Người mê đá cổ hơn vàng

Người mê đá cổ hơn vàng
TP - Bỏ dạy đại học về đào đãi vàng rồi tình cờ phát hiện di chỉ đồ đá Lung Leng, ông Thành ham mê đồ đá từ đó. Bây giờ ông là chủ tiệm vàng song nhà ông toàn cổ vật Tây Nguyên…

50 năm trước Văn Đình Thành (sinh năm 1954) theo cha mẹ đến phố nhỏ Kon Tum. Sau khi bôn ba nhiều nơi làm việc kiếm sống cuối cùng, ông bỏ TPHCM về Kon Tum quyết chí đổi đời bằng nghề đào đãi vàng.

Ông Thành cùng hàng trăm người khác chọn đoạn sông Pô Lô qua Lung Leng đãi vàng. Máy móc múc đất, múc cát, đá dưới lòng sông đổ lên, vàng thì ít mà đá nhẵn thín được mài đẽo công phu thì nhiều. Đây rõ có sự can thiệp của con người chứ không hẳn kỳ công của tạo hóa.

Vàng cũng mê mà đồ đá cũng mê. Ông Thành biết vàng cần cho mình nhất thời, song những vật có vẻ vô tri vô giác kia có ích cho quốc gia. Thời kỳ đồ đá là đây chăng? Ông quyết tâm sưu tập từ đó.

Đào đãi gặp những vật bằng đá thấy có dấu vết đục đẽo của con người là ông nhặt về. Những bạn đãi vàng được ông nhờ vả quan tâm lượm được hòn nào đừng vứt đi mà mang về cho ông. Rồi những người Ba Na ven sông thấy ở đâu có đá đẽo lại gom góp mang về chờ một ngày đẹp trời đổi cho ông Thành lấy vài bộ áo cũ, mấy cân cá khô… hoặc chút tiền. Cứ thế, số hiện vật của ông Thành ngày một đầy lên.

Năm 1991, Văn Đình Thành tìm vào Bảo tàng Dân tộc học TPHCM để xem hiện vật cũng như tài liệu lưu giữ về đồ đá, để xem những thứ ông lưu giữ là gì. Dần dần, ông phân loại những thứ mình có đâu là rìu, bôn, hòn ghè…

Thông tin về việc ông có bộ sưu tập đồ đá ở Lung Leng đến tai nhiều cấp, nhiều ngành có thẩm quyền. Năm 1995-1997, Viện Khảo cổ học Việt Nam cử người vào Kon Tum tìm hiểu và khai quật di chỉ Lung Leng bởi nguy cơ lòng hồ thủy điện Ia Ly nuốt chửng.

Chỉ dẫn giúp đoàn cùng tiếp xúc những chuyên gia hàng đầu về khảo cổ học, ông Thành dần biết cách sắp xếp, phân loại bộ sưu tập của mình khoa học hơn, theo phân kỳ đồ đá hay theo hình dáng, công dụng…

Đến nay, trên một vạn hiện vật đồ đá như cuốc, bàn mài, rìu, đồ trang sức, đồ thờ cúng, vòng tay, chuỗi hạt bằng đá... bước đầu được ông lựa chọn, sắp xếp phân loại theo 5 mảng mà mình yêu thích, trong đó có những cổ vật được các chuyên gia Viện Khảo cổ học Việt Nam đánh giá là rất quý hiếm như mũi qua bằng đá ngọc, bàn dùng đập vải vỏ cây có chạm khắc tinh xảo...

Chục năm trở lại đây, khi chứng kiến những hiện vật văn hóa quý hiếm của người Tây Nguyên ngày càng mai một ông Thành lại cất công sưu tập.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG