Phụ nữ miền Tây... khổ

Phụ nữ miền Tây... khổ
Chuyện cô dâu Nguyễn Đặng Xuân Thùy ở Cần Thơ thu hút dư luận những ngày qua, hầu như hội đủ các khía cạnh khắc họa hình ảnh người phụ nữ... thiệt thòi thời xa xưa: lấy chồng sớm (khi chưa tròn 18 tuổi), không đăng ký kết hôn và bị nhà chồng “trả về” vì nghi ngờ sự trong trắng.

> Phụ nữ Iran ngực trần phản đối Đạo Hồi hà khắc

Tiếc thay hình ảnh này hiện nay không phải hiếm gặp. Xin giới thiệu bài viết của chị Hồ Phương Nguyên, một phụ nữ gốc Sài Gòn, theo chồng về quê lập nghiệp đã 22 năm, về những thân phận phụ nữ ở miền Tây.

Về miền Tây, ta có thể dễ dàng thấy những người phụ nữ làm việc đồng áng hoặc buôn gánh bán bưng đầu tắt mặt tối. Về nhà thì lo con cái, nhà cửa, bếp núc. Cả việc chẻ củi nặng nhọc cũng được xem là “việc của đàn bà”.

Vì thế cảnh bà vợ hì hục chẻ củi trong khi ông chồng khề khà bên bàn nhậu không phải hiếm thấy. Nếu ông chồng nào thương vợ muốn chẻ củi cho vợ thì sẽ bị má chồng lên tiếng rằng chiều vợ quá coi chừng nó hư!

Có một chị bán bắp nấu ở chợ quê. Chị trắng trẻo đẹp người nhưng nét mặt luôn buồn hiu, thỉnh thoảng có vài vết bầm, sưng trên mặt. Hỏi thì chị nói chị chỉ mong có một ngày bình yên, chồng không còn suốt ngày say xỉn, không chửi mắng đánh đập mỗi ngày khi chị đi bán về. Hỏi sao chị không làm gì để thay đổi thì chị chỉ thở dài “cái số mình vậy rồi”.

Chồng bỏ, nhà chồng trả

Ấy vậy mà vẫn có nhiều bà vợ bị chồng bỏ, nhà chồng trả. Lý do để bỏ vợ thì nhiều lắm nhưng lý do thật sự thường là chồng muốn lấy vợ khác hoặc nhà chồng sợ phải chia của.

Chị Thắm (*) lấy chồng năm 18 tuổi, có với chồng hai con trai và đang mang thai đứa con thứ ba thì gia đình chồng đòi trả vì lý do chị “lấy trai”. Nhà chồng nói mà không có bằng chứng, cho đến một hôm người ta bắt gặp một người đàn ông lạ nằm trong giường chị, mà nằm trong lúc nhà đang đông người tấp nập mới hay (chị ở chung với gia đình chồng). Thế là chị bị trả về cho cha mẹ vì tội “lấy trai”. Sau đó chồng chị có vợ khác ngay lập tức.

Chị Thắm về ở nhà cha mẹ, mang theo hai con trai và sinh thêm con gái út mà chị có thai trước khi nhà chồng trả. Mẹ chị cho chị cất nhà riêng bên cạnh nhà mẹ, chị tần tảo một mình nuôi con đến nay con trai lớn đã cưới vợ, con gái út 22 tuổi đang học đại học. Chồng chị nay lại “rà rê” ở nhà chị, vẫn mê nhậu nhẹt và đá gà như xưa. Nghe nói đã bỏ người vợ sau này.

Chị Mong (*) lập gia đình năm 22 tuổi, vợ chồng sống với nhau 16 năm có ba mặt con thì chồng chị bỏ vợ con theo vợ bé. Vợ chồng chị ở chung với gia đình chồng, gồm cha chồng và hai người chị chồng.

Chị là lao động chính làm việc đồng áng trong suốt 16 năm làm dâu, cùng với chồng vất vả tạo dựng cơ nghiệp.

Khi chồng chị theo vợ bé năm 2010 thì gia đình chồng yêu cầu chị ký giấy “cam kết” bằng lòng thôi chồng, nhà chồng nuôi hai đứa con lớn của chị (15 và 12 tuổi), chị nuôi con út mới 3 tuổi. Nếu chị đồng ý, nhà chồng sẽ “đền bù” cho chị 30 triệu đồng, không thì họ sẽ không cho chị ở trong nhà nữa, lấy lý do chị đã có thời gian bỏ về nhà mẹ ruột khi giận chồng có vợ bé.

Chị dùng dằng rất lâu, rồi cực chẳng đã vì không có lối thoát nào khác chị chấp nhận ký giấy, nuôi con út, không dám giành nuôi hai con lớn vì không nghề nghiệp, không tài sản. Hiện nay chị đang ở nhà mẹ ruột, đi làm mướn nuôi con và rất mặc cảm với chị dâu trong nhà.

Một trường hợp khác là chị Nguyệt (*), năm nay 50 tuổi. Chị lấy chồng gần 30 năm, con cái đã lớn và có gia đình. Chồng chị vừa mới mất (năm 2011), lập tức gia đình bên chồng đuổi mẹ con chị không cho ở trên đất của nhà chồng. Thế là mẹ con chị đùm túm nhau trở về nhà ngoại.

Chị nghèo, nhà ngoại cũng nghèo không tấc đất cắm dùi. Bà con thương cảm cho chị mượn cái nền để che tạm căn chòi lá mẹ con tá túc và đặt bàn thờ của chồng chị! Tình cảnh rất thương tâm.

Luật và lệ

Có nhiều trường hợp các chị góa chồng vẫn ở với nhà chồng, làm lụng nuôi con nhưng không được hưởng tài sản của bên chồng. Nếu các chị muốn đi bước nữa thì cứ việc, nhưng phải ra đi tay không, không được hưởng chút tài sản dù có cực khổ làm dâu bao nhiêu năm cũng mặc. Có nhiều chị chấp nhận thiệt thòi, ra đi làm lại cuộc đời nhưng cũng có chị chịu cảnh cô lẻ để đổi lấy yên ổn cho con và cho bản thân.

Tại sao các chị nói trên chấp nhận bất công mà không phản kháng? Chị Thắm rất hiền lành, nói rằng mình không làm gì sai, ai sai sẽ chịu quả báo, vậy thôi. Chị Mong thì có nộp đơn xin xử ly hôn để được bảo vệ quyền lợi, nhưng chỉ mới ở vòng hòa giải cấp xã chị đã nản chí bỏ cuộc vì phải đi lại nhiều lần, tốn tiền xe, bỏ công ăn việc làm... chị không kham nổi.

Chị Nguyệt thì thật thà nghĩ rằng đất của họ, họ không cho mình ở thì mình không được ở, chị không hề nghĩ rằng mình phải đòi hỏi hay tranh đấu gì! Dường như mọi người, bên chồng các chị và các chị đều làm theo “lệ” chứ không ai quan tâm đến “luật”.

Tình hình trên đã, đang và sẽ còn tiếp diễn. Xem ra phụ nữ miền Tây sẽ còn phải khổ dài dài.

Theo Hồ Phương Nguyên (An Giang)
Tuổi Trẻ

(*) Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG