Theo 'bồ trẻ' truyền hình, bỏ 'vợ già' điện ảnh

Nhà biên kịch Lê Phương (trái): Mừng vì điện ảnh đã chạm đáy. Ảnh: Hoàng Tuấn
Nhà biên kịch Lê Phương (trái): Mừng vì điện ảnh đã chạm đáy. Ảnh: Hoàng Tuấn
TP - Hy vọng điện ảnh VN chạm đáy là mong muốn của nhiều nghệ sĩ tại hội thảo “Điện ảnh Việt Nam thực trạng và giải pháp” ngày 25-9, bởi nếu điện ảnh có tới đáy mới mong đi lên trong thời gian tới.

> Cho thôi chức Cục trưởng Điện ảnh
Điện ảnh trong vùng thảm họa

Nhà biên kịch Lê Phương (trái): Mừng vì điện ảnh đã chạm đáy. Ảnh: Hoàng Tuấn
Nhà biên kịch Lê Phương (trái): Mừng vì điện ảnh đã chạm đáy. Ảnh: Hoàng Tuấn.
 

Tiếng là hội thảo về thực trạng và giải pháp, nhưng như lời rào đón của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam: Không nên nhắc đến những chuyện đau lòng của trận bão vừa càn quét nền điện ảnh Việt thời gian qua. Hội thảo dành cả ngày 25-9 tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội) để hiến kế, hướng đến tương lai tươi sáng hơn của điện ảnh nước nhà.

NSND Bùi Đình Hạc mở đầu cho hàng chục ý kiến đại diện giới điện ảnh, bằng việc đề xuất có Hội đồng tư vấn cho bộ trưởng. “Phải có bộ máy đánh giá lại toàn bộ vấn đề điện ảnh xem ưu, nhược điểm thế nào kể từ thời ra đời đến nay. Phải xem chất xám ngành điện ảnh chảy đi đâu? Ở các nước, lĩnh vực văn hóa, điện ảnh đều phải hỏi chuyên gia hết. Ở ta, trí tuệ, chất xám không tập trung, để teo tóp, lộn xộn hết”.

Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Lưu Trọng Hồng cho rằng, muốn tháo gỡ khó khăn, trước tiên phải nhận thấy cơ chế hoạt động điện ảnh chưa phù hợp, cần thay đổi quan điểm của lãnh đạo đối với điện ảnh. Điện ảnh Việt chưa thể dùng từ công nghiệp điện ảnh, ta không thể đốt cháy giai đoạn. Các nghệ sĩ bị đối xử tệ, sản phẩm điện ảnh bị đánh đồng với các sản phẩm công nghiệp khác, khi phải đấu thầu.

Nhà biên kịch Lê Phương ngắn gọn, rằng căn bệnh của ta là bệnh không có tài. Tác giả kịch bản Biệt động Sài Gòn lấy làm mừng vì điện ảnh đã xuống tới đáy.

Chưa bao giờ nghệ sĩ điện ảnh bị coi thường đến thế. Tất cả chạy theo cô bồ trẻ truyền hình, bỏ rơi vợ già điện ảnh” - Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn.

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn phát biểu: “Từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, điện ảnh bị ứng xử tệ. Các cấp quản lí đòi hỏi nghệ sĩ-chiến sĩ văn hóa trở thành con buôn. Chưa bao giờ nghệ sĩ điện ảnh bị coi thường đến thế. Tất cả chạy theo “cô bồ” trẻ truyền hình, bỏ rơi “vợ già” điện ảnh”. Ông không quên nhắc câu chuyện trụ sở số 4 Thụy Khuê- trụ sở hãng phim truyện ở vị trí đắc địa, nhưng hoang tàn.

NSƯT Phạm Minh Trí chia sẻ: Các nhà quản lí đặt nhiệm vụ, mục tiêu gì cho điện ảnh sắp tới? Từ lâu rồi giới điện ảnh không rõ tiêu chí nào để phấn đấu. Vấn đề là nhà nước hỗ trợ thế nào, và cách nhà quản lí nhìn điện ảnh. Bởi với ngôn ngữ đặc thù, điện ảnh làm nhiệm vụ giới thiệu văn hóa Việt. Trước mắt, hãy làm việc gì chúng ta thích, đủ tầm nhưng nhỏ gọn, giải quyết từng việc một.

Vụ thất thoát gần 40 tỷ đồng vừa rồi ở Cục Điện ảnh, theo NSƯT Hà Bắc “cũng có cái may”. Nếu không có sự kiện chấn động đó, điện ảnh vẫn đều đều, hằng năm vẫn báo cáo đạt chỉ tiêu. Sự kiện đó cũng là dịp quy tụ khoảng 50 nghệ sĩ điện ảnh đến khơi lại những vấn đề tuy cũ, nhưng cần làm tươi mới, tìm phương pháp.

Hội nghị này làm cho người làm điện ảnh biết rằng quan điểm thời bao cấp chưa hết. Nhiều ý kiến, lời kêu ca là sản phẩm của thời bao cấp, thời của xin cho. Nói như ai đó, điện ảnh hãy tự sống đi đã, đừng cứ chờ vào Nhà nước. Có vẻ như, chưa đến thời điểm ngành điện ảnh tìm ra lối thoát - Nhà biên kịch Lê Phương.

Phản bác ý kiến trước đó cho rằng nên bỏ duyệt, đấu thầu điện ảnh, NSƯT Hà Bắc nói đấu thầu không dở, vì không chỉ có chuyện tiền, mà quan trọng là chủ đề, chất lượng và người quản lí có tâm, có biết nhìn người không.

Đạo diễn Vũ Xuân Hưng cho rằng, muốn giải quyết vấn đề ngành điện ảnh, phải trả lời 2 câu hỏi: Cấp lãnh đạo có quyết tâm, quyết liệt trong chấn hưng? Điện ảnh làm thế nào tự đứng vững trên đôi chân mình? “Điện ảnh lâu nay dù ở tuổi 50 nhưng hành xử như đứa trẻ mẫu giáo, khi nào cũng xin tiền”.

Chia sẻ quan điểm này, ông Đinh Trọng Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Thế giới điện ảnh: “Chúng ta có tương đối đầy đủ cơ sở tốt cho ngành điện ảnh. Nhà nước quan tâm, đầu tư không ít cho các phim, cấp tiền xây trụ sở cho hãng phim. Nhưng phim càng ngày càng chán, càng dở, người có khả năng lần lượt bỏ đi”. Ông đề nghị các cấp quản lí xem lại, tại sao đầu tư xây cơ sở, phim vẫn yếu.

Coi mình giống hình ảnh Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, tân Cục phó Phụ trách Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan nói đây là dịp may mắn được dự “Hội nghị Diên Hồng” của ngành điện ảnh.

Ngoài những ý kiến nêu trên, nghệ sĩ đến hội nghị với nhiều đề xuất tâm huyết: cần đầu tư, đào tạo nhân lực để có người tài; quy hoạch điện ảnh thành một mối, tránh phân tán như bây giờ. Gánh trên vai trách nhiệm nặng nề sắp tới, TS Ngô Phương Lan nói rằng, tuy sức người có hạn, nhưng với cương vị lãnh đạo Cục Điện ảnh, bà cố gắng tháo gỡ dần, đi từ những việc nhỏ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG