Trẻ dáng nâu ... đi xích lô

Trẻ dáng nâu ... đi xích lô
TP - Trong đời tôi cho đến giờ mới chỉ có hai lần bị ngã xe máy, trong đó, một lần là do chở Nguyễn Trung Bình. Vết sẹo ở đầu gối tôi hiện giờ vẫn còn, mỗi khi uống chút rượu bia là nó lại đỏ lên và ngứa như mới lên da non, dù việc xảy ra cách nay đã hơn chục năm.

Nhà thơ Nguyễn Trung Bình:

Trẻ dáng nâu ... đi xích lô

Tự nhiên lẩn mẩn nhớ vì sáng nay một thằng em làm thơ dưới xuôi gọi bảo bác viết xong bài Nguyễn Trung Bình chưa để chuẩn bị đưa vào tập. Bạn bè hồi Đại học văn khoa Huế đã in sách cho Nguyễn Xuân Hoàng, và giờ đang xúc tiến in cho Bình. Nguyễn Xuân Hoàng – Nguyễn Trung Bình, hai gã trai này tính cách khác nhau, sắc diện khác nhau, nhưng vẫn có nhiều điểm rất giống nhau: Cùng học một trường một khoa, cùng có những người bạn tốt, cùng rất lãng tử, rất đắm đuối với văn chương và cuộc đời, sống hết mình, chơi (văn chương) hết mình... và cùng hóa vào cát bụi từ khi còn trẻ, khi tài năng đang phát tiết.

Đặc sản Hơamon

Hôm ấy có nhà văn Linh Nga Niek Đăm, Bình bèn trổ tài... Hơamon (một lối hát, kể chuyện xưa của đồng bào Tây Nguyên). Lạ, hắn "mon" rất hay, bằng cách mang thơ ra đọc rống lên nhưng không có dấu, nghe đúng giọng già làng kể khan, mọi người cứ cười lăn cười bò. Tôi sợ chị Nga phật ý vì "chửi cha không bằng pha tiếng" nên nhéo hắn và nghiêm mặt dọa, nhưng hắn bô lô hỏi chị Nga luôn rằng chị có giận không, chị Nga bảo không, vui lắm, tiếp đi. Sau này thi thoảng ngồi đâu tôi lại xui Bình Hơamon "góp vui", và món này trở thành đặc sản của Bình...

Trưa ăn cơm kể chuyện với vợ, vợ tôi nhắc cái quạt mà Nguyễn Trung Bình mua cho nhà mình đang còn kia. Ừ nhỉ, hôm ấy chúng tôi uống với nhau khá say, đọc thơ bốc ngùn ngụt, chợt nhớ lời hẹn một người bạn học cùng lớp với tôi giờ làm TBT một tờ báo ở Đà Nẵng, lên Pleiku công tác đang ở một khách sạn ngoại ô.

Chúng tôi phóng ra, và trên đường chở Bình bằng cái xe CUP 81, tôi nhìn thấy một bóng người lờ mờ phía trước, thắng gấp và... xe ở lại người văng ra trong thế quỳ gối lệt xệt xuống lề đường đá dăm. Đến khách sạn thì người bạn đang ngồi... đánh bài với cấp dưới, như không hề có lời hẹn khi chiều.

Lúc này mới phát hiện là quần tôi bay cả mảng và đầu gối thì bị thủng rất sâu. Mọi người định bụng đưa vào bệnh viện nhưng tôi bảo thôi cứ về nhà cho vợ tớ nó xử lý. Tất nhiên là phải chịu càm ràm. Trời nóng và nhà tập thể, mái tôn hầm hập và tường táp lô ủ nhiệt như lò gạch. Nguyễn Trung Bình chạy ra phố mua một chiếc quạt về kê dưới chân tôi cho... đỡ đau.

Có dễ đã gần hai chục năm, chiếc quạt ấy bây giờ vẫn được nhà tôi sử dụng, dù nó đã bay các nút bấm, khi nào cần dùng chỉ cắm trực tiếp là nó quay.

Bình lăn lộn với tôi khá nhiều chuyến ở Pleiku. Thú thật, mỗi lần ngồi nhậu (hồi ấy rất hay nhậu, và nhậu rất khỏe, toàn rượu đế), tôi phải căn tính rất kỹ để kêu ai cùng ngồi chứ không thì rất dễ đụng độ với Bình. Nhà thơ Hương Đình là nhà giáo, hiền thế mà có lần cũng nổi sùng sục lên, đòi... trả tập thơ Bình mới nắn nót ký tặng, còn Bình thì sau đó cũng... anh chở em lên nhà “nó” đòi lại tập thơ. Tôi ở giữa đến khổ.

Có lần nửa đêm đang ở nhà tôi, nghĩ sao Bình bắt vào nhà Ngọc Cảnh, giờ làm ở tạp chí Điện lực ngoài Hà Nội, khi ấy làm cùng cơ quan với tôi, nhậu tiếp. Cảnh không uống rượu nhưng... nể, thế là trên cái xe Yamaha nam, ba thằng kẽo kẹt phóng. Được một đoạn thì xe xẹp lốp và trời thì vần vũ giông. Thế mà vẫn lầm lũi dắt xe hơn năm cây số ra nhà Cảnh ở tận gần Biển Hồ, đập vợ nó dậy, hình như nấu mì tôm, nhậu tiếp. Cảnh và vợ không ai biết uống rượu, nhưng rất chịu khó hầu, cứ ngồi hầu thế cho đến khi tôi thiếp đi trong tiếng đọc thơ vẫn sang sảng của Bình.

Lúc này Bình đã từ Đà Nẵng vào Sài Gòn sống. Trước đó anh tham gia cùng Trần Anh Hùng làm phim Xích lô. Trong phim, nhân vật nhà thơ kiêm tướng cướp (Lương Triều Vỹ đóng), thỉnh thoảng lại nghêu ngao đọc thơ … Nguyễn Trung Bình. Trong ba bài thơ trên phim, có bài “Sông”, nghe nghèn nghẹn làm sao ấy: “với một dòng sông vô danh/ta bật khóc chào trời xanh đất rộng/lạch nước đen/sâu hay nông ?/lớn cùng năm tháng ai trông đời mình/vô danh người/vô danh sông/hoa thì vô sắc/hương không thành lời …”. Tôi là sinh viên Văn khóa 1 của Trường đại học Tổng hợp Huế, nên được những khóa sau tôn là đàn anh, hồi ấy nghèo, thường là đàn anh phải bao đàn em, nhưng với Bình, bao giờ cà phê hoặc nhậu xong, y cũng móc ra một tệp tiền: Anh để em, Xích lô mà !

Tập Bài của trẻ dáng nâu của Bình ra đời được nhiều người nhắc, nhưng tôi gần như là người được đọc sau cùng, vì Bình bảo không muốn gửi cho tôi bằng đường bưu điện, mà muốn gặp tôi đưa trực tiếp và đọc trực tiếp cho tôi nghe. Và sau đấy rất lâu, Bình lên Pleiku với tư cách phóng viên một tờ báo nào đó. Anh ôm bia về nhà tôi, hồi ấy một thùng 33 là oách lắm, Bình khệnh khạng lộp cộp giày từ nhà trên xuống bếp, tôi phải bảo: Này không phải có thùng bia là có thể bắt tớ thành thằng lau nhà đâu nhé! Vợ tôi làm gà, xé bóp với một chậu bắp cải thái nhỏ và rau răm, xương nấu cháo.

Tôi kêu thêm mấy người bạn yêu văn chương, tất nhiên không thể thiếu nhà thơ Hương Đình và Phạm Đức Long. Ngồi ngay ngắn rồi, tua một vòng bia rồi, Bình trịnh trọng lấy thơ trong túi ra, trịnh trọng ký và trịnh trọng tặng chúng tôi tập thơ ấy. Nhưng đấy mới là đoạn đầu, đoạn sau, Bình bắt tất cả ngồi im nghe Bình đọc thơ, đọc hết cả tập.

Cái giọng Quảng Nam ngấm bia đọc vừa rền vừa nức nở, như quát mà lại như khóc, âm u ma quái hãi hùng mộng mị lắm. Không ngủ được vợ tôi cũng ra ngồi nghe. Vấn đề là chưa bao giờ vợ tôi đọc hoặc nghe thơ của tôi, mà hôm ấy nàng như bị Nguyễn Trung Bình thôi miên. Thơ thế mới là thơ chứ, hôm sau vợ tôi nói.

Hồi ấy Bình nổi tiếng lắm. Thi thoảng tôi đọc báo thấy nhiều người nhắc đến Bình như nhắc đến một nhân vật không thể không nhắc, nhắc đến mà không cần giải thích Bình là ai thì chứng tỏ Bình VIP rồi, thế nên lần đầu tiên anh đeo một cái túi lò dò tìm tôi ở khu tập thể Văn hóa trên đường Trần Hưng Đạo Pleiku làm tôi khá ngạc nhiên. Một gã trai trông khá hầm hố lại như lơ ngơ bởi cặp kính cận. Bình giới thiệu, có thể anh chả biết em đâu, nhưng em nghe các thầy nhắc anh nhiều, em là Nguyễn Trung Bình. Tôi cướp lời: Bình Xích lô. Bình ngạc nhiên: Anh cũng biết em ạ. Bảo: Chú nổi tiếng thế mà không biết thì anh có lỗi à ? Thực ra là do tôi chịu khó đọc, mà hồi ấy cái tên này rất hay trên mặt báo thì mình phải biết thôi. Mới đây nhà văn Trần Nhã Thụy lên Pleiku, đứng ở bưu điện thành phố điện cho tôi: Em là Trần Nhã Thụy, em đang ở Pleiku, muốn gặp anh một chút.

Tôi nói ngay: A Thụy, đang ở chỗ nào anh đến đón. Em ở Bưu điện trung tâm, mặc áo màu xanh, quần gin... tôi phóng gần đến gọi một cú nữa, thấy tay thanh niên rút máy ra nghe, ào đến đón y đi. Sau này ngồi với nhau Thụy nói: Lúc ấy nghe điện thoại mà anh bảo Thụy nào nhỉ là em bỏ đi luôn. Ấy lớp trẻ oách thế, may mà mình chịu đọc nên biết họ. Bình cũng thế. Tôi đùa Bình: này, chú tên Trung Bình, vào đời bằng Xích lô, anh thấy có vẻ vất vả đấy. Nó rút tiền ra, cả tệp: Vất vả cũng hơn anh nhiều. Trời ạ, chả lẽ tôi nói đùa, một cách vận chữ mà lại vận vào Bình như thế ư ? Sau này nghe nói Bình lận đận về vợ con, rồi lâm bạo bệnh...

Bình rất hiền, nhưng khi uống vào thì lại rất... dữ. Nhất là ai đó trong bàn mà vô tình nói xấu... văn chương. Trong lớp văn ở đại học Tổng hợp Huế của Bình, sau này có rất nhiều nhà báo chức sắc và tài như Hồng Hạnh giờ là phó Tổng biên tập Báo Thừa Thiên Huế, Minh Tự, Trưởng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Huế, Hoàng Thái, Phó phòng thời sự Đài Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng... nhưng Bình vẫn luôn tự hào: Cả lớp có mỗi tớ làm văn chương, mà là văn chương thứ thiệt ! Hồng Hạnh kể có lần vào Sài Gòn gặp Bình, Bình ôm đến một chồng tạp chí nói đọc đi, có thơ Hạnh đó. Hạnh đọc thấy tên nhưng... không phải thơ mình. Thì ra Bình làm thơ ký tên Hạnh rồi... đưa in. Tôi biết rằng, bây giờ mỗi khi ngồi với nhau, chả cứ lớp Bình, mà cả các khóa khác, các thầy cô nữa, vẫn nhắc đến Bình với tất cả mọi chiều của tính cách anh chàng nửa như ngựa bất kham nửa lừ đừ như từ ngày rằm ấy, như một hiện tượng, một cá thể thi sĩ góc cạnh sống hết mình và cũng lãng mạn hết mình.

Là cái đận Khoa Việt Nam (Nhà thơ nhà báo Đặng Ngọc Khoa, phóng viên báo Thanh Niên) bị ung thư, chúng tôi theo dõi bệnh tình của anh qua điện thoại và... blog. Một hôm lại có một cái comment chi đó liên quan đến Nguyễn Trung Bình. Rồi hôm Khoa mất, bạn bè tổ chức một đêm thơ ngay trước quan tài Khoa, suốt đêm. Đêm ấy từ Sài Gòn Bình đọc qua điện thoại cho bạn bè một bài thơ viếng Khoa. Mấy ngày sau thì Bình đi. Lúc ấy Bình đã bệnh nặng rồi. Lại cũng nhờ internet và blog mà tôi biết bạn bè Đà Nẵng đã đón Bình về với gia đình rất ân tình, và lại cũng có một đêm thơ như thế để sáng mai tiễn Bình đi mãi. Như điềm báo trong những câu thơ cuối cùng của tập thơ: “Cuộc đi của đứa trẻ đã về/ tay trắng/dáng nâu” ...

Thời Bình, tập Trẻ dáng nâu là một tập lạ. Thơ hồi ấy phần lớn là phẳng lặng, Bình nổi lên như một thi sĩ trẻ chịu khó cách tân, tìm tòi và lập ngôn hiện đại. Khi ấy nhắc đến thơ trẻ Việt Nam là có Nguyễn Trung Bình. Mà ngay bây giờ, khi ngồi đọc lại, thấy Bình cấu tứ và sử dụng hình ảnh từ thời ấy rất mới và tươi chữ. Những năm tháng cuối đời, Bình ào ạt viết trong tâm thế dữ dội, khác lạ, một loại thơ trần sì đô thị đọc lên vừa nghe vị nhám sạm của lốc bụi đô thành, vừa có vị mặn của nước mắt cô độc …

Trẻ dáng nâu ... đi xích lô ảnh 1
Nhà thơ Nguyễn Trung Bình (1968 – 2009), quê Duy Xuyên, Quảng Nam, từng làm báo, phim tài liệu, biên tập viên NXB Lao Động (Chi nhánh TP HCM).

Đã in các tập thơ Miền mây trắng (thơ 4 tác giả - 1994); Bài của trẻ dáng nâu (1996); Thơ Nguyễn Trung Bình (2009) …

Đồng tác giả lời thoại kịch bản phim Xích lô (giải Sư tử Vàng – Liên hoan phim Venise, 1995 – Đạo diễn Trần Anh Hùng)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.