Ô nhiễm nhà máy cồn rượu bỏ hoang

Ô nhiễm nhà máy cồn rượu bỏ hoang
TP - Không chỉ bỏ hoang hàng nghìn mét vuông đất, Nhà máy Cồn rượu Hà Tây (tỉnh Hà Tây cũ) còn gây ô nhiễm khu dân cư gần đó.

> Dự án bỏ hoang do thẩm định lỏng lẻo
> Đồng Nai: Một Cty xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường

Nhiều người dân xã Tam Hiệp, (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) than phiền, vào mùa mưa, nước đen ngòm từ nhà máy (ngừng hoạt động nhiều năm nay) lại chảy ra khu dân cư. “Ngoài váng cặn đen, nước từ nhà máy cồn rượu này còn có mùi hóa chất rất khó chịu”, ông Đỗ Đình Văn, người dân thôn Mỹ Giang, xã Tam Hiệp sống cạnh nhà máy, phản ánh.

Nhà máy là của Cty Cổ phần Cồn - Giấy - Rượu Hà Tây, nhà xưởng và các khu chức năng cũng là trụ sở của Cty này. Tuy nhiên hiện các khu nhà cao từ 2 đến 3 tầng không còn hoạt động bị xuống cấp, các trang thiết bị, máy móc như bồn chứa, téc nguyên liệu, máy pha chế... hoen gỉ và đổ vỡ ngổn ngang. Toàn bộ khu vực Cty CP Cồn - Giấy - Rượu Hà Tây rộng hàng nghìn mét vuông im lìm trong hoang phế lọt giữa các khu dân cư.

Thời điểm PV có mặt tại Cty CP Cồn - Giấy - Rượu Hà Tây, trời đổ mưa lớn, chỉ 15 phút sau, nhiều khu vực chìm trong nước, riêng khu vực nhà máy cồn rượu nước mưa nổi đến đâu thì bị nhuộm đen đến đó và bốc mùi khó chịu. Theo người dân xã Tam Hiệp, do Cty không có hệ thống thoát nước riêng nên phần lớn lượng nước này đã chảy vào hệ thống mương cống chung của xã khiến nhiều khu dân cư bị ô nhiễm.

Ông Hoàng Văn Kha, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết, trong những năm gần đây số người mắc bệnh hô hấp và người chết vì ung thư trên địa bàn xã tăng nhiều. “Do xã vẫn chưa có nước sạch nên phần lớn người dân vẫn dùng nước giếng khoan, có thể mạch nước ngầm bị ô nhiễm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên”, ông Kha nhận định.

Theo ông Kha, Cty CP Cồn - Giấy - Rượu Hà Tây được thành lập từ những năm 60 của thế kỷ trước. Tuy nhiên từ khi cổ phần hoá vào năm 2004, Cty hoạt động kinh doanh không hiệu quả, đến khoảng năm 2007 thì dừng hoạt động.

Sau cơn mưa, nước thải xung quanh nhà máy Cồn rượu Hà Tây nổi lên màu
Sau cơn mưa, nước thải xung quanh nhà máy Cồn rượu Hà Tây nổi lên màu .

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, ngoài sản xuất cồn, rượu, giấy, năm 2004 Cty này còn hợp tác với một số nhà máy phân bón ở Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) sản xuất phân vi sinh. Do không có hệ thống xử lý nước thải nên sau nhiều lần xả ra khu dân cư, đồng ruộng bị người dân phản ứng xã đã phối hợp với phòng Tài nguyên và Công an huyện kiểm tra và lập nhiều biên bản vi phạm.

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Nhàn, GĐ Cty CP Cồn - Giấy - Rượu Hà Tây cho rằng, hiện Cty đang tạm dừng hoạt động. Để không ảnh hưởng môi trường, thời gian tới Cty sẽ cơ cấu lại nhà máy để chuyển hướng sang sản xuất các mặt hàng vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, bà Nhàn cho biết, lý do nhà máy ngừng hoạt động và mỗi khi mưa xuống hệ thống nước thải không tiêu thoát nhanh được là do đường thoát nước ra sông Đáy bị các công trình, dự án của huyện xây dựng đè lên, gây sụt vỡ đường ống.

“Ngoài vấn đề môi trường, việc thoát và lấy nước sản xuất còn liên quan hoạt động của Cty. Nên sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã có nhiều văn bản gửi UBND huyện Phúc Thọ. Tuy nhiên đến nay sự việc này vẫn không được huyện giải quyết. Hậu quả là Cty phải dừng hoạt động hơn 4 năm nay”, bà Nhàn nói.

Để giải đáp các khúc mắc nêu trên, chiều 11-7, PV Tiền Phong đã liên hệ đặt lịch làm việc với ông Hoàng Mạnh Phú, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, tuy nhiên ông Phú đã từ chối với lý do bận.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.