Thầy Hiến với học trò

Thầy Hiến với học trò
TP - Vào giờ Tý (23 giờ ngày 24-1-2011) đầu ngày 22 tháng Chạp âm lịch năm Canh Dần, thầy Hoàng Ngọc Hiến - nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Hữu Nghị sau ít ngày phát hiện ra căn bệnh ung thư đường ruột, thọ 81 tuổi. Hà Nội những ngày giáp Tết buốt lạnh lại càng thêm buốt lạnh hơn.
Ai đó đã từng nói: “Muốn hiểu về người thầy hãy nhìn học trò của anh ta”. Học trò của thầy Hiến không chỉ có nghĩa với thầy mà còn không làm thầy phải hổ thẹn.
Ai đó đã từng nói: “Muốn hiểu về người thầy hãy nhìn học trò của anh ta”. Học trò của thầy Hiến không chỉ có nghĩa với thầy mà còn không làm thầy phải hổ thẹn..

Là một người học trò nhỏ của thầy, người em và người bạn vong niên của thầy, tôi không thể kìm được nỗi tiếc thương trước mất mát này. Và kỷ niệm về những năm tháng thầy trò tại khóa I Đại học viết văn Nguyễn Du lại tràn về.

Trong 12 con giáp mà con người cầm tinh, có bốn con luôn là thầy của con người. Đó là bộ tứ: Tý - Ngọ - Mão - Dậu. Trong bốn con này, có con ngựa (Ngọ) là đặc biệt hơn. Ngựa vừa là thầy ở chỗ mang con người đi xa hơn nhiều lần đi bộ, nhưng lại vừa là người bạn đường tri kỷ. Con ngựa Xích Thố với Quan Công là một dẫn chứng đầy thuyết phục.

Không biết những người mang tuổi Canh Ngọ 1930 như thầy Hiến có nhiều người như thầy hay không? Nhưng đối với riêng thầy Hiến, cái tư cách đưa các học trò đi xa trong sự nghiệp, vừa là thầy, vừa là bạn thì có lẽ thầy là một điển hình thú vị. Nhờ những điều thầy làm cho trò như nói trên, thầy đã được các học trò đền đáp lại như một nghĩa cử hết sức nhân văn.

Khi thầy Hiến đang dạy học ở khu Bốn, một đêm có một người đội nón xùm xụp đến nhà tìm thầy. Anh nói nhỏ với thầy: “Em đã là học trò của thầy. Em vừa được nhận chức đội trưởng cải cách ruộng đất. Xem ra gia cảnh nhà thầy, nếu còn ở đây chắc chắn sẽ bị quy là địa chủ. Thầy nên bàn với gia đình rời khỏi đây, đến nơi nào đã làm xong cải cách ruộng đất thì định cư để bảo toàn gia đình”. Nhờ lời khuyên đó, gia đình và thầy đã được bảo toàn.

Cũng lại một học trò khác khi ấy làm Trưởng phòng tổ chức Bộ Giáo dục. Lúc xem lý lịch thầy Hiến khai để xét duyệt đi nước ngoài làm nghiên cứu sinh, đã phát hiện ra thầy khai hơi đơn giản về cái chết của cha mình - ông thân sinh ra thầy mất năm 1954. Nếu không khai rõ chết vì điều gì thì lý lịch sẽ bị đánh dấu hỏi rằng chết vì sao? Người học trò đã yêu cầu thầy mở ngoặc: “Ốm chết”. Thầy Hiến sau đó đã được sang Mátxcơva làm nghiên cứu sinh và trở về với tư cách “nhà nghiên cứu Maiakovsky”. Có lẽ, nhờ những người học trò ấy, thầy Hiến ngoài việc quan tâm đến học trò như những người thầy khác, còn có thêm một tình cảm khác thường hơn.

Năm 1979, cùng với bài viết về văn học hiện thực phải đạo, thầy Hiến còn là linh hồn mở ra trường Viết văn Nguyễn Du khóa đầu tiên. Ngoài việc lên lớp về triết học với những nhận định sắc bén về Mác – A ngghen, về Frớt, về Jung... thầy còn mời về trường bao người thầy xuất sắc như Trần Quốc Vượng, Hồ Ngọc Đại, Đặng Nghiêm Vạn ... Hồi ấy nghèo lắm mà sao vui quá. Chúng tôi - những người cầm bút từ chiến trường, từ công xưởng, từ ruộng nương về nhập học như đồng hạn gặp mưa. Những cơn mưa kiến thức mà các thầy cùng thầy Hiến ban tặng cho chúng tôi đã làm nên những vụ mùa văn học thời hậu chiến.

