Xây dựng nông thôn mới từ lúa thơm, cảng biển

Xây dựng nông thôn mới từ lúa thơm, cảng biển
TP - Sóc Trăng đang tăng diện tích lúa thơm trên đất mặn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy nhiệt điện, cảng nước sâu, nâng cấp cảng cá…

Phát huy tối đa các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới
> Năm 2011: Đầu tư hơn 100 nghìn tỷ đồng cho tam nông

Tỉnh Sóc Trăng có 72 km bờ biển và khoảng 20 km ven sông Hậu từ cửa biển Trần Đề ngược lên, tạo thành vùng đất rộng lớn nhiễm nặng mặn và phèn.

Lúa thơm chịu mặn

Ấp nghèo Đào Viên, xã Viên Bình (huyện Trần Đề) thay da đổi thịt từ ngày trở thành ấp lúa thơm, làm giống ST5. Anh Lai Thol, người Khmer đầu tiên làm giống ST5, khoe, vụ đông xuân mới rồi năng suất gần 10 tấn/ha, giá lúa 7.300 đồng/kg, không ít hộ thu hàng trăm triệu đồng. Qua vụ lúa, ấp có thêm nhiều nhà cửa khang trang, đường sá được mở rộng.

Giống lúa thơm ST5 do kỹ sư Hồ Quang Cua, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, lai tạo, có đặc tính nổi bật là thích hợp với vùng đất nhiễm mặn. Trước đây, lúa thơm thường bị coi là õng ẹo vì khó làm và năng suất thấp. Nông dân xã Viên Bình làm lúa thơm từ năm 2007; đến vụ đông xuân 2010-2011 đã đạt 1.450 ha, vụ hè thu này 1.600 ha và vụ đông xuân 2011-2012 sẽ là 1.800 ha.

Vì làm chung một giống lúa, thống nhất lịch thời vụ, quy trình canh tác nên có được hạt lúa hàng hóa đồng đều. Mà hạt lúa đồng đều chính là điểm cần vươn tới nhất trong làm lúa ở Sóc Trăng và cả vùng ĐBSCL mở rộng thị trường.

Sóc Trăng chủ trương mở ra những cánh đồng liên xã, dự kiến đến năm 2015 rộng chừng 70.000 ha, chiếm gần một nửa diện tích lúa của cả tỉnh. Vùng đất mặn và phèn này cũng đã hình thành những liên minh nông dân với doanh nghiệp để sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP. HTX Lúa - tôm Ngọc Lời ở xã Ngọc Đông huyện Mỹ Xuyên và Cty Gentraco ở Cần Thơ sản xuất gạo thơm thương hiệu Ngọc Đồng để xuất đi nhiều nước Âu, Mỹ.

Giống lúa thơm của kỹ sư Hồ Quang Cua đã có phiên bản ST20 chịu được độ mặn đến 5 phần nghìn, thích hợp hơn cho mô hình lúa - tôm ở vùng đất ven biển. “Tuy nhiên, trong môi trường khắc nghiệt, giống lúa nhanh kiệt sức, tức là nhanh thoái hóa, cho nên công tác giống phải làm liên tục”, ông Cua nói.

Kéo điện cho đồng bào dân tộc

Ngày 4-7, tại ấp Đào Viên, xã Viên Bình, Tổng Cty Điện lực miền Nam và UBND tỉnh Sóc Trăng khởi công dự án cung cấp điện cho các hộ dân, chủ yếu là bà con Khmer. Dự kiến, trong 2 năm sẽ xây dựng hệ thống đường dây và trạm biến áp, kéo điện cho hơn 20.000 hộ để nâng tỷ lệ hộ Khmer có điện từ 58,5% lên 90%, toàn tỉnh Sóc Trăng lên 98,5%.

Đây là bước đón đầu ngày Trung tâm Điện lực Long Phú đi vào hoạt động, kỳ vọng làm biến đổi hoàn toàn vùng ven biển Sóc Trăng.

Trưởng ban Quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Long Phú-Sông Hậu Nguyễn Doãn Toàn cho biết, các hạng mục đang được triển khai đúng tiến độ. Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 trị giá 1,2 tỷ USD, đang xử lý nền móng; theo kế hoạch, giữa năm 2014 phát điện tổ máy số 1, đầu năm 2015 phát điện tổ máy số 2, tổng công suất 1.200 MW.

Từ Trung tâm Điện lực Long Phú xuôi sông Hậu ra biển sẽ gặp cảng cá Đại Ngãi và cảng cá Trần Đề. Cảng cá Trần Đề là một cảng cá lớn của ĐBSCL vì gần ngư trường biển Đông nhất; từ đây, tàu chạy chỉ khoảng hai giờ đã tới khơi xa để đánh bắt lớn. Giám đốc cảng Trần Văn Chiêu cho biết, khu vực cảng rộng gần 16 ha, xây dựng từ năm 2002, hiện có các cơ sở phục vụ hơn 1.100 tàu đánh cá, trong đó có 249 tàu đánh bắt xa bờ. Lúc cao điểm, trong cảng có 2.500 công nhân làm việc.

Đổi gạo thơm lấy than

Các nhà máy ở Trung tâm Điện lực Long Phú chạy than, nhập từ nước ngoài. Phó bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Đức Kiên giới thiệu việc xây dựng cảng trung chuyển nước sâu bên ngoài cửa biển Trần Đề để tiếp nhận than từ tàu viễn dương. Cảng không chỉ phục vụ Sóc Trăng mà cả vùng ĐBSCL. Hàng triệu tấn than và hàng triệu tấn hàng hóa khác qua đây sẽ kéo theo nhiều dịch vụ, công nghiệp phụ trợ phát triển. Một vị lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng nói rằng tỉnh sẽ đem gạo thơm chất lượng cao đổi lấy than.

Ở cảng Đại Ngãi và Trần Đề đang bố trí bến tàu cao tốc. Ông Nguyễn Bá Nho, Giám đốc Cty Cổ phần Du lịch Sóc Trăng, cho biết, đang tính toán đóng tàu du lịch ra Côn Đảo vì đất liền nơi đây gần Côn Đảo nhất, khoảng 83 km. Bên cửa biển Trần Đề còn có dự án du lịch Miền Tây Côn Đảo, với khu nghỉ dưỡng Hồ Bể xây dựng từ bãi sình lầy nhờ cát nạo vét luồng cảng nước sâu, (đã có nhà đầu tư đăng ký thực hiện). Ông Nguyễn Đức Kiên phấn khởi vẽ ra viễn cảnh từ năm 2014 khi Trung tâm điện lực Long Phú hoạt động, nhân viên kỹ thuật cao và du khách ĐBSCL sẽ về đây dịp cuối tuần, đêm nghỉ ngơi, ngày ra Côn Đảo tắm biển.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG