Để được điểm cao môn Địa

Để được điểm cao môn Địa
TP - Nội dung ôn thi tốt nghiệp THPT chủ yếu trong chương trình Địa lý lớp 12. Vì vậy, GV cần căn cứ Chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông, kết hợp sách giáo khoa, Atlat Địa lý Việt Nam, hướng dẫn ôn tập cho HS.

Bảy cách ôn tập

Dưới đây là một số cách ôn tập cụ thể, tùy theo điều kiện thực tế mà áp dụng.

1. Đọc lại các nội dung ghi chép trên lớp, nội dung SGK, hoặc các tài liệu khác, đánh dấu, tô đậm những câu, đoạn cần ghi nhớ, cần xem lại, đặt vấn đề nghi vấn về sự chính xác của các nội dung tiếp thu được thông qua ôn tập, so sánh đối chiếu với SGK và các tài liệu khác.

2. Viết lại nội dung cơ bản, chủ yếu của tài liệu theo cách hiểu của bản thân.

3. Trình bày lại nội dung ôn tập dưới dạng sơ đồ, các ý chính hoặc hình vẽ phù hợp. Sơ đồ, hình vẽ này cần đơn giản nhưng phải chứa đủ thông tin căn bản, cốt lõi, chủ yếu của nội dung học tập.

4. Phân chia nội dung ôn tập thành các phần nhỏ và bố trí thời lượng tương ứng, phù hợp cho mỗi phần. Mỗi khi chuyển sang ôn tập phần tiếp theo cần dành một thời gian phù hợp để ôn lại phần đã ôn trước.

5. Mỗi nội dung ôn tập cần ôn lại nhiều lần.

- Lần thứ nhất, nên dành thời gian để đọc lại toàn bộ nội dung kiến thức đã ghi chép và xác định các đoạn, phần kiến thức cơ bản, sau đó đọc lại từng phần, từng đoạn đó. Khi đọc xong mỗi đoạn, mỗi phần, mỗi nội dung thì viết lại các nội dung chủ yếu nếu chưa nhớ thì có thể nhìn lại tài liệu.

- Lần thứ hai, nên viết lại (trên giấy, trên bảng, máy tính) các nội dung đã ôn lần đầu mà không nhìn tài liệu (có thể bằng sơ đồ hình cây). Sau đó, mở tài liệu để kiểm tra mức độ đầy đủ, chính xác của nội dung ôn tập đã nhập hóa thành tri thức của cá nhân, những thông tin còn thiếu được chèn bổ sung vào bản ghi bằng loại mực khác màu nổi bật.

6. Trình bày nội dung ôn tập trước bạn hoặc nhóm bạn học. Các em có thể hỏi và tranh luận với nhau để hiểu và nắm vững nội dung đã ôn tập.

7. Tự lập bảng câu hỏi kiểm tra bằng cách chuyển các ý trong bài học thành các câu hỏi và tự trả lời.

Khai thác atlas, học vẽ biểu đồ

Trong quá trình ôn tập, song song với việc hệ thống hóa kiến thức, HS cần rèn luyện các kĩ năng cơ bản của môn Địa lí như kĩ năng sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam, kĩ năng vẽ biểu đồ, phân tích số liệu thống kê,...

Để khai thác tốt atlat, các em cần nắm được nội dung của bản đồ, các đối tượng địa lí được sử dụng trong bản đồ cũng như những bảng số liệu, biểu đồ, sơ đồ... Ngoài ra, các em phải nắm vững ký hiệu, màu sắc... để đọc được nội dung trên bản đồ.

Trước hết, các em phải xác định đúng mục đích của đề bài để lựa chọn dạng biểu đồ thích hợp nhất. Ví dụ, đề bài yêu cầu vẽ biểu đồ thể hiện diễn biến, hay tốc độ phát triển thì chọn vẽ biểu đồ đường. Nếu yêu cầu so sánh hoặc thể hiện được sự thay đổi thì vẽ biểu đồ hình cột. Nếu có hai đối tượng thì vẽ biểu đồ cột ghép.

Nếu chung đơn vị và các đối tượng có mối quan hệ thì vẽ biểu đồ cột chồng. Nếu biểu đồ kết hợp thì vẽ biểu đồ cột và đường. Còn khi thể hiện cơ cấu của đối tượng, nếu số năm bằng hoặc nhỏ hơn 3 thì vẽ biểu đồ hình tròn, nếu số năm bằng hoặc lớn hơn 4 thì vẽ biểu đồ miền, nếu thể hiện cả quy mô và cơ cấu thì vẽ hình tròn và phải tính R...

Với một số bài yêu cầu xử lý số liệu, như tính cơ cấu, tính bán kính, tính tốc độ tăng trưởng..., các em cần nhớ một số công thức để tính toán trước khi vẽ biểu đồ.

Để vẽ đúng biểu đồ

Nếu vẽ biểu đồ hình cột thì cột đầu tiên không bao giờ được trùng với trục tung, còn biểu đồ đường thì điểm đầu tiên phải xuất phát từ trục tung (năm gốc phải nằm tại tọa độ gốc). Nếu biểu đồ kết hợp thì phải vẽ biểu đồ cột trước, theo các bước tiến hành của biểu đồ cột, sau đó mới vẽ biểu đồ đường. Điểm của đường phải xác định giữa của cột mà không được xuất phát từ trục tung, trừ biểu đồ kết hợp nhiệt độ và lượng mưa.

Biểu đồ tròn được vẽ bằng compa và đây là biểu đồ duy nhất được sử dụng bút chì (để vẽ đường tròn). Tất cả các biểu đồ khác, nhất thiết phải vẽ bút mực cùng màu với chữ viết trong bài thi. Khi vẽ biểu đồ tròn, các em kẻ một đường thẳng đến tâm; sau đó, theo chiều kim đồng hồ, lần lượt thể hiện các đối tượng trong biểu đồ. Khi vẽ biểu đồ cột, hoặc đường, hoặc kết hợp, nếu hai đơn vị phải vẽ hai trục tung thì các em phải chọn tỉ lệ độ cao của hai trục cân xứng nhau...

Các em cần nhớ, sau khi vẽ biểu đồ phải điền số liệu lên biểu đồ, viết bảng chú thích và tên biểu đồ... Nếu thiếu bất kỳ một trong các chi tiết đó, các em sẽ bị trừ 0,25 điểm.

Chúc các em thành công!

Võ Thị Thu Hà
GV trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG