Đến chơi nhà Y Moan

TPO - TP - 30 năm đủ định giá Vàng cho giọng ca Y Moan. Nửa đời người, hàng ngàn cuộc trình diễn trên sân khấu sang trọng giữa các thành phố lớn, nhiều hơn thế những buổi đầu trần chân đất hát trên nương rẫy với đồng bào vùng sâu vùng xa...
Đến chơi nhà Y Moan ảnh 1
Y Moan với cây đàn Brố

Ở nhiều nơi anh hát không cát sê tặng thanh thiếu nhi buôn làng dưới trời đêm ngập tràn sương lạnh tới nỗi rách màng phổi, tưởng chừng vĩnh viễn tắt tiếng.

30 năm ca hát, tới nay Y Moan vẫn cứ là nam ca sĩ hàng đầu Tây Nguyên, cất giọng là không gian say đắm lại rừng rực xúc cảm đại ngàn thác đổ, hoang sơ ...

Đúng 9h sáng, điện thoại rung “ Moan chờ trước cổng cơ quan nè! ”. Tôi vù xuống. Y Moan láng coóc trong bộ vest đen, hất đầu rất điệu, chiếc xe ga xanh ngọc treo lủng lẳng cà chua rau quả lập tức lao như tên bắn.

Phóng vội theo, gần tới ngã tư Trần Nhật Duật - Phan Chu Trinh, tôi la “ Y Moan, đèn đỏ!” nhưng gã cứ vút qua, tôi đành leo xe lên lề bám theo cho kịp, sợ sểnh ra lại không biết chàng rẽ hướng nào. Râu bạc cả mảng rồi mà vẫn đầu trần tóc bờm phi như ngựa đua qua phố !

Một cơ ngơi khá rộng rãi trau chuốt bên con đường cấp phối cuối buôn Dhă Prong xã Cư Bur, hoàn toàn không là “ túp lều nhỏ” như lời Y Moan rào đón.

Như những gia đình Êđê tân tiến thời... chắp vá, cấu trúc khu nhà gồm nhiều khối nối nhau, theo kiểu có tới đâu làm tới đó. Phía sau là ngôi nhà xây lát gạch hoa cốt tiện nghi.

Ở giữa ngẫu hứng gian nhà sàn nâu trầm màu gỗ quý, gió ào ào không vách qua các khối tượng, phù điêu, chiêng ché xoắn xuýt dây rừng.

Bên trái chon von chiếc chòi mái lá để chủ nhân cùng bạn bè uống rượu đón trăng. Trước nhà lá tre xào xạc. Cạnh chiếc cổng luôn mở rộng, chủ nhân đang cho láng khoảnh sân xi măng ra tận mép đường làm bãi đậu xe.

Tất cả toát lên vẻ chào mời mến khách vô điều kiện. Tôi vui mừng, nhớ cách đây chưa lâu vợ chồng con cái nhà Y Moan còn sinh hoạt chen chúc trong gara lợp tôn nóng bức của Đoàn Ca múa, heo nuôi người nên người chấp nhận sống ... cùng heo.

Đến chơi nhà Y Moan ảnh 2
Y Moan chụp với fan hâm mộ

Y Moan Enuôl chào đời năm 1957 tại buôn Dhă xã Lạc Giao thị xã Buôn Ma Thuột. Vật đổi sao dời, buôn Dhă sau mấy lần chuyển cư, nhập làng đã trở thành buôn Dhă Prong, mấy trăm hộ quây quần đầu nguồn suối Ea Drong quanh năm nước mát.

Cha mẹ Y Moan nghèo, đông con, 7 anh em thuở ấu thơ khét nắng chăn trâu làm rẫy. Dân tộc Êđê theo tập quán mẫu hệ, anh của mẹ gọi là bác, em của mẹ gọi là cậu. Bác và cậu là những người có vị trí quan trọng trong dòng họ.

Ama Piêr, bác của Y Moan hát hay, kể khan giỏi, thương thằng cháu thông minh nhanh nhẹn, đi đâu cũng gọi cháu theo, truyền dạy từ lễ nghĩa cho tới cách cầm cung, bắn ná, lấy mật, đu dây. Và xin cho cháu vào trường tiểu học Nguyễn Du.

Học trò trường Nguyễn Du chỉnh tề đồng phục quần soóc xanh, sơ mi trắng, giày ba ta, đi xe đạp. Y Moan đến trường chỉ có cái quần đùi cũ, dải sadar (khố ngắn) chỉ quấn được 1 vòng. Ráng hết tiểu học, leo tới lớp 7 thì ... Y Moan chịu hết nổi sự bó buộc trường lớp, quay về làm rẫy.

Buôn Ma Thuột giải phóng. Nhạc sĩ Kpa Púi và nhạc sĩ Ama Nô trưởng phó Đoàn Văn công B3 vô làng chơi, nghe Y Moan hồn nhiên hát, giọng dày sâu như rừng thẳm, kinh ngạc và ưng ý lắm ! Ngày mai cháu xếp đồ theo tao nhé ? Dạ đi liền cũng được. Cháu có gì đâu mà xếp !

Đoàn gồm mười mấy diễn viên nghệ sĩ từ cứ ra, rặt ri tác phong quân đội. Y Moan lẽo đẽo theo sát Ama Nô, ông dạy gì nghe nấy: cầm đũa 2 đầu, cắt lốp xe luồn quai dép râu kiểu bộ đội cụ Hồ.

Mấy tháng sau Y Moan diện quân phục về làng. Cả buôn né ra kêu thằng Moan hát hay hơn trước nhưng hôi quá. Y Moan lôi cục xà bông vàng khè cứng ngắc trong túi ra giải thích thứ này không thơm nhưng giặt đồ sạch hơn trái bồ hòn mà buôn mình hay vò ngoài suối ...

Luyện thanh gần một năm, cuối 1976 lần đầu tiên Y Moan tham gia hội diễn ca múa chuyên nghiệp các tỉnh tại Quy Nhơn, hát bài “ Gánh thóc vào kho” của Ama Nô đoạt ngay huy chương vàng. Cả tháng trời đeo vô tháo ra, sung sướng.

Từ đó trở đi, cứ hễ Y Moan dự thi là gặt hái huy chương. Bao nhiêu chiếc tất cả thì anh không nhớ, không đếm hết. Giới ca sĩ chuyên nghiệp nghe chất giọng Y Moan mà thèm: Bẩm sinh âm vực đã rộng hơn 2 bát độ, vút lên tới sí, rớt thẳng xuống là nhẹ nhõm như không, sang trọng, mạnh mẽ, nội lực dồi dào như nước nguồn Sêrêpôk.

Với Y Moan thì không ở đâu vui thích gần gũi cho bằng về giữa buôn làng luôn đói văn hóa hát cho đồng bào mình nghe. Với một chiếc ghi ta, anh có thể “ bao trọn đêm”, hát liên tục cả trăm bài theo tiếng hò reo phấn khích của khán giả.

Đến chơi nhà Y Moan ảnh 3
Y Moan thời trẻ cùng vợ và con trai

Dù có đi khắp Đông Tây, Y Moan vẫn chỉ nhớ nhất những chuyến lưu diễn về nơi chưa có điện, chưa có đường, mất an ninh vì fulro phục kích khắp nơi; Nhớ những đêm ngày hát không micrô cùng bộ đội trên biên giới Tây Nam, không hiểu sao đạn nổ bốn bề mà mình vẫn may mắn vẹn nguyên.

Nhớ đoàn đi đến đâu, đồng bào cũng gùi khoai chuối, mít bơ, bầu bí tới rưng rưng “ Thương lắm, thương lắm!”, ép phải nhận không thì giận thì buồn.

Năm 2001, sau một chuyến diễn phát động phong trào dài ngày ở Đắk Nông, Y Moan bắt đầu ho ra máu. Vào bữa, tay bưng bát cơm chưa kịp và máu đã ộc cả tô.

Xe cấp cứu đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ lắc đầu: Rách màng phổi rồi, còn hát nữa sẽ không cứu nổi đâu. Chữa lâu lắm đấy ! Vậy mà chỉ nửa năm sau anh đã kịp nhảy theo đoàn diễn phục vụ ở Krông Păk.

Tôi thì nhớ ngày còn học trong trường phổ thông dân tộc nội trú NTrang Lơng ngoại thành Buôn Ma Thuột hơn hai mươi năm trước, sau đêm tưng bừng thưởng thức chương trình biểu diễn phục vụ của đoàn Ca múa nhạc Đắk Lắk, gần hết bọn nam sinh cả trường rủ nhau vò tóc xoăn, mua ủng ống cao, tập nhún vai liếc mắt bật ngón tay hát rống muốn đứt gân cổ, ráng bắt chước sao cho giống y sì điệu bộ thần tượng Y Moan !

Tuổi học trò ngờ nghệch. Có biết đâu “ thần tượng” da nâu tóc xoăn bước xuống sân khấu, về tới đoàn lại bù đầu tưới rau làm cỏ, luyện thanh tới rũ người vì bụng đói cổ khàn, về tới nhà - gian phòng nhỏ xíu trong dãy tập thể đoàn ca múa - là choáng váng nghe vợ than con khóc heo kêu ỏm tỏi.

Ca sĩ trên đất nghèo Tây Nguyên luôn phải xác định “ phục vụ là chính” nên dù thỉnh thoảng có được mời vài chuyến bay sô vẫn chả đủ ấm bụng mấy cái tàu há mồm trong nhà.

Hai cậu con trai Y Vôl, Y Garia càng lớn càng mê âm nhạc dù chất giọng bẩm sinh không đặc sắc lắm. Thương con, Y Moan bàn với vợ dứt khoát phải tạo điều kiện cho bọn trẻ học hành trường lớp đàng hoàng, không thể chỉ ỷ vào “ vốn tự có” kiểu như bố ngày xưa.

Danh hiệu nghệ sĩ ưu tú chẳng kèm nhiều tiền nhưng may sao, cũng nhờ nó mà Y Moan dễ xin ngân hàng cho vay tín chấp mấy chục triệu, mua được 4 hecta đất trống cuối buôn Mlăn xã Ea Mta huyện Cư Mgar, cách phố 40km.

Vợ chồng đèo nhau lên Viện nghiên cứu Nông lâm nghiệp Ea Kmăk mua hạt giống cà phê về moi đất ươm bầu ngay trên góc sân Đoàn Ca múa. Tự cuốc đất, đào hố, thuê xe cày chở giống đi trồng, vợ chồng Y Moan lam lũ đèo nhau sáng đi tối về trên chiếc xe “babétnhè” thích thì nổ không thích thì câm!

Trời thương đời nghệ sĩ nghèo, cà phê lớn nhanh như thổi, chỉ vụ thu bói đầu đã trả hết nợ ngân hàng. Từ đó nghệ sĩ ưu tú mới đỡ bị cấu xé về trách nhiệm cơm áo, tháng tháng rủng rỉnh ra bưu điện chuyển tiền chi viện cho 2 quý tử đang theo học Sáng tác và Thanh nhạc ở trường Nghệ thuật Quân đội Hà Nội.

Ở nhà chỉ còn một gái út học phổ thông, được đặt tên phỏng theo một thành phố nổi tiếng ở nước Đức mà Y Moan từng đến biểu diễn - HDresdel ...

Đến chơi nhà Y Moan ảnh 4
Y Moan cõng thầy Nguyễn Cường trên thảo nguyên

Bầu bạn nhiều, nhưng thâm tình nghề nghiệp thì Y Moan có 2 nhạc sĩ khác nhau như trời với đất cực kỳ gắn bó: Nguyễn Cường trai Hà Nội danh tiếng đã sáng tác hàng loạt ca khúc sôi động, trữ tình cho Tây Nguyên như “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột”, “ Ly cà phê Ban Mê”, “Thênh thênh oh ơi”...

Đặc biệt ca khúc “Ơi Ma đrăk” được Y Moan hát nhiều hát hay tới nỗi không ít người nhầm tưởng anh sinh ra nơi đó. Đôi lần nhạc sĩ - ca sĩ giận nhau thề không nhìn mặt. Nhưng chẳng bao lâu Y Moan đã chịu nhận lỗi, lại thầy thầy em em cực kỳ khăng khít.

Nhạc sĩ thứ hai - Y Phôl Ksor ở buôn Sek xã Dlieyang huyện Ea Hleo, từ khi chưa học sáng tác đã viết được gần chục ca khúc từ giai điệu đến ca từ “đẹp rợn người”, trong số đó Y Moan mê nhất, khen sang cả nhất là bài “Đi tìm lời ru mặt trời”: Hát giữa mọi người không ngại ngần, lời hát nữ thần Mặt trời, nữ thần Mặt trời... Tôi đi tìm em...

Thì ra cơ ngơi chắp nối này cũng không có mùi vị cátsê của nửa đời nghệ sĩ ưu tú. Đất của mẹ cho, đá Y Moan tự đập, cộng với 25 triệu đồng tỉnh tặng, gom cùng tiền vợ chồng làm rẫy nuôi heo.

Anh vô tư xòe cho tôi xem lòng bàn tay chai sần, rồi hớn hở giới thiệu lai lịch của từng chiếc cầu thang nhà sàn, đoạn dây rừng khó kiếm, bức tượng mồ mới đẽo, chiếc kpan năn nỉ hoài chủ nhân ở buôn xa mới chịu nhượng, xúc động nói:

“Coi vậy chớ so với một số anh em nghệ sĩ Tây Nguyên khác mình vẫn may mắn nhiều nhiều. Mình sẽ hát 10 năm nữa tới hết tuổi về hưu, sau đó không lên sân khấu nhưng vẫn sẽ hát cho buôn làng nghe và truyền dạy kinh nghiệm cho lớp trẻ để trả bớt ơn đời...”.

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.