Xã tín - hồi một

Xã tín - hồi một
TP - Có một thứ niềm tin, không biết nên gọi là gì, tác giả tạm gọi nó là “xã tín”. Khác ở ta, có “tư tín” và có vẻ đang ngày càng ít đi. Ở các nước phát triển, “xã tín” đặt căn bản cho sự tồn tại an toàn xã hội. Anh La ở trong bài viết như là mặc định tên nhân vật mà tác giả gửi gắm.

Có câu hát Anh La nghe hoài mà vẫn thấy khó hiểu. Cái câu “thương con đò cắm con sào đứng đợi”.

Rồi mãi đến một ngày ông tác giả bài hát nọ mới giãi chuyện trên báo rằng xưa ông về quê, có cô Đò giới thiệu cô Sào cho ông vào một buổi, chỉ có thế, và rồi ông lại ra đi suốt bao lâu không để ý gì câu chuyện này nữa. Mãi sau này ông mới té ra là cô Sào vẫn ở không vậy chờ ông nhạc sĩ.

Anh La hiểu ra rằng ở xứ ta trước đây, người ta có chữ tín rất đặc biệt và cực kì mạnh mẽ.

Chữ tín này dựa trên những quan hệ cá nhân con người tin tưởng nhau mà lan tỏa ra, thường thì từ trong nhà, mở chút ra họ hàng, chút nữa ra làng nước, bạn bè. Và nhiều trường hợp thật cảm động, vượt quá cả sức tưởng tượng của nhiều người.

Có thể gọi đó là “tư tín”.

Thế giới mở mang, nói tình cờ, mà cũng là theo dòng thời cuộc, Anh La có dịp đi ra ngoài học hành, làm việc kiếm sống.

Anh La gặp một loại tín khác.

Lần đầu khi đến thành phố Balê, Anh La được một anh bạn mới quen chở xe chạy trong phố mà lạnh dúm cả người.

Cũng là đơn giản: đèn đỏ thì dừng xe dù là ba giờ sáng, còn đèn xanh thì cứ phóng theo tốc độ cho phép, cả giữa ban ngày đông đặc.

Cái đèn đỏ làm Anh La sốt ruột, thấy mình như ngơ, nhưng không làm mình sợ.

Cái đèn xanh mới bất hủ.

Anh bạn được một dãy đèn xanh liền nhau, cứ thế mà phóng xe.

Nhỡ ai chạy qua đường?

Nhỡ xe nào vượt đèn đỏ lao ngang qua ở ngã tư?

Nhỡ ông cà chớn nào thình lình quay lộn xe ngược chiều đối đầu?

Nhỡ ông nào rải đá rải đinh trên đường?

…Bao nhiêu câu hỏi tụ thành mồ hôi trên trán… Anh bạn cũng ra chiều đoán được. “Đừng lo quá Anh La à! Xã hội hoạt động trên niềm tin của nó!”.

Anh La học lái xe, rồi cũng lái được vào Balê như ai. Nhưng hiếm khi thôi, vì đường sá tắc nghẽn, đi metro khỏe hơn nhiều.

Một bữa có việc trong Balê nhưng sau đó sẽ phải xuyên qua Balê đi việc tiếp, Anh La đánh xe hì hụi vào đây.

Sau mươi phút vòng đi vòng lại góc phố phường, cũng còn là may, Anh La tìm được một chỗ đậu xe. Thật là một ngày lành.

Và hai mươi phút sau đã xong việc nơi đây, ngày đẹp trời có khác.

Nhưng xe Anh La đã bị kẹp cứng bởi một cái xe khác nữa đậu chặn đầu cách một gang bàn tay.

Năm phút ngó nghiêng, không thấy chủ xe kia đâu cả. Bên đường một ông già dẫn chú chó nhẩn nha đi dạo.

Anh La loay hoay lùi lùi tiến tiến. Không thể ra được! Tiến tiến lùi lùi…Đầu xe Anh La chạm nhẹ tấm chắn phía sau của xe trước.

Hai thanh niên lực lưỡng xuất hiện, tóc nhuộm một đỏ một xanh.

Hai ông này bắt đầu tự khám xe họ và chỉ ra hai chục vết thương đằng sau xe, đòi Anh La đền tiền.

Cãi nhau, không đi đến đâu cả.

Nghe tiếng chó sủa bên cạnh, hóa ra cụ già nọ xuất hiện.

- Tôi đưa chứng minh thư cho anh ghi tên tôi lại nhé.

Số điện thoại đây nữa.

Cứ làm biên bản, rồi ra tòa. Tôi sẽ ra làm chứng.

Tôi sẽ nói rõ rằng chiếc xe phía trước đậu vào chỗ cấm đỗ, máng vỉa hè chỗ ra vào của một nhà xe riêng.

Xe của anh, trong khi tìm cách chui ra khỏi chỗ đậu, di chuyển 5km/giờ. Không thể nào gây ra những vết xây xước nặng nề như thế kia cho xe đằng trước.

Thế nhé.

Đến lúc này hai thanh niên nọ huýt sáo, phảy tay, lên xe và biến.

Anh La vẫn ngơ ngác, rồi cảm ơn cụ già, đoạn lẩm bẩm “không hiểu mấy tay này từ xứ nào đến mà lố bịch vậy hả cụ”.

- Họ là người Balê chính cống đấy thôi. Mà sao anh lại hỏi thế?

Thôi chúc anh một ngày tốt đẹp!

Anh La không biết gọi cái tín này là gì, cho nó chữ “xã tín” vậy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG