Nên dành riêng cho tác giả người dân tộc

Nên dành riêng cho tác giả người dân tộc
TP - Trong 11 tác giả đoạt giải văn chương của Hội Văn học - Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam (Hội VHNT DTTS) năm nay, có đến 7 tác giả là người Kinh.
Nên dành riêng cho tác giả người dân tộc ảnh 1
Nhà thơ Inrasara - Trưởng ban Lý luận phê bình Hội VHNT các Dân tộc thiểu số VN. Ảnh: L.A.H

Riêng về thơ, có 3 giải thì chỉ có một tác giả người dân tộc thiểu số đoạt giải... khuyến khích. Tình trạng các tác giả là người dân tộc thiểu số bị “lép vế” không chỉ xuất hiện ở giải thưởng năm nay. Nhà phê bình, nhà thơ Inrasara - Trưởng ban Lí luận phê bình của Hội VHNT DTTS chia sẻ với Tiền Phong Cuối tuần về vấn đề này.

Xin anh giới thiệu đôi chút về giải văn chương năm nay của Hội, nó được tiến hành như  thế nào? Theo quy trình ra sao?

Inrasara: Cũng như mọi năm, năm nay tác phẩm dự giải được gửi về văn phòng Hội. Hội chuyển đến các tiểu ban chuyên môn của Hội đồng nghệ thuật đánh giá chất lượng và xếp hạng sơ bộ. Sau cùng là ý kiến của Ban chấp hành Hội.

Nhìn chung, đa phần BCH tôn trọng ý kiến biểu quyết của Hội đồng nghệ thuật. Đó là quy trình xét giải ở Hội. Về thơ - cũng như mọi năm - số lượng luôn vượt trội và Hội đồng chọn ra giải B, C và khuyến khích.

Có  một nhận xét rằng, Giải của Hội VHNT DTTS có vẻ hơi mờ nhạt so với các giải VHNT khác (của các Hội Nhà văn, từ TƯ đến địa phương, thậm chí so với một số giải thưởng tư nhân được truyền thông khá mạnh gần đây)?

Inrasara: Không sai! Thông tin về giải rất ít được báo chí ưu ái, bàn tán. Có thể nói nó có mặt đầy khiêm tốn, như thể nó hiện hữu ở “ngoài lề” vậy. Vì ít tiếng vang nên hiếm khi bị báo chí soi mói, bình luận, càng không có hiện tượng người được giải… từ chối giải!

Nói thế không phải nó không sáng giá với người trong cuộc là các nhà văn, nhà thơ dân tộc thiểu số, nhất là vài năm trở lại đây, khi quy trình xét giải thưởng ngày càng chặt chẽ và chuyên nghiệp hơn.

Giải thưởng năm nay có một điều lạ: Trong 3 giải cao về thơ thì có tới 2 giải lại do tác giả không phải người dân tộc thiểu số đích thực đoạt được, lĩnh vực truyện ngắn tình hình cũng tương tự. Anh có thể lý giải điều này? Phải chăng điều này vi phạm quy chế của Hội, hoặc ít nhất cũng tạo cái nhìn khác thường về giải?

Thành lập năm 1991, mãi năm 1997, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam mới có cơ cấu Giải thưởng chuyên ngành văn học - nghệ thuật dành cho các hội viên có tác phẩm nổi bật nhất trong năm. Có những khuôn mặt sáng giá trên văn đàn cả nước đã từng xuất lò từ Hội này. Lò Ngân Sủn (dân tộc Dáy) và Y Phương (Tày) trước/sau khi có giải Hội VHNT DTTS Việt Nam, đã đoạt giải thưởng cao của Hội Nhà văn Việt Nam. Inrasara (Chăm) và Cao Duy Sơn (Tày) vừa giành giải của Hội vừa đoạt giải Hội Nhà văn Việt Nam sau đó là Giải thưởng văn học Đông Nam Á.

Inrasara: Chẳng có gì lạ cả, bởi lâu nay không ít hội viên là người dân tộc đa số đoạt giải. Càng không vi phạm quy chế nữa. Vì Hội kết nạp cả nhà văn, nhà thơ là người Kinh chứ không chỉ kết nạp người dân tộc thiểu số mà nguyên tắc là mọi thành viên trong gia đình Hội đều được đối xử công bằng và sòng phẳng, không phân biệt. Tiểu ban thơ của Hội đồng nghệ thuật khi bỏ phiếu cũng không chú ý đến thành phần dân tộc.

Riêng năm nay, Lưu Thị Bạch Liễu (Kinh) với Sông Cầu đang chảy đâu đây đoạt Giải B là hạng cao nhất, sau đó là Hồ Thủy Giang (cũng Kinh) với tập thơ Bạn với cỏ cây - Giải C, còn giải khuyến khích thuộc về nhà thơ dân tộc Bùi Nhị Lê (Mường) qua tập Hát quanh bếp lửa, đó mới là điều lạ, chưa từng có tiền lệ.

Có lẽ năm nay các hội viên là người dân tộc đa số gửi nhiều tác phẩm dự giải hơn chăng? Nguyên nhân nữa, viết tiếng Việt (nhất là với thơ) - nhìn từ mặt bằng chung- thì cây bút người Kinh nhuyễn hơn các đồng nghiệp người dân tộc thiểu số là cái chắc! Và, kết quả như đã biết thì khá lạ - tạo nên sự “khác thường” - như cách nói của anh.

Như vậy, ở đây có một căn nguyên của “điều lạ”, đó là: Hội VHNT DTTS chỉ chấm giải văn chương của người dân tộc thiểu số viết bằng tiếng phổ thông?

Đúng thế, ở ta chưa có việc chấm giải cho thơ (và tất nhiên, cả văn xuôi) của người dân tộc thiểu số viết bằng chính thứ tiếng mẹ đẻ của mình. Trong khi đó, có không ít các tác giả vẫn lặng lẽ, cần mẫn sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ, mà không có một hệ thống giải thưởng - đồng nghĩa với sự quan tâm một cách chính thức - tới họ và những sáng tác này.

Nếu đây là một bất cập, theo anh cần làm gì để khắc phục, đứng từ Hội VHNT DTTS? Đứng từ phía các cơ quan có trách nhiệm khác? Đứng từ phía những người sáng tác?

Inrasara: Không hẳn “bất cập” mà có cái gì đó lấn cấn. Nhưng khi nhận ra sự lạ này, tôi đã có nêu vấn đề ra ngay trong phiên họp Ban Chấp hành Hội ngày 23/11/2009 tại Hà Nội vừa qua, các ủy viên Hội đều nhất trí cao về tinh thần “công bằng và sòng phẳng”.

Cái lý ở đây là “Tôi hội đủ yếu tố để các bác kết nạp tôi, tôi viết về đề tài dân tộc, tác phẩm tôi có chất lượng,... tại sao tôi không được trao giải cơ chứ?”. Suy đi tính lại thế nào cũng lấn cấn. Với Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi hoàn toàn phản bác thái độ châm chế hay ưu ái có tính đến yếu tố dân tộc, nhưng với Hội VHNT các Dân tộc thiểu số thì khác.

Hiện trong số 820 hội viên của Hội có 335 người dân tộc Kinh. Có lẽ sắp tới BCH Hội cần có vài suy nghĩ chín hơn và đưa ra quyết sách đúng đắn về vấn đề tế nhị này. 

Từ lâu, có  hiện tượng, nhiều nhà  văn, nhà thơ sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã yêu văn hóa, văn nghệ của cộng đồng này, và đã có những sáng tác mang âm hưởng, sử dụng các hình tượng, cách diễn đạt, thậm chí cách tư duy của đồng bào dân tộc thiểu số? Đây có thể coi là sáng tác loại nào? Anh nhìn nhận hiện tượng này ra sao?

Inrasara: Nhận ra hiện tượng đó, nên BCH Hội xét giải hay xét đầu tư cũng dựa trên các “tiêu chí” này. Tạm loại ra ngoài các cây bút người Kinh giả vờ dân tộc hay gắng gượng nhỏ vài giọt dân tộc vào tác phẩm rồi kêu là có viết về đề tài dân tộc hay cách nói dân tộc, còn lại rất nhiều người viết nhuyễn cách nghĩ và diễn đạt “dân tộc” có khi còn hơn cả cây bút dân tộc thiểu số chính bản nữa.

Theo cá nhân tôi, Hội nên dành Giải thưởng đặc biệt cho bộ phận này. Ít ra với các tác phẩm sáng tác thuộc thể loại thơ và văn xuôi. Ai dám bảo Chế Lan Viên hay Văn Cao đã không đóng góp gì vào sự soi rọi tâm hồn hay tinh thần Chăm? Giả thử hai vị này là hội viên Hội VHNT DTTS, và nếu họ gửi tác phẩm dự giải, ai dám không trao giải cho các vị?

Giải thưởng đặc biệt có mặt là cần thiết. Còn lại, theo tôi hệ thống giải chính thức chỉ nên “dành riêng” cho người viết là người dân tộc thiểu số.

Ngược lại, nhiều nhà văn, nhà thơ vốn là người dân tộc thiểu số, nhưng lại sớm hòa nhập với văn hoá của quốc gia, của quốc tế. Sáng tác của họ, ít thậm chí rất ít tính dân tộc, tính địa văn hóa - nơi mà họ sinh ra và lớn lên. Anh nhận định về vấn đề này ra sao?

Anh cũng là một nhà thơ, nhà văn có cả hai mảng sáng tác: một, mang âm hưởng truyền thống dân tộc Chăm rất rõ nét, nhưng lại có một mảng thứ hai mang đậm tính đương đại, hậu hiện đại, với ngôn ngữ, cách biểu đạt hoàn toàn mới, anh sẽ nói gì?

Inrasara: Tôi ủng hộ vô điều kiện cây bút là người dân tộc thiểu số dám phiêu lưu khám phá những chân trời mĩ học mới, lối viết mới. Càng khoái hơn khi họ dám và biết giải “dân tộc” hóa, giải địa phương hóa trong cách nghĩ và sáng tạo của mình. Nếu họ sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ thì hay hơn nữa.

Tôi đánh giá một tác giả ở cái tầm. Rằng bạn đã đâm rễ sâu xuống vùng đất văn học và ngôn ngữ dân tộc chưa? Đã tự trang bị căn bản tri thức về nền văn học tiên tiến trên thế giới chưa? Trả lời hai câu hỏi đó, người viết có thể thể hiện thoải mái mà không sợ mất bản sắc dân tộc.

Khi đó “dân tộc” và hiện đại đi vào nhau thong dong vô ngại, để bật lên cá tính sáng tạo mới của mỗi tác giả, bản sắc mới mỗi dân tộc, góp phần làm đa dạng nền văn học đa dân tộc Việt Nam.

Một câu hỏi mang tính riêng tư: Dễ thấy năm nào anh cũng có vài tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau, nhưng trong danh sách giải thưởng vài năm qua không có tên anh, hay anh đã không tham gia dự giải?

Inrasara: Từ khi tôi bị bầu vào Ban chấp hành Hội, tuyệt đối tôi không tham gia dự giải. Ai lại thế kia chứ, kì chết! Ngài ngồi thù lù đó, anh chị em không bỏ phiếu cho ngài thì còn bỏ cho ai? Mà cho hạng thấp, ngài có chịu không? Nhất là với người phương Đông sống duy tình đầy nể vì. Người dân tộc thiểu số thì càng như vậy.

Năm nay tôi chỉ xin đầu tư, mà riêng về công trình khoa học. Nghĩa là thể loại có thể cân đong đo đếm tương đối chuẩn xác, chứ không đầy chất “vô bằng” như thơ văn.

Trân trọng cảm ơn anh!

Năm 2009, Giải thưởng văn học của Hội VHNT DTTS Việt Nam được trao như sau:

THƠ: Giải B: Tập thơ Sông Cầu đang chảy đâu đây của Lưu Thị Bạch Liễu (dân tộc Kinh). Giải C: Tập thơ Bạn với cỏ cây của Hồ Thủy Giang (Kinh). Giải khuyến khích dành cho nhà thơ dân tộc Bùi Nhị Lê (Mường) qua tập Hát quanh bếp lửa.

VĂN XUÔI: có  2 giải B: Tháng giêng một vòng dao quắm tập tản văn của Y Phương (Tày) và Sao Tổn Khuống của Hoàng Thế Sinh (Kinh). 3 giải C cho cả 3 tập truyện ngắn của Đinh Công Diệp (Kinh), Tống Ngọc Hân (Kinh) và Nông Văn Kim (Tày); ngoài ra còn có 3 giải khuyến khích dành cho Mã A Lềnh (Mông), Nguyễn Liên (Kinh) và Khôi Nguyên (Kinh).

Như vậy, trong 11 tác giả đoạt giải của Hội dân tộc năm nay, có đến 7 tác giả không phải là người dân tộc thiểu số.

Lê Anh Hoài
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.