Âm hưởng 60 năm của bài thơ 'Tây Tiến'

Âm hưởng 60 năm của bài thơ 'Tây Tiến'
TP - Vừa qua nhà thơ Quang Dũng, người thôn Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây đã được tặng giải thưởng Nhà nước với các tác phẩm: Tập thơ “Mây đầu ô”, tập bút ký “Nhà đồi”, bài thơ “Tây Tiến” cùng thơ văn Quang Dũng.

Trong đợt này còn có 4 nhà văn người Hà Tây cũng được tặng giải thưởng Nhà nước đó là nữ thi sĩ Xuân Quỳnh – Hồ Phương – Nguyễn Kiên – Bằng Việt. Trong niềm vui của ngày xuân đổi mới xin được nhớ về bài thơ nổi tiếng của Quang Dũng. Đó là bài “Tây Tiến”.

Có lần tôi hỏi một số nhà thơ quân đội: Nếu chỉ được mang theo 5 bài thơ hay nhất viết về chiến tranh cách mạng và anh Bộ đội Cụ Hồ vào thế kỷ mới thì anh sẽ chọn những bài thơ nào?

Trong số 9 nhà thơ và phê bình văn học của quân đội gồm: Đỗ Trung Lai - Hồng Diệu, Nguyễn Hồng Hà, Hồng Thanh Quang, Anh Ngọc, Lê Thành Nghị, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng thì Đỗ Trung Lai quê ở Mỹ Đức chỉ chọn một bài “Tây Tiến”;

Hồng Thanh Quang: 5 bài theo thứ tự: “Tây Tiến”, “Đất nước”, “Bên kia sông Đuống”, “Núi đôi”, “Cuộc chia ly màu đỏ”;

Lê Thành Nghị nói chỉ mang theo 4 bài: “Tây Tiến”, “Núi đôi”, “Đất nước”, “Phan Thiết có anh tôi”;

Trần Đăng Khoa: Nếu bày “Mâm ngũ quả thơ” thì tôi bày “Việt Bắc”, “Tây Tiến”, “Nhớ máu”, “Đất nước”, “Duyệt binh”, còn Nguyễn Đức Mậu thì xếp “Tây Tiến” sau “Nhớ máu” và “Nhớ” rồi đến “Màu tím hoa sim” và “Núi Đôi”.

Vào dịp ngày thành lập quân đội ở Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức khánh thành bia tưởng niệm các liệt sĩ con em người Mai Châu và bia ghi chiến tích trung đoàn Tây Tiến cùng đoàn võ trang công tác miền Tây.

Một điều đáng chú ý và hết sức cảm động là mặt sau bia khắc mười câu thơ lấy trong 34 câu của bài “Tây Tiến” do Quang Dũng sáng tác năm 1948. Đây là điều mới lạ vì từ trước tới nay chưa thấy một bài thơ nào lại được khắc sau tấm bia liệt sĩ.

Mười câu thơ đó là: Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời/ Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người/ Nhớ ơi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi/ Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Vừa qua, một đoàn gồm 8 người do giáo sư Lê Hùng Lâm, một chiến sĩ Tây Tiến cũng dẫn đầu, sang thăm hữu nghị tỉnh Hủa Phan (Sầm Nứa), cụ trẻ nhất là 70 tuổi và cao tuổi nhất là 82 tuổi.

Trong chương trình thăm chiến trường xưa, đoàn gặp cụ Trần Đình Thư (một người Việt từng ở Sầm Nứa) nay đã 80 tuổi, quê ở xã Tức Mặc, thành phố Nam Định đi Tây Tiến năm 1947 rồi lạc đơn vị ở lại tham gia Bộ đội Pa Thét Lào, được thưởng nhiều huân chương, lấy vợ Lào và đổi tên thành Chăn Thi.

Đoàn tặng cụ cuốn sách “Tây Tiến” 50 năm nhìn lại, cụ cảm động và nói “trời ơi quý hơn vàng, sách này sẽ đem theo tôi đến trọn đời”.

Bước vào thế kỷ 21, một thế kỷ đầy biến động, một Tây Tiến hào hùng vẫn âm vang trong tâm hồn các thế hệ hôm nay và cả mai sau.

Tây Tiến

Quang Dũng

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Doanh trại bừng lên hội đuốc, hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viêng Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

Phù Lưu Chanh 1948

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.