Vì sao các "nàng tiên" không cười được ?

Vì sao người đẹp không cười ?

Vì sao người đẹp không cười ?
TPO -  Chuyến bay VN831 Hà Nội - Bangkok hôm ấy, được mấy "nàng tiên" áo dài Vietnam Airlines phục vụ làm tôi nhớ đến "cô hàng xóm" của thi sỹ Nguyễn Bính. Không ít chàng rung động, kể cả người viết bài này khi ngắm tà áo bay.

>> Diễn đàn "Văn hóa ứng xử nơi công cộng"
>> Chuyện kỳ quái của khách đi máy bay

Vì sao người đẹp không cười ? ảnh 1
Ảnh minh họa. Ảnh : Hoàng Thiên Nga

Giá đừng có dậu mùng tơi /Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng/.../Chả bao giờ thấy nàng cười /Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên.

Hẳn người thiếu nữ trong thơ phải đẹp kiêu sa dù pha chút thoáng buồn. Người yêu thơ tưởng tượng ra người ấy bên “dậu mùng tơi” để nhớ. Nhưng tôi không thích nàng chút nào. Tại sao ta lại yêu một thiếu nữ đẹp mà “chả bao giờ cười”. 

Một nàng áo dài đỏ thắm, mặt trái xoan, tóc vấn cao, cổ cao ba ngấn, trông thoáng qua cũng biết là một giai nhân tuyệt tác, hẳn sánh được với “láng giềng” của cố thi nhân. Nếu nàng mỉm cười hẳn sẽ hút hồn bao đấng nam nhi.

Vị khách xứ Nghệ có lẽ lần đầu đi máy bay, xin nước chè lại đưa cái ly thủy tinh. Nàng nói thầm nhưng như quát : đưa cái tách đây, cốc thủy tinh này không dùng cho nước chè nóng. Môi nàng trái tim, rất xinh nhưng không một nụ cười khi mời khách. Có lẽ nàng giận người yêu tối qua đón muộn nên trưa nay khách bị vạ lây.

Vì sao các "nàng tiên" không cười được ?

Hơi trách nàng nhưng một lúc sau, tôi bắt đầu hiểu tại sao những người đẹp VN Airlines không thích cười. Có lẽ “dậu mồng tơi” ở đây chăng?

Vừa lên máy bay, đám khách Việt Nam chạy nhốn nháo, gọi nhau ầm ỹ. Túi lớn, túi nhỏ, tay xách nách mang. Chưa ngồi yên chỗ trên hàng đầu đã tìm người bạn dưới hàng ghế cuối để tán chuyện. Thấy người đẹp đi lại các anh thi nhau oang oang bình phẩm.

Mấy tà áo dài đỏ chạy đôn đáo để nhắc nhở mãi mới hết được đám khách về chỗ và thắt dây an toàn. Vừa cất cánh được chục giây đã thấy “lách cách” tiếng tháo khóa dù máy bay đang vượt đám mây chòng chành, rất nguy hiểm. Hình như làm thế, khách ta cảm thấy là “người hùng” trước các hoa hậu trên không ? 

Anh bạn cạnh tôi còn giải thích là không nên thắt dây an toàn vì như thế khi có sự cố trên máy bay, không kịp mở khóa mà chạy. Anh có biết đâu, nếu máy bay trên mặt đất mới có thể thoát hiểm. Nếu đang ở trên cao 11km, gặp vùng không khí loãng, máy bay bị giảm độ cao đột ngột vài chục mét thì anh định chạy đi đâu? Khi đó, không thắt dây an toàn thì anh sẽ rơi tự do trong máy bay như quả bóng.

Đi trên máy bay mà khách ta cười nói ầm ầm, tán chuyện như đi xe đò miền Đông. Có bia rượu, các chàng thi nhau gọi uống, mặt đỏ phừng phừng. Ai đó bấm vào nút gọi tiếp viên. Người đẹp chạy lại hỏi “anh cần gì” thì khách cười toe toét “thử cái nút tý!”.

Ăn xong, mỗi "bác" một cái tăm trong miệng, vừa xỉa quèn quẹt vừa chép miệng. Có chị còn ngậm tăm ở khóe miệng, đi lại trong khoang thoải mái như đang ở đình làng sau đám cỗ. Vào phòng vệ sinh sẽ biết thủ phạm trước là một bác trai nào rồi. Nước tiểu tung tóe trên bồn cầu trên chiếc Airbus 310 mới tinh.

Máy bay sắp hạ cánh. Loa nhắc mọi người “dựng thẳng đứng ghế ngồi, gấp bàn ăn và cài dây an toàn” nhưng hình như không ai để ý, trừ các bạn Tây. Kêu mọi người thắt dây xong, người đẹp vừa về chỗ thì vài "bác" ngồi cạnh lối đi lại bỏ dây ra, đứng lên, nghển đầu ra cửa sổ để xem đường cao tốc Bangkok khi nhìn từ trên cao có đẹp không.

Nàng không thể cười, hai mắt nàng như có nước...

Một chàng khác cạnh tôi thản nhiên rút điện thoại di động, bật lên để thử sóng mobile ở độ cao 500 mét. Tôi nhắc làm thế sẽ nhiễu hệ thống điều khiển của sân bay, rất nguy hiểm thì bị lườm “anh già nên sợ chết”.

Máy bay vừa tiếp đất vài giây thì đã nghe tiếng “lách cách” hàng loạt để tháo dây an toàn. Hai ba chàng thanh niên đã đứng lên để chuẩn bị lấy đồ trên ngăn hành lý. Một bà Tây đi cùng sợ quá nhắc nhở, các anh ơi đừng làm thế, nguy hiểm lắm, máy bay đang ở tốc độ trên mặt đất là 200-300 km/giờ, nhỡ nó quay ngang trên đường băng thì các anh đập đầu vào thành máy bay mà “đi” luôn đấy.

Ở cửa máy bay, thay vì cười, cảm ơn và good bye khách, các nàng bận nhắc nhở, các anh các chị đừng chen lấn, xin đi hàng một. Khi tôi cảm ơn thì nàng áo đỏ trong mộng cũng không thể cười được nữa vì quá mệt. 

Chúng ta hay chê tiếp viên HKVN không cười. Họ là những tượng Venus biết đi, vô hồn và vì bay trên không nên xa cách trần thế. Có thể họ chưa học nghệ thuật “nghiến răng để cười” với khách. Nhưng hôm nay chứng kiến họ phục vụ đám khách trên tôi lại nghĩ khác. Dù có niềm nở đến đâu cũng dễ trở thành hàng xóm “không nhếch mép” của thi nhân Nguyễn Bính. 

Muốn “không có dậu mồng tơi” ngăn cản ta đến với người đẹp trên cao, xin những hành khách sang trọng, vì người sang mới đi máy bay, hãy giúp họ vui bằng cách ăn uống nhỏ nhẹ, nói chuyện đủ nghe trong khoang, vào nhà vệ sinh giữ cho sạch sẽ, thắt dây an toàn trên suốt chuyến bay và đừng bật di động khi máy bay cất hay hạ cánh.

Tôi mong người đẹp của Vietnam Airlines vui để thấy nụ cười quyến rũ. Biết nàng áo dài đỏ quay về Hà nội chiều nay với đám khách khác, chợt nhớ cảm xúc của thi nhân xưa.

Mắt nàng đăm đắm trông lên /Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi /Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi /Tôi buồn tự hỏi hay tôi yêu nàng...

Ý kiến của bạn ?

Ý kiến bạn đọc

Doãn Thúy; Email: thuydn...@yahoo.co.uk

Tiền Phong nên có chuyên mục giáo dục ý thức văn minh công cộng

Tôi cũng có nhận xét như các bạn "một bạn đọc" là ở sân bay nước ngoài cứ đâu có người nói to hoặc đâu có người đứng lệch ra khỏi hàng thì đích thị đó là người Việt.

Thực ra không phải là dân mình kém văn hóa ứng xử khi đi máy bay mà thể hiện bất kể khi đi phương tiện nào như xe buýt, tàu hỏa, tàu thủy... và ở bất kể nơi công cộng nào như đường phố, công viên, rạp hát...

Có lẽ là người nhậy cảm nên những lúc ấy tôi thấy rất xấu hổ và bực bội. Theo tôi kiến của bạn Trần Quang Huy về việc đưa giáo dục văn hóa giao tiếp vào nhà trường là cần thiết nhưng chưa đủ bởi lẽ việc này mới chỉ đến được với học sinh phổ thông trong khi người vi phạm còn là chính bâc cha mẹ, chú bác, anh chị... các cháu và con số này cũng rất lớn.

Tôi đề nghị báo Tiền Phong và trên TV vào những ngày nhất định trong tuần nên có mục giáo dục ý thức văn minh công cộng. Đề tài có thể thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú như đăng bài viết như bài "vì sao người đẹp không cười" (ngắn gọn hơn), quay vài cảnh lộn xộn nơi công cộng (có những cảnh gây cười như cảnh hai đội quân xe máy xếp hàng ngang đấu đâu nhau trên đường sau khi tàu chạy qua gây ách tắc giao thông do chính họ gây ra...).

Hy vọng đây là những bài học nhẹ nhàng vui vẻ nhưng lâu rồi sẽ ngấm, chắc chắn cũng có tác dụng với không ít người vô ý thức mà không biết là mình vô ý thức.

Tôn Thất Hùng; email : ...hung@yahoo.com

Tôi thấy bài viết này đã diễn tả đúng 100% vì tôi đã từng đi máy bay nhiều lần trong năm, chỉ muốn thêm vài chuỵên là vào những mùa lạnh, người ta ho và hắt xì khắp nơi mà không hề che miệng lại, đôi khi còn khạc nhổ hết sức khủng khiếp.

Tôi đã từng ở Đức và Hoa Kỳ 40 năm, nhiều khi đi với bạn bè nước ngoài về VN hay đón các đoàn Doanh Nhân VN ra nước ngoài là tôi lại phải xấu hổ cho cách cư xử thiếu văn hoá mà mình bắt gặp.

Ngay chính ở khu Sài Gòn nhỏ ở miền Nam California, tình trạng cư xử thiếu văn hóa cũng lan tràn như cơm bữa, mỗi lần tôi đi mua bánh mỳ ở quán Chè Cali là tôi đều bực mình vì mặc dầu cũng có xếp hàng đấy nhưng có một cô "sồn sồn" đứng sau lưng tôi nhưng đã nhanh miệng hơn khi đặt mua hàng.

Khi nghe tôi phản đối thì cô ta cũng xin lỗi vì cô ta không thấy tôi đứng trước cô ta. Hiện tượng thiếu văn hóa này không chỉ ở VN mà khắp nơi, chỗ nào có người VN là chỗ ấy đều xảy ra giống nhau...

Nguyen Thanh Tung

Việc quan trọng hàng đầu là giáo dục lối sống...

Tôi đã đọc bài viết của Hiệu Minh và các bài viết phản hồi. Là một người công tác trong ngành giáo dục, tôi thấy xấu hổ.

Vâng, trong những năm qua, cả xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng đã làm được nhiều việc, nhưng mà việc quan trọng hàng đầu là giáo dục lối sống, giáo dục văn hoá sống cho con người Việt Nam thì chưa làm được nhiều.

Và nếu Bộ giáo dục có đặt hàng bài viết này đưa vào chương trình giáo khoa thì có thể cũng tốt, nhưng sẽ chỉ là đá ném ao bèo tấm thôi! Mà phải có một chiến lược tổng thể, toàn diện và quyết liệt kia.

Chỉ những người có học thức và có điều kiện mới đọc những bài viết này thôi, còn ông khách đi máy bay đòi uống nước chè bằng cốc thuỷ tinh kia thì chắc không đọc đâu!

Một đất nước không có chiến tranh mà mỗi năm có cả vạn người chết vì tai nạn giao thông và lao động thì không còn là vấn đề chấp hành pháp luật đơn thuần, mà là vấn đề lẽ sống, cách ứng xử và là văn hoá sống, ý thức sống đấy. Hãy bắt đầu đi, dù là đã quá muộn!

Tran Hoa, Email: ...08@gmail.com

Trước hết tôi rất ấn tượng với bài viết của tác giả và các ý kiến đóng góp của các độc giả.

Tuy nhiên tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải phân biệt rõ hai hai vấn đề: Một là văn hoá ứng xử nơi công cộng của nhiều người Việt nam ta rất kém - đó là thực tế - và điều này cần phải được cải thiện, giáo dục khắc phục trong thời gian dài sắp tới với sự góp sức của mọi người mọi tổ chức.

Nhưng vấn đề thứ 2 theo tôi là văn hoá ứng xử của tiếp viên hàng không nói riêng và các nhân viên dịch vụ nói chung trong mọi trường hợp đêu phải thể hiện tính chuyên nghiệp của mình - đó là bổn phận, là nhiệm vụ của một nhân viên.

Không thể vì lý do từ phía sử dụng dịch vụ để mình không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình. Có như thế xã hội mới ngày càng hoàn thiện, tốt đẹp hơn.

Tom Tran

VNA nên phổ biến bài viết này tới các hành khách của mình !

Tôi thấy bài viết này rất ý nhị. Tôi đã đi thử Hàng không VN một lần cho biết. Quả thực là không khí trên chuyến bay tôi đi lần ấy đúng như những gì tác giả viết.

Bài viết này hay, nhưng tôi nghĩ những người đọc bài này đều là những người hiểu biết. Còn những người kém hiểu biết và không chịu để ý học hỏi thì chả khi nào mà họ click chuột xem đến bài này.

Do đó, Hàng không VN nên bằng cách nào đó phổ biến bài viết này rộng khắp như là một lời kêu gọi về văn minh lịch sự, văn hóa đi máy bay, thì mới hy vọng khá hơn.

Bản thân tôi cũng đã quay lại thói quen là đi Hàng không Thái Lan.

Lang, Email: langla05@... : Hệ quả tất yếu của giáo dục

Tôi đã đọc bài Vì sao người đẹp không cười. Theo tôi Tiền phong Online nên gửi bài này đến email riêng của Bộ trưởng GD để "đặt hàng" cho ngành GD VN.

Nhiều năm qua ngành GD đã dạy gì ở trường từ tiểu học đến PTTH, ngoài việc dạy kiến thức, chính trị ra, thiết nghĩ rất cần phải dạy cặn kẽ và chu đáo cho các em học sinh cách ứng xử văn minh lịch sự, có văn hóa nơi công cộng.

Theo tôi một người tốt nghiệp PTTH phải đạt kiến thức cơ bản nhất về mọi mặt, nhất là cách hòa mình với xã hội một cách có văn hóa. Không nên trách những người hành khách ấy vì họ cũng chỉ là nạn nhân. 

Hồ Huy Hoàng : Cần phát động phong trào văn minh nơi công cộng

Tôi thấy bài viết rất hay, rất nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu sắc, thâm thuý.

Tôi rất đồng tình với cách phê phán về hành vi ứng xử của một số người Việt ta khi ở nơi công cộng, mà đặc biệt xấu hổ khi ra nước ngoài. Họ cười nói hô hố như chỉ có một mình họ trên thế gian này.

Nhưng họ lại dúm dó lại với nhau, không dám giao lưu trao đổi về những vấn đề thuộc phạm vi chuyên môn của họ trong các cuộc hội nghị, hội thảo có người nước ngoài.

Người Trung quốc cùng với việc đăng cai Olympic Bắc kinh 2008, họ đã tuyên truyền và cả xử phạt nặng việc khạc nhổ bừa bãi, nên giờ đây ở Trung quốc không còn tồn tại tình trạng này tại các thành phố lớn.

Thiết nghĩ, việc chen lấn xô đẩy, đi lại lộn xộn, nó năng ồn ào, cười nói hô hố của người Việt ta sẽ khắc phục được, những câu dzô, dzô khi ăn uống không còn phải nghe nữa nếu như có một phong trào xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở, rồi đến nơi công cộng được phát động.

Lergeneral

Bài viết rất thực tế và hầu như đang là đề tài khá phổ biến không những trong vấn đề giao thông hàng không mà trong mọi lĩnh vực sinh hoạt quần chúng .....điều nầy tôi càng nhớ lúc xưa cũng lâm vào hòan cảnh tương tự !

Sự học hỏi và chia sẻ một tính cách lịch sự căn bản khó có thể hòan chỉnh trong thời gian ngắn , nhưng điều quan trọng là chúng ta có quyết tâm cải tạo chính con người của mình hay không?!

Nguyễn Thiện Hoàng

Tôi thấy bài viết "Vì sao người đẹp không cười" rất hay, rất thâm thuý. Nhân đây, tôi xin đóng góp một vài ý kiến thêm về Người Việt khi tham gia giao thông bằng phương tiện hàng không:

(1) Không xếp hàng theo đúng quy định, kể cả những chỗ gọi là VIP. Tôi đã có nhiều lần đứng xếp hàng để làm thủ tục tại sân bay, nhiều người ý thức rất kém lao lên, đưa vé và chứng minh thư mặc dù chưa đến lượt, xếp hàng thì cứ thúc phía sau người đứng trước mặc dù có vạch đỏ xác định rõ vị trí đứng đợi trong hàng.

Nhiều người cậy có thẻ ưu tiên (tôi cũng chẳng biết và không quan tâm là thẻ gì chỉ thấy mầu đỏ, ép plastic) đến là lao thẳng đến bàn thủ tục mà chẳng hề quan tâm mọi người khác đang xếp hàng như thế nào. Ngượng nhất là ở nước ngoài, cứ theo nếp trong nước, không coi ai ra gì, cứ lao lên, lao lên để cho các nhân viên nhà ga nước bạn nhắc nhở rất thậm tệ và khi họ xem hộ chiếu thì bĩu môi vì là người Việt nam, xấu hổ không thể tả được, nhiều khi tôi chỉ muốn độn thổ.

(2) Trên máy bay, đi về chỗ không đúng chỉ dẫn, không biết cũng không hỏi cứ đi mà không biết đi đâu, không biết đọc số ghế, trèo vắt qua người đã ngồi ổn định với hành lí lủng lẳng, đứng ở hành lang để cất đồ cho nhau hoặc tìm chỗ cho nhau, gây ùn tắc, thật là thiếu văn minh.

Thiết nghĩ các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần có các chương trình hướng dẫn sử dụng phương tiện hàng không cho dân chúng để có nhiều người hiểu biết thêm và có những kiến thức tối tiểu khi tham gia giao thông bằng phương tiện hàng không. Xin cảm ơn !

Hanoi : Cần có cuộc phát động toàn dân về ứng xử tại nơi công cộng

Đọc bài của tác giả và các bạn đọc tôi thấy không có gì đáng ngạc nhiên vì một lẽ đơn giản, phần lớn người dân chúng ta (kể cả người sống ở Tràng An ngày nay) đều thiếu ý thức cộng đồng, luôn muốn thể hiện cái tôi trước người khác - họ không nhận ra rằng cái tôi đó có thiếu văn minh hay không.

Tôi nghĩ, không chỉ là trên máy bay (đó chỉ là một phương tiện giao thông) mà ngay cả trong hoạt động cuộc sống hàng ngày, ở đâu bạn cũng có thể thấy, ví dụ: tham gia giao thông - mạnh ai nấy đi, nhất là mấy người có tiền đi xe 4 bánh sẵn sàng luồn lách, không cần biết người đi xe máy đi lối nào, xe máy thì sẵn sàng lao lên vỉa hè, lấn sang đường ngược chiều; ở các nơi mua bán, dịch vụ - không cần xếp hàng, sẵn sàng lách lên, chen lấn; rác vứt bừa bãi khắp nơi - trẻ em không được bố mẹ nhắc nhở về điều này và cũng chính các phụ huynh sẵn sàng làm điều đó.

Nếu trẻ em lớn lên trong một môi trường "văn minh" như vậy thì thực trạng văn minh công cộng hiện nay ở nước ta không có gì đáng ngạc nhiên. Tôi mong nước ta cần có cuộc phát động, vận động toàn dân về hành vi ứng xử tại nơi công cộng. Cảm ơn tác giả và Tiền phong Online  đã nêu ra vấn đề này.

Thái sơn : Cần lắm những nụ cười trên các chuyến bay.

Bản thân tôi đã từng du học và công tác tại châu âu nhiều năm, nên tôi có điều kiện đi lại nhiều nơi với các Hãng hàng không khác nhau, phải công nhận rằng đội ngũ tiếp viên VN trẻ trung xinh đẹp hơn hẳn các hãng hàng không khác ( Đức, Holand, Phap....) tuy nhiên đôi lúc thực sự buồn vì cách hành xư thiếu tính chuyên nghiệp của các tiếp viên, đồng ý rằng ý thức của hành khách Việt nam khi đi trên máy bay còn nhiều vấn đề phải bàn tuy nhiên bản thân các tiếp viên cũng phải xem lại phong cách phục vụ của mình.

Hình như họ quá chú trọng đến khách ngoại quốc trong khi đó tỏ vẻ coi thường dân Việt ( điều này thì ngược lại ở một số nước châu âu). Bản thân các bạn xem thường chính đồng bào các bạn thì làm sao khách ngoại quốc có cái nhìn thiện cảm với dân tộc Việt nam.

Tôi biết rằng để được vào làm tiếp viên hàng không, các bạn phải trải qua nhiều thử thách....công việc áp lực nhưng đừng quên rằng các bạn đang là một trong nhưng người đại diện cho VN trên các chuyến bay đấy nhé...

Hale thuyha : Không chỉ có tiếp viên không cười nổi...

Rất cảm ơn tác giả bài báo đã nêu lên thực trạng đáng buồn về cách ứng xử văn minh của dân mình đối với các ngành dịch vụ công cộng.

Tuy nhiên đi máy bay thường là những hành khách có điều kiện cả về tiền bạc lẫn trình độ văn hoá ( theo chủ quan) mà còn như thế thì với các phương tiện giao thông công cộng khác vơí đối tượng khách đại chúng hơn thì sao?

Chúng ta đang phê phán các bác tài xế xe bus là luôn cáu gắt, chạy ẩu, lạng lách và goi họ cùng với phương tiện mà họ điều khiển là những " hung thần".

Vậy thì qua bài này cho tôi thanh minh giùm họ chút nhé: những ai đã từng đi xe bus gần đây mới thấy hết những nỗ lực làm mới cho dịch vụ này( trên xe đã có loa phát thanh nhắc nhở cho hành khách biết tên từng điểm dừng , đỗ, cách bấm đèn để xuống ra sao...) vậy mà khách vẫn cứ gào lên xin xuống bất chấp điểm cần xuống có điểm dừng theo quy định hay không, thậm chí lên xe theo kiểu chen lấn, mạnh ai nấy ngồi và gần như không có thói quen nhường chỗ cho người già, phụ nữ... như trong bảng quy định của nhà xe, thậm chí khi phụ xe nhắc nhở quá mới miễn cưỡng đứng lên nhường chỗ...

Còn việc lên xe nói chuyện ầm ĩ như chỗ không người, ăn quà vặt, ngồi gác chân lên ghế, gọi điện thoại ầm ĩ, thậm chí là mua vé rồi khi phụ xe trả lại tiền còn chê tiền cũ không cầm hoặc không nhận tiền trả lại là tiền xu là chuyện như cơm bữa mà nếu có được góp ý hay nhắc nhở là sẵn sàng " bật" lại ngay thậm chí doạ đánh hay đánh lại lái, phụ xe là chuyện thường.

Đành rằng chúng ta đang xây dựng nét văn hoá ở khắp mọi ngành nghề và mọi đối tượng, nhiều bài viết phê phán thái độ của người phục vụ nhưng chúng ta hãy nhìn lại mình đừng cho mình quyền là thượng đế để rồi tự làm mất đi nét văn hoá đó.

Tôi đã đoc rất kỹ bài báo vì sao tiếp viên không thể cười và ngay sau đó lại đi ngay trên tuyến bus 07 - một tuyến bus được coi như là đôi chân đưa khách từ mọi miền qua cửa ngõ Thủ đô là sân bay Nội bài vào nội thành Hà nội và bạn nghĩ gì khi có một khách quốc tế đọc được tiếng Việt mình đã hỏi tôi: Tại sao lại phải dán một tờ giấy A4 trên đó ghi: Xin quý khách vui lòng bấm đèn trước khi xuống xe và xin giữ trật tư trên xe để thể hiện văn minh lịch sự.

Chẳng nhẽ không ai muốn làm người lịch sự mà phải để nhà xe phải xin như vậy? Một chút vậy thôi để thông cảm với những áp lực mà những người làm dâu trăm họ phải chịu, để trước khi trách họ ta hãy nhìn lại mình.

Đúng là hãy dạy và học ngay để trở thành người có văn hoá ở mọi nơi.

Hoàng Văn Cử : Không chỉ trên may bay...

Không chỉ ở trên máy bay mà ở hầu hết mọi nơi từ trên đường, công viên, công sở, cơ quan hành chính,...không có văn hóa xếp hàng, ý thức xã hôị rất yếu kém, mạnh ai ngươì âý làm và thường cho mình có quyền làm tất cả những gì mình muốn mà không tôn trọng đến những ngươì và môi trường xung quanh.

VD trên xe Buyt một số tuyến đường dài chẳng hạn nhất là đám thanh niên, kể cả SV mỗi người một cái DTDD (made in TQ) mở to hết cỡ cứ như cãi nhau, ngồi trên xe buýt mà như là bị tra tấn, nếu có nhắc nhở thì " tự do cá nhân" ai thích thì làm ko cần biết là xung quanh mình là những ai? -trẻ em có, người già có, họ cũng ko dám nhắc vì sợ...

Luu Linh Giang

Bài viết rất hay, tôi cũng làm trong ngành HK và cảm nhận thấy những điều tương tự. Lâu nay ngành HK luôn được (hay bị) đánh giá với nhiều tiêu chuẩn rất khắt khe của xã hội. Thực tế thì HK và nhiều ngành dịch vụ khác của VN (ngân hàng, viễn thông...) không thể thoát ly khỏi cuộc sống thường ngày, nhân viên của họ vẫn phải sống như chúng ta, nghĩa là ra đường thì kẹt xe, chen lấn xô đẩy; mưa thì ngập ngõ ngập nhà; đến trường thì chạy điểm, chạy trường; vào viện phải có phong bì mới được tiêm nhẹ nhàng v..v

Và họ không phải là rô-bốt nên không thể thoát khỏi cuộc sống chung của xã hội VN. Tất cả chúng ta đều đang thay đổi, đang tiến lên nhưng mọi sự không thể đòi hỏi một cách cực đoan và thoát ly khỏi điều kiện thực tế.

LƯU QUANG ANH : HÃY CẢM THÔNG

Tôi là người thỉnh thoảng có dịp đi trên các chuyến bay của VNA , và thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của VNA .Tôi nhận thấy áp lực công việc đối với tiếp viên HK là rất lớn,bởi phải làm việc trong điều kiện khá đặc biệt.

Nhưng không phải hành khách nào cũng hiểu như vậy,vẫn thường xuyên không chấp hành sự hướng dẫn của tiếp viên, đôi khi còn có những lời lẽ thô tục.

Chúng ta vẫn giữ quan niệm cổ hủ là "bỏ tiền ra thì muốn làm gì thì làm ",nhất là khi sếp hàng làm thủ tục luôn tìm cách chen lên dù xếp hàng sau! Đây là thói quen xấu mà chúng ta cần bỏ,nhất là khi đang ở sân bay nước ngoài.

Lê Huy

Bài này rất hay, Tôi nghĩ các hãng hàng không Việt Nam nên in nhiều bản rồi phát cho riêng hành khách Việt trước khi lên máy bay để họ xử sự tốt hơn, chứ cứ thế này thì người ta cười dân Việt mình xấu hổ lắm.

Nguyễn Tiến Dũng : Một chuyến bay về quê "choa"

Tôi bay về Vinh vào giáp ngày lễ 30/4 nên máy bay cũng khó mua vé, khi ra sân bay Tân Sơn Nhất làm thủ tục boarding là thấy ngay sự lộn xộn. Về quê nghỉ lễ ai cũng vui cũng nóng lòng vé đã cầm trên tay, nhưng chỉ có 5-6 người làm thủ tục cũng chen nhau, nhân viên sân bay liên tục phải nhắc nhở mới chịu sắp hàng.

Khách lên phòng chờ rồi lại rất ồn ào, chuyến bay này giáp ngày lễ rất nhiều trẻ em đi kèm là điều dễ hiểu, nhưng người lớn cần phải chỉ bảo con trẻ đừng chạy lung tung, đừng la hét nơi công cộng, đằng này người lớn còn nói rất to, cười hô hố nói chi con trẻ.

Đến giờ lên máy bay cũng chen lấn, ai cũng có chỗ có số ghế nhưng vẫn cứ chen, lấn, thậm chí một số người cứ nháo nhào tìm tiếp viên để hỏi chỗ của tôi đâu ?

Máy bay chuẩn bị cất cánh, tiếp viên Pacific yêu cầu tất cả hành khách đeo dây an toàn, gấp bàn ăn, dựng ghế thẳng đứng và mở cửa sổ nhưng hành khách quê "choa" cứ đi đi, lại lại sắp xếp hành lý, sửa soạn gì đó …khiến cô tiếp viên liên tục phải nhắc bằng loa "hành khách vể chỗ ngồi và thắt dây an toàn ngay".

Khi máy bay vừa lấy thăng bằng là lúc khách quê choa mở khoá dây an toàn, đi lại, nói chuyện cười đùa rôm rả...

Cũng như tôi bên cạnh là một cặp vợ chồng du khách người châu Âu phải ngồi trước một gia đình trẻ, họ nói chuyện ồn ào, lâu lâu lại uỵch vào lưng vào đầu người ngồi trước, chúng tôi không cách gì có thể ngủ được đành nhìn nhau lắc đầu và cười.

Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Vinh, những lộn xộn như khi cất cánh ở Tân Sơn Nhất được lặp lại, mà có phần nhiều hơn, các tiếp viên liên tục nhắc bằng loa "hành khách về chỗ ngồi và thắt dây an toàn ngay" kèm với cái lắc đầu tỏ vẻ bất lực.

Bắt đầu máy bay hạ cánh hành khách quê choa lại chen nhau lấy hành lý, đeo những balô to kềnh lấn nhau giành đường đi ra cầu thang, va cả hành lý vào đầu những hành khách già cả đang còn ngồi lại nhường đường cho họ ra trước.

Tôi ngồi chờ họ ra hết mới xuống sau cùng vì biết bề nào mình cũng phải lấy hành lý gửi, nhìn lại khoang hành khách thì hỡi ôi rác xả ra sàn, các bảng giá đồ ăn uống, bảng hướng dẫn thực hiện an toàn chuyến bay cho khách… bị lôi xem, bỏ trên ghế ngồi, vứt lung tung xuống sàn máy bay y hệt một một cái chợ vùng ven mới tan phiên họp chưa được quét dọn.

Đồng ý rằng rất nhiều người đây là lần đi máy bay đầu tiên chưa biết những phép tắc hàng không, nhưng cũng phải chịu nghe hướng dẫn của tiếp viên, phải biết nhìn những người xung quanh xử sự như thế nào để làm theo và quan trọng nhất là phép lịch sự thì đâu cũng phải có cứ gì lên máy bay.

Như vậy làm sao tiếp viên HK cười tươi cho được

Trần Mạnh : Vietnam Airlines cũng nên xem xét lại quy trình phục vụ của tiếp viên

Tôi đồng ý với ý kiến của các bạn đọc về ý thức của hành khách Việt nam khi đi trên máy bay của Vietnam. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, bản thân các tiếp viên cũng phải xem lại phong cách phục vụ của mình. Nếu ai có dịp được bay với hãng Singapore Airlines, sẽ thấy phong cách phục vụ chuyên nghiệp của họ.

Đương nhiên, hành khách khi lên máy bay, ai cũng nhốn nháo trong việc ổn định chỗ ngồi, và sẽ có một vài cư xử không lịch sự, nhưng quan trọng nhất là họ đang sử dụng dịch vụ, và nhà cung cấp dịch vụ phải hướng dẫn cho hành khách của mình.

Và nụ cười, cử chỉ lịch sự sẽ giúp cho các hành khách xem lại hành vi của mình. Đương nhiên, không thể ngày một ngày hai hình thành ngay một nết ' văn minh đi máy bay" ở đất nước, nơi mà nhiều vấn đề ứng xử của con người cũng còn phải đang hoàn thiện dần.

Tuy nhiên, nếu có điều kiện so sánh, tôi vẫn thấy phong cách phục vụ của tiếp viên các hàng HKNN tốt hơn Việt Nam. Họ lịch sự, nụ cười luôn thường trực trên môi, trợ giúp hành khách suốt hành trình, cung cấp đầy đủ thông tin, và cương quyết với các hành khách vi phạm quy định an toàn bay. Phải chăng đây là các tiêu chuẩn của chất lượng dịch vụ làm nên tên tuổi của Star Alliance mà Singapore Airlines là đại diện số 1.

Đi sang nước ngoài học tập tôi nói đùa với mọi người là văn minh công cộng ở các nước tiên tiến đi sau VN mình nhiều. Sang nước ngoài mới thấy "văn hoá xếp hàng" trong khi đó ở VN mình "văn hoá xếp hàng" đã có từ thời bao cấp rồi còn đến bây giờ thì đã "lạc hậu" rồi.

Có lần trên chuyến đi công tác Nhật Bản, tôi đi cùng chuyến bay với một đoàn các anh chị diễn viên xinh đẹp VN mình, thế mà sau khi cơ trưởng vừa nhắc nhở tắt các thiết bị di động thì có chị diễn viên xinh đẹp rút ngay điện thoại gọi thông báo cho người yêu là "em đang bay trên trời" chắc là chị muốn kheo với các hành khách mỗi mình chị là có người yêu và có điện thoại.

Bay được một lúc các hành khách bắt đầu lim dim vào giấc ngủ thì các anh chị bắt đầu ý ới gọi nhau và đứng dậy lấy đồ ăn VN trong các túi mang theo, hình như là các anh chị diễn viên đi công tác dài ngày nên mang theo rất nhiều đồ, các anh chị vừa ăn vừa ăn vừa nói chuyện rất là vui vẻ như muốn nói với các hành khách khác là chúng tôi là những người nổi tiếng.

Đúng là các anh chị đấy nổi tiếng thật vì tôi thường thấy các anh chị ấy trong các vai diễn trí thức của các phim truyền hình, tôi là người VN nhưng cũng rất khó chịu với âm thanh ồn ào đó và mùi thức ăn VN toả ra cả máy bay.

Phan Thi Nguyet Minh : Ấn tượng với bài báo này !

Tôi thực sự thấy ấn tượng với bài viết này. Đơn giản là lên án những hành vi bất lịch sự của người Việt nhưng cách truyền đạt nhẹ nhàng, thâm thúy. Mong Tiền phong Online ngày càng có nhiều bài viết hay hơn nữa! Cảm ơn tác giả! Chúc sức khỏe và thành công!

Một bạn đọc : Cám ơn tác giả !

Tôi cám ơn tác giả bài viết trên và xin nhắc nhở với các vị khách đi máy bay hoặc bất kể các dịch vụ công cộng khác hãy lên văn minh và nhìn lại chính bản thân mình và hành động cho có văn hóa có thái độ lịch sự vơi mọi người, không thật xấu hổ lắm.

Minh Quân : Còn xem nhẹ việc giữ gìn môi trường

Đọc qua bài viết tôi cũng cảm nhận được tâm trạng của các tiếp viên khi nhắc nhở hành khách nhưng ít người để ý đến. Thật là bực mình. Tôi thấy ở cơ quan tôi cũng vậy, mọi người cứ vô tư xả rác và có lẽ họ nghĩ rằng: Đã có người quét dọn rồi nên không cần ý tứ mặc dù cách 10 mét lại có một thùng rác. Có lúc tôi nhắc nhở thì nhiều người bảo rằng do thói quen nên khó sửa. Thật buồn cho những thói quen xấu phải không ?

 

Doris Tran : Van hoa tren may bay

Toi thay van hoa tren may bay cua nguoi VN minh con kem lam, khong nhung nhung nguoi Viet song trong nuoc ma ca nhung nguoi Viet song o nuoc ngoai lau nam.

Hom thang 3 vua roi toi co ve VN tren chuyen bay cua hang hang khong Asiana, tren may bay co rat nhieu nguoi VN da so la nhung nguoi Viet lon tuoi tu My ve.Tren may bay cac bac lien tuc xuc dau lam nong nac ca khoang may bay.Co nhieu ba con lay muc say kho ra an va noi chuyen on ao, the nhung khi co may vi khach nguoi An Do ngoi phia sau noi chuyen bang ngon ngu cua ho thi cac ba lai kho chiu, roi goi may co chieu dai vien yeu cau ho im lang.

Tat nhien la cac co CDV phai giai thich la ho khong co quyen lam dieu do va nhe nhang dua cho may ba may nut bit lo tai. Viec su dung nha ve sinh thi hoi oi, co ba khong biet mo cua cu the giat cua khi co nguoi ben trong dang su dung va chinh toi la nan nhan.

Con co ong thi khong mo duoc cua thi cu dap cua ram ram va sau khi su dung xong thi ca Tay lan Ta khong ai dam vao phai doi may co CDV di don.

Chi co dieu la cac co CDV cua Asiana du rat vat va phuc vu nhung luc nao cung no nu cuoi tuoi roi tren moi va rat lich su nha nhan voi hanh khach....


Lê Việt Phương

Ở Việt Nam chúng ta-xuất phát là một nước thuần nông, với đa phần dân số sống ở nông thôn hoặc xuất phát từ nông thôn. Do đó, những thói quen trong lối ứng xử cộng đồng làng xã hàng ngày đã trở nên khó thay đổi.

Ở nông thôn, khi mọi người đều đối xử với nhau theo tập quán thói quen thì không ai thấy được những nhược điểm của cái văn hóa nông thôn đó, mà ngược lại đó được coi là truyền thống, ai làm sai (ví như không quan tâm đến xóm làng, họ mạc) sẽ bị dư luận dè bỉu.

Rồi khi ra đô thị, cũng những người dân hàng ngày chân chất quen với "ăn to", "nói lớn" đó đã không được trang bị đầy đủ những quy tắc của cuộc sống hiện đại, họ choáng ngợp, họ rụt rè, họ phát ngôn thiếu lịch sự, họ không thể sử dụng những thiết bị hiện đại... và những người xung quanh (tự cho mình là người đô thị văn minh) nhìn họ với ánh mắt thiếu thiện cảm.

Cần có cái nhìn thiện cảm hơn cho đồng bào của mình, ở đó ta nhìn thấy hình ảnh của ông bà, cha mẹ mình và chính chúng ta cũng là những người xuất phát từ cái truyền thống văn hóa nông thôn đó mà ra.

Đất nước chúng ta đang trong thời kỳ phát triển nhanh, những giá trị cũ chưa kịp thay đổi, trong khi giá trị mới thì mới bắt đầu hình thành. Quá trình chuyển giao đó tất sẽ có những điều chưa hài lòng với chính chúng ta. Đó là bài học để chúng ta hình thành những giá trị chuẩn mực của nền văn hóa đô thị của Việt Nam để dần thay thế cho giá trị văn hóa nông thôn lúa nước.

Một bạn đọc

Đi ra nước ngoài, thấy chỗ nào nói chuyện to thì đó là người Việt Nam. Hiện ý thức của giới trẻ ngày càng kém, họ cho là mình hiện đại nhưng thường nói to, chen ngang và nói chung là rất vô ý thức, tiêu biểu là vụ bẻ hoa anh đào tại lễ hội Nhật Bản tại Hà Nội. Thật đáng xấu hổ!


Trần Lệ Hằng : Văn hóa ứng xử rất kém

Tôi là một người Việt, nhưng nhiều khi thấy xấu hổ và bức xúc cho cho những hành vi rất nhỏ nhưng lại rất phản cảm của những người Việt. Từ những hành vi rất nhỏ như xả rác trong nhà, cơ quan, nơi công cộng, đi vệ sinh bừa bãi, nói chuyện thì bỗ bã, ồn ào, giao thông thì chen lấn, vượt ẩu, sử dụng của công thì vô tội vạ, không giữ gìn, tiết kiệm...

Đã đến lúc chúng ta cần tạo một nếp sống văn minh thực sự, cần có những chế tài xử lý nghiêm những hành vi thiếu văn minh nơi công cộng.

 

Thienphuc : Thay đổi cuộc sống quá nhanh

Tôi cũng từng có dịp đi chung chuyến bay với một số thanh niên đi hợp tác lao động từ chuyến bay Hà Nội vào TPHCM. Họ có một số hành động mình khó chấp nhận được .

Tôi đứng sắp hàng chờ nhân viên hải quan xem chứng minh và vé để qua cửa, nhưng họ cứ luồn lên đứng phía trên và không cần xếp hàng cả 20 người, họ còn vượt lên vạch yêu cầu đi từng người ở cửa, cười nói oang oang, kể cả lên xe buýt họ còn đu lên 2 thanh sắt ( để mọi người nắm khi đứng ) để hích xà, đu lủng lẳng trên dây nắm .

Trong thâm tâm tôi nghĩ, nếu như họ làm hư hỏng thứ gì đó, thì họ sẽ phải bỏ ra nhiều tiền để trả cho việc làm đó. Nhưng tôi cảm thấy buồn cho họ, vì họ có lẽ lần đầu lên máy bay để chưa thể nhận ra được mình nên làm gì cho phù hợp.

Thương cho họ vì họ phải quanh năm làm lụng và chưa bao giờ nghĩ sẽ đi được máy bay. Đối với một số người, thì đây là dịch vụ bình thường, còn đa số khác thì đây vẫn là dịch vụ biểu tượng cho sang trọng,...

Mong rằng, có ai đó hướng dẫn họ học những phép lịch sự nơi công cộng, chăc chắn họ cũng sẽ làm cho những người phục vụ thoải mái hơn.

LĐM

Tôi rất đồng tình với ý kiến của bạn Trần Quang Huy : Nên dạy môn Văn hóa ứng xử trong trường phổ thông ở tất cả các cấp học, nhằm thay đổi nhận thức, thái độ và cách ứng xử của người dân.

Tôi cũng chưa đi nhiều nhưng nghe kể ở một số nước họ thường có những lời NHẮC NHỞ bằng TIẾNG VIỆT - ôi "vinh dự quá" - tiếng Việt đã "phổ cập" toàn thế giới rồi.

 

Phạm Hà : Văn minh đi máy bay của chúng ta quá kém

Tôi đồng ý với ý kiến của tác giả bài báo. Còn quá nhiều hành khách chúng ta coi việc đòi hỏi tiếp viên hàng không phải phục vụ đầy đủ vì mình đã bỏ tiền ra mua vé rồi. Tôi gặp nhiều trường hợp thản nhiên dùng điện thoại khi đã được các cô tiếp viên yêu cầu tắt máy qua loa.

Ngoài ra, ý thức của chúng ta còn quá kém khi có những hành vi xả rác trực tiếp ra sàn máy bay mà không hiểu rằng hành vi đó là một hành vi vô văn hóa. Một thói quen hàng ngày đã ăn sâu vào tiềm thức nên khi ở những nơi như trên máy bay, chúng ta vẫn xả rác một cách vô ý thức.

Trần Quang Huy : Nên dạy môn Văn hóa ứng xử trong trường phổ thông

Không chỉ ở trên máy bay mà ở hầu hết mọi nơi từ trên đường, công viên, công sở, cơ quan hành chính,...không có văn hóa xếp hàng, ý thức xã hôị rất yếu kém, mạnh ai ngươì âý làm và thường cho mình có quyền làm tất cả những gì mình muốn mà không tôn trọng đến những ngươì và môi trường xung quanh.

Chỉ buồn rằng, chương trình giáo dục của ta còn rất nhiều bất cập, vì thế mà cách truyền dạy về văn hóa ứng xử còn hạn chế lắm. Bộ giáo dục và đào taọ có nên chăng đưa môn: VĂN HÓA ỨNG XỬ hoặc VĂN HÓA GIAO TIẾP vào chương trình giáo dục phổ thông thì may mơí thay đôỉ được nhận thức của ngươì dân.

Một bạn đọc : Buồn !

Ra chỗ xếp hàng nơi công cộng, thấy ai đi, đứng lệch khỏi hàng thì đó đích thị là người Việt. Đó là kinh nghiệm của tôi. Buồn!

>> Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG