Tục 'giỗ sống' của người Nguồn

Chị Dung kính cẩn chăm sóc bữa ăn cho cha mẹ
Chị Dung kính cẩn chăm sóc bữa ăn cho cha mẹ
TP - Bắt đầu vào tháng Chạp người Nguồn ở huyện Minh Hóa (Quảng Bình) lại tỉ mẩn làm một mâm cơm thật ngon mang đến nhà ông bà, cha mẹ để tỏ lòng hiếu thảo. Người Nguồn gọi đó là tục "bưng cỗ Tết" hay "giỗ sống".
Vợ chồng chị Dung gánh cỗ đến nhà cha mẹ
Vợ chồng chị Dung gánh cỗ đến nhà cha mẹ.

Bữa cơm “bưng cỗ tết”

Một ngày đầu tháng Chạp, trong cơn mưa rả rích, chúng tôi có mặt ở nhà ông Đinh Minh Thừa (74 tuổi) và bà Đinh Thị Đài (72 tuổi) ở xã Xuân Hóa (Minh Hóa) đúng vào lúc vợ chồng người con gái út là Đinh Thị Dung và Đinh Văn Triều bưng cỗ Tết đến.

Sau khi chào cha mẹ, vợ chồng chị Dung dọn cỗ lên bàn. Mâm cỗ có đầy đủ những sản vật của Minh Hóa mà vợ chồng chị tự tay làm lấy: Cơm nếp, cơm tẻ, một con gà, thịt heo, cá khe, thân chuối rừng hầm với giò heo, bánh, rau rừng...

Dọn xong cỗ, vợ chồng chị Dung đứng vòng tay, lễ phép nói: “Năm hết, Tết đến, hôm nay chúng con làm mâm cơm dâng lên cha mẹ những món ăn ngon nhất. Mời cha mẹ dùng bữa. Chúc cha mẹ sức khỏe, hạnh phúc để sống lâu trăm tuổi cùng các con, các cháu” - anh Triển thay mặt vợ mời cha mẹ dùng bữa.

Ông bà Thừa ngồi vào bàn, vợ chồng chị Dung đứng cạnh, người rót rượu, người gắp thức ăn phục vụ bữa cho ông bà. Chị Dung cho biết: trong gần chục món ăn trên bàn chỉ có duy nhất thịt heo mua ở chợ về, còn lại là sản vật tự kiếm, tự có.

Chị Dung kính cẩn chăm sóc bữa ăn cho cha mẹ
Chị Dung kính cẩn chăm sóc bữa ăn cho cha mẹ.

Ông bà Thừa có đến 8 người con, hàng năm cứ vào tháng Chạp, ông bà đều nhận được 8 bữa cơm báo hiếu từ các con. Năm nay vợ chồng chị Dung là người đầu tiên “bưng cỗ Tết” cho ông bà. “Mấy đứa ở đây thì không nói làm chi, tui có 3 thằng con trai đi làm ăn xa, lập gia đình tận trong Nam, rứa mà năm mô cũng về “bưng cỗ Tết”. Thương các con đường xa ngái, khuyên can mãi mà mà bọn hắn không chịu nghe” - ông Thừa tâm sự.

Vượt cả thời gian và không gian

Theo ông Đinh Thanh Dự - nhà Minh Hóa học, luật tục “bưng cỗ Tết” hay “giỗ sống” là riêng có của người Nguồn (Minh Hóa), nhưng nó có từ bao giờ, xuất phát từ đâu thì đến nay vẫn chưa thể xác định.

Gia đình con cháu dù giàu hay nghèo, mâm cỗ to hay nhỏ thì cũng không thể thiếu các thức truyền thống

Có giả thuyết cho rằng: Từ xa xưa, có những người con đi làm ăn xa quanh năm không có điều kiện chăm sóc cha mẹ, đến trước Tết họ về mang những món ăn ngon nhất cho cha mẹ để tỏ lòng hiếu thảo. Thấy việc làm ý nghĩa, những người con sống ở gần bố mẹ cũng học theo và trở thành một phong tục truyền thống cho đến ngày nay.

“Người Nguồn quan niệm rằng, cha mẹ mỗi năm mỗi tuổi, ngày càng già yếu. Khi cha mẹ còn sống thì phải chăm sóc ăn uống tươm tất, chứ đến khi về với tổ tiên rồi thì có muốn báo hiếu cũng chẳng được nữa nên mới có tên gọi là “giỗ sống”.

Ngày xưa người Nguồn sống cực khổ, thức ăn chính của họ là bồi (bột ngô trộn với sắn hấp lên) ăn với ốc khe nên không thể chăm sóc chu tất hàng ngày cho cha mẹ. Có lẽ chính vì thế mà người Nguồn cố gắng mỗi năm một lần làm mâm cơm thật ngon dâng cha mẹ. Tục lệ này vừa thiết thực, vừa mang tính nhân văn sâu sắc” - ông Dự nói.

Mâm cơm không thể thiếu những thức truyền thống của người Nguồn Minh Hóa
Mâm cơm không thể thiếu những thức truyền thống của người Nguồn Minh Hóa.

Theo ông Dự, gia đình con cháu dù giàu hay nghèo, mâm cỗ to hay nhỏ thì cũng không thể thiếu các thức truyền thống của người Nguồn. Càng nhiều thức tự tay làm lấy thì càng thể hiện sự thành kính đối với cha mẹ. Muốn “bưng cỗ Tết” phải thông báo trước một ngày cho cha mẹ biết để không nấu cơm và tránh trùng với người con khác. Khi mâm cơm được dâng lên, con cháu lần lượt sẽ nói với ông bà, cha mẹ những lời sám hối nếu như trong năm qua mình phạm phải điều gì làm phiền lòng các bậc sinh thành.

Có lẽ rất ít có một luật tục nào của người dân tộc thiểu số lại có sức sống mãnh liệt vượt cả thời gian, không gian như tục “giỗ sống” của người Nguồn Minh Hóa. Các tộc người khác sống trên địa bàn nay cũng học theo và xem đó như một truyền thống tốt đẹp. Thậm chí những người dưới xuôi lên làm ăn, ở Minh Hóa cũng học theo và về thực hiện cho ông bà, cha mẹ mình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG