Nước mắt không phải chứng chỉ phim hay

Nước mắt không phải chứng chỉ phim hay
TPO - Từng làm giám khảo giải Cánh Diều, nay Nguyễn Quang Lập tuyên bố “tẩy chay”. Về cơn sốt nho nhỏ "Cánh đồng bất tận", tác giả "Đời cát", "Trái tim bé bỏng", "Thung lũng hoang vắng"... tỏ ra khắt khe.

>> Đỗ Hải Yến: Mang 'Cánh đồng bất tận' sang Mỹ 

Vì sao anh chán giám khảo? Nhớ lại, giải Cánh Diều hồi đầu năm là một kết quả “không tin dược dù đó là sự thật”: Phim “14 ngày phép” đoạt Cánh diều Bạc trong khi “Chơi vơi” chỉ đoạt khuyến khích; Minh Hương (“Đừng đốt”) đoạt Nữ diễn viên chính xuất sắc, Trịnh Hội (14 ngày phép) là Nam chính xuất sắc; Linh Dung (Chơi vơi) - Nữ diễn viên phụ xuất sắc. Đúng là Cánh Diều ngày càng mất thiêng.

Từ năm 2008 tôi quyết định không nhận lời bất kì một ban giám khảo nào, kể cả phim, văn, sân khấu. Cho phép tôi không nói lý do, chỉ biết tôi đã chán ngấy được mời làm ban giám khảo.

Về “Cánh đồng bất tận” với dư luận trái ngược, anh thuộc nhóm cho rằng ngôn ngữ điện ảnh trong phim quá ít?

Không phải quá ít mà nghèo nàn. Đó là do cách diễn đạt chứ nó không thiếu những góc máy đẹp. Một lối diễn đạt hớt ngọn, chỉ thấy kết quả không thấy quá trình, thì ngôn ngữ phim nghèo nàn, đơn điệu và vụng về là tất yếu.

Ngay Đặng Nhật Minh vẫn làm “Đừng đốt” theo kiểu cũ nhưng vẫn có khán giả đấy thôi?

Kiểu cũ, kiểu mới nếu làm tốt đều có khách. Ở ta càng làm theo kiểu cũ càng có khách, càng sến càng đông khách.

Nói thật, gu thẩm mĩ của ta rất thấp kém, đó là do một nền giáo dục nhiều bất cập mang lại, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các nhà làm phim nước nhà.

Nhân đây nói thêm về sự khóc khi xem phim. Nước mắt không phải chứng chỉ của phim hay. Nếu cần khóc tôi chả cần vào rạp, chỉ cần ra đường hai chục phút cũng đủ để khóc rồi. Cho nên có đạo diễn khen phim theo cách “tôi đã khóc năm lần” thì tôi cho rằng ông này hoặc rất kém, hoặc thiếu thành thật.

Xem phim có nhiều loại nước mắt. Có loại nước mắt do được cộng hưởng từ kí ức, có loại nước mắt do sự nghèo văn hoá, mù văn hoá sinh ra.

"Nước mắt không phải chứng chỉ của phim hay. Nếu cần khóc tôi chả cần vào rạp, chỉ cần ra đường hai chục phút cũng đủ để khóc rồi. Cho nên có đạo diễn khen phim theo cách “tôi đã khóc năm lần” thì tôi cho rằng ông này hoặc rất kém, hoặc thiếu thành thật" - Nguyễn Quang Lập

Tôi xem hai lần “Cánh đồng bất tận”, không biết có ai khóc không, chỉ nghe khán giả cười rộ ở những chỗ đạo diễn cố tình kiếm nước mắt. Tôi ngồi đắng ngắt, rất đau lòng.

Anh nhận xét Hải Yến vai Sương không có gì là dân miền Tây, gái điếm miền Tây. Quan trọng đâu phải là xuất thân của nhân vật hay diễn viên mà là diễn xuất thế nào. (Vai Sương, khác với truyện, đã được chuyển thành cô gái miền Tây gốc Bắc).

Diễn viên phải diễn xuất theo đúng nhân vật mà anh, chị ta sắm vai. Sương là gái điếm, hơn nữa gái điếm vùng sông nước miền Tây. Một loại nhân vật rất thú vị, có thể nói là loại nhân vật hiếm hoi của văn học và điện ảnh nước nhà.

Nguyễn Quang Lập
Nguyễn Quang Lập.

Hải Yến diễn rất nhiều, rất nỗ lực, nhưng càng diễn chị càng rời xa nhân vật. Nhiều khi chị quên mất mình đang sắm vai nào. Xem chị diễn, người ta dễ nhầm đó là cô gái ở phố phường nào đó bị lạc vào vùng sông nước miền Tây chứ không phải gái điếm miền Tây, ngoại trừ một câu thoại : “Chị làm gái”.

Còn Dustin Nguyễn vai ông Võ? Dù thế nào không thể phủ nhận Dustin là diễn viên có ngoại hình nam tính, hấp dẫn, ăn khách. Ngoài anh ra còn ai có thể đóng vai này - Thạch Kim Long chăng? (Phim “Rừng đen”, “Đừng đốt” - vai trung sĩ Hiếu tác giả câu “đừng đốt, trong này đã có lửa”).

Vai ông Võ rất khó nhưng đóng như Dustin thì ai cũng đóng được. Tôi không tin được là Dustin Nguyễn có thể chấp nhận lối diễn một màu, đơn điệu từ đầu đến cuối như vậy. Càng không thể tin anh nhầm sự cộc cằn sang hằn học.

