"Cuộc chiến pháp lý" quanh ngôi nhà cố thi sĩ Xuân Diệu

"Cuộc chiến pháp lý" quanh ngôi nhà cố thi sĩ Xuân Diệu
TP - "Nhà tôi hăm bốn Cột Cờ/ Ai yêu thì đến hững hờ thì qua" - Hai câu thơ nôm na ấy là của Xuân Diệu làm từ những năm 60 của thế kỉ trước.
"Cuộc chiến pháp lý" quanh ngôi nhà cố thi sĩ Xuân Diệu ảnh 1

Thi sĩ đã ra người thiên cổ hơn hai mươi năm nay, phố Cột Cờ cũng thay tên thành đường Điện Biên Phủ từ lâu nhưng chuyện “nhà tôi” chưa dừng lại.

Ngày 18/3/2008, ông Cù Huy Hà Vũ (con trai cố thi sĩ Huy Cận và bà Ngô Thị Xuân Như - em gái ruột cố thi sĩ Xuân Diệu) đã được bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Văn phòng UBND quận Ba Đình kí giấy mời đến dự cuộc họp tại trụ sở hồi 8h ngày 20/3/2008 nhằm “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội về việc thu hồi 1phần diện tích nhà đất tại 24 đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình để làm Phòng lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu...”.

Tại cuộc họp này (diễn ra khá nhanh gọn, từ 8 giờ 20 đến 9 giờ 15 ngày 20/3), một biên bản “V/v: giao Quyết định số 7523/QĐ-UB ngày 11/12/2003 của UBND thành phố Hà Nội...” đã được lập ra, khẳng định “Tổ công tác yêu cầu ông Cù Huy Hà Vũ thực hiện quyết định trên, bàn giao xong trước ngày 27/3/2008”.

Biên bản có chữ kí của khá đông thành phần. Ông Cù Huy Hà Vũ kí tên đầu tiên, sau những dòng “phi lộ” dưới đây: “Tôi đã nhận Quyết định số 7523/ QĐ-UB của UBND TP Hà Nội do UBND quận Ba Đình (do Phó Chủ tịch Bùi Văn Thông  đại diện) trao và đây là lần đầu tiên tôi được trao quyết định này. Đây là một quyết định trái pháp luật”.

Khá kịp thời, ngày 23/3/2008, ông Vũ đã có “Đơn khiếu nại” “Kính gửi: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo”. Trong “Đơn khiếu nại”, ông Vũ cho rằng “Quyết định số 21/2002 QĐ-BVHTT của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin là hoàn toàn trái pháp luật, cụ thể là Luật Di sản văn hóa..., trái pháp luật về Thừa kế, về Đất đai, Nhà ở...”.

Ông Vũ cho rằng “Luật DSVH chỉ quy định về thành lập bảo tàng... chứ không quy định về thành lập Phòng lưu niệm”.

Còn nếu “Giả sử Phòng lưu niệm là bảo tàng thì Bộ trưởng Bộ VH- TT cũng không có thẩm quyền quyết định thành lập bảo tàng” vì, theo ông Vũ, điều 50 của Luật Di sản Văn hoá đã quy định chỉ có hai chức danh có thể làm việc này là Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND cấp tỉnh!

Cái “giả sử” thứ hai lại bác luôn cái “giả sử” thứ nhất vì “di sản của nhà thơ không thuộc sở hữu của Nhà nước mà thuộc sở hữu của cá nhân tôi-Cù Huy Hà Vũ-với tư cách người thừa kế duy nhất của nhà thơ” và “chỉ có tôi với tư cách người thừa kế Nhà thơ Xuân Diệu mới có quyền lập hồ sơ  đề nghị thành lập bảo tàng Nhà thơ Xuân Diệu (bảo tàng tư nhân) gửi đến người có thẩm quyền”.

Sau 3 “căn cứ” (với 2 “giả sử”) là 2 “căn cứ” khác, một dẫn Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (do Phó Thủ tướng Phan Văn Khải-thời điểm 16/7/1996, kí), trong đó Điều 2 khẳng định “Ba hộ gia đình hiện đang ở ngôi nhà này (ông Cù Huy Cận, Cố Nhà thơ Xuân Diệu và ông Vũ Quang Triệu) vẫn được ở nguyên trạng nhưng được phân chia ranh giới cho từng hộ gia đình có lối đi riêng...”; một quy kết “Bộ trưởng Văn hóa Thông tin là hoàn toàn mâu thuẫn với việc... đã chính thức công nhận tôi-Cù Huy Hà Vũ-là người thừa kế nhà thơ Xuân Diệu thông qua việc cấp cho tôi vào ngày 13/2/1995 “Giấy chứng nhận đăng kí bản quyền tác phẩm ”trong đó ghi rõ “Chủ sở hữu bản quyền tác giả Xuân Diệu: Cù Huy Hà Vũ (Người thừa kế)”! Các “Giấy chứng nhận Đăng kí bản quyền tác phẩm” đều có chữ kí của ông Thượng Thuận, Giám đốc Cơ quan bảo hộ quyền tác giả Việt Nam, kèm theo dòng chữ đánh máy “Theo đơn ngày 23/12/1994 của bà Ngô Thị Xuân Như và ông Ngô Xuân Huy là hai em ruột nhà thơ XUÂN DIỆU”...

"Cuộc chiến pháp lý" quanh ngôi nhà cố thi sĩ Xuân Diệu ảnh 2
Luật sư Cù Huy Hà Vũ  Ảnh: V.K

Cũng  đề ngày 23/3/2008 là lá đơn của bà Ngô Thị Xuân Như (em gái nhà thơ Xuân Diệu, mẹ đẻ của  Cù Huy Hà Vũ) cũng gửi cho Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, “trân trọng đề nghị Chủ tịch bãi bỏ Quyết định số 7523/QĐ-UB ngày 11/12/2003... nhằm giúp người thừa kế và gia đình nhà thơ Xuân Diệu được sống yên ổn tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội và nhằm phát huy một cách xứng đáng di sản của nhà thơ Xuân Diệu”.

Được biết, đây không phải là lần đầu ngôi nhà Xuân Diệu từng sống được đưa ra trước pháp luật và trên công luận.

Thi sĩ Xuân Diệu mất khá đột ngột ngày 18/12/1985 tại Bệnh viện Hữu Nghị, không vợ và con đẻ, cũng không để lại di chúc.

Hơn 10 năm sau, “Cuộc chiến pháp lý” xung quanh chỗ ở cũ của Xuân Diệu dường như có nguy cơ bùng nổ? Nhà thơ Huy Cận (tức ông Cù Huy Cận, bố đẻ Cù Huy Hà Vũ), ông Ngô Xuân Huy (em trai của thi sĩ Xuân Diệu), bà Ngô Thị Xuân Như (em gái Xuân Diệu, mẹ đẻ Cù Huy Hà Vũ) trên thực tế họp thành một “chiến tuyến” bảo vệ cho Cù Huy Hà Vũ.

Nhà thơ Huy Cận gửi đơn thư đến nhiều nơi, khẳng định Hà Vũ là “cháu ruột và con nuôi tinh thần” của Xuân Diệu, hi vọng Hà Vũ sẽ “giữ gìn, bảo quản di sản văn hóa, văn học của nhà thơ để lại” (thư ngày 22/3/1996 gửi Văn phòng Chính phủ).

Bà Ngô Thị Xuân Như và ông Ngô Xuân Huy làm bản “Công nhận người thừa kế di sản theo pháp luật của ông Ngô Xuân Diệu (tức nhà thơ Xuân Diệu)”, sau khi dẫn ra những đoạn thư của cố thi sĩ gửi Cù Huy Hà Vũ “Bác rất quý mến Vũ. Bác quý vì Vũ là đứa con duy nhất của bác Diệu...”, đã “trân trọng đề nghị các cơ quan pháp luật, các cấp chính quyền và mọi người tạo điều kiện cho anh Cù Huy Hà Vũ được hưởng và bảo vệ mọi quyền lợi của ông Ngô Xuân Diệu theo luật định” (bản “Công nhận...” làm ngày 10/1/1997)...

Hơn mười năm, vật đổi sao dời, Nhà thơ Huy Cận cũng đã theo Nhà thơ Xuân Diệu về cõi vĩnh hằng, con và cháu các ông lại phải đối diện với một vụ việc mới mà cũ. Liệu kết cục sẽ ra sao? Chúng ta hẵng cứ chờ xem!

25/3/2008

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.