Bung phá sáng tạo và vượt thoát

Bung phá sáng tạo và vượt thoát
TP - Nói đến truyện ngắn Đặng Thân, người ta nhớ đến những truyện như “ma net”, “ma nhòa”, “Yêu”, “Hiếp”, “Người thầy của em”. Đây mới đúng là anh, và là phần đáng đọc trong tập truyện ma net của Đặng Thân.
Bung phá sáng tạo và vượt thoát ảnh 1

Còn có những truyện khác trong tập như “Người anh hùng bất tử”, “Người thầy của những tuyên ngôn”, “Đêm trắng của Nam Việt Vương”, “Đã 20 mùa thu “Người Hà Nội” (truyện này còn khiến anh được một cái giải của Hội LH VH-NT Hà Nội gần đây).

Những truyện này không dở, nhưng những truyện nói trên dường như chỉ có tác dụng chứng minh Đặng Thân có thể thừa sức viết ra những chuyện bình thường như nhiều người đã, đang và sẽ vẫn viết rồi đăng nhan nhản như hiện nay.

Tất nhiên, trong sáng tác, viết như nhiều người cũng đồng nghĩa với việc không là ai cả. May thay, Đặng Thân xác lập một cái tên, vì anh có những truyện ngắn không bình thường, không giống ai. Anh còn làm thơ với một tinh thần phản lãng mạn và viết những thứ khó có thể xếp thể loại theo thông lệ như chuỗi “Từ điển thi x/x loại…”... v.v và v.v.

Những điều tôi viết sau đây về truyện ngắn của Đặng Thân là nhằm vào những truyện đáng chú ý như đã phân biệt trên.

Chúng độc đáo đầu tiên là ở ngôn ngữ, giọng điệu. Như không có gì nghiêm chỉnh. Chuyện như tầm phào. Ngôn ngữ thì: xen lẫn giữa những câu từ khá long lanh cao đạo, chữ nghĩa như của Thánh hiền là những từ ngữ, cách diễn đạt rất hàng quán, phố phường. Tất cả được trộn lẫn thành một thứ keo bám khá chắc vào tâm trí người đọc.

Thân còn có lối hành văn nhại kiểu biền ngẫu khá đặc trưng. Nó vừa phảng phất vần vè lên lên xuống xuống, vừa lắp ghép giữa văn viết, văn nói với những thành ngữ hiện đại tạo hiệu ứng bất ngờ.

Trong văn của Đặng Thân, có thể thấy nhan nhản những: “thôi rồi”, “phắn”; lổn nhổn những câu tiếng Anh thời thượng: “Ôi, honey! Bố mày phát điên lên mất” hay “tình phí bị outstanding rồi”, rồi chắp ghép những trích dẫn, những điển tích mới liên văn bản theo kiểu: “Gã ôm chặt dã man. Run đôi vai, riết đôi thân”; trong văn của Đặng Thân cũng không thiếu những đoạn thơ - được tác giả gán vào những xuất xứ khác nhau, đại loại:

“Vì Thơ ơi, người thơ toàn một lũ dở hơi không biết bơi, giữa bể khổ anh chỉ còn mình em làm phao cứu hộ... Yêu cái đẹp nên phải đi cải tạo, thích nhân văn mà gặp đời tàn bạo, nên em ơi muốn làm người thì hãy yêu cái xấu. Thậm chí em còn phải giao cấu với bọn xấu... Thương lắm áo dài ơi. Anh vẫn biết em thích mặc áo dài, bởi vì em là hoa thài lài...”  (tr 134, “Hiếp”).

Ngoài ra, còn có không ít những đoạn chat, những câu văn trên mạng được đưa nguyên vào văn bản, thậm chí giữ nguyên những Emoticon trong Y!M

Cái độc đáo nằm sâu bên trong văn của Đặng Thân là cách nhìn. Vẫn chính là mọi sự của đời sống với đi học, đi làm, vui chơi, tán tỉnh, yêu đương, có cả chiến tranh, sống, chết... nhưng được nhìn theo cách không-quan-trọng, bình-thường-thôi. Không sử thi, Không anh hùng ca, Không lãng mạn, Không bi kịch. Mà không phải chỉ một con mắt. Có nhiều con mắt cùng nhìn trong truyện của Đặng Thân.

