Sống treo cùng dự án

Hàng loạt căn nhà xuống cấp nhưng không được sửa chữa vì nằm trong diện quy hoạch, dự án tại xã Điện Dương Ảnh: Nguyễn Huy
Hàng loạt căn nhà xuống cấp nhưng không được sửa chữa vì nằm trong diện quy hoạch, dự án tại xã Điện Dương Ảnh: Nguyễn Huy
TP - Người dân gặp khó vì phải sống treo trên chính mảnh đất của mình, mất các quyền sử dụng đất (chuyển nhượng, cho, thuê…), vì nhiều dự án trên địa bàn Quảng Nam chậm triển khai.
Hàng loạt căn nhà xuống cấp nhưng không được sửa chữa vì nằm trong diện quy hoạch, dự án tại xã Điện Dương Ảnh: Nguyễn Huy
Hàng loạt căn nhà xuống cấp nhưng không được sửa chữa
vì nằm trong diện quy hoạch, dự án tại xã Điện Dương.
Ảnh: Nguyễn Huy.

Đền bù xong rồi sang tên đổi chủ

Xã Điện Dương và Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam) nằm ở vị trí khá đắc địa, sát dòng sông Cổ Cò, gần phía biển và tiếp giáp với TP Hội An. Từ năm 2003, tỉnh Quảng Nam ra Quyết định 2240 quy hoạch phát triển du lịch, ven biển (từ Điện Bàn đến Hội An), Điện Dương, Điện Ngọc “rơi” vào diện quy hoạch.

Theo thống kê của UBND xã Điện Dương, hiện toàn xã có 25 dự án được quy hoạch với hơn 900 ha (chiếm gần 2/3 diện tích xã) rải khắp ở cả 10/10 thôn, trong đó có 800 ha được quy hoạch khu du lịch và khu dân cư, phần diện tích còn lại được quy hoạch làm khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc giai đoạn 3.

Ông Đinh Hùng Liên - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Dự án nhiều nhưng chỉ có vài ba dự án hoạt động như Khu resort The Nam Hải, Khu du lịch Kim Vinh, còn lại, phần lớn vẫn bị treo.

Siêu dự án treo có thể kể đến là Bãi Biển Rồng (tổng vốn đầu tư 4,15 tỷ USD do tập đoàn Tano Capital, LLC và Global C&D, INC Hoa Kỳ đầu tư) được tỉnh cấp phép từ tháng 9-2009. Quá thời hạn, chủ đầu tư vẫn chưa nộp tiền kí quỹ, chưa lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng, chưa triển khai các bước thực hiện đầu tư, sau nhiều lần ra “tối hậu thư”, tháng 11-2010, tỉnh phải thu hồi dự án.

Cùng cảnh ngộ là dự án do Cty CP Đầu tư du lịch quốc tế Sài Thành làm chủ đầu tư. Từ năm 2003-2004, đơn vị này đến khảo sát và quyết định đầu tư các dự án sân golf, du lịch nghỉ dưỡng trên diện tích hơn 120 ha tại xã Điện Dương.

Tuy nhiên, đến năm 2008, Cty CP Đầu tư du lịch quốc tế Sài Thành mới chỉ đền bù giải tỏa được 32 ha rồi… bỏ trống. Số diện tích còn lại, tỉnh phải ra quyết định thu hồi vào đầu tháng 1-2009. Đến tháng 5-2010, phần diện tích Cty này đã đền bù giải tỏa tiếp tục bị thu hồi vì “ngâm” quá lâu.

Phần lớn diện tích dự án của Cty CP Đầu tư du lịch quốc tế Sài Thành được sang tên đổi chủ. Hết chuyển sang dự án Bình Thiên An, đến chủ trương giao khảo sát, triển khai dự án khu du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp tại xã Điện Dương (tổng diện tích 160 ha) cho Cty TNHH Phát triển đô thị Bắc Hội An làm chủ đầu tư.

Đi không được, ở chẳng xong

Thôn Hà My Đông A (xã Điện Dương) từng có đến 5-7 dự án cùng đăng ký triển khai. Tuy nhiên, Hà My Đông A lúc này vắng vẻ, chẳng thấy bóng dáng đơn vị thi công dù ở đây, người dân ra đường là đụng dự án treo.

Ông Lê Quốc Tấn (67 tuổi, tổ 1, Hà My Đông A) cho biết: Chúng tôi nghe lãnh đạo xã cho biết có dự án của Cty CP Đầu tư du lịch quốc tế Sài Thành gì đó đầu tư dự án nhưng chúng tôi chờ miết có động tĩnh gì đâu. Nhà cửa hư hỏng chúng tôi muốn sửa sang cũng không được.

Gần biển, cứ đến mùa biển động, bão tố là ai cũng sợ hãi, nhiều người phải sang tá túc tại các địa phương khác. Gia đình ông Đinh Thanh Hoàng (tổ 1) với 14 người con, cháu phải chen chúc trong căn nhà chưa đầy 60 m2. Đất của ông có vài trăm mét vuông nhưng không làm nhà được. Hai con của ông, người đã lập gia đình rồi, muốn dựng nhà ở riêng cũng đành chịu.

Nhiều hộ dân nhận tiền đền bù đất ruộng nhưng chưa được di dời giải tỏa thì gặp khó khăn vì tiền tiêu hết mà chưa có khu tái định cư để ổn định sản xuất. Theo ông Hồ Văn Tuấn, Trưởng thôn Hà My Đông A, phần lớn dự án trên địa bàn là dự án treo, chậm triển khai, người dân bị bó hẹp các quyền sử dụng đất, đi không được ở không xong vì không thể mua bán, chuyển nhượng, cơi nới nhà cửa.

Ông Đinh Hùng Liên – Phó Chủ tịch UBND xã Điện Dương cũng cho hay: Nhu cầu về nhà cửa, thực hiện các quyền sử dụng đất của người dân rất lớn, nhưng với số dự án này, xã đành “bó tay”. Năm 2000, toàn xã có 2.600 hộ với 10.000 khẩu, đến nay số hộ đã tăng lên đến 3.300 với trên 14.000 khẩu. Chuyện một gia đình có hai ba thế hệ khác cùng chung sống là cảnh thường thấy.

“Vừa rồi thằng con thứ hai của tôi cưới. Tôi làm đơn lên xã xin xây thêm 1 cái phòng bên trái nhà cho vợ chồng nó ở nhưng họ bảo không được. Căn nhà xây từ năm 2003, chỉ có hơn 70m2, giờ có thêm một gia đình nữa là thành 3 gia đình sống cả thảy.

Lãnh đạo xã bảo làm cán bộ thôn thì phải gương mẫu không cơi nới, xây dựng trên diện tích quy hoạch nhưng cứ nhìn tổng diện tích đến hơn 1.000 m2 mà chúng tôi phải sống chật chội thế này thì khổ quá” - Ông Đinh Văn Tới, Phó trưởng thôn Hà My Đông A nói. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG