Bí người để trao?

Bí người để trao?
TP - Không có đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh 2011 về âm nhạc do đã “hết người”. Nhiều đề cử giải thưởng Nhà nước chưa đạt tiêu chí giải thưởng. Vậy nhưng từ nay cứ 2 năm lại có một đợt xét tặng. Giới chuyên môn nhận định ra sao?

> Tám nhạc sĩ phản đối đề cử Giải thưởng Nhà nước về âm nhạc

Một số nhạc sĩ từng nhận giải thưởng Nhà nước (từ trái sang): Phó Đức Phương (2001), Trần Tiến, Nguyễn Cường (2007)
Một số nhạc sĩ từng nhận giải thưởng Nhà nước (từ trái sang): Phó Đức Phương (2001), Trần Tiến, Nguyễn Cường (2007).
 

Chưa xứng hay thiệt thòi?

Một nhạc sĩ có tên trong đề cử giải thưởng Nhà nước đợt này so sánh không khí của hai cuộc gần đây: “Lần xét giải trước cách nay 5 năm, danh sách đề cử ngay từ vòng cơ sở đã được công bố rộng rãi để toàn dân góp ý. Có lẽ sự công khai đó dẫn đến dư luận phức tạp, kết quả có người phải tự rút khỏi đề cử, cho nên lần này hoàn toàn bí mật. Chỉ có một số vị (bị loại) tự tìm hiểu được, và rồi lại có chuyện phản đối, thậm chí kiện cáo”.

Về sự công khai hoá của lần xét giải trước, nhạc sĩ này nhớ lại: “Lần đó tôi được một nhạc sĩ gọi từ bệnh viện, cho biết đọc báo thấy không có tên mình trong danh sách đề cử thế là tăng-xông phải nhập viện”.

Theo qui định, phải đạt 75% số phiếu của Hội đồng cơ sở mới có thể vào đề cử, gửi lên hội đồng cấp Bộ. Một nhạc sĩ kiêm cây bút lý luận phê bình - bị loại khỏi đề cử, phát biểu: “Có khi không nổi tiếng lắm lại dễ lọt hơn là nổi. Những lá phiếu này phụ thuộc cảm tính của Hội đồng cơ sở, ai không được lòng người chấm thì dễ thiệt thòi”.

Nay đã lần xét giải thứ tư, NSND Trung Kiên thành viên Hội đồng cơ sở phát biểu trên báo “đến lần thứ ba đã không có cá nhân vượt trội, và các cá nhân không công nhận nhau”. Tuy nhiên đợt ba đó (2007) vẫn đầy những tên tuổi như: Nguyễn Cường, Trần Tiến, Trần Long Ẩn, Vũ Thanh...

Một nhạc sĩ khác nói (đa số giới trong nghề phát biểu về vấn đề này đều đòi giấu tên): “Mỗi tác giả được giải ít nhất phải có một tác phẩm để đời. Không kể cây đa cây đề đã đoạt giải lần trước, nếu chỉ nói sau này thì ví dụ nhắc Văn Thành Nho người ta nhớ Đất nước lời ru, nói Lê Việt Hoà là nghĩ ngay đến Chiếc nón bài thơ, Trương Tuyết Mai có Huế tình yêu của tôi. Trong số 28 vị vào đề cử lần này, không kể dân khí nhạc, thì nhạc sĩ viết ca khúc không phải ai cũng có ca khúc để nhớ. Có người viết báo (âm nhạc) cả đời cũng không nhớ được bài nào”.

Lại cơ chế xin - cho

Ngoài giá trị nghệ thuật cao, tác giả đoạt giải thưởng Nhà nước phải đáp ứng nhiều tiêu chí khác: “Có giá trị cao về nội dung tư tưởng; có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng; có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân; góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp văn học, nghệ thuật của đất nước; quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước, dân tộc, con người Việt Nam; xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.” (Theo thông báo của Hội Nhạc sĩ VN về việc xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước về VHNT năm 2011).

Với hàng loạt tiêu chí to tát như thế, thử hỏi có bao nhiêu tác giả đề cử đợt này có thể đáp ứng. Có thể có những nhạc sĩ chuyên viết khí nhạc và được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng đại chúng không biết đến thì coi như vẫn không đạt tiêu chuẩn “ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân” và một số tiêu chuẩn khác.

Cũng có ý kiến cho rằng phải chăng thiếu tác phẩm phù hợp, không đủ người đáp ứng tiêu chí giải thưởng đặt ra, dẫn đến việc tranh cãi quanh danh sách đề cử. Một người trong nghề nói: “Từ lần đầu tiên xét danh hiệu NSND những năm 1980, nói tới những người đạt danh hiệu này công chúng còn biết chứ hỏi NSND bây giờ, chính tôi trong nghề còn chưa bao giờ nghe tên.” Câu nói này cũng có thể áp dụng cho đề cử giải thưởng Nhà nước về âm nhạc năm nay.

Việc mời các ứng viên tự lập hồ sơ trình lên mang tính chất xin-cho e không được trang trọng và khá bất cập. Khi có xin mà không có cho thể nào cũng gây tranh cãi, kiện tụng ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của giải thưởng cũng như của chính giới nghệ thuật.