Nhiều cái nhìn, tất thảy đều bình đẳng như nhau trong việc ghi nhận/phô bày hình ảnh và thái độ. Không có cái gì được ưu tiên hơn, không có cái gì bị đánh giá thấp. Mọi thước đo, mọi xếp loại đều được miễn trừ trong miền không gian truyện của Đặng Thân.

Tôi biết nhiều người sẽ cho đây là một trò đùa? Có thể! Nhưng cũng phải nói ngay: nếu đã bị bệnh cao đạo, thích dạy dỗ, tin rằng mình nắm chân lý lại bị thêm bệnh dị ứng với những phá cách trong ngôn ngữ, trong hành văn... thì có lẽ không chịu nổi trò đùa này của Đặng Thân. Tùy thôi. Những người thích mực thước cứ tự nhiên tự hào tự đắc tự tôn tự sướng bên trong cái giới hạn tự mình đặt ra.

Nhưng Đặng Thân thì không để quy phạm nào trói, xét theo lối viết tung tẩy đầy tự do sáng tạo của anh. Đây là một kiểu đùa trí tuệ, một trường giễu nhại (parody) tinh tế, một cách giải thiêng, giải trung tâm nhẹ nhàng nhưng hiệu quả.

Đọc Đặng Thân, nên cởi bỏ mọi cái định nghĩa bấy lâu nay hành hạ những cái đầu của các nhà phê bình và các nhà văn bé nhỏ: Nào truyện ngắn thì phải thế này, nào nhân vật thì phải thế kia, nào chi tiết, nào văn phong phải, phải phải...

Ấy là chưa kể những cái vòng kim cô vốn quấn chặt vào đầu nhiều người, rằng thì là văn chương phải rành mạch dễ hiểu giản dị, rằng thì là nó phải “tải đạo”, rằng thì là nó phải trau chuốt, sang cả, vời vợi những bóng dáng chân thiện mỹ.

Nhân nói về chân thiện mỹ, quả là động đến chỗ không cùng, thậm chí dễ lâm vào tình trạng ông nói gà, bà nói vịt. Nhưng xét mấy cái-chân-thiện-mỹ hàng nội cứng đơ lão hóa, lại bị tuồn vào không ít hàng giả, tôi có thể nói văn của Thân đã tạo ra một cái mỹ khác cái mỹ của những tiêu chuẩn đã trở thành tiêu bản.

Đó là cái đẹp của cuộc sống trong dáng vẻ hiện tồn thường ngày, lúc nói cười tự nhiên trong quán cà phê trà đá vỉa hè, lúc ăn mặc xuềnh xoàng đi chơi đến chỗ thân tình, lúc làm những việc bình thường nhất như ăn, ngủ, làm tình, đi vệ sinh.

Nó cũng đưa ra một điều thiện khác, rộng rãi hơn so với những điều thiện được ghi vào sách giáo khoa. Đó là điều thiện của quyền được sống của mọi cá nhân. Điều này có là bởi Thân giữ một thái độ như nhau với tất cả các nhân vật của anh. Tất cả đồng hiện, giao nhau, phản nhau, hòa (với) nhau. Tất cả đều ăm ắp các biểu hiện sống, đều có giá trị như nhau dưới mặt trời và trong bóng đêm, ở tác phẩm cũng như ngoài đời.

Trong tác phẩm của Đặng Thân, con người, cuộc sống nó đầy sinh khí, nó rờ rỡ ngay trước mắt người đọc, nó đương đại, theo nghĩa sát nhất của từ này. Và, cái chân cũng được xác lập khác hẳn với lối viết hiện thực, cố thật để thành giả nhan nhản hiện nay.

Bung phá ngoạn mục, tạo được phong cách riêng, tập truyện ngắn “ma net” ra đời là một  niềm vui không chỉ của riêng Đặng Thân. Đây còn là niềm vui của những người viết khát khao sáng tạo.

Đêm về sáng 2/12/2008

MỚI - NÓNG