Khổ như đi hội

Xoè tay xin ấn đền Trần Ảnh: Nguyễn Hoàng
Xoè tay xin ấn đền Trần Ảnh: Nguyễn Hoàng
TP - Thay vì 'vui như hội', nay nên bổ sung khái niệm 'khổ như hội' tùy theo vai trò của bản thân đối với lễ hội: Người đi lễ hay người nhận lễ.

> Từ câu chuyện ấn Đền Trần

Xoè tay xin ấn đền Trần Ảnh: Nguyễn Hoàng
Xoè tiền xin ấn đền Trần. Ảnh: Nguyễn Hoàng.

Cứ mỗi dịp lễ hội, báo chí lại tràn ngập thông tin về những phiền toái, bất cập của lễ hội; những bức xúc, thậm chí thiệt hại về sức khỏe, vật chất và tinh thần của người đi hội. Quanh đi quẩn lại năm nào cũng bằng ấy thứ: Tự mình chen chúc dẫn đến ngất xỉu, bị chèo kéo, bị móc túi, bị các dịch vụ chặt chém, bị xin đểu (bởi những kẻ giả dạng hành khất)…

Tất nhiên năm nào BTC các lễ hội cũng có biện pháp cải thiện tình hình nhưng tình hình vẫn không cải thiện là bao. Vì hình như mỗi năm lượng người tham dự các lễ hội lại đông hơn trước. Chứng tỏ người dân vẫn tín nhiệm lễ hội, với tất cả những mặt trái.

Trong đời, được và mất luôn song hành. Muốn được cái này thì ta phải bỏ cái kia. Việc tín ngưỡng có khi cũng vậy. Để lời cầu xin có thêm sức mạnh, người đi lễ không chỉ cần sắm lễ dâng lên các vị Thần, Phật mà còn phải chịu các khổ nạn trên đường dâng lễ. Muốn đoạt ấn đền Trần thì phải xông vào chen chúc, thậm chí giẫm đạp lên nhau.

Có lẽ cảm giác tranh giành với người khác đã làm cho người ta thêm phấn khích, lễ hội đền Trần thêm hấp lực. Người xin được ấn thì yên tâm về một năm nhiều lộc. Một số khác thì có ngay lộc bằng cách bán lại tờ ấn mà họ vừa xin được. Lãi có khi chỉ vài chục nghìn, không biết có bõ công chen tuột cả dép.

Nếu tước bỏ các nội hàm tâm linh, tín ngưỡng, cầu lợi…, thì việc đi lễ hội hằng năm khá là nhàm chán. Nhưng chính phần lễ nhiều khi làm hại phần hội. Khi người ta phóng đại tác dụng vô hình của lễ nghi, lập tức hội trở thành một hiện tượng gây mệt mỏi cho xã hội và còn tiềm ẩn những nguy hiểm chết người có thực.

Những phàn nàn của người đi lễ hội đều có lý của nó, nhưng chính họ đã chấp nhận tham gia lễ hội sau tất cả phiền toái và cả hiểm nguy được báo trước. Thực tế cho thấy hình như đa số người dân đi lễ hội để cầu may hơn là cầu vui.

Có khi chỉ cần mở rộng khái niệm lễ hội để chúng ta sẵn sàng hơn trong việc chấp nhận thương đau. Rằng lễ hội là một cuộc hành xác, cuộc cạnh tranh quyết liệt, có thể đầy bạo lực và rủi ro. Và nếu bạn có đủ lý do để dự hội thì có lẽ khỏi nên kêu ca.

Các lễ hội truyền thống ở ta bao giờ cũng liên quan mật thiết tới một địa chỉ tâm linh, mang tính thờ phụng. Vì vậy hoàn toàn có thể coi việc đi lễ là những cuộc hành hương. Và như thế, có thể nhìn sang cuộc hành hương nổi tiếng đến thánh địa Mecca của các tín đồ Hồi giáo để tự an ủi. Rằng thiệt hại của chúng ta so với cái được có vẻ như không đáng kể. Người dân đi lễ hội được về tâm lý. Còn những người tổ chức lễ hội thì được về tiền bạc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nam sinh THPT chuyên Lào Cai thắng cách biệt trận tháng, ẵm vòng nguyệt quế Olympia 24
Nam sinh THPT chuyên Lào Cai thắng cách biệt trận tháng, ẵm vòng nguyệt quế Olympia 24
TPO - Nam sinh Trường THPT chuyên Lào Cai Đặng Duy Khánh thể hiện phong độ thi đấu xuất sắc, liên tục dẫn đầu trong các phần thi và giành chiến thắng cách biệt so với ba người cùng chơi trong trận tháng đầu tiên quý III Đường lên đỉnh Olympia 24. Cùng với vòng nguyệt quế tháng, Khánh đã ghi tên vào trận thi quý III.