Nét Huế của bà chủ vườn An Hiên

Nét Huế của bà chủ vườn An Hiên
TP - Nhiều người nói, du khách chưa đến thăm ngôi nhà vườn cổ An Hiên là chưa biết hết những giá trị của nhà vườn Huế. Xin được nói thêm: Chưa được gặp gỡ nữ chủ nhân vườn An Hiên coi như chưa đến An Hiên.
Nét Huế của bà chủ vườn An Hiên ảnh 1

Bà Tùng Chi - Chủ nhân An Hiên. Ảnh: Đào Hoa Nữ

Sành Huế và sành chơi như Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã phải giật mình trước sự am tường của bà Tùng Chi về Hoa trái quanh tôi. Lắm người không thích hoa trà vì nó chỉ có sắc mà không có hương, trong đó có Hoàng Phủ Ngọc Tường.

 Té ra không phải. Bà Tùng Chi lại nghĩ khác, từng trải như cụ Nguyễn Du mới nhận ra rằng với hoa trà mi con ong đã tỏ đường đi lối về. Người không biết nhưng con ong nó biết.

Nếu có “nhà nông học về Truyện Kiều” thì người đầu tiên phải kể đến có lẽ là bà Tùng Chi. Quanh năm sống với hoa trái tràn ngập trong vườn nên bà biết con ong bầu rất mê hoa trà. Khi nó đã hút nhụp rồi thì đuổi mấy cũng không chịu bay.

Và mới biết vốn sống của cụ Nguyễn Du thật đáng nể. Giao thời năm cũ và năm mới ta bắt gặp Hải đường lả ngọn đông lân/Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà. Vào hạ thì Dưới trăng quyên đã gọi hè/Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông.v.v…

Quẻ bấm độn của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong Hoa trái quanh tôi tôi thích nhất câu “…Vườn An Hiên không chỉ là nơi ở mà là một cuốn tự truyện viết bằng nét chữ của cây cỏ”.

Và tôi cũng xin được chua thêm rằng: Cuộc đời của chủ nhân An Hiên cũng là một cuốn tự truyện, một câu chuyện nhiều tập đến bây giờ mới được kể đầy đủ. Tôi xin góp mấy mẩu chuyện nhỏ.

Cũng là lớp con cháu cả nhưng người có chức sắc thì bà xưng tôi và gọi ông. Trong khi đó cánh văn nghệ sĩ, báo chí bà thường xưng cô và gọi anh rất thân mật. Gặp điều gì sơ suất bà chỉ vẻ rất tận tình. Mỗi lần được bà tiếp chuyện, kiến thức, vốn sống của tôi cứ dày thêm.

Khoảng năm 1993, tôi hướng dẫn một đoàn hơn 10 đồng nghiệp từ miền Đông Nam Bộ ra Huế tham quan. Từ chùa Linh Mụ trở về thành phố cả đoàn yêu cầu ghé thăm một ngôi nhà vườn. Dĩ nhiên là tôi dẫn các bạn vào thăm vườn An Hiên.

Tôi vào phòng khách chào bà và xin phép. Bà bảo: Anh cứ tự nhiên. Trước khi cáo lui, mọi người đều rất muốn được diện kiến bà. Tôi lại ngỏ lời. Bà bảo: Được thôi. Nhưng anh nói các bạn chờ cho 30 phút. Lẽ ra anh điện thoại báo trước cho cô biết thì hay hơn. Để người ta đợi lâu hơi phiền, có người dễ sinh ra hiểu lầm…

Lần khác, dịp gần tết tôi lên vườn An Hiên. Tôi đi một mình vì chỉ để chụp mấy tấm ảnh cho số báo Xuân. Xong việc tôi vào thăm hỏi bà trước khi ra về. Gặp lúc đang rỗi bà giữ tôi lại hỏi đủ thứ chuyện. Trong câu chuyện có hai lần bà lưu ý:

Các anh phải viết làm sao để mọi người hiểu Huế bây giờ là di sản văn hoá thế giới rồi thì khách đến tham quan nhiều hơn. Phải làm sao để chất lượng phục vụ du khách tốt hơn, vui lòng khách đến vừa lòng khách đi... Cô cứ sợ phố phường nhiều chỗ còn nhếch nhác, các dịch vụ du lịch chưa tốt thì khách không hài lòng, họ nghĩ không tốt về thành phố Huế, về con người Huế.

Câu chuyện đang dang dở thì nhà nghiên cứu Phan Thuận An cùng một nhà báo người Pháp đi vào. Anh Phan Thuận An giới thiệu chủ - khách rồi thưa với bà rằng: Anh bạn này đã văn kỳ thanh… nay rất muốn được diện kiến cô.

Bà bảo: Chờ một tý để cô vào mặc áo nhé. Anh Phan Thuận An nói: Không sao, xin cô cứ tự nhiên như thế. Chúng cháu chỉ ghé khoảng 10 phút rồi còn phải lên chùa Linh Mụ là công việc chính của cả đoàn.

Bà tiếp chuyện nhà báo Pháp, dĩ nhiên là bằng tiếng Pháp, ở gian giữa ngôi nhà rường. Nhà báo Pháp mở máy xin được chụp ảnh bà. Bà từ chối. Khi thấy câu chuyện giữa chủ và khách ra vẻ rất hứng khởi, nét mặt bà rạng ngời, từ ngoài hiên tôi bấm nhanh một kiếu. Đèn Flat loé sáng, bà giật mình hỏi: Ai chụp đó. Anh Thanh Tùng hả. Bậy quá. Lần sau không được như thế nhé.

Tôi chỉ còn biết xin lỗi bà.

Lúc đó tôi mới hiểu rằng, khi tiếp khách lạ, tiếp đại diện các cơ quan, chính quyền bà luôn luôn mặc áo dài, tóc bối và có trang điểm nhẹ, rất lịch sự. Chỉ có những người đã rất thân tình bà mới tiếp chuyện khi đang mặc thường phục là bộ bà ba bằng lụa trắng và để tóc xoã.

Từ cách ứng xử trong giao tiếp và những lời chỉ dẫn lớp con cháu tôi hiểu quan niệm của bà là người phụ nữ phải có đủ tứ đức; phải rất lịch sự khi giao tiếp, đặc biệt là khi giao tiếp với nam giới.

Mấy hôm sau lại có công việc lên mạn Kim Long. Tôi ghé thăm bà, biếu bà mấy tấm ảnh vườn An Hiên đang thay lá, nẩy lộc đón xuân vừa mới chụp hôm trước. Tôi cắt luôn mấy tấm phim cho vào bì đựng ảnh, trong đó có cả tấm phin chụp bà đang tiếp khách trong bộ bà ba trắng.

Bà nhận ảnh, cám ơn, rồi trả phim lại cho tôi. Bà nói: Anh giữ lấy lỡ có khi cần phải sang thêm. Cô hiểu ý anh rồi đó. Cô không giận anh đâu nhưng anh phải nhớ là không riêng gì với cô, khi chụp ảnh phụ nữ thì phải yêu cầu họ ăn mặc thật lịch sự.

MỚI - NÓNG