Đã giải mã được bí ẩn Mona Lisa

Đã giải mã được bí ẩn Mona Lisa
Phải mất đến 5 thế kỷ con người mới có thể nhìn thấu được nụ cười bí ẩn tạo nên sức hút mãnh liệt của nàng Mona Lisa.

>> Giải mã bí ẩn của nàng Mona Lisa
>> Chùm ảnh: Những 'người chị em' của nàng Mona Lisa

Ảnh: Wikipedia
Ảnh: Wikipedia.

Sau nhiều năm mày mò, cuối cùng giới khoa học cũng đã xác định được cách nhà danh họa Leonardo da Vinci tạo nên nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa. Phát hiện này là công trình lâu năm của Trung tâm Nghiên cứu và phục hồi của Viện Bảo tàng Pháp hợp tác với Viện Phóng xạ synchrotron châu Âu.

Nhờ vào các thiết bị và công nghệ hiện đại, các chuyên gia lần đầu tiên có thể nhìn xuyên thấu hiệu ứng khói đặc trưng của Leonardo da Vinci, danh từ chuyên môn là sfumato, trên bức họa nổi tiếng. Nhóm đã sử dụng một kỹ thuật gọi là phổ học huỳnh quang tia X để nghiên cứu bức Mona Lisa, cho phép giám định từng tầng khác nhau của nước bóng cũng như màu vẽ mà không cần phải lấy mẫu trực tiếp. Kỹ thuật này cũng được dùng để quan sát 6 bức họa nổi tiếng khác của Leonardo da Vinci, trong đó có Virgin of the Rocks, Madonna of the Carnation, Saint John the Baptist và the Virgin and the Child.

Khi dùng tia X nghiên cứu bức vẽ, các chuyên gia có thể nhìn rõ các lớp nước bóng và màu vẽ đã được khéo léo phối hợp để tạo nên những mức độ biến đổi trên từng khu vực khác nhau của khuôn mặt. Tại những vùng da sáng nhất trên bức vẽ, lớp nước bóng được phủ mỏng nhất, trong khi ở những khu vực tối nhất, các lớp này được phủ chồng lên nhau với độ dày 55 micromét. Riêng tại vùng miệng của nàng Mona Lisa, Leonardo da Vinci đã vẽ 40 lớp nước bóng cực mỏng chồng lên nhau, mỗi lớp dày không đến 2 micromét, mỏng hơn sợi tóc người khoảng 50 lần. Loại nước bóng này tạo nên hiệu ứng mờ nhẹ và những điểm tối xung quanh miệng, giúp nàng Mona Lisa có được nụ cười độc nhất vô nhị - cười mà như không cười. Bên cạnh đó, mỗi lớp bóng cần phải mất nhiều tháng mới khô, những hiệu ứng như vậy phải mất vài năm mới đạt được.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng có thể Leonardo da Vinci đã dùng ngón tay để áp nước bóng lên bức tranh vì họ không tìm thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy ông dùng cọ hoặc nét vẽ để phác họa tác phẩm của mình, theo báo Telegraph.

Leonardo được biết đến với khả năng sử dụng điêu luyện hiệu ứng sfumato để hòa lẫn các vùng tối lại với nhau và làm mờ đường phác thảo. Dù hết sức hâm mộ khả năng này của nhà danh họa, các chuyên gia hội họa từ trước đến nay vẫn chưa hiểu rõ ông đã dùng phương pháp nào để tạo nên hiệu quả thần kỳ trên. Nhóm nghiên cứu của Pháp cho rằng nhà danh họa đã nghiên cứu cách tạo nên đủ loại nước bóng khác nhau và với chất màu riêng biệt để hoàn thiện hiệu ứng này.

Theo Thụy Miên
Thanh Niên

MỚI - NÓNG