Hà Nội công bố đường dây nóng

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
TP - Trao đổi với Tiền Phong hôm qua (7-3), Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hà Nội - Nguyễn Văn Hưng nói: Nếu phát hiện chủ đầu tư các dự án bất động sản yêu cầu khách hàng giao dịch bằng USD, dù dưới bất kỳ hình thức nào, hãy phản ánh đến chúng tôi.

>> Đề xuất xử phạt với 36 sàn giao dịch bất động sản

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet.

Thưa ông, nhiều bạn đọc Tiền Phong tại Hà Nội phản ánh khi mua bất động sản, họ phải ký hợp đồng tính giá và thanh toán bằng USD với chủ đầu tư mặc dù khi thanh toán có thể trả bằng USD hoặc bằng VND quy đổi. Những hợp đồng dạng này có bị coi là trái luật?

Theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối, tất cả các giao dịch về bất động sản trên lãnh thổ Việt Nam nếu có yếu tố ngoại tệ đều bị coi là trái luật.

Không chỉ chủ đầu tư Việt Nam (pháp nhân Việt Nam- P.V), cả chủ đầu tư là doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài cũng không được giao dịch với khách hàng bằng ngoại tệ dưới bất cứ hình thức nào, bao gồm cả niêm yết giá, ký hợp đồng, thanh toán, góp vốn.

Trường hợp như bạn đọc Tiền Phong phản ánh thì dù khi thanh toán bằng VND nhưng trong hợp đồng ghi giá USD cũng bị coi là vi phạm pháp luật. Chúng tôi cũng nhận thấy tình trạng vi phạm này hiện nay khá phổ biến.

Thưa ông, ngân hàng có động thái gì trước thực trạng như ông đã cho biết?

Thực ra, từ tháng 9-2010, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo TP Hà Nội, chúng tôi đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động của nhiều chủ đầu tư kinh doanh bất động sản trên giác độ về quản lý ngoại hối trong giao dịch bất động sản.

Trong 10 doanh nghiệp bị kiểm tra thì phát hiện 5 doanh nghiệp vi phạm. Chúng tôi lập biên bản 5 doanh nghiệp này và xử phạt mỗi doanh nghiệp ở mức 12 triệu đồng, tổng mức tiền xử phạt là 60 triệu đồng. Đây cũng là mức phạt tối đa ứng với hành vi vi phạm của họ. Hình thức vi phạm phổ biến của họ cũng là ký hợp đồng mua bán hoặc góp vốn bằng ngoại tệ.

Có doanh nghiệp lách luật bằng cách ký hợp đồng dùng VND thanh toán nhưng có quy đổi ra ngoại tệ. Những điều khoản này có thể có trong nội dung hợp đồng, có khi lại ghi trong phụ lục của hợp đồng. Chúng tôi nhận định bản chất của các hình thức vi phạm này là như nhau.

Ông Nguyễn Văn Hưng
Ông Nguyễn Văn Hưng.

Vì sao đến nay mới kiểm tra được số lượng rất ít chủ đầu tư như vậy?

Có cái khó là khi Đoàn kiểm tra làm việc thì phải hẹn chủ đầu tư của dự án đó, chứ không thể xuống tùy tiện được. Hơn nữa mục đích chính của lần kiểm tra này còn là xem các doanh nghiệp lách như thế nào để có đề xuất điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Mức xử phạt cao nhất với các trường hợp vi phạm như trên chỉ là 12 triệu đồng. Mức này nhỏ hơn rất nhiều so với lợi nhuận từ việc thanh toán bằng USD mà chủ đầu tư có được, vậy làm sao doanh nghiệp chùn tay thưa ông?

Nếu một hợp đồng mua căn hộ bị tính giá và thanh toán bằng USD ở mức khoảng 200.000USD cách đây 3 năm và nay đến hạn thanh lý, tính theo tỷ giá hiện nay thì khách hàng phải trả cho chủ đầu tư vênh 800 triệu đồng.

Đúng là mức xử phạt hiện nay quá thấp, chưa đủ tính răn đe. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo sửa đổi lại chế tài xử phạt, mức phạt mới có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, theo tôi cần phải có một hình thức phạt bổ sung, thậm chí là đình chỉ dự án vi phạm đó. Như vậy mới hy vọng xử lý rốt ráo vấn đề.

Quan trọng hơn, một mình ngành ngân hàng sẽ rất khó ngăn chặn vi phạm này. Việc kiểm tra vừa rồi càng cho thấy sở dĩ chúng tôi kiểm tra và xử phạt được 5 doanh nghiệp vi phạm là vì có sự kết hợp rất tốt của phía cơ quan công an. Thực tế nếu chỉ mình ngành ngân hàng, có khi còn bị doanh nghiệp từ chối cho thanh kiểm tra.

Liệu các doanh nghiệp bị xử lý đã chấm dứt vi phạm chưa thưa ông?

Trong các quyết định xử phạt chúng tôi đều yêu cầu chấm dứt, không cho phép tồn tại chuyện đó. Còn kiểm tra lại xem họ đã thực hiện nghiêm túc chưa thì chúng tôi chưa làm được. Tuy nhiên, chắc chắn chúng tôi sẽ kiểm tra gắt gao chuyện này, không chỉ đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Thưa ông, việc nhiều chủ đầu tư giao dịch bất động sản bằng USD có ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế?

Tôi chỉ lấy ví dụ thế này, chẳng hạn một hợp đồng mua bán căn hộ chung cư (có thể núp dưới dạng góp vốn) được tính giá 200.000 USD/căn và người mua phải trả 4 lần trong 2 năm. Như vậy đương nhiên trong 2 năm ấy, khách hàng phải tìm cách mua đủ số USD này.

Nếu một dự án bất động sản trị giá cả nghìn tỷ đồng, người mua nhà phải huy động toàn bộ bằng USD từ thị trường tự do thì số USD này sẽ lớn đến mức nào. Điều này tạo ra cầu về USD lớn trên thị trường, là một trong những nguyên nhân tạo áp lực lên tỷ giá. Nếu nhiều dự án vi phạm như vậy thì rất nguy hiểm cho nền kinh tế, khuyến khích thị trường tự do tồn tại.

Người dân phát hiện vi phạm thì phản ánh điều này tới đâu, thưa ông?

Bất kể dự án bất động sản nào trên địa bàn Hà Nội có dấu hiệu vi phạm về quản lý ngoại hối trong giao dịch, mua bán dưới các hình thức như trên, đề nghị người dân phản ánh cho chúng tôi theo điện thoại đường dây nóng (04) 38253962- trong giờ hành chính và (04)38253961 (ngoài giờ hành chính) hoặc email: nhnntp@hanoi.gov.vn hoặc gửi đơn thư phản ánh về 45- Lý Thường Kiệt- Hoàn Kiếm- Hà Nội. Chúng tôi cũng sẽ có trách nhiệm bảo toàn thông tin cá nhân của người dân khỏi ảnh hưởng tiêu cực từ việc phản ánh này.

Cảm ơn ông

Ngân Hà (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG