'Nhật ký bằng tranh': Châu về hợp phố

Ba bức tranh màu nước của Lê Đức Tuấn được đăng trên báo Mỹ Columbus Enquirer, ngày 20-5-1968, nay được trả lại cho chủ nhân
Ba bức tranh màu nước của Lê Đức Tuấn được đăng trên báo Mỹ Columbus Enquirer, ngày 20-5-1968, nay được trả lại cho chủ nhân
TP - Hôm nay, tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, Đại sứ Mỹ trao lại ba bức tranh cuối cùng trong cuốn 'Nhật ký bằng tranh' của người lính - họa sĩ Lê Đức Tuấn. Cùng ba bức tranh ấy, Thiếu tá Mỹ Robert B.Simpson, người nhặt được cuốn 'Nhật ký bằng tranh' tại mặt trận Tây Nguyên năm 1968, còn gửi Lê Đức Tuấn bức thư.

>> Đừng đốt bằng tranh trên đất Mỹ

Ba bức tranh màu nước của Lê Đức Tuấn được đăng trên báo Mỹ Columbus Enquirer, ngày 20-5-1968, nay được trả lại cho chủ nhân
Ba bức tranh màu nước của Lê Đức Tuấn được đăng trên báo Mỹ Columbus Enquirer, ngày 20-5-1968, nay được trả lại cho chủ nhân.

Đầu năm 2010, Tiền Phong đăng loạt bài viết về cuốn Nhật ký bằng tranh của người lính - họa sĩ Lê Đức Tuấn. Cuốn nhật ký được phía Mỹ gửi lại Việt Nam, sau hơn 40 năm lưu lạc. Từ cuốn Nhật ký bằng tranh này, báo Tiền Phong đã tìm được tác giả của nó là người lính - họa sỹ Lê Đức Tuấn (ông là thượng tá, nguyên cán bộ Báo Quân đội Nhân dân).

Cuốn ký họa gồm hơn 100 bức tranh, do Thiếu tá Mỹ Robert B.Simpson (sĩ quan tác chiến thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 8 Bộ binh, Sư đoàn 4 Bộ binh của quân đội Mỹ ở vùng Pleiku-Kon Tum) nhặt được năm 1968, trong một lần càn quét.

Theo lời kể của viên thiếu tá này, ông nhặt được ba lô của Lê Đức Tuấn, trong đó có một tập thơ của Puskin, một cuốn sổ ký họa. Sau khi lấy ba bức tranh trong cuốn ký họa gửi về tặng vợ, Robert B.Simpson đã tặng lại cuốn ký họa cho viên Tướng ba sao lục quân Hoa Kỳ William R. Peers.

Sau đó, ba bức tranh này được đăng cùng bài viết trên tờ nhật báo The Columbus Enquirer ở bang Georgia, số ra thứ Hai, ngày 20 tháng 5 năm 1968: “Chuyện từ những bức ký họa của người lính Bắc Việt tử trận” của phóng viên người Mỹ Charles Black.

'Nhật ký bằng tranh': Châu về hợp phố ảnh 2

Trong bài báo, phóng viên Charles Black kể lại, sau khi nhặt được tập nhật ký bằng tranh của người lính Bắc Việt L.Đ.Tuấn, thiếu tá Robert B.Simpson đã lấy ra ba bức tranh mà ông cho là đẹp rồi gửi về khoe với vợ mình như một sự chia sẻ những câu chuyện lượm lặt nơi chiến trường. Vợ của thiếu tá Robert B.Simpson khi đó là một nhân viên Cục thông tin công cộng Fort Benning, thành phố Columbus, bang Georgia, Hoa Kỳ.

Bài báo của Charles Black được đăng kèm ba bức họa chưa phải là đẹp nhất nhưng dễ hiểu của Lê Đức Tuấn với lời dẫn của tòa soạn: “Những khía cạnh khác thường về cuộc chiến tranh được lột tả theo những cách khác nhau, kể cả cái chết của một người lính Bắc Việt cũng được phóng viên quân sự Charles Black báo Columbus Enquirer mô tả trong bài viết này sau khi tập ký họa của người lính Bắc Việt đó được một sĩ quan Mỹ quê ở thành phố Columbus tìm thấy”.

Cuối năm 2009, cuốn ký họa được con gái Tướng William R. Peers, gửi trả lại phía Việt Nam, thông qua Bộ Quốc phòng. Khi báo Tiền Phong đăng loạt bài viết về cuốn ký họa và việc tìm kiếm tác giả, nhiều tờ báo Mỹ cũng thông tin. Thiếu tá Robert B.Simpson, hiện là phóng viên đọc được những thông tin trên, đã tìm lại ba bức ký họa, và nay ông gửi trả lại Lê Đức Tuấn. Kèm theo ba bức ký họa, Robert B.Simpson còn gửi Lê Đức Tuấn một lá thư.

'Nhật ký bằng tranh': Châu về hợp phố ảnh 3

Thư của Robert B.Simpson viết:

Kính gửi ông Lê Đức Tuấn

Ngày 11 tháng 8 năm 2010

Thưa ông, Tôi rất vui mừng gửi lại cho ông ba tờ tranh còn lại nằm trong tác phẩm nghệ thuật do ông sáng tác thời kỳ ông còn là một người lính tham gia huấn luyện và trên đường hành quân vào chiến trường. Tôi vô cùng thích thú được tin cựu chỉ huy của tôi, tướng William R. Peers đã giữ lại được phần chính của tác phẩm nghệ thuật này trong số nhiều kỷ vật đáng giá của ông và con gái ông đã tìm cách trao lại kỷ vật đó cho Việt Nam. Thật tuyệt vời hơn nữa khi được tin ông vẫn còn sống và khỏe mạnh, ngược lại với những gì mà tôi đã nghĩ.

Theo tôi, những người lính, ngoài việc hy sinh cho đất nước và cống hiến hết mình cho sự nghiệp của mình, họ còn chia sẻ cảm giác của những người thân bất chấp ranh giới và chính sách. Trong khi tập trung mọi nỗ lực để đánh bại đối phương trong chiến trận, thì khác với mọi người, họ đã hiểu được nỗi đau và sự hy sinh to lớn thường xảy ra đối với cả hai bên. Những người lính của bất kỳ bên tham chiến nào cũng đều hiểu rằng cái đẹp và sự nhạy cảm hình như sẽ nhanh chóng bị bỏ đi trong chiến tranh.

Chính vì vậy, tôi kính trọng ông vì ông vừa là một người lính đã chiến đấu dũng cảm và đồng thời lại là một nghệ sĩ đã sáng tác một tác phẩm đẹp trong chiến đấu. Chúc cho tác phẩm nghệ thuật của ông, nay đã về lại với ông, sẽ mang lại cảm hứng cho nhiều độc giả có dịp chiêm ngưỡng nó trong thời gian tới.

Kính thư

Robert B. Simpson

Nhật ký bằng tranh sẽ quay lại Mỹ

Hôm nay, Nhà xuất bản Thanh Niên ra mắt cuốn sách Nhật ký bằng tranh của Lê Đức Tuấn. Nội dung sách kể về số phận cuốn nhật ký bằng tranh, hành trình đưa cuốn nhật ký từ Mỹ về Việt Nam sau hơn 40 năm lưu lạc, hành trình tìm tác giả Lê Đức Tuấn. Đặc biệt, lần đầu tiên cuốn sách in toàn bộ hơn 100 bức tranh trong cuốn ký họa, khắc họa hình ảnh, cuộc sống, sinh hoạt của người lính Việt Cộng, trong suốt chặng đường hành quân của người lính- họa sĩ Lê Đức Tuấn.

Trao đổi với phóng viên, ông Mai Thời Chính, Giám đốc Nhà xuất bản Thanh niên cho biết, dù cuốn sách mới xuất bản nhưng chúng tôi đang có kế hoạch tái bản, bổ sung trong thời gian sớm nhất, đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Đặc biệt, chúng tôi đang có kế hoạch dịch sang tiếng Anh, để xuất bản, phát hành tại Mỹ. 

MỚI - NÓNG