Điện nông thôn cũng quá tải

Điện nông thôn cũng quá tải
TP - Do nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao, nhiều trạm biến áp ở vùng nông thôn đã quá tải. Điện yếu, không sử dụng được các thiết bị, nhiều người bức xúc vì mệt.

Hiện nay, tại một số vùng quê thuộc huyện Tam Nông (Phú Thọ) và ngoại thành Hà Nội mặc dù không bị cắt điện nhưng người dân vẫn phải dùng nến để ăn cơm tối. Nguyên nhân là mấy năm gần đây, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân tăng cao, trong khi đó, các trạm biến áp vẫn cũ nên thường xuyên xảy ra hiện tượng nhảy áp-tô-mát, điện tăng, giảm bất thường. Hầu hết các trạm biến áp đều được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước, công suất nhỏ phù hợp với thời điểm dân sử dụng điện chủ yếu để thắp sáng. Vài năm trở lại đây, khi đời sống người dân được cải thiện , nhiều hộ đã sắm tủ lạnh, máy giặt, bình tắm nóng lạnh, máy bơm nước... thậm chí có những nhà còn lắp cả điều hòa dẫn tới các trạm biến áp trở nên quá tải.

Một người dân ở xã Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) cho biết: “Hằng ngày, vào giờ cao điểm, điện ở đây liên tục bị sụt, cứ có điện khoảng 5-10 phút lại tắt, có hôm phải thắp nến hoặc đèn dầu để ăn cơm”. Theo cán bộ xã Hiền Quan, hiện tượng điện phập phù ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân, nhất là khi nắng nóng. Nhiều hộ dân ở khu 3, 4, 5 xã Hiền Quan, bóng đèn tuýp không sáng được do điện yếu, quạt điện cũng chỉ chạy lờ đờ. Nắng nóng, bà con đi làm đồng về mệt mỏi, điện yếu, ai cũng bức xúc. Anh Hà Thanh Tân, cán bộ văn phòng UBND xã Hiền Quan cho biết: “Người dân rất bức xúc, khó chịu khi vừa bật ti vi lên xem thời sự điện lại sụt, tối om”. Cán bộ phụ trách trạm điện phải thường xuyên túc trực để đóng điện mỗi khi bị nhảy áp-tô-mát. Trong xã còn có gần 30 xưởng mộc lớn nhỏ, khi điện yếu các máy cưa, máy bào không hoạt động được.

Theo ông Ngô Văn Nghĩa – Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Điện năng xã Hiền Quan , xã có 2 trạm điện, mỗi trạm công suất 180KVA, hiện cả hai đều quá tải, dân kêu rất nhiều.

Một số nơi thuộc ngoại thành Hà Nội cũng xảy ra sự cố sụt điện vào giờ cao điểm. Tại khu vực xóm Chợ, xã Đại Mỗ (Từ Liêm), thôn Cao Lĩnh, xã Phú Sơn, thôn Thanh Chiểu (huyện Ba Vì), xã Liên Hà, Liên Hồng (huyện Đan Phượng)... thường bị nhảy áp-tô-mát vào dịp hè.

Hiện tượng sụt điện còn khiến nhiều thiết bị điện dễ hỏng, nhất là ti vi. Một thợ sửa ti vi cho biết: “Trong thời gian này, có nhiều người mang ti vi đến sửa do cháy bóng hình”.

Để phòng khi mất điện hay sự cố nhảy áp-tô-mát, những hộ có điều kiện đã đầu tư mua máy phát điện hoặc bình ác-quy để chống chọi với nắng nóng. Tuy nhiên, do giá xăng dầu tăng cao, họ cũng chỉ sử dụng vào những lúc cần thiết. Một thợ điện cảnh báo, việc sử dụng máy phát điện khi hòa vào điện lưới nếu không cẩn thận dễ bị chập điện, gây cháy nổ.

Theo ông Ngô Văn Nghĩa – Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Điện năng xã Hiền Quan, tại xã này cần được đầu tư trạm biến áp có công suất 350 – 380KVA mới đảm bảo đủ nhu cầu của người dân, và phải xây dựng thêm một trạm biến áp nữa, bởi xã có tới 20 khu dân cư. “Xã Hiền Quan đã kiến nghị lên Sở Điện lực Phú Thọ về việc nâng cấp và bổ sung thêm trạm biến áp, nhưng đến nay chưa nhận được ý kiến phản hồi” – Ông Nghĩa cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.