ kiểm tra tinh yêu của nhau. Yêu là phải co long tin ở nhau. Nếu bạn sống chung với nhau như vợ chông cuộc sông cua bạn sẽ hêt mất sự thơ mộng trong sang vốn co cua tình yêu thời SV. Tôi chưa muốn co ngươi yêu vi tôi chưa có đối tượng phù hợp, song tôi sẽ làm như tôi vừa nói. Mong nhiều bạn có cũng suy nghi nay như tôi. (trần thị hồng thắm, 20 tuổi, lớp SP Anh văn k2003-Trường Đại học Tây Nguyên, Đak lăk)

Bác sỹ Nguyễn Thu Giang: Đó là quan điểm của cá nhân em và ai cũng nên có một quan điểm cá nhân. Tôi tôn trọng những quan niệm cá nhân như thế. Chỉ có điều này: Sự thơ mộng trong sáng của tình yêu mất đi không chỉ là do chuyện sống thử bởi nó liên quan đến thế giới nội tâm của mỗi người và sự hòa hợp cao hơn thể xác của những lứa đôi. Chúc em khỏe và học tốt.

Thưa nhà báo Trần Hoà Bình, em cũng từng là một sinh viên Phân viện báo chí và tuyên truyền (Khóa 17). Em cho rằng "Sống thử" trong HSSV không phải là điều gì ghê gớm bởi họ đã đủ tuổi để chịu trách nhiệm trước những hành vi của mình cũng như hậu quả để lại. Tuy nhiên trong một góc độ nào đấy đó là hành động vi phạm đạo đức. Chúng ta nên có cái nhìn vị tha với những bạn đã từng có cuộc sống thử. Thầy có nghĩ như vậy không ạ? (Chi Linh, 25 tuổi, Việt Trì)

Chào em. Đương nhiên là chúng ta cần phải có một cái nhìn vị tha về vấn đề này bởi vì nó chỉ xảy ra trong một chặng đường ngắn nào đó của con người, nếu biến nó thành một bóng đen ám ảnh người ta thì phần đời còn lại kia sẽ làm họ mất đi rất nhiều thi vị.

Có phải giới trẻ thời nay quan niệm tình yêu và tình dục luôn song hành với nhau không? (Vũ Hồng Công, 28 tuổi tuổi, Gia Cẩm - Việt Trì - Phú Thọ)

Bác sĩ Nguyễn Thu Giang: Có thể chấp nhận được tình dục trên cơ sở tình yêu chân chính, nhưng không thể chấp nhận quan hệ tình dục dựa trên cơ sở một cái gì đó na ná như tình yêu. Điều khó nhất cho các bạn trẻ là làm sao nhận ra được đâu là tình yêu thực sự, đâu là cái gì chỉ giống như nó?

Theo tôi, nếu tình yêu chỉ song hành với tình dục là không đúng. Tình yêu bao giờ cũng là xuất phát điểm. Trên cơ sở đó sẽ hình thành hàng loạt vấn đề song hành cần chúng ta phải nghĩ đến như: chia sẻ cách nhìn chung về tương lai, xây dựng niềm tin với nhau, gia đình để cùng tạo dựng cuộc sống. Tình dục chỉ là một yếu tố nhỏ và nó không phải là điều kiện bắt buộc.

Bạn Nguyễn Quỳnh Châu (SV Phân viện Báo chí và Tuyên truyền): Theo tôi, hiện trong các bạn trẻ có 2 quan niệm. Đa số các bạn trẻ cho rằng, quan hệ tình dục là "điều kiện" không thể thiếu của tình yêu. Vì thế, nếu yêu nhau thì phải quan hệ tình dục với nhau.

Quan điểm khác, cũng có các bạn xác định yêu nhau thực sự. Họ trân trọng và giữ gìn cho nhau. Cá nhân tôi đồng ý với quan niệm này.

Nguyễn Huyền Trâm (SV Phân viện Báo chí và Tuyên truyền): Theo tôi, yêu phải quan hệ tình dục chỉ là là quan niệm của một bộ phận nhỏ trong giới trẻ. Phần lớn các bạn trẻ hiện nay vẫn yêu mà không đòi hỏi phải có "chuyện đó".

Mọi cuộc "sống thử" đều khó đem lại tương lai tốt đẹp ảnh 8
Bạn tôi khi nói về vấn đề này thì rất bức xúc và phản đối, tuy nhiên khi thực sự yêu thì bạn cũng có cách sử sự như vây. Em nghĩ đây không còn la mod mà có lẽ 1 lối sống mới đang được hình thành trong đời sốngSV một cách đáng báo động chứ không còn đơn thuần là mốt nữa.(daknessgíl25, 21 tuổi, hvtc)

Nhóm sinh viên Xã hội học Phân viện Báo chí và Tuyên truyền: Đúng là hiện nay, sống thử không còn là mốt mà là một lối sống mới hiện nay của giới trẻ. Điều đáng báo động hiện nay là họ sống thử mà chưa có nhận thức đầy đủ và chỉ đáng phê phán khi họ gây ra những hậu quả không tốt cho xã hội cho bản thân và những người xung quanh.

Tôi hơi bất bình khi đọc được ý kiến của Tầm Thư, nhất là cái tít giật lên rất kêu: "té nước theo mưa" cho biết mùi đời. Tôi cho rằng nhiều ý kiến dọn trước trong cuộc giao lưu này đưa ra là bảo thủ và mang nhiều định kiến đối với quan niệm sống của giới trẻ. Hơn nữa còn thể hiện sự không tôn trọng và thiếu hiểu biết về suy nghĩ của giới trẻ hiện nay. Tầm Thư nghĩ sao? (Pam, 22 tuổi, Hà Nội)

Trần Hòa Bình: Tôi xin nói một cách đầy đủ như sau: "Tôi ngờ rằng phần lớn trong số họ không có ý thức rõ ràng về vấn đề sống thử. Họ chỉ tranh thủ "té nước theo mưa" cho biết mùi đời thôi và như thế tức là buông thả. Tôi phản đối. Nhưng nếu họ hiểu đúng mục đích của sống thử với ý định nghiêm túc và có sự "bảo hiểm" bằng nhân cách, thì... tôi chẳng có lý do gì để phản đối". Đây là một câu tôi đã trả lời phỏng vấn trên báo.

Cuộc giao lưu này đang diễn ra trong một hội trường có rất đông bạn trẻ sinh viên tuổi mười tám, đôi mươi. Tôi rất tiếc là bạn không thể có mặt để cùng tham gia. Nếu bạn đang ngồi cạnh tôi lúc này, tôi bảo đảm bạn sẽ tự rút lui ý kiến của mình.

Có nên có cái nhìn miệt thị đối với những đối tượng "sống thử" này không hay chúng ta hãy đi vào chính nhận thức cuả họ để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi " tại sao lại xuất hiên lối sống thử " mang tính xã hội này? (Phạm Thu Hương, 22 tuổi, Khoa Triết K23 Phân viện báo chí và tuyên truyền)

Mọi cuộc "sống thử" đều khó đem lại tương lai tốt đẹp ảnh 9
Anh Tầm Thư rất thích thú với câu hỏi của bạn đọc
Nhà báo Trần Hòa Bình: Không thể có cái nhìn miệt thị về vấn đề này, cũng như không thể cấm đoán nó. Nhưng đi vào chính nhận thức của họ thì bạn sẽ làm tốt hơn là tôi vì bạn là sinh viên Triết học. Tôi chỉ nói thêm rằng, đó là một hướng đi đúng để tìm ra bản chất của hiện tượng này.

Là một nhà khoa học, với cái nhìn khách quan đối với việc "sống thử" xin TS Bích Hà cho biết quan điểm của bà: Việc 'sống thử" là tốt hay xấu? Tại sao? Mọi người nên có thái độ ra sao trước việc này? (Pham Huy Cuong, 23 tuổi, xhhcuongyahoo.com)

TS Trương Thị Bích Hà: Sống thử tốt hay xấu là một câu hỏi khó trả lời. Tuy nhiên đây là một trào lưu, một cách sống đang thịnh hành trong giới trẻ hiện nay. Việc sống thử tồn tại khách quan, nhưng nó lại có nguyên nhân từ quy luật tâm sinh lý chủ quan trong mỗi người.

Khi con người bước vào tuổi dậy  thì cũng là lúc trong con người họ có nhu cầu sinh họat tình dục. Đây là một dấu hiệu đánh dấu một cơ thể phát triển toàn diện và khỏe mạnh. Từ nhu cầu này dẫn đến hiện tượng nếu gần gũi những người khác giới mà cá nhân có cảm tình, có sự rung động thì việc dẫn đến sống thử là điều khó tránh khỏi.

Bên cạnh đó hàng ngày, cuộc sống xã hội muôn màu muôn vẻ luôn tác động đến các bạn trẻ. Phim ảnh, nhà hàng, khách sạn, internet... là những bức tranh hiện thực luôn khơi gợi sự tò mò và những dục vọng bản năng của các bạn trẻ.

Ngoài ra, còn có các bạn sống rất "thực tế", tính toán theo kiểu "vận trù học" trong cả mối quan hệ tình cảm để tiết kiệm chi phí hàng ngày thì cho dù họ không rung cảm cũng có thể hòa nhập vào trào lưu sống thử một cách dễ dàng.

Sống thử sẽ tốt khi các bạn trẻ xác định được đây là một điểm tựa, một bước khởi đầu làm nền tảng cho tương lai. Hôm nay họ sống với nhau để cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, để hiểu nhau hơn, giúp nhau được nhiều hơn và để củng cố cho mối quan hệ tình cảm vững bền đợi ngày chính thức về sống với nhau trong một tổ ấm gia đình.

Sống thử sẽ xấu và rất xấu khi họ đến với nhau chỉ vì tò mò, vì tiết kiệm, vì người khác sống thử thì mình cũng sống thử và chỉ để thỏa mãn dục vọng nhất thời. Cuộc sống này sẽ nhanh chóng chấm dứt và hậu quả của nó bạn gái phải gánh chịu.

Theo toi nghi, "cuoc song chi co mot khong nen thu" la mot y kien rat hay nh­ung thu hoi trong cach nhin nhan, danh gia cua xa hoi ta ve van de tam sinh ly, tinh duc hoc con nhieu dinh kien, dieu do anh huong den quan diem giao duc cua nuoc ta ve van de nay, vay khi thanh nien tre sap buoc vao cuoc song gia dinh muon co kinh nghiem ve tinh duc, dac biet khoa hoc tam sinh ly da neu len van de chan goi rat quan trong doi voi cuoc song vo chong. Vay thanh nien phai lam gi de co hieu biet va co kinh nghiem ve van de nay?(tran cac linh, 25 tuổi, Phong Hanh chinh quan tri - Cong ty Toa xe Hai Phong)

Mọi cuộc "sống thử" đều khó đem lại tương lai tốt đẹp ảnh 10
Bác sĩ Thu Giang
Bác sĩ Nguyễn Thu Giang: Tôi đồng ý về việc ở ta còn nhều định kiến về vấn đề "tế nhị" này. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải khách quan hơn trong những năm qua, những thực trạng này đã bắt đầu có nhiều biến đổi.

Bằng chứng là có rất nhiều đầu sách bàn về vấn đề này. Ngoài ra, những chương trình như "Cửa sổ tình yêu", "Hành trình cùng bạn" (có thời lượng trên 60% thời lượng bàn về sức khỏe sinh sản - sức khỏe tình dục vị thành niên).

Hiện nay, các trung tâm tư vấn về vấn đề này cũng bắt đầu phát triển, dù so với các nước khác là chưa nhiều. Bản thân tôi cũng là người phụ trách Trung tâm Vị thành niên Ánh Sáng. Chúng tôi cũng mạnh dạn mở những khóa đào tạo về tình dục và sức khỏe sinh sản cho các bạn trẻ trước khi lập gia đình và đã được các bạn trẻ nhiệt tình hưởng ứng.

Khi tiếp cận với các loại hình này, các bạn trẻ không chỉ được trang bị thông tin, kiến thức mà còn được trang bị một số những kỹ năng cơ bản cần thiết.

Bạn Nguyễn Mạnh Duy (SV Phân viện Báo chí và Tuyên truyền): Các bạn trẻ ở nước ta hiện nay chủ yếu tự tìm hiểu qua... miệng và các phương tiện thông tin đại chúng như sách báo... Việc tiếp xúc với các Trung tâm tư vấn còn rất hạn chế. Điều đó sẽ làm hạn chế kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản của giới trẻ.

Xin hỏi 2 tác giả: Nếu bạn trai biết người bạn gái của mình đã từng sống thử với người khác, nhưng họ đến với nhau bằng tình cảm chân thật và không quá coi trọng chuyện quá khứ thì người bạn trai làm sao để biết được người bạn gái của mình có mắc các bệnh như AIDS... hay không? (Nguyên Vũ, 25 tuổi, 34 Láng Hạ, Hà Nội)

Nhóm tác giả Phan Thu: Nếu các bạn đã đến với nhau bằng tình cảm chân thật, thì tôi nghĩ rằng, các bạn  hoàn toàn có thể chia sẻ với nhau những điều khó nói nhất.  

Cuộc sống của bạn sẽ thế nào nếu sau nhiều lần sống thử mà bạn vẫn cảm thấy không được suôn sẻ và thất vọng, liệu sau này bạn có dám nghĩ đến chuyện xây dựng gia đình nữa k?(Trần Việt Dũng, 32 tuổi, Hà Nội)

Nhóm sinh viên Phân viện Báo chí: Minh nghĩ, những người sống thử vẫn dám và có thể xây dựng gia đình nhưng họ không còn háo hức cũng như niềm tin vào gia đình, đó chỉ là trách nhiệm với gia đình và bản thân.  

Theo tôi, việc "sống thử" của các bạn trẻ ngày nay thì thiệt thòi lớn thuộc về các bạn gái. Vậy xin TS có thể phân tích những thiệt thòi mà các bạn gái phải gánh chịu?(Nguyễn Hồng Hà, 27 tuổi, 48 - Hai Bà Trưng - HN)

Mọi cuộc "sống thử" đều khó đem lại tương lai tốt đẹp ảnh 11
"Các bạn gái sẽ chịu áp lực tâm lý khi sống thử"
Tiến sĩ Trương Thị Bích Hà: Việc sống thử không có nghĩa là sẽ đi đến hôn nhân. Khi hôn nhân không thành thì mọi hậu quả, thiệt thòi lớn nhất thuộc về các bạn gái bởi vì:

- Mặc dù đã bước vào thế kỷ 21, nhưng hệ tư tưởng phong kiến vẫn chưa phải đã hòan toàn bị xóa bỏ trong nhận thức của người dân Việt Nam. Chính vì vậy sự trinh tiết của người phụ nữ vẫn còn là một vấn đề mà nhiều người, đặc biệt là đàn ông rất coi trọng.

Khi sống thử, người phụ nữ đã trao cái qúy nhất của mình cho bạn tình, nếu họ không đi đến hôn nhân thì người phụ nữ sẽ phải tìm và kết hôn với một người đàn ông khác, lúc đó họ không còn trinh trắng nữa.

Liệu người chồng trong tương lai có chấp nhận vợ mình đã mất trinh hay không? Câu hỏi này không ai có thể trả lời một cách chắc chắn được, vì vậy áp lực về mặt tâm lý đối với bạn gái trước khi kết hôn và trong cuộc sống gia đình hết sức nặng nề.

- Khi sống thử nếu không có kiến thức và kỹ năng về tình dục an toàn thì các bạn gái rất dễ có thai ngòai ý muốn. Khi có thai, phần lớn các bạn phải giải quyết hậu quả , điều này dẫn đến ảnh hưởng tới sức khỏe và nếu nạo phá thai nhiều lần có thể còn dẫn đến vô sinh trong tương lai. Một người phụ nữ khi lấy chồng mà không có con thì hạnh phúc gia đình cũng hết sức mong manh.

- Khi sống thử, nếu bạn trai là những người đã từng sống thử nhiều lần và cũng đã từng quan hệ tình dục với gái mại dâm thì sẽ có nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, HIV/AIDS. Khi quan hệ, nếu không có biện pháp bảo vệ thì các bạn gái cũng sẽ dễ dàng bị lây nhiễm.   

Tôi xin phép đặt câu hỏi với nhóm tác giả Phan Thu. Bài viết của 2 bạn rất hay, đi được vào các khía cạnh của vấn đề.Chắc hẳn trong quá trình viết bài, các bạn đã mất rất nhiều công sức. Trong quá trình đó các bạn có gặp trở ngại gì lớn không? Bạn bè và gia đình bạn nghĩ gì khi các bạn đi thực tế để viết bài ?(Phạm Thế Hiển, 21 tuổi, TPHCM)

Nhóm tác giả Phan Thu: Trước hết, chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự thông cảm của bạn cho những vất vả của chúng tôi. Thực ra, để hoàn thành bài viết này, chúng tôi đã nhận được  rất nhiều sự cộng tác của các bạn sinh viên báo chí, các cộng tác viên của các trung tâm  chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên  và một số chuyên gia trong lĩnh vực này. Chúng tôi  hoàn toàn không chịu một sức ép nào khi chuẩn bị cho bài viết này.

Ban than toi cho rang khi yeu ko nen song thu boi vi chua co gi la chac chan giua 2 nguoi, va lai du sau nay 2 nguoi co tien toi hon nhan thi cung mat it nhieu di su ton trong nhau va thu vi cua cuoc song lua doi nhung nhung tai sao bay gio nhieu nguoi hieu the ho van song thu? Phai chang do la do hoan canh: ho la sinh vien song xa nha thieu thon tinh cam, va lai lieu song thu ngoai nhung cai co hai thi no co nhung cai loi gi? (Nguyen Nhu Xuan, 22 tuổi, hai phong)

Nhà báo Trần Hòa Bình: Tôi cho rằng những người mà bạn đề cập không có suy nghĩ thật sự sâu sắc và thận trọng như bạn đâu. Chính vì thế mà họ cứ sống thử theo kiểu được ngày nào hay ngày ấy. Họ chưa thật quan tâm đến cái đích thật xa của việc sống thử. Tôi cũng không tin là do thiếu thốn tình cảm mà họ đã sống thử.

Về cái lợi của sống thử, người ta đã nói nhiều rồi. Nó là một phương cách chuẩn bị cho cuộc sống chung sau này và cũng là một cách lựa chọn đối tượng thích hợp nhất cho mình. Chỉ đáng buồn là trên thực tế không phải ai cũng nhìn nhận đúng mục đích đó, nhiều khi họ còn lợi dụng khái niệm sống thử.

Mọi cuộc "sống thử" đều khó đem lại tương lai tốt đẹp ảnh 12
Chau muon duoc hoi la : Khi da song chung voi nhau nhu the co phai nguoi thiet thoi nhat la nguoi con gai khong (trinh hoang phuong nga, 18 tuổi, lop 11a truong dan toc noi tru so 2- huyen tran cong chua - F5 - da lat - lam dong)

Bác sĩ Nguyễn Thu Giang: Tôi biết có nhiều trường hợp yêu nhau, sống với nhau nhưng sau đó không lấy được nhau thì người đau khổ hơn về mặt tâm lý lại thường thuộc về... các bạn nam. Đặc biệt là khi thấy người yêu cũ của mình không hạnh phúc, các bạn nam sẽ càng cảm thấy có lỗi.

Nhưng nói một cách công bằng, các bạn nữ sẽ là người thiệt thòi hơn cả về tình cảm lẫn yếu tố "vật chất"

Bạn Kiều Phương Giang (Báo in 23 Phân viện Báo chí và Tuyên truyền): Nhiều bạn nam nghiêm túc, đúng đắn sẽ cảm thấy day dứt về những điều mình gây ra. Điều đó cũng có nghĩa là, nam giới cũng có thiệt thòi đấy chứ?

Nhưng nếu phải so sánh, tất nhiên sự thiệt thòi của các bạn nữ là dễ nhận thấy nhất.

Nguyễn Quỳnh Châu (SV Phân viện Báo chí và Tuyên truyền): Trong một số trường hợp, khi sống chung với nhau, các bạn trẻ sẽ bỏ bê học hành và khi đó thiệt thòi sẽ thuộc về cả hai.

Dù sao, tôi cũng cho rằng những anh chị thuộc thế hệ 5x, 6x ko nên áp đặt suy nghĩ của mình vào kiểu tư duy của 8x. (Hà, 24 tuổi, Hà Nội)

Nhà báoTrần Hòa Bình: Bạn nhầm rồi. Nếu có sự áp đặt tư duy ở đây, thì chính chúng tôi đang được "áp đặt" theo tư duy cực kỳ năng động và hiện đại của thế hệ 8x. Đó là sự "áp đặt" mà chúng tôi muốn được cảm ơn họ vì họ đã giúp chúng tôi được trở lại với chính mình của thời sinh viên.

Có nhiều bạn trẻ như các đôi "uyên ương" sống với nhau gắn bó với nhau như vợ chồng. Đến một khi nào đó, vì điều kiện gì đó mà chia tay xa nhau. Không ai dại gì mà xông vào "đổ vỏ". (Thanh Cong, 25 tuổi)

Nhà báo Trần Hòa Bình: Có lẽ là cái nhìn của bạn đã hơi chật hẹp. Tôi thấy trong cuộc sống, có rất nhiều người đã tìm lại được hạnh phúc đích thực của mình từ những hậu quả ngoài ý muốn đó. Nếu không tin, bạn cứ chịu khó nhìn ra xung quanh mà xem, bạn sẽ thấy là tôi đã có lý.

Vậy thì làm thế nào để ngăn chặn được mốt sống thử trong một bộ phận không nhỏ sinh viên hiện nay? (Hà Quốc Huy, 23 tuổi, HT 7EN-2463-Nghĩa Đô-Cầu Giấy-Hà Nội)

Nhà báo Hồ Minh Chiến: Trước hết tôi nghĩ các bạn sinh viên phải luôn ý thức một điều: "Sống thử là việc làm không tốt! Hãy tự tạo cho mình một môi trường sống lành mạnh bằng việc chăm lo đến việc học hành và luôn xác định cho mình một tương lai và sự nghiệp".

Còn nếu khi gặp những tình thế khó xử, các bạn hãy nghĩ rằng mình đang làm gì và hậu quả của nó như thế nào?

Liệu sống thử có phải là cách làm tốt nhất để có thể hiểu được người bạn khác giới? (nguyen thành nam, 22 tuổi, hà nội)

Nhóm tác giả Phan Thu: Không nên quan niệm như vậy. Vì như vậy sẽ không còn khái niệm tình yêu.

Mọi cuộc "sống thử" đều khó đem lại tương lai tốt đẹp ảnh 13
Một số SV nữ, vì nhu cầu vật chất quá lớn họ cặp kè sống chung với các anh chàng giàu có (có cả những nguời đã có gia đình), lúc đi với nguời này lúc lại đi với người khác. Nguời ta vẫn gọi họ là 1 dạng gái bao, như thế tác hại liệu có giống như việc sông thử không?(Nguyên Vũ, 25 tuổi, 34 Láng Hạ)

Nhà báo Trần Hòa Bình: Đây không phải là sống thử. Tôi tin là bạn đã gọi được đúng tên của cách sống này.

Là một thằng con trai, tôi có thể khẳng định rằng, nếu cho phép được sống thử, 80% thằng con trai đồng ý. Mất thì chẳng mất gì, mà được thì được rất nhiều. Với các cô, còn biết được là cô đã quan hệ hay chưa, chứ như con trai chúng tôi, thoải mái! Quan niệm về cuôc sống chung thủy 1 vợ, 1 chồng, xưa rồi. Thanh niên hiện đại giờ, ít thằng nào đêm tân hôn mà còn lóng ngóng! Tôi thấy điều này không có gì đáng bàn nữa! Không có gì mà phải nói nhiều về vấn đề này, bởi nó là một lẽ tự nhiên rồi. (Đức Chuyên, 23 tuổi, Hà Nội)

Nhà báo Trần Hòa Bình: Với những ý kiến như bạn thì còn phải tranh luận rất nhiều. Vì sao vậy? Vì các bạn đã đẩy quả bóng về phía các bạn gái. Còn mình thì tỏ ra huênh hoang, đắc thắng về những "kiến thức" vừa bộc lộ những cái hay và cả tố cáo những cái dở của chính mình mà không biết. Cảm ơn bạn!

Tại sao sinh viên bây giờ lại có "phong trào" sống thử? Có phải do "nhu cầu" hay cuộc sống xa gia đình được tự do? (Chuẩn, 32 tuổi, 666 Trưng Nữ Vương Đà Nẵng)

Nhà báo Trần Hòa Bình: Có cả hai lý do bạn nêu ra. Hai lý do này gặp nhau thì đương nhiên sẽ bùng nổ "phong trào"!

Nhưng khi đó người con gái sẽ bị tổn thương và thấy xấu hổ vì quá khứ của mình. Bạn khuyên người con trai đó nên làm gì? (Nguyên Vũ, 25 tuổi, 34 Láng Hạ, Hà Nội)

Nhóm tác giả Phan Thu: Nhưng nếu đó là  điều cần thiết thì vẫn phải làm. Phải luôn tin vào tình yêu.

Tình yêu không phải trò đùa. Cái ấm đã vỡ vụn thì không thể chữa lành được. (Thanh Cong, 25 tuổi, Vn)

Nhà báo Trần Hòa Bình: Đúng vậy, tình yêu không phải là trò đùa. Chuyện sống thử lại càng không phải là trò đùa. Nhưng tôi cho rằng, còn có những vấn đề tinh thần cao cả hơn là sự "nguyên vẹn" của "những cái ấm đã vỡ vụn". Vấn đề là chúng ta có nhìn thấy những vấn đề tinh thần cao cả đó bằng một tấm lòng nhân hậu và vị tha hay không thôi.

Tôi thấy việc sống thử thực ra cũng có nhiều cái hay đấy chứ, là bước thử nghiệm, chuẩn bị cho cuộc sống gia đình sau này. Nên nếu nhìn ở khía cạnh tích cực thì cũng rất tốt nhưng ngược lại cũng rất có thể xảy ra những điều vượt xa yếu tố tích cực trên vậy nên chúng ta có nên có các hoạt động của tổ chức đoàn, hội nào đó tuyên truyền về các yếu tố tốt hay không tốt để họ ý thức rõ hơn về vấn đề này?(Duong huy hoang, 22 tuổi, DHBK - Ha Noi)

Nhà báo Trần Hòa Bình: Tôi đồng ý với bạn. Chính vì nó có cả hai mặt tích cực và tiêu cực như vậy (khổ nỗi cái tiêu cực lại dễ bị nhận thấy) cho nên chúng ta mới tranh luận với nhau như thế này. Nhưng nếu còn muốn tranh luận, nghĩa là chúng ta còn đang muốn đi đến bản chất của vấn đề.

Cách đây 10 năm tôi còn là sinh viên đã thấy hiện tuợng "yêu thử" chứ "sống thử" còn ít lắm. Vậy mà bây giờ "tình yêu ri đô", "tình yêu bếp dầu" dã trở thành lạc hậu mà là "tình yêu com bụi", "tình yêu nhà nghỉ". Hậu quả là nhà truờng không kiểm soát nổi, gia dình càng không biêt. vậy phải gióng tiếng chuông cảnh báo thế nào? (Thang, 30 tuổi, 86 Huyen quang - Bac Giang)

Nhà báo Trần Hòa Bình: Tôi nghĩ rằng nhà trường cũng biết, các phụ huynh cũng lờ mờ biết về việc của con em mình. Tiếng chuông vẫn được gióng thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cảnh báo ư? Sự cảnh báo ấy chỉ có tác dụng khi người trong cuộc ý thức được vấn đề. Còn nếu không thì chuông cứ gióng và vọng lên trời.

Tôi nghĩ rằng giới trẻ luôn quan niệm tình yêu chỉ là để giải quyết vấn đề tình dục. Đúng hay sai? (Anh Tuấn, 26 tuổi, Việt Trì Phú Thọ)

Nhà báo Trần Hòa Bình: Hình như bạn hơi bi quan trong cách nhìn nhận vấn đề. Tôi vẫn thấy họ yêu rất đẹp, và ngay cả mức quan hệ giới tính của họ, tôi vẫn cho rằng đó là biểu hiện cao nhất của tình yêu giữa họ.

Nhưng có thể họ đã không đủ kinh nghiệm sống, dễ bị chao đảo; hoặc chưa có đủ một nền tảng văn hóa nhất định để duy trì cái đẹp của tình yêu ấy và họ lạc sang phía tình dục để rồi nghĩ rằng đó chính là tình yêu.

Vấn đề này chính những người lớn như tôi và như bạn cũng có lỗi vì chúng ta chưa giúp họ được bao nhiêu.

Nhieu nguoi noi song thu cung la mot cach de tim hieu nhung tinh cach xau cua nhau truoc khi ket hon, anh chi nghi sao?(Thu Ha, 23 tuổi, Ha Noi)

Nhà báo Trần Hòa Bình: Như vậy, sống thử trong trường hợp này đã là một cách ứng xử xấu. Dùng một cái xấu để thăm dò một cái xấu khác, đương nhiên là chẳng hay ho gì!

Toi khong nghi song thu la dieu xau va bi xa hoi len an. Dieu quan trong la toi y thuc duoc viec minh lam, co cach thuc dam bao an toan tinh duc, nuoi duong tinh yeu va cung huong toi tuong lai. Tren the gioi, sau 18 tuoi la con cai co quyen quyet dinh moi viec lien quan den ban than, tat ca cac luong thong tin lien quan den tinh duc, tinh yeu deu duoc coi mo cho tat ca moi nguoi. Vay ma ho dau co nao pha thai, STDs/HIV nhu Vietnam minh. Nhu vay cac nah chuyen gia, cac nha hoach dinh chinh sach cua Vietnam nghi gi?(Ha Minh, 26 tuổi, Hanoi)

Mọi cuộc "sống thử" đều khó đem lại tương lai tốt đẹp ảnh 14
Nhóm sinh viên Xã hội học Phân viện Báo chí và Tuyên truyền: Ý kiến nêu ra của bạn là hoàn toàn xác đáng, sống thử không phải là việc đáng bị lên án điều quan trọng là nhận thức của mỗi người về vẫn đề này. Và vấn đề giáo dục giới tính phải được nhận thức đúng đắn và phổ biến rộng rãi.

Tôi sống cùng bạn gái từ sau khi tốt nghiệp đại học, khi tôi 23 tuổi. Bạn bè tôi biết, gia đình tôi biết, và mọi người ủng hộ cả. Tôi chẳng thấy gì là bất thường cả. Vậy mà có người cho rằng chúng tôi sống thử. Tôi nghĩ sống thử còn tuỳ quan niệm của từng người. Tôi thấy ân hận khi đến tận năm 22 tuổi mới biết đến tình dục. Tại sao không để thanh niên chúng tôi tự quyết định cuộc sống của mình khi đã đủ lớn. Tại sao lại cho việc chúng tôi yêu nhau, sống với nhau là không nên, là xấu? Thế các chuyên gia có nghĩ rằng tình dục là một nhu cầu rất "con người" không? Cấm đoán một nhu cầu giống như ăn ngủ liệu có phải là 1 giải pháp tốt? (Quan, 27 tuổi, Ha Noi)

Nhóm SV Phân viện Báo chí và Tuyên truyền:

Nguyễn Quỳnh Châu: Một vấn đề có nhiều cách nhìn nhận, đánh giá. Khi anh và bạn gái anh cảm thấy việc làm của mình là đúng và được mọi người trong gia đình, bạn bè hiểu và ủng hộ thì không có gì phải băn khoăn. Bởi, người ngoài có thể không thấu đáo với việc mình làm.

Cao Thùy Giang: Tôi không đồng ý với quan điểm "đáng tiếc vì đến 22 tuổi mới biết đến tình dục". Bởi trong tình yêu, chúng ta không thể nào chắc chắn được điều gì. Theo tôi, tốt nhất là khi cả hai người đã đi đến hôn nhân, quan hệ tình dục cũng chưa muộn.

Kiều Phương Giang:  Theo tôi, không phải ai cũng được may mắn như bạn. Bởi trên thực tế, chỉ có 10 - 15% các cặp sống thử đi đến hôn nhân. Còn lại, phần đông là "đường anh anh đi, đường tôi tôi đi" sau khi ra trường.

Trong khi đó, xã hội thường nhìn nhận vấn đề và hậu quả của vấn đề qua hiện tượng chiếm đa sỗ. Do đó, họ (trong đó có tôi) không tán thành với sống thử.

Theo các vị hiện tượng số thử của SV nói riêng và thanh niên nói chung là tốt hay không tốt? Và nếu là không tốt thì chúng ta lên có biện pháp gì để khắc phục ?(ĐINH KHÁNH NGHĨA, 25 tuổi, PHÒNG TỰ ĐỘNG HOÁ TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỎ ĐỊA CHẤT HÀ NỘI)

Nhóm tác giả Phan  Thu: Theo  thực tế hiện nay là không tốt bởi những người trong cuộc  chưa được định hướng cũng như chưa được trang bị đầy đủ kiến thức  về sức khoẻ sinh sản. Biện pháp khắc phục chính là những người có trách nhiệm cần đẩy mạnh hơn nữa việc  cung cấp đầy đủ thông tin cho thanh niên. Không nên  giữ quan điểm né tránh.

Chúng tôi không muốn đưa ra lời kết luận cuối cùng. Nhưng chúng tôi tin rằng theo dõi cuộc Bàn tròn này các bạn đều có thể rút ra nhiều điều về lối sống, cách hành xử với tình yêu của chính mình.

Xin cảm ơn bạn đọc của Tiền phong Online đã tham gia và theo dõi. Cảm ơn nhà tài trợ quà tặng Dự án TT các phương tiện tránh thai và phòng chống HIV/AIDS (Hội KHHGĐ VN). Hẹn gặp lại vào những cuộc trực tuyến lần sau.

MỚI - NÓNG