Siêu dự án và siêu câu hỏi

Siêu dự án và siêu câu hỏi
TPO - Trước một dự án lớn, người ta phải hoài nghi về tính khả thi. Đó là một chuyện bình thường. Đôi lúc siêu câu hỏi về siêu dự án lại bắt đầu bằng một câu trả lời nhỏ từ một dự án nhỏ.

Siêu dự án và siêu câu hỏi

TPO - Trước một dự án lớn, người ta phải hoài nghi về tính khả thi. Đó là một chuyện bình thường. Đôi lúc siêu câu hỏi về siêu dự án lại bắt đầu bằng một câu trả lời nhỏ từ một dự án nhỏ.

Chuyện trên nghị trường

Siêu dự án và siêu câu hỏi ảnh 1
Cháu Trần Thị Ánh Tuyết một mình đu dây qua sông để đến trường - Ảnh: Trùng Dương (Thanh Niên).

 Ngày 11-6-2010, khi chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng tại Quốc hội, ông Nguyễn Minh Thuyết (ĐB QH Lạng Sơn) nghẹn giọng: “Hình ảnh đồng đồng bào phải đu trên dây cáp vượt sông Pô Kô (Kon Tum) khiến cử tri cả nước xúc động. Ai phải chịu trách nhiệm trong chậm khắc phục hậu quả bão số 9? Bộ trưởng đã cho kiểm tra chưa?”

Vị Bộ trưởng đáp từ :“Sau bão, chúng tôi đã cử nhiều đoàn và chính tôi đã khảo sát những tuyến giao thông bị ảnh hưởng nặng nhất. Việc khắc phục cơ bản là nhanh. Trường hợp cầu trên sông Pô Kô không thấy địa phương đề cập, khi báo đăng tôi đề nghị kiểm tra nhưng sở GTVT cũng không biết”.

Ông còn nói thêm, việc đu dây qua sông là “sáng tạo không ngờ của người dân”, và tâm sự có lẽ từ đáy lòng “Mỗi lần tiếp xúc cử tri, tôi như người mắc nợ”.

Cho tới nay, không hiểu kênh kiểm tra của Bộ trưởng Dũng đã tới đâu và những cam kết sẽ phối hợp với địa phương để xử lý vấn đề này đã được làm như thế nào.

Cũng hy vọng rằng, đã phát biểu trên bục thì nên thực hiện lời hứa đó ngoài đời. Cử tri không muốn vị quan nào phải mắc nợ, mà nhất là mắc nợ những lời hứa.

Trước đó, ngày 10-6, nhiều ĐBQH đã chất vấn gay gắt trách nhiệm Bộ trưởng GTVT về việc tàu Hoa Sen ngàn tỉ đồng của Vinashin “đắp chiếu” hay việc thua lỗ 2.000 tỉ đồng ở Tổng Công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) cũng thuộc quyền quản lý của Bộ GTVT.  

Chuyện thật ngoài đời

Ngày 24-5-2010, Báo Dân trí đưa tin “Cả làng “làm xiếc” để qua sông” về cây cầu “sáng tạo của người dân” nói trên. Báo cho biết thêm, em Trần Văn Bằng, học lớp 3 than thở, hàng ngày khi đến trường ngoài việc mang theo sách vở, em phải vác theo ròng rọc trên vai nặng khoảng 2 kg để đến trường.

Cây cầu “dây văng” có một không hai trên thế giới, nhìn mà thấy thương tâm cho dân nghèo vùng Kon Tum, thả mặc cho số phận sống chết trên chiếc đu qua sông.

Trong lúc đó, nghị trường đang sôi sục về dự án 56 tỷ đô la xây ĐSCT...

Siêu dự án và siêu câu hỏi ảnh 2

Người ta ước tính, xây cây cầu qua sông Pô Kô hết khoảng 1 tỷ đồng. Đây là dự án nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn (Small Project High Impact), vì giúp trực tiếp cho dân nghèo, học sinh đến trường.
Dự án 56 tỷ đô la có thể xây hơn 11 triệu cây cầu tương tự.

Chỉ cần Vinashin không bị thua lỗ vì tầu Hoa Sen thì có thể xây mấy trăm cây cầu giá một tỷ đồng. Vinawaco không đầu tư bừa bãi, cầu thả, dân nghèo Việt Nam có thể xây khoảng 2000 chiếc cầu như vậy. 

Một đại công ty, một năm thua lỗ 3000 nghìn cây cầu, trong lúc các em nhỏ đu dây vượt sông. Sự sáng tạo bất ngờ của dân đôi khi được sinh ra bởi sự yếu kém trong quản lý, dẫn đến thua lỗ hàng ngàn tỷ mà không ai…có lỗi.

Trong lúc Quốc hội bàn về IQ, tầu cao tốc thì báo chí và bạn đọc đã rất… nhanh trí với IQ rất cao.
Cách dễ nhất là quyên góp, vừa nhanh, vừa hiệu quả. Tìm câu trả lời nhỏ cho dự án nhỏ. Những mỹ từ trên bục có thể rất hay, nhưng cầu không có, dân vẫn đánh đu qua sông thì mỹ từ vẫn là mỹ từ.

Chỉ có điều, cầu xây theo kiểu quyên góp, bằng tiền từ thiện và tự nguyện như thế thì vai trò của Nhà nước ở đâu.

Bài học lớn từ dự án nhỏ

Có thể dự án nhỏ với sự sáng tạo của dân không thuộc tầm cỡ quốc gia, ít người biết, nhưng ảnh hưởng lại rất lớn đối với vùng đang khó khăn về giao thông. Đó cũng là điều mà người dân thường trông chờ từ phía Chính phủ, các bộ, các ngành cứu xét.

Dự án nhỏ như xây cầu Pô Kô bằng tiền quyên góp nhưng ảnh hưởng lớn thì đáng khâm phục và đáng khuyến khích. Dự án lớn mà ảnh hưởng nhỏ lại trở thành đáng sợ. Nhưng đáng sợ hơn, siêu dự án nhưng lỗ cũng siêu thì thảm họa khôn lường.

Qua bài học quyên góp xây cầu tự nguyện của báo Dân Trí, VNExpress mới đây và cầu Chôm Lôm của Tiền Phong trước đó, có lẽ chúng ta nên nhìn lại một cách nghiêm túc về cách thức đầu tư vào những dự án lớn.

Một khi chiếc cầu nhỏ qua sông Pô Kô giá 50 nghìn đô la chưa làm nổi cho dân chúng đi lại, Vinashin đại thua lỗ, mua tầu về “đắp chiếu”, thì Bộ GTVT có nên nghĩ đến siêu dự án ĐSCT chi phí hơn 50 tỷ đô la. Hạ tầng chưa đồng bộ thì khách nào đến ga tầu cao tốc để mua vé. Chả lẽ đi xe ôm, đu dây qua sông để bước vào toa tầu 5 sao?

Hơn nữa, khi người dân chưa nhìn ra “sự sáng tạo không ngờ” từ phía người lãnh đạo, trong lúc tuổi thơ miền núi đu dây qua sông đi học, thì siêu dự án cỡ 50 tỷ đô la dễ là siêu…câu hỏi ?

Hiệu Minh

MỚI - NÓNG