Hầu bóng, một phức thể văn hóa

Múa cờ xung trận - giá đồng ông hoàng Mười
Múa cờ xung trận - giá đồng ông hoàng Mười
TP - Nếu cấm lên đồng, hầu bóng ở nơi đền phủ mà lại cổ động lên đồng trong lễ hội, khu du lịch thì đó là việc làm khó hiểu của nhà quản lý văn hóa. Nên để yên hầu bóng trong đền phủ với những người có căn có cốt.

>> Không thể cấm lên đồng

Múa cờ xung trận - giá đồng ông hoàng Mười
Múa cờ xung trận - giá đồng ông hoàng Mười.


Một phức thể văn hóa

Hầu bóng, lên đồng khác hẳn gọi hồn. Diễn xướng hầu bóng giống một chiếu chèo thuở xưa, chỉ có điều hầu bóng là tín ngưỡng tâm linh còn hát chèo là loại hình giải trí, văn nghệ.

Hầu bóng có nhạc hát, múa (diễn), trang phục cho các giá cũng rất đặc biệt về nghệ thuật trang trí. Trong 36 giá đồng điệu múa khác nhau, lời hát văn, y phục cũng khác nhau. Một thầy đồng hoặc cô đồng độc diễn qua các giá cho thấy điều đó: Giá quan giá chầu chân bước nghiêm cẩn khép nép, giá cô bé nhí nhảnh chân sáo, giá ông hoàng thì khoáng hoạt. Tất cả đều có qui phạm. Một thầy đồng có thể diễn 36 vai khác nhau trong nhiều giờ.

Người theo cửa phủ phải nhiều năm hầu thánh rồi thuộc nằm lòng các vai quan, vai cô, vai cậu, vai ông hoàng bà chúa mới có thể ngồi đồng. Có người phải mất 20 năm mới có thể ngồi giá. Học là học theo lối dân gian như thế.

Hầu đồng cũng có hội thân thiết với nhau dù chẳng có hội trưởng. Trong giá hầu, tứ trụ là những người phục vụ cho thầy đồng, đều là người giỏi hầu đồng cả. Tứ trụ gồm bốn người ngồi bốn bên- người lo thay xiêm y, người lo đốt nhang rót rượu sắp lễ, người lo tung khăn trùm đầu cho giá hồi cung, người lo việc ban phát lộc cho con nhang đệ tử. Khi ông hoàng bà chúa cô cậu dùng trà thưởng rượu, hút thuốc thì nâng quạt che chắn kín đáo. Cho nên có lúc thầy đồng lại làm tứ trụ cho người khác trong một lần hầu đồng khác.

Các nhà nghiên cứu hầu như đã làm rõ được giá trị văn hóa trong tín ngưỡng hầu bóng, xem ra chẳng cần bàn lại. Còn chuyện lợi dụng hầu bóng hành nghề mê tín lại là chuyện khác. Cho nên bàn chuyện cấm hầu bóng lúc này xem ra hơi thừa? Nếu cấm hầu bóng, lên đồng trong các điện thờ nhưng lại ủng hộ hầu bóng, diễn xướng tại những khu vui chơi du lịch thì là chuyện lạ đời.

Thánh trong hầu đồng

Có câu “là người chứ có phải thánh đâu”. Trong quan niệm đó, thánh là sự toàn mĩ. Người được ví như thánh thì tốt đẹp từ lúc sinh ra đến khi khuất núi. Thánh như vậy khác xa thánh trong tín ngưỡng dân gian.

Trong hầu bóng, xem kĩ các giá hầu mới thấy thánh trong Tứ phủ thật sự rất đời. Và qua các giá đồng từ giá chầu, giá quan, giá ông hoàng bà chúa, đến giá cô bé, chuyện các vị thánh dâng rượu, vểnh râu cáo dùng trà chuốc rượu, thuốc xái diễn ra trong từng giá đồng. Thánh cũng thích nghe nịnh. Khi cung văn đàn ngọt, hát câu chầu lọt tai là thánh sướng rên, chau mày vỗ gối, rút tiền thưởng kịp thời.

Trong tín ngưỡng hầu đồng, thánh giống như con người ngoài đời- ngoài công quả thì cũng đầy tật xấu, mà chẳng cần giấu diếm ai.

Những người theo tín ngưỡng này thường có căn cốt tự nhiên. Không phải ai cũng theo hầu đồng được. Người có căn có cốt, nghe tiếng đàn, lời hát chầu là như bị thôi miên. Những người như thế gọi là có căn đồng bóng.

Một người hầu đồng tâm sự: “Mỗi năm ít nhất phải hầu đồng một lần thì công việc mới xuôn sẻ, nếu không trong người cứ bứt rứt”. Hầu đồng giống như một cuộc tắm rửa toàn diện về mặt tinh thần, đa phần nằm ở lớp người buôn bán. Tín ngưỡng đối với họ như là nhu cầu tự thân vậy.

Bài, ảnh: Đỗ Đức

MỚI - NÓNG