Rất có thể đạo diễn đã buộc anh làm thế. Nhưng anh phải biết nói cho đạo diễn hiểu, anh ta phải diễn như thế nào để ra chất một người đàn ông bị đánh cắp hạnh phúc, nhét đau khổ xuống đáy tim để trở thành người đàn ông cộc cằn, đôi khi tàn nhẫn.

Anh cũng thuộc nhóm khán giả chê “bối cảnh phim quá đẹp so với sự bi thảm của câu chuyện”? Phải chăng ta đã quen “vừa nghèo vừa xấu” trong phim ảnh?

Nếu bi kịch của những con người đau khổ diễn ra trên cái nền thiên nhiên tuyệt đẹp thì bi kịch ấy càng đau đớn hơn. Nhưng phim này không như thế. Ở đây là sự nhầm lẫn ngôn ngữ chứ không phải sự xấu đẹp. Tôi không chịu nổi khi thấy những hình ảnh rất du lịch lẫn trong ngôn ngữ cine.

Nhà làm phim nước ngoài nhận xét “phim Việt thường là các trường đoạn kéo dài, không phải tác phẩm hoàn chỉnh”. Theo anh, điện ảnh Việt Nam còn có điểm đặc biệt yếu nào nữa?

Việt Nam không thiếu phim có cấu trúc hoàn chỉnh, thậm chí tốt. Cánh đồng hoang, Mùa len trâu, Bao giờ cho đến tháng mười v.v… không thể nói là một trường đoạn kéo dài được.

Thiếu ngôn ngữ, thiếu tư tưởng là đặc điểm dễ thấy của phim Việt.

Xem một số phim Việt Nam gần đây, thấy rằng nhất định phải có các phương tiện của nước ngoài, bàn tay của nguời nước ngoài tham gia thì mới chuyên nghiệp hoá được- nào đạo diễn hình ảnh, dựng phim, biên tập...Anh có nghĩ như vậy hay muốn những bộ phim “thuần Việt”, chân chỉ hạt bột?

Nhiều nhà sản xuất phim Việt thừa tiền để có công nghệ và các phương tiện nước ngoài. Cái thiếu rõ nhất cần cay đắng nhận ra: Thiếu tài. Chúng ta đang sống trong một môi trường mà tài năng rất khó sinh ra và phát triển.

“Hãy cứ được như Cánh đồng bất tận”

Nghệ sĩ Ưu tú Thu Hà  - Nhà hát kịch Việt Nam: Cảnh ông bố nổi lửa đốt nhà, hai chị em ôm nhau co quắp trên thuyền trong "Cánh đồng bất tận" rất hay. Cảnh cuối, cô bé Nương sắp bị cưỡng hiếp cũng rất sợ. Cảnh Sương bỏ đi cũng thương. Có thể chảy nước mắt ở cảnh đàn vịt bị tiêu huỷ. Rồi cảnh quan xã hành dân. Đời sống của nông dân thật quá mong manh, quá bất an, gây thương cảm.

Cái kết với hình ảnh cô bé Nương ôm bụng bầu nở nụ cười mãn nguyện xem chừng không ổn lắm. Có thể chủ ý của đạo diễn là để cô ấy cuời mãn nguyện vì sự thay đổi của ông bố, khi chứng kiến ông chèo đò chở bọn trẻ con đi học. Nhưng do dựng hay cắt thế nào đó mà lại thành ra Nương mãn nguyện vì cái bầu, kết quả của cuộc cưỡng hiếp. Cần phải có thời gian để có thể tha thứ và bằng lòng với bi kịch lớn như vậy.

Giọng Bắc của Hải Yến trong phim, theo tôi chả có vấn đề gì. Hình ảnh Nam Bộ sông nước mênh mông như thế, chả miền Tây là gì mà đòi hỏi phải miền Tây hơn nữa. Hải Yến đóng tốt nhất, Lan Ngọc cũng tốt nhưng có thể do bản năng. Dustin Nguyễn thì hơi đẹp quá so với nhân vật.

Quan trọng là phim đã lôi được khán giả đến rạp. Các đạo diễn của ta cứ làm được như thế đã, rồi hẵng chê. Và chế giễu những giọt nước mắt của khán giả tức là xúc phạm họ.

Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Quý - Hãng phim truyện Việt Nam: Lâu lắm mới xem một bộ phim mà ra khỏi rạp bị choáng, xúc động mạnh. Tôi không nói phim hay nhưng nó đánh động vào cảm xúc, vào lòng xót thương đồng loại.

Tất nhiên phim còn lỗi nhưng không nhiều và không lớn. Mạch phim đôi lúc rời rạc, vai của Hải Yến theo tôi bình thường, vai của Lan Ngọc tốt hơn. Một số cảnh chưa chân thực lắm ví dụ cảnh nóng của Dustin Nguyễn và Hải Yến. Vẫn biết diễn viên vừa phải diễn chân thực vừa phải đẹp, không được tự nhiên chủ nghĩa, nhưng cũng phải đúng với nhân vật.

Lâu nay tôi xem phim là xem ở góc độ khán giả. Tôi rất sợ mắc bệnh nghề nghiệp bới lông tìm vết mà chỉ quan tâm đến cảm xúc của chính mình.

MỚI - NÓNG