Theo trí nhớ không đầy đủ thì ngay trong khi đang học, tôi và Nguyễn Tùng Linh đã đoạt giải (nhì và ba) cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ 1981 - 1982. Hai nhà thơ đoạt giải nhất là Trần Đăng Khoa và Nguyễn Đình Chiến trở thành học trò khóa sau của trường.

Rất nhiều những tác phẩm nổi tiếng của Hữu Thỉnh, Thái Bá Lợi, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Lâm Thị Mỹ Dạ... đã được viết ra khi còn học ở trường. Mười năm sau thì văn học Việt Nam lại chứng kiến sự đăng quang của Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Tường) cũng đều là học sinh các khóa của trường.

Không chỉ chia sẻ với học trò khi đang còn theo học, thầy Hiến còn dõi theo sự phát triển của chúng tôi sau khi tốt nghiệp. Thầy mãi là người thầy của chúng tôi từ đó đến nay đã 30 năm và chắc chắn còn dài lâu. Không chỉ truyền cho học trò kiến thức uyên bác của mình, thầy Hiến còn đưa ra những nhận định về xu hướng văn học qua các thời kỳ biến động của đất nước.

Không chỉ dõi theo các học trò, thầy Hiến còn dõi theo những hiện tượng văn học cùng thế hệ chúng tôi như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Việt Hà ... Có lẽ cũng là số phận của người tuổi Ngọ như thầy, thứ nữ Hoàng Tố Mai của thầy đã chọn một học trò của thầy là nhà thơ Nguyễn Bình Phương làm phu quân.

Năm 2007, sau khi cùng các anh Nguyên Ngọc, Đào Hùng dịch các bộ sách triết học của nhà triết học Pháp Francois Jullion, một hôm thầy nói với tôi: “Có lẽ chủ nghĩa hậu hiện đại đã xác lập và khép lại đỉnh cao của nó. Đã xuất hiện một chủ nghĩa mới là chủ nghĩa cổ điển tự nhiên. Các cậu nên cùng tôi sang Mỹ để gặp một trong những người khởi xướng”.

Thế là thầy đưa tôi và nhà thơ Hoàng Trần Cương sang gặp giáo sư Frederik Turner tại Đại học Dallas. Vừa trao đổi với giáo sư Mỹ, thầy vừa dịch cho chúng tôi hiểu được cốt lõi căn bản của chủ thuyết này. Sự thuyết phục của thầy đã khiến giáo sư Mỹ phải lần đầu tiên đến Việt Nam vào mùa hè 2009 để tiếp tục bàn luận về chủ nghĩa này. Chuyến đi thú vị ấy đã được Frederik Turner viết khá dài trong tạp chí “American Art” - một tạp chí danh giá ở New York. Với chúng tôi, thầy Hiến không chỉ là thầy trong khi học mà còn là người thầy suốt đời.

Mới đây thôi, tại hội thảo “Văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực hôm nay” do Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật Trung ương đề xướng, thầy Hiến tuy đã yếu nhưng vẫn hùng hồn, tâm huyết và đầy thuyết phục trong tham luận về cái tiêu cực và cách thức quản lý nó.

Không chỉ học kiến thức ở thầy, chúng tôi còn nhiều chia sẻ với sự hồn nhiên của thầy trong đời sống. Sự hồn nhiên đã giúp thầy ở ngoài những vướng bận thường ngày, tập trung sức lực vào những điều lớn lao nhưng không bị già cỗi, trì trệ như nhiều đồng niên. Bởi vậy, nên những điều thầy truyền cho chúng tôi đâu chỉ riêng kiến thức mà còn cách học làm người.

Bài viết mà tôi thích nhất trong cuốn Tác phẩm chọn lọc của thầy là bài Hồi ức về triết gia Trần Đức Thảo. Bài viết đã đề cao tính vị tha của nhà triết gia lớn lao này. Thời Nhân Văn – Giai Phẩm, thầy Hiến đã từng có bài viết rất nặng về Trần Đức Thảo. Nhưng sự vị tha của nhà triết gia bằng những ứng xử tuyệt vời sau đấy đã làm trắc ẩn tâm hồn thầy Hiến. Có lẽ vì thế nên thầy Hiến luôn luôn dạy và cũng luôn luôn học ở đời mọi bài học làm người. Học cả ở học trò.

Thầy Hiến ra đi, để lại nền nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Việt Nam một khoảng trống lớn lao khó có thể bù đắp. Mong những dòng ngắn ngủi này như một nén hương tiếc thương trước anh linh của thầy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.