Nhớ anh Thanh Hải

Nhớ anh Thanh Hải
TP - Đêm nay trên bến Ô Lâu/Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ/…Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác Hôn… là những câu thơ trong số những câu thơ hay nhất viết về Bác Hồ của nhà thơ Thanh Hải trong bài thơ Cháu nhớ Bác Hồ.
Nhớ anh Thanh Hải ảnh 1
Nhà thơ Thanh Hải

Tôi đọc từ nhỏ, và bây giờ vẫn nhớ.

Thế là đã 28 năm nhà thơ Thanh Hải đi xa... Hăm  tám năm trước, mùa mưa, giữa tháng mười hai dương lịch, Huế đưa anh về miền Thiên cổ. Đám tang nhà thơ lặng lẽ người xe đi trong mưa dầm, chầm chậm, nặng trĩu nỗi buồn.

Từ nhà anh lưng chừng dốc đường Trần Phú, đám tang qua cầu Kho Rèn, qua nhà máy điện, qua những địa chỉ quen thuộc của mỗi đời người, ra đường Lê Lợi, vòng về trụ sở Hội văn nghệ, dừng lại để anh chào cái tổ ấm Làng văn Huế của mình lần cuối, rồi rẽ lên đường Điện Biên Phủ.

Ôi thành phố Huế thân yêu mà bao nhiêu năm “trên xanh” anh hằng mơ, hằng gọi. Thế mà anh về sống với thành phố mới được năm năm!

Đoàn xe tang đưa anh lên khuôn viên nghĩa trang mà cụ Phan Bội Châu mua đất từ thời 1925 cụ bị thực dân Pháp giam lỏng ở Huế, gọi là Nghĩa trang Phan Bội Châu.

Cụ Phan tuyên bố đây là nơi dành làm nơi an nghỉ cho các nhà yêu nước và cách mạng ở Huế. Ở đây bây giờ có mộ của nữ sĩ Đạm Phương (bà nội của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm); nhà văn Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn); nhà cách mạng Nguyễn Chí Diễu, Lê Tự Nhiên.v.v..

Khu nghĩa trang nằm ngày trong thành phố Huế. Bây giờ con đường qua nghĩa trang Phan Bội Châu ấy được đặt tên là đường Thanh Hải. Ngày đưa tang anh 28 năm trước, mưa như trút. Hình như trời Huế khóc tiễn đưa anh. Mưa, mà dòng xe, dòng người đi đưa đám anh kéo dài hàng cây số, nhiều người đứng ngậm ngùi tiễn biệt:

Đi theo sau hồn anh

Cả làng quê đường phố

Cả lớn nhỏ, gái trai

Đám càng đi càng dài 

Đó là thơ anh viết về một chiến sĩ Cộng sản ở miền Nam thời Mỹ Diệm. Âu đó cũng chính là sự tiên tri cho một cách ra đi như là sự trở về giữa lòng quê hương dân tộc của “Những đồng chí trung kiên” như anh.

Người dân Huế hỏi nhau: “Đám tang ai mà đông dữ vậy?”. Người dân Huế trả lời: “Đám tang Thanh Hải, một nhà thơ cách mạng”. Thế là mọi người Huế lặng lẽ nhập vào dòng người sau linh cữu anh.

Và hoa, cơ man nào là hoa. Hoa trong mưa như nước mắt thơ, nước mắt người rưng rưng tiếc nuối. Trong phút chốc, nấm mộ anh trở thành một lẵng hoa lớn nằm giữa vòng người vây chặt...

Trên mộ người cộng sản

Bông hồng đỏ và đỏ

Như máu nở thành hoa...

Hoa ấy, mưa ấy, dòng người lặng lẽ ấy và nấm mộ anh như một bài thơ trang trọng, vọng vang trong tâm tưởng mọi người cho đến bây giờ.

Chị Thanh Tâm, vợ anh đã dành dụm số tiền nhuận bút ít ỏi của Anh, tiền bạn bè giúp đỡ, xây cho anh nấm mộ bề thế, nằm bên cạnh các vị cách mạng tiền bối và các nhà thơ nhà văn nổi tiếng của xứ Huế.

Hoa của những người ngưỡng mộ thơ, hoa của bạn văn thơ, của đồng bào, đồng chí, gia đình, vợ con v.v...qua tháng năm vẫn nở trên mộ anh.

Có một người thắp nhang cắm hoa cho anh thường xuyên hơn là thầy giáo Lê Văn Thế, nhà ở ngay khuôn viên nghĩa trang, là thầy giáo dạy học ở tận Kim Long đã nghỉ hưu. Thầy Thế là con trai cả của một học trò giúp việc cho cụ Phan ngày trước.

Bố thầy giáo Thế được cụ Phan di chúc lại việc trông coi khuôn viên nghĩa trang. Thầy giáo Thế cũng là một người yêu thơ và thuộc nhiều thơ của Thanh Hải lắm...

Anh Thanh Hải tên thật là Phạm Bá Ngoãn, quê ở Phong Điền, Thừa Thiên - Huế, tuổi Ngọ (4/11/1930). Anh mất năm 1980, ngày 16/12. Năm nay, nếu anh còn sống là 78 tuổi.

Thanh Hải làm thơ từ những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp. Thời gian  đó anh làm ở đoàn văn công, rồi cán bộ tuyên huấn của tỉnh. Sau ngày giải phóng miền Nam 1975, nhà thơ là Tổng thư ký đầu tiên của Hội văn nghệ Bình-Trị Thiên  và Ủy viên thường vụ Hội Liên Hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Nhưng nói về Thanh Hải ai cũng nhớ ngay đến một giọng thơ mộc mạc, chân tình, nồng hậu tình yêu đồng chí, đồng bào. Từ Miền Nam gian lao mà anh dũng, chùm thơ “Vượt tuyến“ của Thanh Hải làm ấm lòng độc giả miền Bắc một thời: Giữa miền Nam đau khổ /Anh ơi anh biết chăng/Lòng em thường vượt tuyến/Đêm đêm ra thăm anh… (Vượt tuyến)

Anh hơn tôi tới một giáp rưỡi tuổi. Tôi may mắn được tiếp xúc gần gũi anh hơn ba năm, lúc tôi mới là anh lính trẻ, xuất ngũ từ Sài Gòn - miền Đông Nam Bộ về và đang chập chững làm thơ.

Lần đầu gặp anh (vào giữa năm 1977) ở trụ sở Hội văn nghệ tỉnh, điều làm tôi ngạc nhiên là anh nhỏ con, gầy ốm và hiền lành, trái hẳn với giọng thơ hừng hực lửa chiến đấu của anh mà tôi đã đọc. Tôi có cảm tưởng mắt anh long lanh sáng  và như đang cười, không hề gợn một chút buồn nản. Mặc dầu lúc đó anh đang lâm bệnh nặng!

Anh ít đọc thơ mình ở nơi đông người. Cuộc sống gia đình anh đạm bạc, nghèo túng như mọi người, nhưng lao động nghệ thuật thì anh thật miệt mài, cần mẫn.

Anh hiền tới mức, nhà thơ Hải Bằng vốn tính bộc trực, có lần tưởng nhầm là anh sửa thơ mình khi biên tập, đã đạp xe tới “chửi” toáng lên. Anh chỉ cười ưu ái và lần hồi giải thích. Sau đó hiểu ra không phải lỗi ở Thanh Hải, Hải Bằng đã tới nhà ôm anh khóc và rối rít xin lỗi...

Một đêm thơ tại cơ qụan Hội 26 - Lê Lợi, sau khi anh đọc mấy chương trường ca mới viết về đề tài kháng chiến chống Mỹ, tôi hỏi anh một cách hồn nhiên: “Sao em không thấy anh viết đoạn thơ nào về người yêu, hay đau buồn của riêng mình cả? Em nghe nói thơ càng viết  đậm về “cái tôi” mới hay...Cái tôi trữ tình là nhân vật chính của nhà thơ mà anh?” Anh cười, lấp lánh ánh mắt: “Viết về cái tôi, về chuyện riêng tư  mình dị lắm!”.

Tôi nghĩ mãi về câu trả lời rất thật thà, chất phác mộc mạc của anh, và nghiệm ra rằng thế hệ các anh  suốt ngày làm thơ đánh giặc,  còn đâu thời gian để nghiên cứu cái ta và cái tôi trong sáng tác văn học theo sách vở!

Có thể thế hệ nhà thơ trẻ năm ba chục năm sau, khi tìm hiểu các nhà thơ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sẽ rất ngạc nhiên và băn băn khoăn vì không hiểu sao họ  không có câu thơ nào nói về tâm trạng  riêng tư của mình trong cuộc sống.

Nói theo ngôn ngữ của các nhà nghiên cứu văn học, thì đó là nhân cách luận Phương Đông - nghĩa là lấy cộng đồng làm chỗ dựa, chứ không phải cá nhân.

Sống với Thanh Hải tôi hiểu,  với thế hệ nhà thơ miền Nam như anh, cái tôi nào cũng là cái ta rộng lớn - Đó là tấm lòng, là khí chất của nhà thơ - chiến sĩ đối với cách mạng, với nhân dân. Đó cũng là cái chất thuần nhất của thơ anh.

Ngay những năm sau giải phóng, có nhiều thời gian để nhìn lại, để ngẫm lại, Thanh Hải cũng hầu như không giải bày về mình, không đưa cái tôi trữ tình lên vị trí trung tâm, mà vẫn tiếp tục làm chứng nhân, làm người kể chuyện về cuộc chiến đấu của nhân dân, đồng chí.

Thơ Thanh Hải là thơ tự sự, tác giả tự giấu mình đi. Cả bài thơ sau cùng, gọi là rất riêng tư, anh viết tại Bệnh viện Trung ương Huế - bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” vẫn là cái mạch tự sự ấy, cái “tiếng hót” ấy trước cuộc sống lớn:

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.

Anh bị bệnh hiểm nghèo xơ gan cổ trướng, “thập tử nhất sinh” phải nằm viện, nhưng không mảy may có vần thơ nào để lại viết về nỗi buồn, nỗi đau trước cái chết đang cận kề!

Trái lại trong bài thơ “Quà bệnh viện” anh lại muốn Thanh Tâm, vợ anh ngoài việc mang cam, mang hoa vào, phải mang vào một món quà anh “thích hơn” đó là tin tức “kể những ngày xây dựng” cuộc sống mới trên quê hương: Ôi mồ hôi lao động/Đâu mùa lúa nông truờng/Đâu ngang dọc kênh mương/Đâu vừa đưa thêm điện...  Bởi vì:

Tin cuộc đời mang đến

Vị ngon ngọt hơn cam

Thơm hơn cành mộc thơm

Giường anh như bay bổng

Là một học sinh ở Quảng Bình, miền Bắc trước năm 1975, tôi thuộc nhiều bài thơ của Thanh Hải. Thơ anh có trong chương trình giảng văn cấp  III, đăng nhiều ở các báo và các tập sách hồi đó.

Tôi thích và thuộc. Cũng như tôi đã thuộc thơ Giang Nam, Thu Bồn, Trần Quang Long... những năm đánh Mỹ. Có bài thơ Thanh Hải như “Bên bến Ô Lâu”, “Mồ anh hoa nở”, “Gửi Quảng Bình”, “Tám năm nay mới gặp nhau”... tôi thuộc lòng cho đến bây giờ.

Và điều quan trọng là trong hành trang tâm hồn tôi, một người lính Giải Phóng Quân vượt Trường Sơn đánh giặc, có những bài thơ Thanh Hải!  Ấy là nỗi đau đất nước chia cắt.

Phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải Phóng miền Nam ra thăm miền Bắc năm 1960, trong đó có nhà thơ Thanh Hải. Anh từ chiến khu Thừa Thiên - Huế  đi chưa đầy trăm cây số thì ra đến Cầu Hiền Lương.

Thế mà nhà thơ của chúng ta phải vượt qua bao hiểm nguy, cuốc bộ vào Tây Ninh, rồi cùng phái đoàn đi sang Cămpuchia, mới bay tàu bay ra Hà Nội!  Xa nhau chỉ một mái chèo/Mà đi trăm núi vạn đèo đến đây... Ấy là lòng chung thủy hai miền :

Quảng Bình ơi chín năm xưa đánh giặc

Vui khổ cùng chung mảnh đất

miền Trung

Xa cách mười năm mười năm

thầm nhắc

Lòng hẹn lòng qua đôi bến

Hiền Lương...

Những câu thơ đó ra đời khi tôi đang còn học cấp 2, đọc được và chép từ một trang báo hiếm hoi ở làng cát nghèo hẻo lánh quê tôi, do một người từ tỉnh mang về.

Bây giờ mỗi buổi sáng sớm, khi nghe Đài Phát Thanh tỉnh Thừa Thiên Huế phát khúc nhạc hiệu trích trong bản nhạc của nhạc sĩ Trần Hoàn phổ bài thơ “Mùa Xuân nho nhỏ” của Thanh Hải, tôi biết tất cả những người Huế yêu thơ, những người Huế cách mạng năm xưa lại nhớ về anh, một trong những nhà thơ mở đầu thơ ca chống Mỹ ở miền Nam.

Và, âm điệu “mùa xuân nho nhỏ” của anh đã vọng vang trong mỗi gia đình! Nghĩ về Thanh Hải, tôi lại nôn nao nghĩ về cái rộng lớn của một tấm lòng thơ...

MỚI - NÓNG