Việc mời tác giả làm hồ sơ rồi lại trả lại nguyên đai nguyên kiện, nguyên dấu niêm phong, dù được lý giải cách gì, cũng thể hiện sự quan liêu, thiếu tôn trọng tác giả.

Chẳng hạn giải Nhà nước, Hồ Chí Minh yêu cầu nhạc sĩ nộp 5-7 ca khúc, mỗi ca khúc 4 bản. Cũng như thế, nhà lý luận phải nộp 5-7 cuốn sách, mỗi cuốn 4 bản. Có những người tham gia viết 1-2 cuốn trong một bộ sách nghiên cứu gồm nhiều tập sẽ phải mua vài bộ sách chỉ để lấy đưa vào hồ sơ. Và hội đồng sẽ thẩm định chi tiết các cuốn sách đó?

Nên thay đổi?

Năm nay không có giải thưởng Hồ Chí Minh đơn giản vì không có đề cử. Nhạc sĩ Văn Chung được trao giải thưởng Nhà nước (2007) nhưng gia đình kiên quyết không nhận nếu không phải giải thưởng Hồ Chí Minh.

5 năm/lần đã thấy “bí” người để trao. Vậy mà thông tư 03/2010/TT-BVHTTDL ra năm ngoái, qui định xét giải thưởng Nhà nước 2 năm/lần vào dịp Quốc khánh (giải thưởng Hồ Chí Minh vẫn 5 năm/lần). Hỏi quan điểm về vấn đề này, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc- có tên trong đề cử năm nay, phát biểu:

“5 năm/lần đã dày rồi. Giải thưởng Nhà nước và Hồ Chí Minh trong âm nhạc khá đề cao yếu tố chính trị, nên những người đáng thì đã được rồi, không xứng đáng thì cũng loại rồi. Một giai đoạn của đất nước đã khép lại và chúng ta nên chuyển sang hình thái mới. Lần này có 28 đề cử là đã hơi nhiều.

Không nên tư duy kiểu Liên xô cũ nữa. (Giải thưởng Nhà nước hay giải thưởng Hồ Chí Minh của ta học theo kiểu Liên xô, với hệ thống các giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Lenin hay giải thưởng của Hội đồng Bộ trưởng).

Nhìn vào đề cử năm nay cũng như năm trước ai cũng thấy yếu tố mặt trận: Nào ca khúc - khí nhạc - lý luận phê bình. Nào vùng miền. Nào nam nữ. Nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn mà không ảnh hưởng lớn tới xã hội à, nhưng giải xét theo kiểu phải sống và lớn lên ở chế độ ta, dưới bầu trời này - chủ nghĩa xã hội. Như tôi chủ yếu viết tình ca nhưng tôi sống ở chế độ này nên người ta vẫn công nhận.

Nếu xét theo hiệu ứng xã hội thì Trương Quý Hải với Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, hay Duy Thái với những bài tình ca cũng ảnh hưởng lắm chứ. Trong giai đoạn mới của đất nước có lẽ ta nên chọn cách khác phù hợp hơn với đời sống âm nhạc hôm nay”.

Thiết nghĩ nhà nước xét thấy tác giả tác phẩm nào xứng đáng thì cứ lập hội đồng tiến cử, xét duyệt và trao tặng. Nếu tạm thời chưa có ai xứng đáng thì tạm ngừng trao cũng là hợp lý và chỉ càng làm giải thưởng tăng giá trị. Hoặc ít nhất cũng phải thay đổi tiêu chí.

Một nhà nghiên cứu âm nhạc phát biểu: “Từ lần đầu tiên xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân những năm 1980, nói tới những người đạt danh hiệu này công chúng còn biết chứ hỏi Nghệ sĩ Nhân dân bây giờ, bản thân tôi trong nghề còn chưa bao giờ nghe tên.” Câu nói này cũng có thể áp dụng cho đề cử giải thưởng Nhà nước về âm nhạc năm nay.

 

Đề cử giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2011 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam:

Đỗ Hồng Quân, Nguyễn Đức Trịnh (Đức Trịnh), Nguyễn Trọng Đài, Nguyễn Thập Nhất (Thập Nhất), Vũ Tự Lân, Võ Thành Chính (Vũ Thành), Nguyễn Văn Tiến (Nguyễn Tiến), Nguyễn Hoàng Lân (Hoàng Lân), Trương Đình Quang, Nguyễn Văn Ngọ, Trần Hồng, Bùi Anh Phò (Thanh Anh), Bùi Đức Hạnh, Lê Lan, Dương Viết Á, Trần Trí Thanh (Trí Thanh), Lê Tịnh, Tố Trắp (Tố Hải), Võ Thành Khôi (Vĩnh Lai), Nguyễn Đình Chín (Nguyễn Chính), Cát Văn Vận (Cát Vận), Ngô Quốc Tính, Nguyễn Phú Quang (Phú Quang), Nguyễn Ngọc Thiện, Doãn Hùng Tiến (Doãn Tiến), Đỗ Minh Quang (Minh Quang), Đặng Hữu Phúc, Nguyễn Văn Hiên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.