Những uẩn khúc trong cuộc đời ông chủ báo Nam Phong (kỳ cuối)

Những uẩn khúc trong cuộc đời ông chủ báo Nam Phong (kỳ cuối)
Nhà văn Nguyễn Công Hoan viết “Khi viết truyện Kép Tư Bền, tôi liên tưởng ngay đến bề ngoài cười nụ bề trong khóc thầm chính là trường hợp của Phạm Quỳnh!"

Trong báo cáo ngày mồng 8 tháng Giêng năm 1945 gửi cho đô đốc Decoux và cho Tổng đại diện  Mordant, ông Thống sứ Trung Kỳ Healewyn đã phàn nàn về Phạm Quỳnh như thế này... 

Những uẩn khúc trong cuộc đời ông chủ báo Nam Phong (kỳ cuối) ảnh 1
Hội Trí Tri Bắc Kỳ - Hội trưởng Phạm Quỳnh, thứ 4 (hàng thứ nhất, từ trái sang)

Vị thượng thư này vốn đã chiến đấu suốt cuộc đời mình bằng ngòi bút và bằng lời nói không bao giờ bằng vũ khí cho sự bảo trợ của Pháp cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung Nam) và cho việc người Việt Nam nắm trong tay vận mệnh của chính mình.

Một lần nữa vị Thượng Thư Bộ Lại đã kịch liệt chỉ trích việc trưng thu gạo cho những người Nhật. Ông ta đã nhắc lại lời đề nghị của mình về xứ Bắc Kỳ và sự giải phóng mà người Pháp đã hứa. Tôi đã nhận xét với Hoàng đế Bảo Đại là vị Thượng thư Bộ Lại của ông ta đã vượt quá chức trách của mình khi vẫn khăng khăng đòi mở rộng quyền hạn của Viện Cơ Mật.

Ông ta đòi chúng ta phải triển khai trong thời gian ngắn những lời hứa về sự giải phóng tiến bộ theo một kỳ hạn chính xác và đòi chúng ta khôi phục cho nhà Vua những biểu hiện của một chủ quyền quốc gia trải rộng ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ.

Phạm Quỳnh còn dọa sẽ khuyến khích phong trào chống đối nếu như trong những tháng tới chúng ta không thương lượng với vua Bảo đại về một thể chế chính trị cho phép chuyển chế độ bảo hộ thành một kiểu Commonwealth (khối thịnh vượng chung) trong đó những chức vị chính sẽ được giao cho người bản địa.

Những yêu sách của Phạm Quỳnh đòi trở lại việc chấp thuận một chế độ tự trị hoàn toàn cho hai xứ bảo hộ (Trung Kỳ và Bắc Kỳ) khước từ chế độ thuộc địa ở Nam Kỳ và thành lập một quốc gia Việt Nam.

Tôi xin lưu ý ngài một điều là, dưới vẻ bề ngoài nhã nhặn và thận trọng con người đó là một chiến sĩ không lay chuyển nổi nền độc lập của Việt Nam và đừng hòng có thể làm dịu những tình cảm yêu nước chân thành và kiên định của ông ta bằng cách bổ nhiệm ông ta vào một cương vị danh dự hoặc trả lương một cách hậu hĩ.

Cho tới nay đó là một địch thủ thận trọng nhưng cương quyết chống lại sự đô hộ của nước Pháp và ông ta có thể sớm trở thành một kẻ thù không khoan nhượng nếu ông ta để cho mình bị cám dỗ bởi những lời hứa hẹn về Thuyết Đại Đông á của người Nhật Bản.

>>Những uẩn khúc trong cuộc đời ông chủ báo Nam Phong (1)

>>Những uẩn khúc trong cuộc đời ông chủ báo Nam Phong (2)

Năm 1932, Phạm Quỳnh rời tờ Nam Phong (cũng từ thời điểm ấy vắng một người chủ trương sâu sát, Nam Phong gần như tuột dốc chất lượng kém hẳn để đình bản hai năm sau đó) được vời vào Huế. Thoạt đầu làm Ngự tiền Văn phòng sau rồi Thượng thư Bộ Học ( Giáo dục) cho đến năm 1944 thì chuyển chức Thượng thư Bộ Lại - Bộ Nội vụ. Về con đường hoạn lộ của Phạm Quỳnh cũng có nhiều ý kiến.

Phạm Quỳnh có ôm ấp ý định làm quan không? Có thể tham khảo những lời nhận xét sau đây của nhà văn Nguyễn Công Hoan “Khi viết truyện Kép Tư Bền, tôi liên tưởng ngay đến bề ngoài cười nụ bề trong khóc thầm chính là trường hợp của Phạm Quỳnh!

Tôi cho Phạm Quỳnh là người có chính kiến. Thấy nước ta ba kỳ có ba chế độ chính trị khác nhau. Nguyễn Văn Vĩnh mới chủ trương thuyết Trực trị. Người Pháp trực tiếp cai trị người An Nam như ở Nam Kỳ không phải vua quan người Nam thì dân được hưởng chế độ rộng rãi hơn.

Phạm Quỳnh, trái lại chủ trương thuyết lập Hiến. Người Pháp nên thi hành đúng Hiệp ước 1884 nghĩa là chỉ đóng vai trò bảo hộ còn công việc trong nước thì để vua quan người Nam tự đảm nhiệm lấy.

Bấy giờ Phạm Quỳnh vào Huế làm quan không phải vì danh. Quốc dân biết tên Phạm Quỳnh hơn nhiều Thượng thư Nam Triều. Mà cũng chẳng phải vì lợi. Đơn cử làm chủ bút Nam Phong, Phạm Quỳnh được cấp 600 đồng một tháng. Món này to hơn lương Thượng thư. Phạm Quỳnh ra làm quan chỉ đổi lấy danh nghĩa Chính phủ Nam Triều đòi Pháp trở lại Hiệp ước 1884.

Vậy là một người yêu nước như Phạm Quỳnh sở dĩ phải có mặt trên sân khấu chính trị chẳng qua là một việc miễn cưỡng trái với ý mình để khuyến khích bạn đồng nghiệp làm việc cho tốt hơn chứ thực lòng một người dân mất nước ai không đau đớn ai không khóc thầm.

Thế là tôi nghĩ ra được truyện Kép Tư Bền tả một anh kép nổi tiếng về bông lơn đã phải vì giữ tín nhiệm với khán giả mà lên sân khấu nhà hát làm trò cười ngay cái tối cha mình đang hấp hối" (Đời viết văn của tôi- NXB Văn học Hà Nội năm 1971).

Năm 1931, trước thời điểm được vời vào Huế làm quan và với cương vị chủ bút Nam Phong, nhân dịp Tổng trưởng thuộc địa Paul Reynaud qua Đông Dương kinh lý, Phạm Quỳnh đã  gửi bức thư ngỏ tha thiết yêu cầu chính phủ Pháp hãy cho chúng tôi một Tổ Quốc để thờ. "Vì đối với dân tộc Việt Nam, Tổ Quốc đó không phải là nước Pháp!"

Kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân Chủ Lập Hiến, Phạm Quỳnh ôm ấp ảo tưởng tạo thắng lợi bằng đường lối thuyết phục điều đình không bạo động! Mong vãn hồi chủ quyền quốc gia cho dù chỉ tương đối căn cứ vào phạm vi Hiệp ước Patenôte năm 1884, hầu như mọi cố gắng của Phạm Quỳnh đã trở thành bi kịch.

Bi kịch ấy là hậu họa của một thứ ảo tưởng! Mặc dù ông đã sớm nhìn ra điều không tưởng của thuyết Pháp Việt đề huề từ tháng Giêng năm 1919 như ông đã viết trong chuyến thăm Nam Kỳ ...

"Nhiều người tin rằng người Pháp và nước Nam có thể lấy tình thân ái mà xum hiệp một nhà coi nhau như anh em và cùng nhau ra công giúp sức cho nước Nam được tiến bộ nhưng sự thực khó lòng mà thành hiện thực được! Người Tây bao giờ cũng giữ bề trên.

Người Nam bao giờ cũng giữ phận dưới có bình đẳng đâu mà thiệt lòng thân ái như anh em một nhà được. Những mong lấy tình thân ái mà gây thành một nền Pháp Việt vững bền thì e rằng còn sớm quá!" (Một tháng ở Nam Kỳ. NXB Văn học tr. 176) Và thơ ngây nữa...

Kêu gọi Pháp trao quyền quốc gia quyền dân tộc, trao cho Tổ quốc mà thờ? Chao ôi dễ dàng quá! Đi thăm Nam Kỳ thấy đồng ruộng thẳng cánh cò bay đất đai phì nhiêu dễ làm ăn, ông nóng lòng xót ruột thốt lên lời than rằng tại sao dân Bắc lại không vào đây mà sinh cơ lập nghiệp bám chi lấy xứ Bắc Bộ đất đai bạc màu manh mún lụt lội hạn hán triền miên mà không biết rằng người nông dân Nam Bộ khi ấy đang bạc mặt vì trăm ngàn phương thức bóc lột của những điền chủ giàu có, đang có rất nhiều người phải bỏ xứ, bỏ ruộng mà đi! Chao ôi có chút chi đó tồi tội khi ông lâm sự với tư cách là  nhà kinh tế, nhà chính trị như thế?

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Chính phủ Trần trọng Kim thành lập. Ông xin về hưu trí sống ẩn dật ở biệt thự Hoa Đường bên bờ sông đào Phủ Cam hiền hòa...

Ông ôm ấp hoài bão trở lại với văn chương, khởi viết một số bài gom dưới đề kiến văn cảm tưởng nghĩa là suy ngẫm về những điều đã nghe đã thấy cùng dịch nôm và bình nghĩa 51 bài thơ của Đỗ Phủ...

Cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi trên cả nước. Một buổi sáng mùa hè, ông được chính quyền cách mạng mời đi họp tại trụ sở Tòa Khâm sứ cũ, Phạm Quỳnh lanh lẹn, vô tư khăn áo ra đi, hẹn với người thân chiều sẽ về. Nhưng rồi không bao giờ trở lại...

Mãi 11 năm sau, năm 1956 gia đình mới tìm thấy di hài của ông tại khu rừng Hắc Thú thuộc Quảng Trị cách kinh thành Huế khá xa, một địa điểm hiểm trở xa vắng đêm đêm thường có thú dữ lai vãng.

Nhờ hỏi thăm các chứng nhân còn sống mới biết Phạm Quỳnh mất ngày 6 tháng 9 năm 1945. Di hài Phạm Quỳnh được gia đình cải táng ngày 9 tháng 2 năm 1956 tại Huế đặt trong khuôn viên chùa Vạn Phước. Mộ chí ghi chú bằng Hán tự thật đơn giản Nam Phong chủ bút Phạm Quỳnh Thượng Chi.

Bằng chất giọng ngậm ngùi, bà vợ nhạc sĩ Phạm Tuyên đã kể tôi nghe chuyện di dời thi hài Phạm Quỳnh về chùa Vạn Phước mùa xuân năm Thân mà bà đã nghe người chị gái cùng em trai chồng trực tiếp làm việc ấy...

Sau khi tìm được mộ, chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức lễ sang cát cho Ngô Đình Khôi cực kỳ long trọng.

Bởi vì hai người (Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh) cùng chung một nấm nên đành phải thực hiện việc sang cát cùng một lúc. Thế là một bên cờ quạt trống chiêng thanh la não bạt cúng kiếng rầm rĩ. Một bên lặng lẽ thui thủi chỉ có hai chị em... Họ nhận ngay ra cha mình bởi cặp kính cố hữu quen thuộc. Hai người ôm cái tiểu đựng hài cốt cha rồi thuê thuyền xuôi dòng Hương Giang đáp về mạn chùa Vạn Phước.

Ngôi chùa mà lúc sinh thời, khi ở cương vị Đổng lý Ngự tiền và Thượng thư bộ Học lẫn Bộ Lại, mỗi khi có việc chi căng thẳng Phạm Quỳnh thường tới đây một mình để di dưỡng... Nhà chùa từ lâu dành cho ông một trai phòng lẫn chiếc ghế xích đu. Sư trụ trì từ lâu vốn quen thân với ông Thượng thư Phạm Quỳnh bữa ấy đã lặng lẽ đón người quen cũ vào khuôn viên của chùa.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng cho tôi hay, nhà chùa hiện còn giữ một vài kỷ vật của Phạm Quỳnh như hoành phi câu đối. Cả bức hoành bốn chữ Thổ nạp á Âu (Thâu nạp văn minh Âu á) nói lên tiêu chí của tờ Nam Phong nghe đâu là thủ bút của Phạm Quỳnh hiện chùa vẫn giữ. Một lần nhạc sĩ có ý xin nhưng sư trụ trì, một người mới nhã nhặn rằng chúng tôi đã có di huấn là cụ nhà có nhiều kỷ niệm ở đây cứ để cho bản tự lưu giùm...

Cái chết của Phạm Quỳnh

Có không ít tư liệu lẫn sự đồn thổi về cái chết của học giả Phạm Quỳnh rằng ông bị cách mạng xử án tử hình (!?). Có hẳn cả một phiên toà!? Ngay cuốn Tác gia văn học Thăng Long Hà Nội từ thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XX, mục về Phạm Quỳnh ( 1892-1945) cũng có một dòng Đến Cách mạng Tháng Tám 1945 chính quyền nhân dân khép án tử hình!

... Tôi may mắn có vài chuyến đi công tác với nhà sử học Văn Tạo. ở tuổi bát tuần mà nhà sử học cao niên nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam vẫn liên miên những chuyến đi điền dã khắp đất nước tìm tòi thu thập nhiều tư liệu để phục vụ cho công tác nghiên cứu của mình. Tình cờ, tôi được biết Giáo sư cùng quê với nhà văn hóa Phạm Quỳnh. Một lần, tôi đã hỏi Giáo sư về cái chết của Phạm Quỳnh. Giáo sư đã kể lại câu chuyện dưới đây.

... Cách đây gần 10 năm khi còn là huyện Cẩm Bình (Cẩm Giàng, Bình Giang họp lại) tôi được huyện ủy mời về thăm và làm việc trong một tuần lễ. Sau khi đi thực tế về, Huyện ủy có hỏi tôi “Nay trong các xã của huyện đang quy hoạch lại cơ sở hạ tầng  để nâng cao kinh tế phát triển văn hóa vậy đối với Lương Đường các di tích họ Phạm nhất là gia đình họ Phạm Quỳnh nên như thế nào?’’.

Tôi nói sử học chúng tôi trọng Công minh lịch sử vốn là thuộc tính của ngành khoa học vì có công minh lịch sử mới có công bằng xã hội. Xét về nhà trí thức Phạm Quỳnh ở tỉnh ta thì mọi di tích lịch sử vẫn nên bảo tồn. Thực tế ông ra làm quan trong thời bĩ thì dẫu chúng ta không mê tín vào phong thuỷ Mộ Trạch quan thiên hạ an. Lương Đường sĩ, thiên hạ bi thì cũng khách quan thấy được rằng sinh thời của ông là lúc phong kiến đi xuống đất nước bị thực dân nô dịch khiến chính vua Bảo Đại người dùng Phạm Quỳnh làm Ngự tiền văn phòng cũng than rằng mình cũng chỉ là ông vua bù nhìn. Khi thoái vị còn nói “Làm dân một nước Độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”.

Phạm Quỳnh với danh nghĩa là Ngự tiền văn phòng thì làm sao tránh khỏi phải thực thi mệnh lệnh của triều đình. Còn xét về hành động thì Phạm Quỳnh không có hành vi nào tàn ác với nhân dân không đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân như nhiều quan lại thời Nguyễn không ra lệnh bắt bớ tù đầy các nhà yêu nước và cộng sản.

Phạm Quỳnh đã ra làm chủ bút báo Nam Phong do trùm mật thám Đông Dương Louis Marty chủ trì. Với chức danh đó ông có thể có vài sai lầm làm hại đến quyền lợi dân tộc. Nhưng mặt khác ông lại có công chuyển tải văn hóa Đông - Tây trên văn đàn báo giới Việt Nam góp phần làm phong phú thêm cho ngôn ngữ văn hóa dân tộc Việt Nam thời đầu thế kỷ XX, công lao lớn đó đáng được ghi nhận.

Về đóng góp của Phạm Quỳnh thì đến nay không ít nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam đã ghi lại lời Phạm Quỳnh nhân kỷ niệm Nguyễn Du (Nam Phong năm 1919) "Truyện Kiều còn! Tiếng ta còn! Tiếng ta còn, nước Nam còn!" Coi đó là lời nói có ý nghĩa tích cực đáng ghi nhận!

Gần đây vẫn có người cho rằng vì ông phản động nên Việt Minh đã thủ tiêu ông? Với những tài liệu mà tôi có được thì thấy thực không là thế!

Năm 1945 khi Bảo Đại vừa thoái vị trao ấn kiếm cho chính phủ lâm thời thì có tin Pháp thả dù biệt kích và gián điệp xuống vùng ngoại vi thành phố Huế mang theo chỉ thị của Chính phủ Đờ Gôn là phải tiếp xúc cho kỳ được Ngô Đình Khôi và Phạm Quỳnh?!

Lúc đó Bảo Đại trên đường ra Hà Nội đã ra đến Thanh Hóa còn Ngô Đình Khôi và Phạm Quỳnh vẫn ở Huế nên trên (?) có lệnh cấp tốc di dời hai vị này ra khỏi cố đô đề phòng những chuyện bất trắc không hay sau này. Chuyến di dời này có 4 người là Ngô Đình Khôi (anh ruột Ngô Đình Diệm), Phạm Quỳnh và con trai Ngô Đình Khôi cùng Nguyễn Tiến Lãng (con rể Phạm Quỳnh).

Nhưng phương tiện lúc ấy chỉ có một cái xe ọc ạch, chở được 3 người là Phạm Quỳnh và cha con Ngô Đình Khôi cùng nhóm du kích áp tải. Nguyễn Tiến Lãng phải ở lại đi bằng phương tiện khác. Nhóm du kích áp tải đến một quãng rừng cách xa Huế thì nghe tiếng tàu bay Pháp ầm ì trên đầu tưởng đâu như tiếng máy bay thả biệt kích!? Sợ không hoàn thành trách nhiệm di dời nên nhóm áp tải đã tự động thủ tiêu cả ba người mà không chờ chỉ thị của cấp trên!

(Cũng có một chi tiết nữa, cần phải được kiểm chứng kỹ, có người cho rằng trong số người đi áp tải chuyến di dời đó có người nhà Thượng thư Nguyễn Hữu Bài, người có mối hiềm từ lâu với Phạm Quỳnh nên đã lợi dụng việc này mà giải quyết ân oán?!).

