Nghị trường và sân cỏ

Nghị trường và sân cỏ
TPO - Trên sân cỏ, người xem cần sự "cháy" hết mình của cầu thủ. Trong nghị trường, cử tri cần tri thức sâu sắc của nghị sỹ. Nếu trên sân cỏ và trong nghị trường cùng quyết liệt và trách nhiệm như nhau thì bóng đá là cống hiến cho khán giả và Quốc hội quyết… vì dân.

>> Siêu dự án và siêu câu hỏi
>> Quốc hội bác dự án ĐSCT: Hợp lòng dân

Nghị trường và sân cỏ ảnh 1

Khi tôi viết những dòng này thì cuộc đấu loại vòng chung kết World Cup đang tiến vào giai đoạn quyết liệt. Các đội đấu hết mình chỉ vì “Yes/No – tồn tại hay không tồn tại”. Sân cỏ Nam Phi có một logic toán học hết sức rõ ràng: hoặc vào tiếp vòng hai hoặc xách va li về nước.

Quốc hội ngày nay có thể nói “No” (Không). Nghị trường đã mang hơi thở của sân cỏ Nam Phi. Có “No”, có “Yes”, ở lại hay về. Không có chỗ cho phiếu I dont know (không biết quyết thế nào), được chăng hay chớ.

Đôi lúc có thời gian, tôi thường xem chương trình tivi C-Span về họp Quốc hội Hoa Kỳ để hoàn thiện tiếng Anh. Trên bảng điện tử hay có mấy dòng kết quả: Yea hay Nay. Trong tiếng Anh cổ, từ Yea – là Yes – Đồng ý, và Nay là No – Phản đối.

Nhiều tranh luận dữ dội khi các nghị sỹ bàn những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia hay liên quan đến chi tiêu của Chính phủ như chiến tranh Iraq, Afghanistan, gói cứu trợ tài chính 700 tỷ đô la hay kể cả cải tổ y tế gần đây với dự tính 900 tỷ đô la chi phí.

Trong những cuộc bỏ phiếu đó, các nghị viên không thể dùng quyết tâm duy ý chí để bấm nút. Mới có chuyện các dự thảo bên Chính phủ đưa sang Quốc hội có kết quả phần trăm “Yea” hay “Nay” lúc cao lúc thấp, khá rõ ràng.

Khi Capitol Hill nói “Nay” là Quốc hội “bác” Nhà Trắng (Chính phủ), một sinh hoạt thường lệ của xã hội phát triển. Tổng thống Mỹ ít có lựa chọn nhằm phủ quyết kết quả bỏ phiếu của Quốc hội.

Tín hiệu lành mạnh

Khi trái bóng World Cup bắt đầu lăn thì tại hội trường Quốc hội nước ta cũng đang có một cuộc đấu trí không kém phần gay cấn: Dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT) với dự chi khoảng 56 tỷ đô la, bằng 2/3 GDP của Việt Nam. Tin cho hay, Quốc hội đã không thông qua Dự án ĐSCT. Theo một nghĩa nào đó, Quốc hội ”bác” dự án của Chính phủ.

Mặc dù trước đó, những đại biểu ủng hộ dự án ĐSCT tích cực đưa ra lý do với những mỹ từ “đi tắt đón đầu”, “biểu tượng văn minh”, “nàng tiên ngủ”, “cha mẹ nên cố vay xây cho con cháu”, “dư xi măng sắt thép”, kể cả liên tưởng chỉ số thông minh IQ với ĐSCT, nhằm thuyết minh cho dự án này.

Rất có thể các đại biểu Quốc hội đã nhìn ra bài học nhãn tiền về sự đầu tư lãng phí, thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng của một số Tổng Công ty Nhà nước. Sự quản lý yếu kém về tài nguyên môi trường như Vedan giết sông Thị Vải, cho thuê rừng bừa bãi, đang gây nhức nhối trong xã hội. Khi chưa chứng minh được nền tảng cơ bản để có thể làm ăn lớn, nhất là con người, thì đừng hy vọng "đi tắt, đón đầu".

ĐSCT là dự án kinh tế, vai trò chính trị rất ít. Thời đại hội nhập, không thể lầm lẫn giữa kinh tế và chính trị. Lấy quyết tâm chính trị để thuyết phục mục tiêu kinh tế là không nên. Thời đại làm cái gì cũng bằng quyết tâm duy ý chí đã qua rồi.

Tiêu 56 tỷ đô la cần IQ của các nhà bác học, hoàn toàn không thể dựa trên thống kê IQ hay sự lầm lẫn giữa đường sắt cao tốc và tầu điện tốc hành của một số đại biểu được phía bạn cho đi thử.

Cử tri VN dường như đã quen với một Quốc hội có thông lệ “Chính phủ trình thì QH sẽ thông qua” vì đồng thuận. Nhưng Quốc hội nay đã biết nói “không”.

Lần đầu có một dự thảo lớn của Chính phủ bị “bác” nên đã gây ra sự ngạc nhiên. Báo chí quốc tế thi nhau đưa tin. Giới blog nóng lên từng giờ trước khi bỏ phiếu tại nghị trường. Nhiều người đã thở phào nhẹ nhõm.

Với vai trò đại diện cho dân, các nhà lập pháp có trách nhiệm với vận mệnh quốc gia thì phải biết nói “Yes – đồng ý” hay “No – không đồng ý”, tùy tình huống. Điều gì sẽ xảy ra nếu một vị đại biểu chỉ biết mỗi nút “Yes” nằm chỗ nào trên bàn trước mặt trong phòng họp. Chúng ta phải quen với việc Quốc hội bác bỏ hay đồng ý một dự thảo của Chính phủ là một sinh hoạt rất bình thường trong nghị trường. Nếu sự đồng thuận luôn quá cao thì ý kiến trái chiều bị khỏa lấp và đó là điều đáng lo hơn là đáng mừng.

Ở thời đại hội nhập, phát triển kinh tế phải dựa trên nền tảng trí thức, xã hội văn minh dựa vào sự dân chủ, đa chiều. Đồng thuận rất cao hay tranh luận gay gắt giữa Chính phủ và Quốc hội cũng đều là tín hiệu lành mạnh của một quốc gia, vì kết quả cuối cùng là mang lại quyền lợi tối đa cho người dân.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.