Lãng quên trong dục vọng?

Lãng quên trong dục vọng?
TP - Đỗ Phấn thoát khỏi sự ám ảnh tình dục cơ học, vốn đang lôi cuốn nhiều người viết hôm nay, bởi thế giới tình dục trong tiểu thuyết của anh, lấp ló một/ những triết lý nhân sinh nào đó. Một chủ nghĩa hưởng thụ? Một chủ nghĩa lãng quên hiện sinh? Một kiểu thiền trong dục vọng?

Một sự suy tàn không cưỡng nổi tràn ngập cuốn sách.

Âm hưởng buồn trĩu nặng mang một vẻ đẹp riêng.

Những cuộc tình tàn nhanh, bạn bè ly tán và xa lạ dần trong nhau, đến cả nghệ thuật cũng trơ lỳ không còn sức hút, tình dục cũng trở nên mòn mỏi cùng với sự chiến thắng của chứng bất lực. Điểm vào đó là những biến cố cuộc đời: người tình lâu năm mãn kinh và rơi vào bệnh tật, suy sụp... cái chết của một người bạn thân, một người bạn khác đi tù.

Thành phố nở rộng nhưng vấn đề nhân tính ngày càng đặt nặng. Giữa những con người là "một khoảng cách không trọng lượng như khi cả hai đang mặc những bộ đồ lặn kín mít dạo chơi giữa biển sâu" (trang 357). Các nghệ sĩ làm nghệ thuật trong trạng thái vô vọng hoặc chạy theo vinh quang giả tạo và đồng tiền nhem nhuốc. Đời sống nhân sinh bấp bênh, không hẳn vì đói khổ hay thiếu thốn mà vì luôn phải chống chọi với những nghịch cảnh, nghịch lý nhiều khi không biết nên cười hay khóc.

Những suy tư liên tục diễn ra trong đầu nhân vật chính, nhiều khi gây mệt bởi số lượng, bởi sự vụn vặt đan xen với những điều lớn lao, và bởi chính nhân vật không tự giải quyết được nan đề chính mình đặt ra, thường để lại dấu hỏi bỏ lửng. Có hàng trăm câu hỏi như thế trong cuốn sách này. Sự vắng mặt không còn là sự thiếu tương hợp giữa con người và nơi chốn, mà còn là một hoàn cảnh thiếu sự hiện diện của điều - phải, của người - phân - xử. Nhân vật chính của Đỗ Phấn trôi nổi và vong thân, mang bóng dáng của một kẻ - xa - lạ (L'Étranger - 1942, Albert Camus, còn được dịch Người xa lạ, Người dưng) phiên bản Việt. Nghĩa là không quá cực đoan, quyết liệt đến giới hạn tâm thần, nhưng thừa sự lưỡng phân luẩn quẩn.

"Mi đã trở thành người lạ ở ngay chính nơi mình sinh ra và lớn lên. Cái thành phố trương phình ra đến mức nhiều hôm đi dạo cả ngày cũng không gặp bất cứ gương mặt nào quen thuộc, họ cứ như đi vắng cả rồi? Nhiều lúc mi đã cố gắng ghép những gương mặt người nhìn thấy trên phố phường với ký ức về một gương mặt bạn bè. Nhưng thất bại. Ngoại trừ hình ảnh có thể chồng khít lên nhau thì điều mà những gương mặt đấy nói lên hoàn toàn xa lạ. (...) Vẻ mặt của con người hiện đại lãnh đạm, mưu mô và tàn nhẫn đến kinh hoàng. (trang 342)

...

Trong Vắng mặt, tình dục tồn tại như một thế giới riêng, với một giá trị riêng, như thế giới dưới biển sâu biệt lập với thế giới có đất.

Nhưng Đỗ Phấn thoát khỏi sự ám ảnh tình dục cơ học, vốn đang lôi cuốn nhiều người viết hôm nay, bởi thế giới tình dục trong tiểu thuyết của anh, lấp ló một/ những triết lý nhân sinh nào đó. Một chủ nghĩa hưởng thụ? Một chủ nghĩa lãng quên hiện sinh? Một kiểu thiền trong dục vọng?

Vậy nó đáng lên án vì suy đồi? Đáng ca tụng vì sự giải phóng? Với tôi, nó đơn giản chỉ là kể những câu chuyện của đời sống. Một thứ đời sống ẩn sâu bên dưới, thường ít được để ý hoặc ngại ngần khi nói đến. Thứ đời sống với những con người hoang mang không biết mình đang tìm kiếm cái gì và chỉ còn cách duy nhất là cảm thấy sự tồn tại của bản thân trong cảm giác mạnh và phong phú mà tình dục mang lại. Như một sự cứu rỗi.

Hoạ sỹ Vũ - nhân vật chính của tiểu thuyết không lấy vợ. Anh ta không tin hạnh phúc gia đình, thậm chí không tin sự bền chặt của tình yêu. Trong não trạng ấy, chỉ còn tình dục là chỗ bám víu duy nhất, dù bản thân nó đã mơ hồ và nhân vật chính buồn bã nhận ra: ký ức về việc làm tình là thứ ký ức mong manh nhất.

Tưởng chừng như không còn gì cho một cuộc sống như thế. Nhưng sức sống của tiểu thuyết này, cũng là nơi để niềm tin cho người đọc neo đậu, chính là nụ cười nhẹ nhõm, ẩn giấu phía sau nỗi buồn mà Đỗ Phấn đã gieo ra với số lượng lớn. Anh không chủ trương cười cợt, có lẽ thế, nhưng đây là nét ánh xạ từ chính con người anh vào văn chương.

Đọc tiểu thuyết này, người đọc có thể mệt vì sự dàn trải, tiết tấu đều đều của nó. Hoặc giả Đỗ Phấn muốn ép - phê nỗi chán chường? Tác giả đã có ý thức phá sự tuyến tính bằng cách đan xen mạch tự sự vào dòng sự kiện, việc bố trí liên tiếp các hợp phần ngắn/dài/ngắn/dài... nhưng hiệu quả nghệ thuật chưa cao.

Trước tiểu thuyết này với hai tập truyện ngắn và một tập tản văn có phong cách, công chúng đang nói đến một nhà văn Đỗ Phấn, thay cho danh xưng hoạ sỹ Đỗ Phấn. Nhưng có hề chi, Đỗ Phấn là nghệ sĩ đích thực, nên viết hay vẽ thì cũng như nhau mà thôi.

22/6/2010

MỚI - NÓNG