Sự việc diễn ra như một ngẫu nhiên. Nó cũng đã để lại những dấu ấn tiêu cực trong các mối quan hệ nhân quả không lường trước được. Cụ thể trong cuộc gặp gỡ với đồng chí Vũ Ngọc Nhạ (một anh hùng tình báo của ta vừa qua đời) tại cuộc hội thảo khoa học do Viện Bảo tàng chứng tích chiến tranh vào cuối năm 2001, tôi đã được nghe Vũ Ngọc Nhạ cho biết: Có lần Ngô Đình Diệm đã bộc lộ lòng kính trọng Cụ Hồ. Nhưng lại nói, tôi không thể đi với Việt Minh được, vì nếu vậy thì tôi biết ăn nói gì với gia đình tôi về cái chết của anh ruột và cháu tôi?”.

Như vậy sự kiện về Phạm Quỳnh qua đời nay vẫn còn chưa được làm rõ. Ngày 4 tháng 10 năm 2002, nhân gặp Huy Cận một trong ba người tước ấn tín của Bảo Đại sau Cách mạng Tháng Tám, tôi hỏi về cái chết của Phạm Quỳnh thì nhà thơ Huy Cận nói: “Chính tôi đã được Bác Hồ giao cho việc đi đón bà Phạm Quỳnh và con gái xin vào gặp Bác Hồ...

Vừa tới nơi Bác đã ân cần hỏi thăm sức khỏe và nói ngay với bà Phạm Quỳnh “Bà ơi! Đã lỡ mất rồi...”. Bác còn dặn dò là bà Phạm cố gắng dạy dỗ con cháu, tích cực làm việc cho dân cho nước’’ Các con cháu bà cho đến nay đã thực hiện được lời khuyên của Bác như các ông Phạm Khuê, Phạm Tuyên...

Kết thúc cuộc trao đổi, Giáo sư Văn Tạo nói thêm, đối với quê hương Hải Dương chúng tôi, nên làm rõ được sự kiện lịch sử này thì cũng có lợi cho việc thực hiện tính công minh lịch sử nhằm đảm bảo tính công bằng xã hội đúng với mục tiêu Đảng đề ra Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.

Phạm Quỳnh và câu chuyện tiếp tục

Có một nhà thơ nước ngoài đã lấy đề tài về Phạm Quỳnh để hoàn thành một bản trường ca.

Phạm Quỳnh và câu chuyện tiếp tục - Đó là tên một trường ca của thi sĩ người Đan Mạch tên là Erik Stinus. Thời điểm ông hoàn thành bản trường ca là một giai đoạn khó khăn và có thể nói là bi tráng của đất nước Việt Nam. Như những dòng ông viết kết thúc bản trường ca Copehagen 17-9-1979. Thành phố Hồ Chí Minh 11-10-1980.

Trong một chuyến thăm Đan Mạch tháng 7 năm 1997, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã mang về Việt Nam trường ca này đưa cho nhạc sĩ Phạm Tuyên. Để cho chắc, nhạc sĩ Phạm Tuyên nhắn cho bà chị ruột mình là Phạm Thị Hoàn đang định cư ở Mỹ nhờ một kênh nào đó liên lạc với Đan Mạch. Kênh liên lạc của bà Hoàn đã có kết quả.

Thi sĩ Erik đã nhận được sách về Phạm Quỳnh do bà Phạm Thị Hoàn gửi tặng và ông đã sốt sắng biên thư trả lời cho bà Hoàn cùng bản sao trường ca Phạm Quỳnh và câu chuyện tiếp tục (bản tiếng Đan Mạch và tiếng Anh) do chính tay ông đề tặng.

Với bút pháp siêu thực, các chương trường ca ( nếu được xuất bản) chắc sẽ mang cho người đọc nhiều sắc thái thẩm mỹ phong phú. Người chuyển ngữ ra tiếng Việt hơn 300 câu của trường ca (bản thảo hiện lưu tại gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên) có thể nói khá thành công là bà Trịnh Thị Ngọ, nghệ sĩ ưu tú, nguyên phát thanh viên tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Xin trích ra đây bức thư của thi sĩ Erik Stinus  gửi bà Phạm Thị Hoàn, con gái nhà văn hóa Phạm Quỳnh để bạn đọc biết thêm được  cơ duyên ra đời của bản trường ca độc đáo này.

... Bà ( con gái Phạm Quỳnh-NV) đã đặt cho tôi một câu hỏi rất khó. Đó là tại sao tôi lại biết đến cụ thân sinh của bà với công trình của một học giả về văn chương. Tôi đã cố gắng ôn lại những chặng đường của mình và những điều tôi đã đọc qua nhiều năm nhưng chưa thể làm sáng tỏ câu hỏi của bà được.

Như bà đã biết, tôi là một người làm thơ và hư cấu... Đã có biết bao điều xảy ra trên thế giới này với tôi, cũng vì vậy có biết bao nhiêu người đã toả sáng trong những trang tôi đã viết và những trang tôi sẽ viết.

Quê hương Việt Nam và nhân dân của bà đã ở trong tâm trí tôi nhiều năm và Pham Quynh Og Den Videre Historie (Phạm Quỳnh và câu chuyện tiếp tục) chính là một tựa đề như có sẵn trong bài thơ thứ sáu mà tôi viết về Việt Nam.

Tôi viết bằng tiếng Đan Mạch, một thứ ngôn ngữ chỉ dành cho 5 triệu người. Vì vậy những gì mà tôi viết ra thông thường khó mà được ai biết đến ngoài đất nước Đan Mạch.

Vì vậy tôi có phần lúng túng khi được biết là bà lại có thể biết (và do đâu?) về bài thơ của tôi, nhưng tất nhiên tôi đặc biệt vui mừng thấy bà lại có thể biết nó qua một bản dịch mà bà có được qua một trong những người bạn của tôi ở Việt Nam, tôi tin là như thế!

Tôi đã đến Việt Nam 3 lần. Lần đầu là dịp kỷ niệm lần thứ 600 nhà thơ Nguyễn Trãi. Vào dịp đó cùng với một số nhà thơ của nhiều nước, tôi đã có dịp gặp một số nhà văn và học giả của Việt nam. Tôi cũng đã gặp Phạm Văn Đồng và Tướng Giáp. Và tôi đã được đọc nhiều sách của Việt Nam qua những bản dịch mà tôi có được.

Một trong những sách đó là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Cũng giống như lời tựa và bài giới thiệu mà cụ thân sinh ra bà đã giới thiệu về tập thơ nhưng cũng có thể do một trong những người dự hội thảo về Nguyễn Trãi đã nói về công trình của Phạm Quỳnh. Tại hội thảo này có nhiều nhân vật nổi tiếng tham gia, trong đó có cả một số người Việt không sống ở Việt Nam mà ở ngoài nước. Một trong số người đó là một học giả về âm nhạc, ông ấy đã giới thiệu cho tôi về nền âm nhạc cổ điển của Việt Nam.

Những bài thơ tôi viết bằng sự tưởng tượng của riêng mình mà không hỏi bất cứ người nào khác. Trong bản trường ca đó bà có thể thấy những trăn trở, những giấc mơ và những niềm hy vọng của tôi qua việc phác thảo những thời điểm rối ren và đầy xáo động.

Tôi hoàn thành tác phẩm của tôi trong chuyến thứ hai thăm Việt Nam.

Đó là tất cả những gì tôi có thể nói cùng bà và tôi rất vui mừng vì đối với bà nó cũng phản ánh một chuyện có thật về thân phụ của bà, ít nhất trong một chừng mực nào đó.

Người làm thơ có thể mong mỏi một chút rằng họ có được vài người nghe và hiểu họ. Và chính bà lại là người đã nghe được và điều đó đối với tôi quả thật là nhiều hơn một chút.

Với lời cầu chúc nồng nhiệt nhất của tôi.

Erik Stinus

 Làng Lon- Mùa Vu Lan năm Dậu

MỚI - NÓNG